Ai cũng có quyền tự do quan niệm và tự do phát biểu quan điểm; quyền này bao gồm quyền không bị ai can thiệp vì những quan niệm của mình, và quyền tìm kiếm, tiếp nhận cùng phổ biến tin tức và ý kiến bằng mọi phương tiện truyền thông không kể biên giới quốc gia. - Điều 19, Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền

12/3/12

MẤY GÓC NHÌN VỀ LUẬT TỐ TỤNG HÌNH SỰ

Phan Hoàng Linh
Phần 1.
Nguồn: Dân luận
Mấy hôm nay tôi có đến xem vài phiên tòa hình sự. Cảm giác ban đầu của tôi khá hồi hộp vì đây là lần đầu tiên tôi thực sự dự khán chốn tụng đình. Song khi ra về, trong tôi lại dấy lên nhiều băn khoăn.
Tôi cảm thấy dường như “chốn công đường” chưa được chúng ta thật sự coi trọng – ngay cả đối với những người học luật và làm luật. Mấy phiên tòa vừa qua không đọng lại trong tôi nhiều điều phấn khởi, trái lại là không ít những suy tư về việc xét xử của chúng ta.
Bạn sẽ hỏi tôi lý do vì sao? Tôi có thể kể ra cho bạn cả tá, nhưng tôi ngẫm ra, chung quy lại chỉ vì một lý do duy nhất thôi, chúng ta chưa coi trọng luật tố tụng.
Vì lẽ đó mà hôm nay bỗng dưng tôi muốn trò chuyện một chút về ngành luật này, luật tố tụng hình sự.

