Ai cũng có quyền tự do quan niệm và tự do phát biểu quan điểm; quyền này bao gồm quyền không bị ai can thiệp vì những quan niệm của mình, và quyền tìm kiếm, tiếp nhận cùng phổ biến tin tức và ý kiến bằng mọi phương tiện truyền thông không kể biên giới quốc gia. - Điều 19, Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền

4/2/13

MƯỜI NGUYÊN LÝ CƠ BẢN CỦA MỘT HIẾN PHÁP TIẾN BỘ

 Nguồn: Blog Quê Choa
Nguyễn Tiến Dũng
1277712861_luat 020Bài này nhằm điểm lại các nguyên lý cơ bản mà một hiến pháp tiến bộ phải tuân theo. Cả 10 nguyên lý này đều được tuân thủ, ở các mức nào đó, bởi các hiến pháp ở các nước tiên tiến trên thế giới. (Từng hiến pháp thì không tuân thủ toàn bộ các quyên lý, nhưng nguyên lý nào cũng có hiến pháp tuân thủ). Còn hiến pháp Việt Nam thì sao?
* * *
Một hiến pháp tiến bộ, làm cơ sở cho một xã hội tiến bộ mà chúng ta muốn có, phải tuân theo những nguyên lý cơ bản sau.
1. Nguyên lý pháp trị. Nguyên lý pháp trị (rule of law) được Aristotle viết ra từ các đay hơn hai nghìn năm trong tác phẩm “Chính Trị”. Theo nguyên lý này, kể cả vua chúa cũng phải tuân thủ pháp luật, không được phép ra các quyết định trái với pháp luật hiện hành. Để có thể có pháp trị, thì bản thân hiến pháp phải thỏa mãn nguyên lý logic dưới đây về sự hợp lý và rõ ràng để mọi người đều có thể nắm được và tuân thủ. Hơn nữa, phải có được các cơ chế (kiểm soát, khiếu nại, tố tụng, xử phạt, bồi thường, v.v.) hiệu quả để chống lại sự tùy tiện làm trái pháp luật của những người nắm quyền hành trong tay.

