Ai cũng có quyền tự do quan niệm và tự do phát biểu quan điểm; quyền này bao gồm quyền không bị ai can thiệp vì những quan niệm của mình, và quyền tìm kiếm, tiếp nhận cùng phổ biến tin tức và ý kiến bằng mọi phương tiện truyền thông không kể biên giới quốc gia. - Điều 19, Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền

22/12/11

TỰ HÀO VIỆT NAM!

Aan Phan
Một anh bạn doanh nhân người Anh sống ở Hà Nội hơn 7 năm qua cho biết câu hỏi ông phải trả lời nhiều nhất trong mọi cuộc gặp gỡ quan chức cũng như dân cư là "Ông nghĩ thế nào về Việt Nam?"

Không một dân tộc nào mà không có ít nhiều kiêu hãnh về nguồn gốc mình, dù là công dân của một siêu cường hay một nhược tiểu.
Cách đây 2 năm, tôi có gặp một anh bác sĩ  người Zimbabwe vừa đến Los Angeles tị nạn. Xứ sở của anh ta là một điển hình về sự sụp đổ toàn diện (a failed state) từ kinh tế, xã hội đến y tế, môi trường. Thực ra trước đó, Zimbawe còn được gọi là Rhodesia và có một mức sống cao nhất châu Phi. Sự tụt hậu bắt đầu khi ngài Mugabe và đảng cầm quyền giành được độc lập và thống trị nước này suốt 30 năm qua. Tuy vậy, khi nói về đất nước, anh bạn này rất hãnh diện đến độ cực đoan, dù anh ta mới chạy trốn khỏi xứ đó vài ba tháng trước. Trong nhiều trận đá bóng tại Mỹ, nhiều cư dân Mỹ gốc Mexico đã cổ vũ nồng nhiệt cho đội tuyển Mexico chống lại đội Mỹ, gây nhiều đề tài tranh cãi tại các cộng đồng địa phương. Nhiều người cho rằng đây là biểu hiện của mặc cảm thua kém. Tuy vậy, người Mỹ thường có tinh thần yêu nước quá khích hơn các dân tộc châu Âu. Nhiều người lại cho rằng đây là mặc cảm tự tôn?
Ở Việt Nam, đề tài tự hào về dân tộc được nhắc nhở khá nhiều tại mọi kênh truyền thông khắp nước. Sĩ diện của xã hội cũng bày tỏ rất sôi nổi khi năm ngoái, một trận chung kết giữa Việt Nam và Malaysia sẽ quyết định chức vô địch cho một giải gì đó ở Asean. Cả thành phố chuẩn bị cho một cuộc náo loạn của vài chục ngàn cổ động viên đi bão bằng xe gắn máy trên khắp nẻo đường. Tiếc là Việt Nam đã thua và tôi mất đi một kinh nghiệm quý báu để quan sát sự biểu dương về tự hào dân tộc.
Có lẽ vì lòng yêu nước cực độ, người Việt Nam hay quan tâm lo lắng không biết là người nước ngoài nghĩ gì và có đánh giá cao dân tộc và xứ sở này? Một anh bạn doanh nhân người Anh sống ở Hà Nội hơn 7 năm qua cho biết câu hỏi ông phải trả lời nhiều nhất trong mọi cuộc gặp gỡ quan chức cũng như dân cư là "Ông nghĩ thế nào về Việt Nam?" Trên thế giới, ngay cả người Trung Quốc, nơi sinh ra của văn hoá sĩ diện, cũng không sánh bằng chúng ta về tinh thần tự hào dân tộc.
Do đó, không lạ gì khi những tít lớn của các tờ báo và kênh truyền thông là những lời phát biểu ngợi khen Việt Nam của các nhà ngoại giao hay một nhân vật nước ngoài vừa đến thăm. Có lẽ tác giả các bài viết chưa hiểu rõ định nghĩa của danh từ "ngoại giao".
Tôi còn nhớ cách đây 4 năm, tôi tháp tùng một phái đoàn thương mại của các doanh nhân Hồng Kong qua thăm Pakistan về cơ hội đầu tư. Kết thúc một cuộc viếng thăm 5 ngày do chính phủ Pakistan tổ chức là một cuộc họp báo tại sân bay Karachi. Sau nhiều câu hỏi về đủ mọi đề tài dành cho các đại gia nổi tiếng của Hồng Kong, một ký giả đã chỉ đích danh tôi, "Ông là một nhà kinh tế học, vậy xin ông cho biết ông nghĩ gì về kinh tế Pakistan?".