1. Luật tố tụng hình sự đối với Nhà nước pháp quyền và quyền tự do của con người

Đảng và Nhà nước ta luôn đề cao việc xây dựng Nhà nước pháp quyền. Tinh thần của pháp quyền có thể gói gọn trong câu nói của Plato: "Ta nhìn thấy sự diệt vong của nhà nước, mà trong đó pháp luật không có sức mạnh và ở dưới quyền lực của ai đấy. Còn ở đâu mà pháp luật đứng trên nhà cầm quyền, họ chỉ là nô lệ của luật thì ở đó ta nhìn thấy sự cứu thoát của Nhà nước." Đó là một mô thức đặt pháp luật lên trên Nhà nước nhằm hạn chế quyền lực khủng khiếp của Nhà nước, với mục đích bảo vệ quyền tự do của con người. Lý thuyết về pháp quyền ra đời trong bối cảnh nhân quyền bị xâm hại nghiêm trọng bởi sự lạm dụng quyền lực của Nhà nước, do vậy tôn chỉ của nó là hạn chế công quyền để bảo vệ nhân quyền. Pháp luật, do vậy phải bắt nguồn từ các quyền tự nhiên của con người, và phải được đặt trên Nhà nước, điều chỉnh hoạt động của Nhà nước.
Vấn đề là, trong thực tiễn, những luật nào có khả năng đó? (Khả năng đứng trên Nhà nước, thống trị và điều chỉnh hoạt động của Nhà nước). Chúng ta dễ dàng nhận thấy ngay, đầu tiên là Hiến pháp, bản khế ước của toàn dân lập ra chính quyền, trao quyền lực quản lý quốc gia cho chính quyền, quy định cụ thể về quyền công dân, cách thức thành lập và hoạt động của bộ máy Nhà nước.
Vậy ngoài Hiến pháp ra, còn đạo luật nào thể hiện rõ nét điều đó nữa hay không? Để trả lời câu hỏi này, hãy cùng tôi lắng nghe một câu chuyện:
Vụ án xảy ra tại Mỹ: Cảnh sát Williams nhìn thấy Peter Jones giật ví tiền của cô Virginia Spry và bỏ chạy. Cảnh sát Williams đã đuổi theo, bắt được Jones và tiến hành tra hỏi về vụ cướp. Jones thú nhận ngay hành vi phạm tội của mình và với sự chứng thực của viên cảnh sát Williams, chúng ta có thể khẳng định là Jones đã phạm tội. Nếu đối chiếu với pháp luật tố tụng hình sự Việt Nam, tình huống này có thể dẫn tới việc buộc tội và kết án một cách nhanh chóng và dứt khoát đối Peter Jones. Tuy nhiên, pháp luật tố tụng hình sự Mỹ lại nhấn mạnh cách thức mà các nhân viên nhà nước (ở đây là viên cảnh sát Williams) sử dụng quyền lực được nhà nước giao cho mình để can thiệp vào cuộc sống của Peter Jones. Hành vi của viên cảnh sát sẽ được rà soát lại để xem xét tính hợp pháp. Ví như, nếu xác định được rằng, Jones thú tội mà không được nhắc nhở trước về "quyền được im lặng” của anh ta thì lời thú tội này sẽ không được sử dụng để chống lại chính anh ta. Mà khi lời thú tội với tư cách là một bằng chứng đã không có giá trị, thì vụ án xét xử Jones sẽ không thể buộc tội được anh ta hoặc bị bác bỏ. Theo pháp luật Mỹ, Jones không "phạm tội về mặt pháp lý" đối với tội cướp ví tiền, vì pháp luật bảo vệ quyền được im lặng của anh ta và như vậy, pháp luật bảo vệ tính hợp nhất của quá trình tố tụng không được đưa vào áp dụng. Việc phạm tội thực tế có thể là hiển nhiên hay được phát hiện một cách hợp pháp, nhưng việc phạm tội về mặt pháp lý lại được xác định thông qua quá trình như đã mô tả.
Quy trình tố tụng hình sự của Hoa Kỳ trong vụ án Peter Jones nói trên đã làm không ít người ngạc nhiên, bởi vì, một thực tế hiển nhiên là cảnh sát Williams đã "bắt tận tay day tận trán" đối với hành vi giật ví tiền của Peter Jones, nhưng khi đưa ra xét xử thì toà án tuyên bố vô tội đối với Peter Jones chỉ vì lý do cảnh sát đã không thông báo quyền được im lặng cho Jones.[1]
Bạn thấy gì qua vụ án trên? Bạn có cho rằng đây là một mô hình tố tụng kém hiệu quả khi để lọt một tội phạm rõ rành rành hay không? Có lẽ đó là điều mà nhiều người nhận thấy ngay trong vụ án này.
Song tôi lại muốn chúng ta nhìn sang một hướng khác. Tôi thấy được rằng, trong vụ án này, công quyền không thể tự tiện thực hiện việc truy tố, buộc tội một cách vô tội vạ. Đó là bởi vì những quy định của luật tố tụng hình sự đã buộc các cơ quan công lực phải hành động đúng luật nếu muốn truy tố một công dân ra trước Tòa án. Quyền tự do của công dân phải được đảm bảo không bị xâm hại bởi sự lạm dụng quyền lực từ phía Nhà nước - ở đây là cơ quan điều tra, công tố. Một khi cơ quan Nhà nước vi phạm pháp luật tố tụng, hiển nhiên quyền công tố đối với một công dân sẽ chấm dứt, và vì vậy người đó vô tội.
Nhiều người trong chúng ta vẫn chỉ quan niệm đơn thuần rằng, Luật tố tụng nói chung và Tố tụng hình sự nói riêng được ban hành đơn giản chỉ để quy định những thủ tục cần thiết để tiến hành quá trình trấn áp tội phạm của cơ quan Nhà nước – mà không thấy được rằng, đằng sau nó là một chức năng cao cả hơn nhiều: bảo vệ cho công dân khỏi bị xâm phạm trước sự thái quá của quyền lực Nhà nước, chính bởi vì Luật tố tụng quy định và điều chỉnh hành vi của cơ quan Nhà nước. Không nhận thức đầy đủ chức năng này của Luật tố tụng, dễ hiểu vì sao không ít người chưa quan tâm đúng mức tới những quy định của nó. Quyền lực Nhà nước nếu bị tha hóa thì sẽ nguy hiểm đối với quyền tự do của con người hơn bất cứ tổ chức tội phạm nào, và chính nó là rào cản lớn nhất đối với mong muốn đi lên một Nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân mà chúng ta vẫn hằng mơ ước.
Vì vậy tôi dám khẳng định với bạn rằng, sau Hiến pháp, thì Luật tố tụng nói chung và Luật Tố tụng hình sự nói riêng, thể hiện tinh thần “đứng trên nhà nước” của pháp luật một cách rõ nét nhất, do đó, không thái quá khi chúng ta nhận định rằng, một Nhà nước có ngành luật Tố tụng phát triển là Nhà nước mang đậm tinh thần của pháp quyền.
Bạn vẫn hoài nghi? Vậy bạn hãy kiểm tra lời tôi nói bằng cách, mở Hiến pháp ra bạn sẽ thấy trong Hiến pháp quy định rất nhiều nguyên tắc quan trọng của Luật Tố tụng.

