Ai cũng có quyền tự do quan niệm và tự do phát biểu quan điểm; quyền này bao gồm quyền không bị ai can thiệp vì những quan niệm của mình, và quyền tìm kiếm, tiếp nhận cùng phổ biến tin tức và ý kiến bằng mọi phương tiện truyền thông không kể biên giới quốc gia. - Điều 19, Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền

4/3/11

Nghị sĩ làm những việc gì và làm ra sao?

TS. Nguyễn Sỹ Phương,  
CHLB Đức


Ảnh tòa nhà Quốc hội Đức
(TBKTSG) - Đã gọi nghị sĩ là đại biểu, thay mặt dân, quốc hội đại diện cho quốc dân, thì họ làm những việc gì, làm ra sao, từng người dân phải được quyền biết chi tiết tường tận. Nếu không, người dân vốn là chủ nhân đất nước không thể yên tâm, hoặc vô hình trung thiếu trách nhiệm với người mình đã giao phó sinh mệnh chính trị, đóng thuế chi cho họ làm việc.

Có thể tham khảo Quốc hội Đức, hiện gồm 622 nghị sĩ, trên tổng dân số hơn 80 triệu người tương đương Việt Nam, so với Quốc hội ta hiện nay có tổng số 493 đại biểu (bằng chừng ba phần tư họ). Quốc hội Đức gồm sáu nhóm (các đảng phái khác nhau), được bầu từ năm 2009, với số cử tri đi bầu chiếm tỷ lệ 70,78% tổng số cử tri. Trong khi đó, với Quốc hội Việt Nam, số cử tri bầu chiếm tỉ lệ 99,64% - nghĩa là Quốc hội Việt Nam được người dân quan tâm gấp 1,4 lần người dân Đức.

Hơn 6.500 câu hỏi chất vấn chính phủ
Tuy nhiên, nếu ở ta Quốc hội chỉ họp một số phiên toàn thể trong hai kỳ làm việc tập trung, mỗi kỳ một tháng, Quốc hội Đức năm qua họp phiên toàn thể hết tổng cộng 800 giờ, tương đương năm tháng họp liên tục (trừ hai ngày cuối tuần và nghỉ lễ) với 4.260 lượt phát biểu (bình quân mỗi cuộc họp toàn thể có 62 ý kiến, và mỗi nghị sĩ phát biểu tại những hội nghị đó bảy lần trong năm), hoàn toàn công khai trước truyền thông, thông qua được tổng cộng 101 văn bản luật, nghĩa là bình quân chừng 3,5 ngày nước Đức có một luật mới hoặc sửa đổi bổ sung - đáp ứng chức năng lập pháp Quốc hội đòi hỏi. Quốc hội Đức có tổng cộng 22 ủy ban chuyên môn và ủy ban điều tra, họp tổng cộng 693 phiên trong năm qua, bình quân mỗi ngày niên lịch có gần hai cuộc họp và mỗi ủy ban tổ chức tới trên dưới 31 cuộc họp trong năm.
Để đạt được kết quả trên, quốc hội đã chất vấn chính phủ tổng cộng 6.545 câu hỏi, bảo đảm thực thi vai trò giám sát với quyền lực cao nhất của mình, đặt sức ép rất lớn lên chính phủ, nếu thiếu năng lực khó có thể đáp ứng.
Tổng hồ sơ kết quả công việc của quốc hội đưa in ấn lên tới 3.904 thư mục, gồm các dự luật, các nghị định, và mọi tài liệu liên quan như các tờ trình, các nghị quyết, các báo cáo, các chất vấn và các thông báo... 

