Tản văn của Lê Minh Quốc
PNCN - Khi nhà thơ Tế Hanh về huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh), gặp một bà cụ lam lũ, quê mùa, ông đã nhờ chỉ giúp ngôi nhà của Nguyễn Du. Bà cụ ngớ ra hỏi lại: “Nguyễn Du nào, tôi chẳng nhớ tên?”. Nhưng khi nhắc đó là người viết kiệt tác Truyện Kiều, bà cụ vội vã chỉ đường ngay và đọc liền mấy đoạn thơ Kiều, kể luôn vanh vách về cuộc đời thăng trầm của Kiều.
Nhà thơ Hoa niên những tưởng bà cụ phải là người học cao, có bằng cấp nên mới có thể “thấu thị” viên ngọc quý này đến mức thượng thừa đến vậy. Nhưng không, cụ gật gù cho biết mình mù chữ, thất học chỉ biết Kiều qua lời ru của mẹ. Và cứ thế, từ lời ru của mẹ, câu thơ Kiều được gìn giữ mãi mãi cùng sự trường tồn của non sông nước Việt. Những bà mẹ này đã sinh ra những anh hùng, những trạng nguyên, tiến sĩ và cũng thừa bản lĩnh để dạy con nên người.
Trong ngày đầu xuân, tôi trở về Quảng Nam để tiếp thu lại năng lượng sáng tạo từ những chân mây, cây đa bến cũ, cỏ dại đã cưu mang mình từ ngày thơ ấu. Tôi đã nghe người già trong làng kể lại một câu chuyện lạ lùng. Nghe xong bỗng nổi gai ốc. Chuyện này liên quan đến nhân vật lừng lẫy của lịch sử nước nhà: Tổng đốc Hoàng Diệu! Lúc ra làm quan, từ Hà Nội ông có gửi về tặng mẹ một vóc lụa như sự bày tỏ lòng biết ơn. Không ngờ, bà cụ gửi trả lại và kèm theo một nhành dâu. Ông tự hiểu, nhành dâu - tượng trưng ngọn roi, là mẹ cảnh cáo không được nhận quà cáp của dân. Làm quan đã có bổng lộc của Nhà nước, đủ tiêu xài, tiền bạc có thừa thãi gì mua lụa là gấm vóc tặng mẹ? “Ý tại ngôn ngoại” là đây. Chao ôi! “Bài học làm quan” của bà mẹ nhẹ nhàng nhưng sâu sắc biết chừng nào.
Ảnh: Kimkim |
Ai đó đã nói, phía sau sự thành công của người đàn ông luôn có bóng dáng của một người phụ nữ. Có thể là mẹ. Có thể là vợ. Nhưng thử hỏi, người vợ của quan chức có dính dáng gì đến chuyện… tham nhũng của chồng? Nếu câu hỏi này dành cho tiến sĩ người Huế là Đặng Huy Trứ, hẳn ông trả lời rằng “có”. Ít ai biết, ông là người đầu tiên đưa nghề nhiếp ảnh vào Việt Nam, cũng là người trước nhất hệ thống lại các hình thức tham nhũng và đề ra biện pháp chống tham nhũng thời Nguyễn. Đọc tác phẩm Từ thụ yếu quy ra đời cách đây hàng trăm năm, ta thấy thiên hạ đã biết hối lộ bằng cách tiếp cận từ người vợ. Tại sao? Người đàn ông nào không tỏ ra “dễ dạy”, nhất là lúc đầu ấp tay gối nồng nàn với người phụ nữ mình dấu yêu? Thỏ thẻ, xin xỏ, nhỏ to tâm sự, giây phút ấy là đấng mày râu dễ xiêu lòng nhất…
Chuyện xưa không khác chuyện nay.
Chuyện rằng, có người cần chữ ký của quan chức nọ, không dám đưa thẳng, bèn đưa của đút lót qua tay người vợ. Nhưng do đưa “hẻo” quá, bà ta ném trả vào mặt và gằn giọng, vừa “dằn mặt” vừa “làm sang” cho chồng: “Làm cái giấy này cho anh chỉ mất có một ngày, anh nghĩ là quá đơn giản chứ gì? Nhưng phía sau đó là bao nhiêu năm lăn lộn quan trường, là bao nhiêu mối quan hệ dọc ngang trên dưới, anh có biết không?”. Đã biết ư? Thế thì khôn hồn “nôn” tiền thêm. Chả phải chuyện này do tôi nghĩ ra, mà nhà văn Nguyễn Đông Thức viết trong truyện ngắn có tựa Giấy, vẫn biết hư cấu, nhưng tất phải trên nền tảng của hiện thực. Khép lại trang sách, bỗng tôi băn khoăn ngẫm ngợi một cách đau đớn: người vợ ấy sẽ dạy con như thế nào?
Trở lại với Truyện Kiều, tôi ngờ rằng không phải nhà nghiên cứu Kiều nào cũng nghĩ đến cách dạy con từ cảm nhận “văn hóa đọc Kiều” như bà mẹ của thiền sư Thích Nhất Hạnh. Rằng, trong Kiều có câu: “Phận sao phận bạc như vôi”, khi đọc đến đó, mẹ của thầy ngăn lại, bảo phải đọc “Phấn sao phấn bạc như vôi?”. Ủa sao lại kỳ khôi đến thế? Này đây, ta hãy nghe một bà mẹ chưa hề có một ngày ngồi trên giảng đường đại học đã “thấu thị” đến mức lũ chúng ta có võ vẽ dăm ba chữ trong đầu phải giật mình thán phục: “Viết là “phận” nhưng nếu mình đọc “Phận sao phận bạc như vôi” thì mình cũng đang than thở như Kiều vậy. Mình sẽ vận nó trong người. Rất nguy hiểm. Thành ra phải đọc là “phấn” (để chứng tỏ mình là khác)”. Thiền sư Thích Nhất Hạnh cho biết: “Lúc đó, chị em tôi mới hiểu là trong văn hóa của mình có truyền thống tự bảo hộ như vậy. Không phải chỉ trong đạo Phật người ta mới cẩn thận tưới tẩm hạt giống, chính trong văn hóa Việt Nam cũng có truyền thống kiêng cữ”.
Lại sực nhớ đến bà ngoại mù chữ của tôi, bà cũng có “phương pháp sư phạm” rất lạ, trong nhà không bao giờ bà cho lũ trẻ con nói đến những từ “gớm ghiếc”, “ô trược” như: đâm chém, giết, chết chóc… hoặc những từ dùng mạt sát nhau có thể làm người khác nổi giận. Chỉ sử dụng những lời lẽ ôn hòa, có phép tắc. Âu cũng là một cách gieo vào đầu trẻ thơ sự hướng thiện đấy thôi. Mà bây giờ, cứ nhìn trẻ con của mình đi, suốt ngày chúng dán mắt vào máy tính, biết bao game bạo lực bắn giết, đạn tuôn xối xả, máu đỏ loang đầy, thử hỏi tại sao mầm bạo lực không “đâm chồi nẩy lộc”? Hỏi thế, bất chợt lại nhớ đến một câu Kiều: “Cỗi nguồn cũng ở lòng người mà ra”.
Lê Minh Quốc
Nguồn: Phụ nữ online