2. Nguyên tắc Suy đoán vô tội trong Luật Tố tụng hình sự và sự công bằng

Không ai bị coi là có tội và phải chịu hình phạt khi chưa có bản án kết tội của Toà án đã có hiệu lực pháp luật
Trước khi đi vào vấn đề này, tôi xin được phép “lan man” ngoài đề một chút. Hẳn những người học luật chúng ta (mà không chỉ những người học luật) không ai là không biết qua bộ phim Đài Loan nổi tiếng “Bao Thanh Thiên”. Hình ảnh một vị quan tòa liêm minh, chính trực, thiết diện vô tư đã in sâu vào tâm trí nhiều người như ước mơ về công lý trên chốn pháp đường. Cái danh xưng “Thanh Thiên” (Trời xanh) người ta đặt cho Bao Công hẳn mang nhiều ý nghĩa lắm thay.
Cách đây không lâu, tôi có xem lại vài tập của bộ phim này. Một bộ phim lấy bối cảnh thời Tống – tức cách đây đã cả ngàn năm rồi – vẫn cho tôi những bài học quý giá về luật học (trong đó có cả tư tưởng “Thiên tử phạm tội xử như thường dân” mang đậm tinh thần pháp quyền). Vậy hãy cùng tôi nghe câu chuyện này:
Trong vụ án “Hiếu tử Chương Lạc”, diễn biến chính có thể tóm tắt như sau: một hôm không hiểu rõ vì lí do gì, người ta thấy Chương Lạc, một anh đồ tể tính khí nóng nảy, cục cằn thô lỗ, hầm hầm mang dao xộc thẳng vào nhà của danh y Diệp Vân, con trai của một vị danh y nổi tiếng đã từng chữa chạy cho nhiều thành viên trong hoàng cung. Một lát sau người ta thấy có tiếng la lớn “Chương Lạc giết người” vang lên trong nhà của Diệp Vân. Khi mọi người đến hiện trường thì thấy người học trò của Diệp Vân đã bị chết do bị đâm, và hung khí là con dao của Chương Lạc. Người ta đi báo quan, và Trần đại nhân, Tri phủ Trịnh Châu, một vị quan nổi tiếng có tài và cương trực, phán Chương Lạc phạm tội giết người.
Bao Công nhận thấy vụ án có nhiều tình tiết cần được làm sáng tỏ hơn, nên đích thân đề nghị xử lại vụ án này. Tại công đường, khi thẩm vấn Chương Lạc, thấy Chương Lạc khăng khăng kêu oan, Bao Công hỏi Trần đại nhân đại ý rằng vì sao ngài cho rằng Chương Lạc là kẻ phạm tội, Trần đại nhân mới bảo: “Lời khai của Chương Lạc quả thực hồ đồ, không thể tin. Dựa vào động cơ, không lý nào Diệp Vân lại giết người học trò của mình. Còn Chương Lạc thì có, dựa vào hành vi trước nay của hắn, Chương Lạc có phẩm chất không tốt, hung dữ háo đấu. Còn Diệp Vân là hương thân Nho y. Cho nên theo tình hình bấy giờ, Chương Lạc xông vào nhà Diệp Vân lúc đó có động cơ giết người, còn Diệp Vân lại đang bắt mạch chữa bệnh, ở vào thế bị động, không thể gây án”. Bao Công bỗng đập bàn đánh sầm, nói rằng: “Thật uổng cho cái danh chính trực tài năng của ngài. Ngay từ đầu ngài đã triệu Chương Lạc đến phủ với tư cách nghi can, còn Diệp Vân là nhân chứng, bỏ ngoài tai những lời khai của Chương Lạc, tại sao ngài lại có thành kiến từ trước như vậy? Ngài cho rằng kẻ giết người chỉ có thể là tên đồ tể chứ không thể là Nho sĩ được hay sao? Trong những kẻ đội mũ ô sa kia không phải không có những kẻ mặt người dạ thú, còn trong chốn phố chợ cũng không thiếu những người nhân nghĩa. Ngài không biết, hay cố tình không biết điều này?”. Trần đại nhân cúi gằm mặt, nói: “Bao đại nhân nói rất phải”…
Lát sau, Bao Công cho gọi Diệp Vân vào. Khi đến công đường, thấy Diệp Vân không quỳ xuống, Bao Công hỏi: “Nhà ngươi ra đến chốn công đường sao không quỳ xuống, hay cố tình xem thường công đường?”. Diệp Vân hỏi: “Vãn sinh không phải là nhân chứng trong vụ án này hay sao?”. Bao Công mạnh tiếng: “Sai rồi, ai là nhân chứng, ai là nghi can tới nay vẫn chưa thể đưa ra kết luận. Vừa rồi Chương Lạc khai chính ngươi mới là hung thủ giết người. Nếu nói như vậy, trước khi vụ án được làm sáng tỏ, ngươi cũng là một nghi can. Nếu là nghi can, đứng trước công đường của bản phủ tại sao lại không quỳ?” Diệp Vân phải quỳ xuống.
