Ai cũng có quyền tự do quan niệm và tự do phát biểu quan điểm; quyền này bao gồm quyền không bị ai can thiệp vì những quan niệm của mình, và quyền tìm kiếm, tiếp nhận cùng phổ biến tin tức và ý kiến bằng mọi phương tiện truyền thông không kể biên giới quốc gia. - Điều 19, Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền

29/3/11

Chép phạt: Giáo dục hay trừng phạt?

PN - Đi trễ: chép phạt nội quy, không thuộc bài: chép phạt, làm bài sai: chép phạt. Việc lạm dụng hình phạt “bất thành văn” này trong trường học đã không còn giữ được hiệu quả giáo dục ý thức học sinh như mục đích ban đầu; ngược lại, chép phạt càng khiến các em trơ lì, ức chế.
Chép phạt 100 lần
Tuần qua, học sinh N.T., trường THPT Gò Vấp, TP.HCM đã email “cầu cứu” Báo Phụ Nữ vì không chịu nổi cảnh chép phạt. “Em bị chép phạt bài thơ Tràng giang, tiểu sử tác giả, phân tích tác phẩm dài bốn trang giấy. May mà thầy thương tình chỉ cho em chép 10 lần, thời gian trả nợ là một tuần nên em không phải dán salonpas. Nhiều bạn sau khi chép phạt, tay cứng đờ luôn”, N.T. kể. Còn em N.H., trường THPT Marie Curie (Q.3) than: “Chép phạt công thức toán, lý, hóa giúp tụi em nhớ bài, nhưng mấy môn xã hội văn, sử, địa mà bắt chép lại tràng giang đại hải thì đuối lắm! Thầy cô cứ hăng hái cho HS chép phạt, HS phải tuân thủ nhưng “bình loạn” sau lưng thầy cô rằng biện pháp này là “nhảm”, không hiệu quả”.
Theo các HS, chép phạt không cá biệt ở một vài trường, một khu vực mà mang tính phổ biến. Dường như, ngành  GD - ĐT chỉ mới chú trọng đổi mới phương pháp giảng dạy chứ chưa cải tiến đồng bộ hình thức giáo dục HS. Bất kể độ dài ngắn, nhiều giáo viên (GV) bắt HS chép 10 lần, nếu tái phạm là 20 lần, thậm chí lên 50 lần nếu không biết hối cãi. HS không chỉ trở thành cái máy chép mà hình phạt này còn ảnh hưởng đến những môn học khác. Một HS trường THPT Bình Phú, (Q.6) ngán ngẩm kể vòng luẩn quẩn của chép phạt: môn sử không thuộc bài bị bắt chép 10 lần cho bài học dài bốn trang, tổng cộng là 40 trang. Chép xong thì cũng đã hết thời gian học bài tiếp theo, học bài môn khác. Lại tiếp tục chép phạt, bị điểm xấu những môn khác. Tương tự, một PHHS trường THPT Nguyễn Hữu Thọ (Q.4) cũng bức xúc: “Có HS phải chép phạt môn toán với lý do… làm bài sai, với hình phạt là 50 lần, 100 lần.  Chép phạt một bài toán sai không làm HS thông minh hơn, làm toán đúng hơn mà chỉ làm các cháu mất thời gian vô ích, không có thời gian học các môn khác”. 
Bị hành hạ đôi bàn tay, nhiều HS ao ước: thà bị điểm không - “đau” một lần rồi dứt còn sướng hơn chép phạt. Những HS gia cảnh khó khăn, ngoài việc học còn phải làm việc nhà hoặc làm việc để đóng tiền học. Vậy mà phải ngồi ì ạch một chỗ chép chép, ghi ghi. Chép xong chẳng nhớ mà hao giấy, hao mực, tốn thời gian, thể xác (tay đau, đầu nhức) mệt mỏi, còn tâm lý thì dễ ức chế. 
Bạo lực tinh thần
Nhận định về việc nhà trường đang biến HS thành những cái “máy chép”, TS Võ Văn Nam, Trường  ĐH Sư phạm TP.HCM nói: “Chép để học cho mau thuộc thì có thể chấp nhận, còn chép phạt, chép trả nợ thì không nên. Làm như vậy chẳng những không tác dụng mà còn ảnh hưởng xấu đến sự phát triển nhân cách của HS bởi những ám ảnh của hình phạt. Bắt HS chép phạt cũng là một hình thức bạo lực tinh thần. Chúng ta đang ra sức chống bạo lực học đường thì không thể chấp nhận việc làm đó. Chép phạt chỉ khiến HS khiếp sợ chứ không có tác dụng giáo dục. Điều cần làm là giúp HS nhận ra lỗi lầm mà quyết tâm sửa chữa”.
Ông Nguyễn Bác Dụng, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (Q.1) thì cật lực lên án việc  chép phạt. Mục đích của hình phạt trong giáo dục nhằm giúp các em thấy lỗi, cố gắng trong học tập, còn chép phạt không giúp các em tư duy mà mất nhiều thời gian. Ông Dụng cho rằng, chép phạt chứng tỏ sự thất bại của người dạy đối với người học hay chính xác hơn, là do GV thiếu năng lực, phương pháp sư phạm. Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Vân, Hiệu trưởng Trường THPT Marie Curie cho biết, trường không ủng hộ việc GV bắt HS chép phạt vì bất cứ lý do nào. “Chúng tôi sẽ rà soát và nhắc nhở những GV vẫn còn bắt HS chép phạt”, lãnh đạo trường THPT Marie Curie khẳng định.
Ngay cả trong đội ngũ GV cũng không tán thành đồng nghiệp của mình bắt HS chép phạt. Một GV trường THPT Nguyễn Hữu Thọ nói: “Chép phạt liên tu bất tận không giúp các em nhớ bài mà ngược lại còn khiến HS chán ghét môn học”. Cô Nguyễn Lê Thụy Hồng Quế, trường THCS Kim Đồng (Q.5) chia sẻ kinh nghiệm: “Ở các môn học xã hội, nếu bắt HS chép phạt một câu hay một đoạn nào đó của bài học thì chỉ tốn thời gian, công sức mà không có tác dụng gì. Muốn HS nhớ bài thì phải giúp các em tạo ra các ý chính của bài học rồi học theo những ý chính đó. Ở các môn hóa học hay tiếng Anh, việc chép ra giấy sẽ phần nào giúp các em nhớ được từ vựng, mẫu câu, hay các công thức, nhưng chỉ tác dụng khi các em  làm việc ấy với tinh thần tự giác chứ không phải là để “trả nợ quỷ thần”. Khi phải tốn nhiều thời gian và công sức cho việc chép phạt thì các em sẽ không còn thời gian cho những môn khác! Riêng tôi, nếu HS không thuộc bài, tôi sẽ xin phụ huynh cho các em ở lại lớp khoảng 15 - 20 phút cuối giờ để tìm hiểu giúp đỡ các em. Khi mình thực sự nhiệt tình, thực sự yêu thương thì HS sẽ cảm nhận được, từ đó sẽ có những chuyển biến trong nhận thức để học tập tốt hơn”.
Hồng Liên - Minh Nhật
Nguồn: Phụ nữ online

VIỆT NAM YÊU DẤU