Trước đó không lâu, tôi ở lại Việt Nam suốt 2 tháng trời nên có câu trả lời thông suốt, "Pakistan là một quốc gia rất nhiều tiềm năng, nhiều tài nguyên thiên nhiên, với một dân số trẻ trung năng hoạt, giá nhân công còn rẻ so với các quốc gia quanh vùng và một nền chính trị tương đối vững vàng (lúc đó Musharraf còn đang nắm quyền). Tôi không thấy gì có thể ngăn cản Pakistan trở thành một nước phát triển kinh tế nhanh chóng nhất ở thị trường mới nổi".
Dĩ nhiên tôi không thể nói gì khác hơn. Họ đã tiếp đãi chúng tôi rất nồng nhiệt và mời chúng tôi những bữa ăn đặc thù ngon miệng.
Tôi cũng để ý rằng các nhận định rất tích cực của các nhà quản lý đầu tư các quỹ nước ngoài tại Việt Nam tại các buổi hội thảo, phỏng vấn... đã được rầm rộ quảng bá trên các kênh truyền thông. Đây là những nhân vật mà lẽ sống (raison d'etre) là tìm cho được các khách hàng có tiền để đầu tư vào Việt Nam. Nếu họ nói ngược lại những gì mà chúng ta và khách hàng của họ đang mong đợi thì đây mới thật sự là chuyện lạ, đáng làm tít lớn.
Ngược lại, cũng có nhiều nhà phê bình trong chúng ta với thái độ khá nghiêm khắc về các vấn nạn quốc gia, từ văn hoá, xã hội đến kinh tế, môi trường. Dựa trên những chuẩn mực khá cao của các xã hội Âu Mỹ, họ đánh giá Việt Nam rất tiêu cực và bi quan. Họ đưa ra những đòi hỏi và giải pháp không thực hiện nổi trong một thực tế khó khăn và một cơ chế phức tạp như Việt Nam. Dù ước muốn của họ chỉ là tìm kiếm một giải pháp cấp tốc cho mọi vấn đề và tiếng nói họ cũng đã thể hiện tinh thần yêu nước sâu đậm, nhưng sự mong đợi quá mức có thể gây tác hại ngược lại: đó là hậu quả cho những thất vọng nặng nề sau này.
Một quốc gia có thể được đánh giá cao hay thấp trong nấc thang văn minh nhân loại dựa trên nhiều yếu tố: văn hoá, nghệ thuật, lịch sử, kinh tế, chính trị, giáo dục, thiên nhiên, môi trường, dân trí và ngay cả thể thao. Mỗi yếu tố đều có một thước đo có thể định lượng, dù với những tài sản vô hình. Nhiều cơ quan trên thế giới đã định giá các quốc gia bằng đủ các chỉ số, từ chỉ số hạnh phúc đến chỉ số tham nhũng (không biết dựa vào số liệu nào?), dĩ nhiên là dựa trên các chuẩn mực rất chủ quan của các nước Tây phương. Nhưng tựu trung, tôi nhận xét thấy con số quan trọng nhất vẫn là GDP hay mức thu nhập mỗi đầu người (GDP or GNI per capita). Chỉ số giàu nghèo này định đoạt nhiều bậc thang giá trị khác. Một nước giàu thường có thiên nhiên xanh, môi trường sạch, y tế giáo dục chất lượng, văn hoá nghệ thuật xúc tích, khoa học tiến bộ, dân trí đạo đức cao cấp. Một ví dụ là Ai Cập có một nền văn minh cổ đại và lịch sử phong phú, nhưng vì là nước nghèo, nên văn hoá truyền thống của họ không phổ biến và được tôn trọng bằng các quốc gia Âu Mỹ. Cho nên ngay cả các định giá này, dù thực dụng, cũng chưa chắc đã chính xác theo khoa học.