Vậy là từ tư cách một nhân chứng, Diệp Vân trở thành nghi can và cuối cùng vụ án được làm sáng tỏ, Diệp Vân chính là hung thủ giết người.
Điều mấu chốt để vụ án được sáng tỏ chính là ở sự “đổi ngôi” tư cách này, qua đó thay đổi luôn định kiến của một kẻ cầm cân nảy mực về những người có liên quan trong vụ án mà từ đó từng bước, từng bước đưa sự thật ra trước ánh sáng. Nếu không có điều đó, vụ án có thể làm sáng tỏ được sao?
“Suy đoán vô tội” trong Tố tụng hình sự là vậy.
Khi đứng trước tòa, không có điều gì đáng sợ hơn đối với một nghi can hình sự rằng quan tòa có thành kiến anh ta chắc chắn phạm tội. Cái thành kiến ấy của quan tòa, nếu cộng thêm sự hồ đồ của quá trình điều tra, truy tố, hẳn sẽ là một tai họa cho quyền tự do của con người. Chính vì vậy, Suy đoán vô tội được đặt ra và trở thành một trong những nguyên tắc tối quan trọng trong Tố tụng hình sự.
Thực chất của nguyên tắc này, đó là trước khi tiến hành định tội đối với một nghi can nào đó, phải bắt đầu từ giả thiết: anh ta vô tội. Ví dụ: Người ta tìm thấy một chiếc áo dính máu nạn nhân bị sát hại trong nhà ông A. Rõ ràng ở đây có dấu hiệu tội phạm và người phạm tội. Câu hỏi ông A có phạm tội hay không là việc mà Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Tòa án phải chứng minh. Nhưng trước khi thực hiện Suy đoán – định tội, chúng ta phải bắt đầu bằng giả thiết rằng: ông A vô tội. Trong quá trình chứng minh chừng nào chưa tìm ra được những chứng cứ loại trừ giả thiết chứng minh ban đầu có nghĩa là ông A luôn không phạm tội. Đó là thực chất của nguyên tắc Suy đoán vô tội trong Tố tụng hình sự, rằng thay vì trực tiếp chứng minh nghi phạm có tội (nghĩa là tạo ra một định kiến trước khi định tội rằng nghi phạm chắc chắn đã phạm tội), thì chúng ta phải bắt đầu bằng giả thiết rằng nghi phạm vô tội, và nếu chứng cứ không đủ sức mạnh thì anh ta luôn là người không có tội. Nguyên tắc này sẽ loại bỏ mọi thành kiến của quan tòa trước đó – rằng nghi can chắc chắn phạm tội, để quan tòa thực sự trở thành một con người công minh nhất, không thiên vị khi phán xét, từ đó, không làm oan người vô tội. Quyền tự do của con người vì vậy mà được đảm bảo.[2]
Trong vụ án trên, cái cách mà Trần đại nhân suy nghĩ cho thấy ông không phải là một kẻ bất tài, nhưng chỉ vì ông có định kiến từ trước rằng nghi can Chương Lạc chắc chắn phạm tội nên đã khiến một người tốt bị hàm oan, còn kẻ phạm tội thì nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật. Nếu Bao Công không đứng trên tinh thần của “Suy đoán vô tội” mà phán xử, hẳn trên đời này còn có “Thanh Thiên” nữa hay sao? Bao Công tỏ ra giận dữ trước sự hồ đồ của Trần đại nhân là bởi, thành kiến nghi can chắc chắn có tội sẽ làm sai lệch sự công bằng và chân lý khi quan tòa phán xét số phận pháp lý của một người, nên ngài dùng những từ ngữ khiển trách nặng nề: “thật uổng cho cái danh chính trực” cũng là phải lắm.
Muốn có công bằng, tất phải có “Suy đoán vô tội”. Và Luật Tố tụng hình sự mới mang lại sự công bằng này, chứ không phải là luật nội dung. Nếu chúng ta không hiểu rõ về nguyên tắc này trước khi mở những văn bản luật nội dung ra để tiến hành suy xét tội danh, nghĩa là chúng ta đã hổ cho cái danh học luật của chúng ta lắm.

