Ai cũng có quyền tự do quan niệm và tự do phát biểu quan điểm; quyền này bao gồm quyền không bị ai can thiệp vì những quan niệm của mình, và quyền tìm kiếm, tiếp nhận cùng phổ biến tin tức và ý kiến bằng mọi phương tiện truyền thông không kể biên giới quốc gia. - Điều 19, Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền

2/3/11

Luật sư có thể giấu tội của thân chủ?

Ngày 27-2, Hội đồng Luật sư toàn quốc đã họp bàn về dự thảo lần sáu quy tắc đạo đức và ứng xử hành nghề của luật sư. Dự thảo được các ủy viên Hội đồng Luật sư đánh giá cao nhưng vẫn còn một số quy tắc gây tranh cãi...
Bộ quy tắc gồm tám chương và 33 quy tắc, chủ yếu nói về cách thức ứng xử của luật sư và trách nhiệm nghề nghiệp đối với khách hàng. Một trong những quy tắc gây tranh cãi nhất là quy tắc 13, gồm ba khoản đề cập đến bí mật thông tin của khách hàng mà luật sư không được tiết lộ.

Im lặng là phạm tội?
Cụ thể, theo khoản 2 của quy tắc 13, luật sư giữ bí mật thông tin của khách hàng cả trong trường hợp biết khách hàng đã phạm một tội từ trước đó (trừ các tội xâm phạm an ninh quốc gia). Còn theo khoản 3, khi biết được khách hàng chuẩn bị phạm một tội mới, luật sư cần động viên, thuyết phục khách hàng tự giác chấm dứt ý định phạm tội. Nếu khách hàng không chấp nhận thì luật sư cung cấp thông tin đó cho cơ quan có thẩm quyền.
Luật sư Đoàn Công Thiện, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Kiên Giang, cho rằng khoản 2 của quy tắc 13 trái với Điều 314 BLHS (quy định về tội không tố giác tội phạm). Trong khi đó, giới luật sư không thuộc đối tượng được miễn trừ đối với tội này. Vì vậy, ông Thiện đề nghị cần phải nghiên cứu lại để không trái luật.
Luật sư Trần Mỹ Thoa, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM, cũng bày tỏ băn khoăn. Theo bà, nếu luật sư hễ nghe khách hàng tiết lộ thông tin mà đi báo cơ quan chức năng ngay thì không đáng làm luật sư. Tuy nhiên, nếu giữ im lặng mọi thông tin thì luật sư có thể phạm tội. “Vì vậy, đưa quy định này vào thì chẳng khác gì chúng ta tự đeo vòng kim cô để trói mình” - bà Thoa nói.
Việc luật sư giữ bí mật thông tin của khách hàng còn có nhiều tranh cãi. Ảnh minh họa: HTD
Theo bà Thoa, chỉ cần quy định như khoản 1 của quy tắc 13 là luật sư có nghĩa vụ giữ bí mật thông tin của khách hàng khi thực hiện dịch vụ pháp lý và cả khi đã kết thúc dịch vụ đó. Luật sư có trách nhiệm yêu cầu nhân viên của mình cam kết không tiết lộ những bí mật thông tin mà họ biết được và giải thích rõ nếu tiết lộ thì nhân viên đó phải chịu trách nhiệm.
Hay giữ bí mật để tạo niềm tin?
Trái lại, luật sư Nguyễn Văn Chiến, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP Hà Nội, đề nghị giữ nguyên quy tắc như dự thảo.
Ông Chiến lập luận: Khi khách hàng kể cho luật sư biết (về chuyện đã phạm tội - NV) thì cũng chỉ mới gói gọn trong thông tin mà khách hàng muốn bày tỏ. Không thể coi lời nói ấy của khách hàng là chứng cứ trực tiếp được, trong khi BLHS quy định chỉ người nào biết rõ hành vi phạm tội của người khác mà không tố giác mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Nếu chưa chắc chắn mà lại đi tố giác, không chừng luật sư lại phải đối mặt với tội vu khống. Vì vậy, giữ nguyên như quy tắc thì khách hàng mới yên tâm bày tỏ hết tâm tư, nguyện vọng để luật sư có thể nắm bắt, nhìn nhận sự việc từ nhiều góc độ khác nhau.