Và số tiền tương đương một phần bảy bát phở trả cho sự yên tâm
Không quốc hội nào có thể thực hiện nổi khối lượng công việc đồ sộ như vậy, nếu không có một bộ máy chuyên nghiệp phục vụ cho công việc chuẩn bị, thu thập tư liệu, ghi chép, lưu trữ toàn bộ quá trình và kết quả làm việc của quốc hội, công bố và chuyển cho các cơ quan liên quan. Bộ máy đó hiện tại là 6.365 người, gồm 2.100 người phục vụ cho nghị sĩ, bình quân mỗi nghị sĩ có 3-4 cộng sự, 850 người phục vụ cho sáu đảng đoàn (mỗi đảng phái là một đảng đoàn) và 2.793 nhân viên sự nghiệp hành chính, tạp vụ...
Kinh phí chi cho hoạt động quốc hội trong năm qua là 681 triệu euro, gồm tiền lương, bảo hiểm của công nhân viên chức, nghị sĩ, tiền thuê nhà cửa, khấu hao tài sản, công tác phí, văn phòng phẩm... Tính ra, mỗi người dân phải chi cho quốc hội họ 8,33 euro/năm. Riêng tiền lương mỗi nghị sĩ 7.668 euro/tháng (tương đương lương của cục, vụ, viện trưởng), tính ra mỗi người dân chỉ phải trả công họ đại diện cho mình là 70 cent/năm, tương đương giá một phần bảy bát phở Việt Nam ở Đức.
Từ đó có thể thấy, hiếm có đầu tư nào hiệu quả bằng đầu tư cho nghị sĩ. Cứ bảy người dân chỉ mới bớt tiền ăn đúng một bát phở Việt Nam dành cho họ, mà đã thu được một khối lượng kết quả khổng lồ như trên, và quan trọng hơn cả là sự bình an không tiền bạc nào mua nổi: mọi công việc giao phó cho nghị sĩ họ có thể đo, đếm, nhìn thấy được, rất yên tâm!
Người dân Đức quan tâm đến bầu cử chỉ 70%, nhưng quan tâm đến công việc của quốc hội thì đứng hàng đầu thế giới, nghĩa là bỏ xa cả ta vốn có số cử tri đi bầu vượt xa họ. Trong năm qua có tổng cộng 3 triệu khách tới nhà Quốc hội để tham quan, nghe thuyết trình và đặc biệt quan sát tại chỗ các phiên họp toàn thể quốc hội giống như xem bóng đá - điều tự do ở Đức.

Nền tảng pháp lý
Quốc hội cũng chỉ là một tổ chức, nghị sĩ cũng chỉ là một cá nhân làm công ăn lương, không có gì thần thánh siêu nhân cả. Kết quả làm việc của họ đạt được cao như vậy trước hết là do tiền đề nền tảng chính trị xã hội họ tạo ra, được quyết định bởi các quy định pháp lý. Trước hết, Hiến pháp Đức quy định chế độ bầu cử cùng cơ cấu tổ chức và cách thức làm việc của quốc hội. Tiếp đó là Luật Hoạt động của quốc hội, quy định chi tiết những công việc quốc hội phải làm. Luật Ủy ban giám sát, cho phép kiểm tra các khả năng sai lầm hoặc lạm dụng của chính phủ và sai sót của các chính khách.
Luật Nghị sĩ quy định chi tiết quyền và trách nhiệm từng nghị sĩ, trong đó bảo đảm quyền độc lập và tự quyết trong công việc của họ. Theo đó, nghị sĩ chỉ chịu trách nhiệm trước cử tri (bởi cử tri là chủ), chứ không phải trước đảng của họ (nghị sĩ của quốc hội, do quốc hội trả lương, chứ không phải của đảng họ, do đảng họ trả lương), không phụ thuộc bất cứ ai, tổ chức nào (nói cách khác không có cấp trên, chính vì vậy nghị sĩ của đảng này có thể bỏ phiếu cho một đề xuất chính sách của đảng khác ngược lại chủ trương của đảng họ).
Luật Bầu cử, và Luật Kiểm tra bầu cử quy định chi tiết quá trình bầu cử và kiểm tra tính xác thực của nó; Luật Đảng phái quy định quyền và trách nhiệm chính trị của các đảng phái tham gia quốc hội, phải nằm trong quốc hội, hình thành nên quốc hội, chứ không phải nằm trên quốc hội (bởi quốc hội cao nhất), cùng với kinh phí nhà nước dành cho đảng. Ngoài ra còn có Luật Vai trò quốc hội đối với sử dụng quân đội ở nước ngoài.
Trên thế giới hầu như không quốc hội nước nào giống hệt nước nào dù họ cùng theo một thể chế, nhưng một quốc hội thực sự đại diện cho dân, có quyền lực cao nhất, luôn là tiêu chuẩn phổ quát, thước đo đánh giá mức độ một nhà nước được cho là của dân, do dân và vì dân. Kết quả đạt được tới đâu không phải chỉ mong muốn, ý chí, quyết tâm là có, mà hoàn toàn tùy thuộc thực tế đầu vào tạo ra quốc hội và đầu ra bảo đảm tiền đề vật chất và nền tảng pháp lý cho nó hoạt động ở mức độ nào. Thế giới chưa một quốc hội nước nào vượt ra khỏi tiền đề đó, dù lý tưởng vì dân của họ cao cả đến mấy!
Nguồn: Thời báo kinh tế Sài Gòn

VIỆT NAM YÊU DẤU