3. Luật Tố tụng hình sự đối với vị trí của các luật gia và vấn đề giáo dục luật học

Tôi thấy rằng, ở những quốc gia coi trọng luật nội dung hơn luật tố tụng (thường là những nước Civil law), thì những học thuyết pháp lý của các giáo sư đại học đề ra có ảnh hưởng lớn tới những phán quyết của quan tòa, ngược lại, quốc gia nào coi trọng luật tố tụng hơn luật nội dung (thường là những nước Common law), thì việc nghiên cứu những án lệ mẫu mực của các thẩm phán là một điều quan trọng trong chương trình đào tạo luật học, và các giáo sư luật lấy làm vinh dự khi được giảng cho sinh viên những án lệ này. Và luật tố tụng hình sự cũng không phải là một ngoại lệ.
“Học thuyết pháp lý” - tập hợp các công trình nghiên cứu, lý luận của nhiều giáo sư về một vấn đề pháp lý – được xem là một nguồn luật rất được tôn trọng ở những nước coi trọng luật nội dung, trong khi đó đối với những nước coi trọng luật tố tụng thì án lệ của các Thẩm phán lại đóng vai trò này. Vì vậy, không có gì đáng ngạc nhiên khi các giáo sư vẫn giữ vai trò quan trọng trong việc định nghĩa luật pháp ở các nước Civil law. Các giáo sư trong hệ thống luật thông lệ không có được uy thế như vậy, trái lại quyền giải thích luật thường được trao vào tay các Quan tòa.[3]
Dĩ nhiên, những giáo sư đại học là những người đáng được tôn kính. Nhưng trên thực tế, nếu quyền lợi của tôi bị xâm phạm và tôi cần luật pháp bảo vệ, thì điều tôi mong muốn hơn cả là những luật sư tài giỏi cùng những vị thẩm phán công bằng, có chuyên môn nghiệp vụ cao. Chúng ta đã có cái tâm lý tôn trọng các luật sư và thẩm phán như chúng ta vẫn thường có đối với các giáo sư đại học hay chưa? Nếu chúng ta chưa có điều này, làm sao luật pháp có thể chiếm vị trí thượng tôn trong xã hội được?
Sinh viên học luật thành văn thường phải đọc các học thuyết pháp lý hơn là án lệ. Việc học của họ thường mang tính lý thuyết hàn lâm nhiều hơn. Phương pháp giảng dạy thường là phương pháp quyền uy mà những giáo sư đại học đóng vai trò trung tâm – chứ không phải là sinh viên. Chúng ta không lạ khi có những phàn nàn về việc thiếu đi phần nào bóng dáng của thực tiễn trong những buổi học trên lớp ở các nước đặt luật nội dung lên trên luật tố tụng.
Ngược lại, làm sao để sinh viên tiếp cận càng nhiều với thực tiễn càng tốt có lẽ là “tôn chỉ” ở những hệ thống giáo dục tại các nước coi trọng luật tố tụng. Phương pháp nghiên cứu án lệ và phương pháp đối đáp được sử dụng thường xuyên trong chương trình học. Vì vậy chúng ta không khó để nhận thấy, những luật sư ở các nước coi trọng luật tố tụng thường có sở trường về tranh tụng tốt hơn là những luật sư ở một quốc gia coi trọng luật nội dung.

Phần 2
Nguồn: Dân luận

4. Vài suy nghĩ về chúng ta

Hẳn bạn sẽ tinh ý nhận thấy ngay rằng, trong bài viết, cách nhìn về Luật Tố tụng hình sự của tôi thiên về cách nhìn của các nước Common law, những nước rất coi trọng luật hình thức. Xin bạn đừng ngạc nhiên, bởi mục đích của tôi ở đây là muốn chúng ta tập làm quen dần với tâm lý coi trọng luật Tố tụng như họ.
Chúng ta vẫn thường được nghe, “luật nội dung có trước, luật hình thức có sau, luật nội dung quyết định luật hình thức” trong các bài giảng lý luận về luật học, có lẽ vì thế nhiều khi chúng ta quá đề cao vai trò của luật nội dung mà quên đi vai trò của luật Tố tụng. Song đã đến lúc chúng ta cần những thay đổi để thực sự có được một xã hội mà pháp luật đóng vai trò thượng tôn nhưng chúng ta vẫn mơ ước xây dựng.

a. Luật Tố tụng hình sự và vấn đề cải cách Tư pháp hướng tới xây dựng Nhà nước pháp quyền