2. Nguyên lý logic. Hiến pháp là bộ luật cơ bản nhất của một nước, là tiên đề cho mọi bộ luật khác. Các luật khác nếu mâu thuẫn với hiến pháp thì là không hợp pháp và không có giá trị pháp lý. Bản thân hiến pháp phải logic, hợp lý theo nghĩa sau:
- Mọi điều khoản đều phải rõ ràng, dễ hiểu, đơn nghĩa (không có nhiều cách diễn giải khác nhau ra nghĩa trái ngược nhau).
- Trừ những câu có tính chất định nghĩa, mỗi điều khoản đều là một luật, có thể viết lại dưới dạng “X phải Y” (tức là nếu “X không Y” thì X phạm pháp).
- Không chứa các điều khoản mâu thuẫn nhau, hoặc tự mâu thuẫn, hoặc bất khả thi, trái với qui luật tự nhiên.
- Có điều khoản cho phép sửa đổi hiến pháp để làm cho nó hợp lý hơn, đồng thời vẫn tuân thủ các nguyên lý cơ bản.
3. Nguyên lý nhân quyền. Những quyền và những tự do cơ bản nhất của con người, có thể coi là những quyền thiêng liêng, phải được tôn trọng và nghi rõ trong hiến pháp. Có thể kể đến:
- Quyền làm chủ bản thân. Trong đó có làm chủ sự sống (quyền được sống), cái chết, và làm chủ cơ thể. Không ai bị ép phải chết hay bị đẩy đến cái chết trái với ý nguyện của mình. Cũng không ai bị ép phải tiếp tục sống, một cuộc sống không còn phẩm giá con người (ví dụ sống như thực vật mà không có cách chữa) trái với ý nguyện. Không ai được phép xâm phạm vào cơ thể người khác (cưỡng hiếp, làm bị thương, cắt bớt bộ phận, v.v.) trái với ý nguyện của người đó. Không ai phải làm nô lệ.
- Quyền mưu sinh. Hệ quả của quyền được sống là quyền mưu sinh, tìm các hoạt động để đem lại thu nhập đảm bảo sự sống cho mình.
- Quyền sở hữu. Đi đôi với quyền mưu sinh là quyền sở hữu những thứ được thừa hưởng, làm ra, hay nhận được qua các trao đổi. Cá nhân có quyền sở hữu riêng của cá nhân, tập thể có quyền sở hữu chung của tập thể.
- Quyền riêng tư. Mở rộng của quyền làm chủ bản thân là quyền riêng tư: những thứ như thư từ riêng, thông tin riêng, nhà riêng, v.v. là những thứ riêng tư mà người ngoài không được phép xâm phạm.
- Quyền bình đẳng. Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật, bất kể giới tính, màu da, ngôn ngữ, tôn giáo, địa vị xã hội, v.v. Những người nhiều quyền lực nhất cũng bị pháp luật trừng trị nếu phạm pháp, và
những người yếu nhất cũng được pháp luật bảo vệ bình đẳng.
- Tự do tư tưởng. Trong đó có tự do về tôn giáo và triết lý. Không ai bị cấm hay bị bắt ép đi theo tổ chức tôn giáo nào, tham gia vào hoạt động tôn giáo nào.
- Tự do đi lại. Bao gồm cả quyền rời bỏ quê hương mình.
- Tự do ngôn luận. Quyền phát biểu mọi quan điểm, công bố mọi thông tin (trừ khi thông tin đó thuộc sở hữu của người khác mà không được sự đồng ý của người đó).
- Tự do đoàn thể. Quyền được tham gia và quyền từ chối tham gia các hoạt động của các đoàn thể. Quyền được thành lập các tổ chức đoàn thể.
- Tự do tụ họp. Trong đó có tự do biểu tình mà không phải xin phép trước.
4. Nguyên lý xã hội. Một cấu trúc tổ chức xã hội tốt, thuận lợi cho sự phát triển của toàn xã hội, phải tạo ra thêm được các quyền lợi cho các thành viên (vượt trên mức các quyền con người cơ bản ở trong nguyên lý quyền con người), nhằm tạo điều kiện cho mọi thành viên phát triển và sống hạnh phúc. Hiến pháp của một đất nước giàu tính xã hội sẽ có thêm các điều khoản về các phúc lợi xã hội, mà các cấp chính quyền phải đảm bảo cho người dân, như:
- Giáo dục phổ thông miễn phí. Phổ thông ở đây hiểu theo nghĩa mọi kiến thức và kỹ năng cơ bản nhất cần thiết cho cuộc sống trong xã hội.
- Bảo hiểm y tế toàn dân. Có dịch vụ y tế công cộng miễn phí cho toàn dân.
- Trợ cấp xã hội. Những người già, trẻ em không nơi nương tựa, và những gia đình quá nghèo không đủ sống phải được trợ cấp.
- Dịch vụ công cộng. Ngoài giáo dục và y tế, còn nhiều dịch vụ công cộng khác cần được đảm bảo, như đường xá, giao thông công cộng, vệ sinh công cộng, an ninh công cộng, các khu văn hóa thể thao công cộng, v.v.
Đi đôi với quyền lợi xã hội là nghĩa vụ đóng góp cho xã hội, để có công quĩ chi cho các phúc lợi. Nghĩa vụ đóng góp quan trọng nhất mà có thể hiến pháp hóa được là nghĩa vụ đóng thuế. Có những nước có nghĩa vụ đi lính bắt buộc, tuy nhiên đấy không phải là nghĩa vụ cơ bản của từng cá nhân. Ở các nước tiến bộ hơn, quân đội là chuyên nghiệp, nhân dân chỉ có nghĩa vụ đóng thuế, và một phần thuế đó là để chi cho quốc phòng, chứ không bị bắt làm lính nếu không muốn, cũng như không ai bị bắt phải đi làm bất cứ một công việc gì khác mà họ không muốn.
5. Nguyên lý bảo vệ. Có các cơ chế hiệu quả để bảo vệ mọi cá nhân, tổ chức, vùng miền, và toàn đất nước. Trong đó có:
- Bảo vệ chủ quyền đất nước, qua các điều khoản về quốc phòng.
- Bảo vệ môi trường, không chỉ cho thế hệ hiện tại, mà con cho các thế hệ tương lai.