Báo cáo năm 2009 của Chỉ số Hạnh phúc toàn cầu (Happy Planet Index) xếp Việt Nam vào hạng thứ 5 của thế giới. Trong khi đó, Đan Mạch và Newzeland xếp hạng thứ 102 và 105. Dù người Việt hạnh phúc hơn, nhưng ai cũng biết là quốc gia và dân tộc nào được kính nể và tôn trọng hơn khi đi tiếp cận với nước ngoài. Theo giáo sư Trần Hữu Dũng của đại học Wright State, "ta cần biết ta hơn nữa để hoạch định chính sách kinh tế, để biểu hiện căn tính của một xã hội văn minh... và phải đưa cái "biết" này trên căn bản độc lập, đa dạng và công khai. "Không biết mình thì làm sao trăm trận trăm thắng được"?
Vì đã sống liên tục 26 năm ở Mỹ và sau đó, sống cũng như công tác liên tục hơn 22 năm qua tại 32 quốc gia khác nhau từ Nam Mỹ, Phi Châu đến Á Châu và Úc, tôi hay bị "điều tra" để so sánh về bậc thang giá trị giữa nhiều quốc gia và dân tộc. Về Việt Nam, cảm nhận chủ quan của tôi như sau:
Những vấn nạn hiện tại của Việt Nam như kinh tế, tài chính hay y tế, giáo dục, môi trường và dân trí... đều rất quen thuộc với các quốc gia trong tình trạng "mới nổi". Các vấn nạn này, 15 năm trước Trung Quốc đã trải nghiệm, 30 năm trước Thái Lan đã phải đối đầu, 60 năm trước Nhật Bản đã phải vượt qua và 100 năm trước, nước Mỹ đã tìm cách giải quyết. Chúng ta chậm hơn người, nhưng lại có lợi thế là có thể dùng kinh nghiệm của kẻ đi trước để tránh nhiều sai lầm. Chúng ta có thể lạc quan mà nghĩ rằng Việt Nam sẽ "đi tắt đón đầu"; hay chúng ta có thể bi quan mà cho rằng Việt Nam sẽ không bao giờ "vượt bẫy thu nhập trung bình" như nhiều chuyên gia lo ngại. Thực sự, tôi tin rằng không ai có thể đoán được.
Theo những hành xử trong quá khứ thì người Việt chúng ta có nhiều kỹ năng đặc biệt như khôn ngoan, cần cù, cầu tiến, can đảm...nhưng cũng vướng nhiều khuyết điểm như manh múng, hình thức, cẩu thả... Xét về thành quả đã qua, thì kinh tế, xã hội Việt đã phát triển chậm hơn các quốc gia đang mở mang khác. Nói tóm lại, trong một lớp học của thế giới, thì cậu học trò Việt được xếp hạng một chút dưới trung bình. Không quá tệ để xấu hổ, nhưng cũng không gì xuất sắc để hãnh diện.
Theo kinh nghiệm, một cậu học trò do có thể tìm một nghị lực và phương pháp học mới hơn để đạt tiến bộ nhanh và trở thành một học trò đầu bảng. Ngược lại, một anh sinh viên ưu tú có thể gặp một mối tình ngang trái và suy sụp đến độ bỏ học. Không ai có thể ngăn cản Việt Nam trở thành một học trò đầu bảng, và tôi hy vọng đất nước này sẽ may mắn không trải qua nhiều cuộc tình ngang trái.
Thực ra, dù nhìn trên khía cạnh nào, chuyện tự hào dân tộc không đáng để chúng ta lưu tâm vì nó không ảnh hưởng gì đến tương lai của xứ sở. Cổ vũ cho một đội nhà nồng nhiệt và hoành tráng đến đâu cũng không làm thay đổi kết quả trận đá bóng (đôi khi còn có hậu quả ngược lại vì làm các vận động viên quá căng thẳng). Việc làm duy nhất để thay đổi tương lai của chúng ta là cố gắng liên tục và bền vững của từng cá nhân, từng cộng đồng, từng tầng lớp xã hội. Sự tiến bộ này của ngày hôm nay so với ngày hôm qua mới là thành quả để hãnh diện hay xấu hổ, không phải là lời khen tiếng chê từ người ngoài.
Người Mỹ có câu nói: "Ở lứa tuổi 20, ta thường rất quan tâm đến suy nghĩ của người khác về mình. Ở lứa tuổi 40, ta thường mặc kệ ai muốn nghĩ sao về mình cũng được. Cho đến lứa tuổi 60, ta mới khám phá ra rằng là chẳng ai nghĩ gì về mình cả."
ALAN PHAN

VIỆT NAM YÊU DẤU