“Luật hình sự là luật dành cho kẻ bất lương, luật tố tụng hình sự dành cho người lương thiện”. Nếu luật hình sự - tức luật nội dung – được xây dựng với mục đích bảo vệ xã hội khỏi sự xâm phạm của hành vi phạm tội, thì luật Tố tụng hình sự cần được hiểu là nhằm mục đích bảo vệ cá nhân nghi can – người bị buộc tội – chống lại sự xâm hại quyền con người từ phía các cơ quan công quyền. Thể hiện được tinh thần của pháp quyền, những định chế của Luật tố tụng hình sự cần được chú trọng nhiều hơn trong quá trình cải cách nhằm xây dựng Nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân mà Đảng và Nhà nước đề ra.
Có ba vấn đề quan trọng trong Tố tụng hình sự mà chúng ta nhắc nhiều tới khi đề cập tới việc cải cách Tư pháp trong thời gian gần đây:
- Kỹ thuật lập pháp trong Bộ luật Tố tụng hình sự ở nước ta, luật quy định rằng Tòa án là cơ quan tiến hành tố tụng cùng với Viện Kiểm sát và Cơ quan điều tra. Quy định như vậy dễ bị hiểu sang nghĩa rằng Tòa án đứng về phía công quyền khi xét xử, không phù hợp với tôn chỉ của Luật TTHS rằng pháp luật phải bảo vệ quyền tự do của con người trước sự lạm dụng quyền lực Nhà nước. Bởi vậy, chúng ta có thể học tập kỹ thuật lập pháp của các nước Common law, khi chỉ quy định bên buộc tội và bên gỡ tội, còn Tòa án đứng ở vị trí giữa hai bên, hoàn toàn độc lập, vô tư và chỉ tuân thủ luật pháp khi phán xử. Quy định như vậy mới thể hiện rõ tính chất bảo vệ nhân quyền của nghi can trước các hành vi của Nhà nước.
- Bỏ chức năng Kiểm sát các hoạt động Tư pháp, chuyển Viện Kiểm sát thành Viện Công tố - Viện Công tố trực thuộc Chính phủ và chỉ thực hiện chức năng Công tố mà thôi. Quy định Viện kiểm sát vừa thực hiện chức năng Công tố - tức là bên buộc tội, lại vừa thực hiện chức năng Kiểm sát Tư pháp – Kiểm sát hoạt động của Quan tòa, thì có khác nào công quyền vừa đá bóng vừa thổi còi. Từ đó mà nhân quyền của nghi can bị đe dọa bởi hai chức năng đáng ra không được phép nằm trong một cơ quan này. Chuyển Viện kiểm sát thành Viện Công tố trực thuộc Chính phủ là một giải pháp khắc phục tình trạng trên.
- Nâng cao tính tranh tụng tại phiên tòa, bảo đảm bên buộc tội và bên gỡ tội bình đẳng với nhau trước tòa. Luật Tố tụng hình sự giúp đem đến sự cân bằng trong hoạt động xét xử giữa một bên là nhà nước với bộ máy điều tra, truy tố xét xử hùng mạnh được hậu thuẫn bằng quyền lực nhà nước với một bên yếu thế hơn là người bị tình nghi, bị can, bị cáo. Cùng với vị trí độc lập của Tòa án, tính tranh tụng bình đẳng tại phiên tòa cần được thể hiện mạnh mẽ hơn nữa để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của nghi can.
Đó là những nội dung tôi cho là tối quan trọng nếu chúng ta thực sự muốn xây dựng Nhà nước pháp quyền trên tinh thần hiểu đúng chức năng và sức mạnh của Luật Tố tụng hình sự. Không hiểu được những điều này, viễn cảnh xây dựng một xã hội dân chủ, văn minh quả thật còn xa vời.

b. Hãy tập làm quen với “Suy đoán vô tội”