Tuy nhiên, ông Chiến cũng đề xuất luật sư sẽ tố giác khi biết khách hàng phạm tội đặc biệt nghiêm trọng hoặc tội xâm phạm an ninh quốc gia.
Theo luật sư Nguyễn Huy Thiệp, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, luật sư một số nước trên thế giới đã áp dụng quy tắc ứng xử. Ngoài việc phải giữ bí mật thông tin cho khách hàng, luật sư cũng có trách nhiệm ngăn chặn những hậu quả xã hội có thể xảy ra do khách hàng của mình thực hiện. Đây là phạm trù đạo đức mà mỗi luật sư cần phải khôn ngoan, tỉnh táo để vừa đảm bảo quyền lợi khách hàng vừa góp phần đấu tranh bảo vệ trật tự xã hội. Vì vậy, muốn giữ hay bỏ quy tắc cũng cần phải thận trọng nghiên cứu kỹ lưỡng hơn nữa chứ không nên ban hành vội vàng để rồi “sai đâu sửa đó”.
Ý kiến thận trọng của ông Thiện đã được nhiều ủy viên đồng tình, thể hiện qua việc cuối cùng, Hội đồng Luật sư đã không thông qua bộ quy tắc ứng xử mà quyết định giao cho ban soạn thảo tiếp tục chỉnh sửa rồi mới thông qua trong cuộc họp lần sau.
Quyền giữ bí mật của luật sư Nhật Bản
Ở Nhật, luật sư không được phép tiết lộ thông tin của khách hàng. Tuy nhiên, nếu biết được khách hàng của mình đang chuẩn bị phạm một tội rất nghiêm trọng, luật sư được phép thông báo cho cơ quan chức năng sau khi đã làm hết các biện pháp khác nhưng không ngăn cản khách hàng được. Còn lại, tất cả trường hợp khác luật sư đều không được tố cáo, đó là một nguyên tắc nghề nghiệp.
Miễn trừ trách nhiệm tố giác cho luật sư
Theo tôi, sắp tới nên sửa đổi Điều 314 BLHS. Theo đó, ngoài ông, bà, cha, mẹ, con, cháu, anh chị em ruột, vợ hoặc chồng của người phạm tội thì cần quy định thêm luật sư cũng được miễn trừ trách nhiệm tố giác tội phạm (trừ các tội xâm phạm an ninh quốc gia và các tội đặc biệt nghiêm trọng khác).
Luật sư TRƯƠNG XUÂN TÁM,
Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu
Giữ bí mật theo thông lệ quốc tế
Khách hàng tìm đến luật sư là tìm một lối thoát khi đã gặp rắc rối pháp lý. Luật sư vừa nghe xong, chưa giúp được gì lại đi tố giác thì ai dám đến nhờ nữa. Thông lệ các nước cũng quy định đến việc luật sư giữ bí mật cho khách hàng vì đặc thù của nghề. Ngoại trừ việc biết khách hàng đang chuẩn bị phạm tội mà luật sư không thể nào ngăn cản được thì mới báo cơ quan chức năng, còn tất cả những tội phạm mà khách hàng đã thực hiện trước đó, luật sư đều phải giữ bí mật.
Luật sư ĐỖ BIÊN THÙY, Đoàn Luật sư TP.HCM
Tiết lộ hay tố giác?
Quan hệ giữa luật sư và khách hàng trong việc giữ bí mật cá nhân là mối quan hệ phức tạp. Quy tắc quy định không được tiết lộ bí mật khách hàng nhưng BLHS bắt buộc phải tố giác tội phạm. Nếu quy định như thế này, luật sư sẽ phải đắn đo suy nghĩ rất nhiều về việc im lặng hay tố giác sau khi nghe khách hàng tâm sự. Vì vậy, cần phải nghiên cứu lại để luật sư yên tâm hơn khi hành nghề.
Luật sư TRƯƠNG TRỌNG NGHĨA,
Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam
TIẾN HIỂU

VIỆT NAM YÊU DẤU