- Phòng chống tai nạn, bệnh dịch, thiên tai.
- Bảo vệ an ninh cho các cá nhân khỏi sự xâm hại của các tội phạm.
- Bảo vệ tài sản chung của các tập thể và của toàn quốc gia, chống lại sự tham nhũng, rút ruột, phá hoại.
- Bảo vệ các thiểu số và các phái yếu chống lại sự áp đặt, cưỡng bức của các đa số và các phái mạnh.
- Bảo vệ người dân trước chính quyền: chống lại những sự áp đặt, cửa quyền, đàn áp, bắt bớ tùy tiện từ phía các nhân viên của chính quyền.
6. Nguyên lý dân chủ. Chính quyền do dân và vì dân. Một hiến pháp dân chủ phải thiết lập được các cơ chế hiệu quả sau:
- Cơ chế bầu cử chính quyền. Mọi cấp chính quyền đều phải do dân trực tiếp hay dán tiếp bầu ra qua các cuộc bầu cử tự do.
- Cơ chế thay đổi chính quyền. Mỗi nhiệm kỳ của các chức vụ chính quyền đều chỉ có một thời hạn nhất định, hết thời hạn đó nhân dân lại bầu cử lại chọn người mình tin tưởng. Chính quyền đang giữa nhiệm kỳ mà không còn đủ mức tín nhiệm thì giải tán bầu chính quyền khác.
- Cơ chế chống độc tài. Chống lại khả năng một cá nhân hay tổ chức, dù có do dân bầu ra hay không, tự biến mình thành cầm quyền vĩnh viễn không còn qua bầu cử.
7. Nguyên lý phân quyền và kiểm soát lẫn nhau. Nguyên lý này, gắn với tên tuổi của triết gia chính trịnh Montesquieu từ thế kỷ 17, là cơ chế hữu hiệu để kiếm soát chính quyền, chống độc tài và lũng đoạn. Theo nguyên lý này, chính quyền được chia thành các bộ phận độc lập với nhau và kiểm soát lẫn nhau, như:
- Quốc hội, nắm quyền lập pháp.
- Chính phủ, nắm quyền hành pháp.
- Tòa án, nắm quyền tư pháp.
Ví dụ, phải có tòa án phải độc lập với chính phủ và quốc hội (và các thế lực nắm quyền khác), với các nhiệm vụ và quyền hạn kiểm soát, thanh tra, và tố tụng, để có thể khởi tố các nhân vật của chính phủ hay quốc hội phạm pháp, tìm ra và hủy các đạo luật mâu thuẫn với hiến pháp, v.v. Trong lịch sử của nhiều nước, ví dụ như ở Đức, kể cả khi chưa có chế độ dân chủ đã có tòa án độc lập.
8. Nguyên lý minh bạch. Nguyên lý minh bạch là một trong những nguyên lý cơ bản để chống lạm quyền và tham nhũng. Một số biểu hiện của việc tuân thủ nguyên lý này là:
- Các văn bản, hồ sơ, thông tin, số liệu mà chính quyền có là thuộc về sở hữu công, và dân có quyền đòi hỏi được xem, được kiểm tra.
- Các qui trình chọn lựa công (quan chức, dự án, v.v.) là công khai minh bạch và có sự tham gia giám sát độc lập của người bên ngoài.
- Các phiên tòa xử là công khai, v.v.
9. Nguyên lý tự quản. Hay có thể gọi là nguyên lý phân quyền theo chiều dọc (so với nguyên lý của Montesquieu là nguyên lý phân quyền theo chiều ngang). Theo nguyên lý này, quyền lực không tập trung quá nhiều ở trung ương, mà được chia ra ở các cấp, mỗi cấp có những quyền tự quản nhất định mà cấp phía trên không được can thiệp vào.
Nguyên lý tự quản nhằm tăng cường sự làm chủ của người dân đối với những thứ trực tiếp liên quan đến họ. Ví dụ, đường phố của một thành phố không phải do chính quyền trung ương quản, mà là do chính quyền thành phố tự quản, và chính quyền đó là do người dân thành phố bầu ra. Ở các nước liên bang, việc mỗi bang được phép có đạo luật riêng cũng là biểu hiện của nguyên lý tự quản. Đặc biệt những vùng dân tộc thiểu số có một truyền thống văn hóa riêng thì cần có được độ tự quản cao.
Nguyên lý tự quản áp dụng với cả nhiều tổ chức hay đoàn thể không có tính địa phương. Ví dụ như là các đại học công: theo đinh nghĩa của đại học là nơi đi đầu về khoa học và tư tưởng, thì chính quyền không có đủ năng lực về những vẫn đề đó để có thể áp đặt quan điểm của mình, nên để đại học tự quản là hợp lý. Hiến pháp của một số nước, ví dụ như Phần Lan, có ghi rõ đại học là tự quản.
10. Nguyên lý hòa bình và trung lập. Một hiến pháp tiến bộ hiện đại phải có được tính hòa bình và trung lập, thể hiện qua những điểm như:
- Không xâm lược nước khác. (Việc đem quân vào nước khác phải vì mục đích bảo vệ hòa bình và được thế giới ủng hộ).
- Không ngả theo bất kỳ một tôn giáo nào. (Nhân dân tự do tôn giáo, nhưng bản thân chính quyền không có tôn giáo).
- Không ngả theo bất kỳ một “giai cấp”, “tầng lớp”, chủng tộc nào. (Mọi giai cấp, tầng lớp, chủng tộc đều bình đẳng như nhau trước pháp luật)
- Không ngả theo bất kỳ một “chuẩn mực đạo đức” nào trừ các chuẩn mực về nguyên tắc cư xử đã được ghi thành hiến pháp và các văn bản pháp luật hiện hành.
- Không ai bị bắt phải đi lính nếu không muốn. (Trong lịch sử, chiến tranh dễ xảy ra là do mạng sống của người dân bị coi quá rẻ mạt, các bên đánh nhau bắt lính quá dễ dàng).
- Cơ chế tìm cách giải quyết mọi tranh chấp bằng hòa bình.
- Cảnh sát và quân đội không có quyền đàn áp nhân dân.
- Có chế độ ân xá, v.v.

VIỆT NAM YÊU DẤU