Tôi không dám lạm bàn tới cái vấn đề sửa đổi luật Tố tụng hình sự như thế nào để thể hiện rõ hơn nguyên tắc suy đoán vô tội này. Nhiều vị giáo sư, tiến sĩ mà kiến thức của họ có lẽ đủ để tôi dùng đến ba đời cũng còn đang tranh cãi nảy lửa, huống gì là tôi. Nhưng hãy lắng lại một chút, thử đi cùng tôi đến vài phiên tòa nhé.
Mới đây, tại một phiên xử hình sự diễn ra ở Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TP.HCM xét kháng cáo kêu oan của một bị cáo phạm tội giết người, một cảnh tượng đã khiến người dự khán khó tin được. Trong khi vị chủ tọa đưa ra chứng cứ cho thấy bị cáo cầm dao đâm, thì vị thẩm phán ngồi cạnh, từ đầu phiên xử đã ngửa cổ tựa đầu ra thành ghế, bỗng bật dậy gắt: “Cãi gì nữa”. Xong ông đập đập tay lên chồng hồ sơ nói: “Chứng cứ rành rành thế này mà còn cãi. Về chỗ đi. Loanh quanh chối tội...”. Nghe như vậy bị cáo tiu nghỉu, nhưng rõ ràng trên gương mặt tỏ vẻ không phục.
Hôm khác, tại phòng xử A cũng của tòa này, người dự khán cũng chứng kiến một vị thẩm phán thuyết phục bị cáo ngay khi vừa mở phiên tòa: “Chứng cứ rõ ràng rồi, kháng cáo cũng vậy thôi”. Lúc này, các luật sư phía dưới chỉ biết nhìn nhau to nhỏ “án chưa xử mà đã biết kháng cáo “cũng vậy”, bó tay”.[4]
Bản thân tôi mấy ngày vừa qua, trực tiếp lên tòa xem xử án, tôi mới thấy cái ước mơ công bình từ nguyên tắc Suy đoán vô tội vẫn còn xa lắm. Các quan tòa của chúng ta chưa hề quen – tôi nhấn mạnh chữ “chưa hề” – với nguyên tắc tiến bộ này. Chưa nói đến chuyện gì cao xa, ngay những câu hỏi mà thẩm phán đưa ra đối với bị cáo hay những người bị hại vẫn mang đậm cái tính mà chúng ta thường gọi là “mớm cung”, thể hiện rõ ràng ngay rằng trong tâm trí của quan tòa bị cáo chắc chắn là người phạm tội. Nếu có ai đó chưa tin tôi, cho rằng dẫn chứng tôi đưa ra chỉ là câu chuyện tiếu lâm, thì một lần nào đó xin mời bạn bỏ chút thời gian đến xem một phiên tòa xét xử…
Vì vậy, tôi chưa đặt ra vấn đề sửa đổi luật như thế nào, mà trước hết tôi đặt ra vấn đề, các luật gia, các quan tòa và thậm chí là người dân, “hãy tập làm quen với suy đoán vô tội” cái đã. Cũng giống như muốn xây dựng một cái xã hội thượng tôn pháp luật, thì trước hết hãy làm người dân “tập làm quen với việc thấy đèn đỏ trên đường là tự giác dừng lại”. Chúng ta có sửa đổi luật bao nhiêu đi nữa, nhưng ngay trong suy nghĩ của các vị thẩm phán, tư tưởng suy đoán vô tội vẫn chưa có chỗ trong họ, thì nó cũng chỉ là một nguyên tắc trên giấy mà thôi.
Để làm cho các quan tòa không có định kiến ngay từ đầu với nghi can, có lẽ đầu tiên cần phải thay đổi hình ảnh của nghi can khi xuất hiện trước Tòa. Không nên bắt nghi can đeo còng tay hay mặc áo tù khi đứng trước vị thẩm phán. Đồng thời, cùng với đó cần tiến hành những thay đổi căn bản về vị trí của Tòa án cũng như Viện kiểm sát như đã phân tích ở trên, để làm sao quan tòa ý thức được rằng, vị trí của mình không phải đứng về phía công quyền để buộc tội nghi can, mà là đem lại sự phán xét công bằng nhất cho họ…

c. Về vấn đề đào tạo luật học

Tôi luôn dành cho những người thầy, người cô trong trường luật, những người đã tận tình chỉ dạy kiến thức luật học cho tôi, sự kính trọng và biết ơn lớn lao
Nhưng tôi cũng thấy buồn lòng khi một vị luật sư có tiếng nhận định: “Sinh viên luật mới ra trường không viết nổi một lá đơn, một tờ di chúc”
Tôi cũng không thể vui nổi khi sếp của tôi bảo với tôi: “Là sinh viên mới ra trường, dù cháu có tốt nghiệp loại giỏi chăng nữa, nhưng tiếp xúc với một hay vài hồ sơ vụ án, cháu sẽ thấy mình dốt nát ngay”
Và đó không phải những lời nói đùa của họ.
Tôi cũng còn nhớ có một đợt, một đoàn thanh tra (hình như vậy) giáo dục về trường tôi, gặp gỡ một số sinh viên để hỏi nguyện vọng của họ về chương trình đào tạo hiện nay. Tôi vinh dự được là một trong số những người đó, và tôi đã nói với đoàn rằng: “Em mong muốn có thêm nhiều những phiên tòa giả định, nhiều tình huống thực tiễn hơn nữa trong chương trình học của chúng em”. Tôi tin rằng không phải không có nhiều sinh viên có cùng suy nghĩ với tôi.
Tôi nghĩ đã đến lúc chúng ta nên chú ý học tập phương pháp giáo dục ở những nước nơi mà họ coi trọng luật tố tụng, coi trọng việc làm sao để sinh viên tiếp cận càng nhiều với thực tiễn càng tốt. Tôi mong muốn có những giờ thầy và trò cùng nhau nghiên cứu những bản án nổi tiếng của các vị quan tòa, có những tranh luận y như tại một phiên tòa giả định trong giờ học từ cách xưng hô cho đến trình tự tranh tụng, xét hỏi, và kể cả cái cảm giác hoan hỉ như vừa thắng một vụ kiện y như trên thực tế sau giờ tranh luận của các sinh viên vậy… để sau này khi đi làm, đến một phiên tòa cụ thể xem xử án, các tân cử nhân sẽ không cảm thấy nó quá xa lạ so với những gì mình được học trong nhà trường.
Những bạn khóa sau tôi đã tiếp cận nhiều hơn với phương pháp học tín chỉ. Có người chê, cũng có người khen. Người khen thì nói rằng tiếp xúc với bài tập thì kiến thức sẽ nhớ lâu hơn. Người chê thì bảo phải làm bài ngay khi chưa tìm hiểu vào bài học, rằng thời gian học một môn học là quá ngắn chưa đủ để tìm hiểu về nó…
Đó là một điều đáng suy nghĩ nếu chúng ta muốn đưa thực tiễn vào trường học. Tôi nghĩ lẽ ra nên tìm hiểu thật thấu đáo mô hình học tập này trước khi triển khai ở nước ta, tránh đem sinh viên ra làm “chuột bạch” thử nghiệm một cách vô tội vạ như vậy. Việc nghiên cứu mô hình đào tạo luật ở các nước common law không phải là việc quá khó khăn đối với chúng ta. Vậy hãy làm sao để áp dụng nó, sao cho sinh viên cảm thấy vui thích khi tham gia một buổi học, để sau này mang niềm yêu thích đó vào một phiên tòa thật sự.
Và còn một vấn đề nữa, như lời của PGS. TS. Phạm Duy Nghĩa, một người thầy đáng kính đã tâm sự: “Trong Luật Luật sư nước ta có một quy định là cấm những người giảng dạy được hành nghề Luật sư. Đây chưa hẳn là một quy định thông minh bởi lẽ giống như một ông bác sĩ phải có nhiều thực tế, thì ông luật sư là thầy trong trường hiện nay lại không được làm những việc ấy.” Có lẽ trong tương lai chúng ta nên xem xét lại tính đúng đắn của quy định này, hoặc chí ít nên quy định tiêu chuẩn để thi tuyển giảng viên là phải có vài năm kinh nghiệm làm luật sư trước…
Tôi thật mừng khi nghe một số sinh viên luật khóa dưới tôi nói rằng: “em yêu thích môn luật Tố tụng hình sự”. Tôi biết rằng có thể các em ấy yêu thích môn học chỉ từ một người thầy, người cô với những bài giảng hay trên lớp, chứ chưa hẳn là do các em hiểu rõ tầm quan trọng của Luật Tố tụng nói chung cũng như Luật tố tụng hình sự nói riêng trong hệ thống pháp luật của chúng ta. Song tôi mong muốn các em sẽ giữ nguyên tình yêu ấy khi bước ra tòa với tư cách một thẩm phán, kiểm sát viên hay luật sư, hoặc khi đứng lên phát biểu tại Quốc hội với tư cách một nghị sĩ. Bởi Luật Tố tụng không đơn thuần chỉ là những thủ tục, hơn thế nó mang trong mình tôn chỉ và ước mơ về công lý và quyền tự do.
_____________________
[1] Hai mô hình Tố tụng hình sự đặc trưng trên thế giới, Nguyễn Hà Thanh (http://luatviet.net/Home/nghien-cuu-trao-doi/phap-luat-the-gioi/2010/8867/Hai-mo-hinh-to-tung-hinh-su-dac-trung-tren-the-gioi.aspx)
[3] Truyền thống pháp luật Mỹ trong hệ thống pháp luật phương Tây, Gary F. Bell
Các tài liệu khác:
- Tố tụng tranh tụng và Tố tụng thẩm vấn trong Tư pháp hình sự thế giới, Ths Nguyễn Hải Ninh; Nguyễn Hà Thanh – Tạp chí Nghiên cứu lập pháp
- Những vấn đề đặt ra khi đổi mới tố tụng theo hướng tranh tụng, Nguyễn Quốc Việt – Tạp chí Nghiên cứu lập pháp
Phan Hoàng Linh

VIỆT NAM YÊU DẤU