Ai cũng có quyền tự do quan niệm và tự do phát biểu quan điểm; quyền này bao gồm quyền không bị ai can thiệp vì những quan niệm của mình, và quyền tìm kiếm, tiếp nhận cùng phổ biến tin tức và ý kiến bằng mọi phương tiện truyền thông không kể biên giới quốc gia. - Điều 19, Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền

25/6/11

TRỊCH THƯỢNG!

Hồ Như Hiển
Hôm nay, lướt trên Vietnamnet thấy có bài này: "Học sinh chép, quay bài: Giằng xé bắt hay thả".
Ở đây không bàn về việc vì sao học sinh quay bài, chép bài. Chỉ xin được nói đôi điều về hai từ "bắt" và "thả" trong bài báo.
Khi làm bài kiểm tra, bài thi, nếu thí sinh bị phát hiện sử dụng tài liệu hoặc chép bài của bạn, người ta thường dùng từ bị "bắt" để diễn tả điều này. Ví dụ: Thí sinh A bị bắt tài liệu, thí sinh B bị bắt khi trao đổi bài, giám thị C bắt được thí sinh D sử dụng tài liệu, giám thị E bắt được thí sinh F và H đang trao đổi bài...
Theo "Từ điển tiếng Việt - Hoàng Phê chủ biên - Viện ngôn ngữ học - NXB Đà Nẵng - Trung tâm từ điển học [1]" thì "bắt":
1. Nắm lấy, giữ lại, không để cho tự do hoạt động hoặc cử động. Bắt kẻ gian. Mèo bắt chuột. Bị bắt sống. Thả con săn sắt, bắt con cá rô.
2. Tiếp, nhận vật từ nơi khác đến và thu lấy vào trong phạm vi tác động hoặc sử dụng của mình. Bắt được quả bóng. Bắt được thư nhà. Bắt được của rơi. Radar bắt mục tiêu. Bắt sóng một đài phát thanh.
3. Bám chặt hoặc để cho bám chặt lấy, cái này tác động trực tiếp vào cái kia. Vải ít bắt bụi. Bột không bắt vào tay. Da bắt nắng. Bắt mùi. Dầu xăng bắt lửa.
4. Phát hiện sự việc đáng chê trách của người khác và làm cho phải chịu trách nhiệm. Bắt lỗi chính tả. Kẻ trộm bị bắt quả tang.
5. Khiến phải làm việc gì, không cho phép làm khác đi. Chĩa súng bắt giơ tay hàng. Điều đó bắt anh ta phải suy nghĩ. Bắt đền. Bắt phạt (bắt phải chịu phạt). Bắt phu (bắt người đi phu).
6. Làm cho gắn, cho khớp với nhau, khiến cái này giữ chặt cái kia lại. Các chi tiết máy được bắt chặt với nhau bằng bulông. Bắt đinh ốc.
7. Nối thêm vào một hệ thống đã có sẵn. Bắt điện vào nhà. Bắt vòi nước. Con đường bắt vào quốc lộ. Cho người đến để bắt liên lạc. Bắt vào câu chuyện một cách tự nhiên.
Có thể thấy, từ "bắt" trong tình huống này được dùng theo nghĩa thứ tư: Phát hiện sự việc đáng chê trách của người khác và làm cho phải chịu trách nhiệm. Dùng từ bắt trong tình huống như vậy tương đối chính xác.
Điều đáng nói là từ "thả". Cũng theo [1], "thả" được định nghĩa:
1. Để cho tự do được hoạt động, không giữ lại một chỗ nữa. Thả gà. Thả trâu. Thả tù binh. Thả thuyền xuống nước. Thả mình theo sở thích riêng.
2. Cho vào môi trường thích hợp để có thể tự do hoạt động hoặc phát triển. Thả diều. Thả bèo hoa dâu. Tận dụng ao hồ để thả cá.
3. Để cho rơi thẳng xuống nhằm mục đích nhất định. Thả mành cửa. Thả dù. Thả bom. Thả lưới.
Từ "thả" dùng trong bài báo trên, chỉ có thể hiểu theo nghĩa thứ nhất: Để cho tự do được hoạt động, không giữ lại một chỗ nữa. Thả gà. Thả trâu. Thả tù binh. Thả thuyền xuống nước. Thả mình theo sở thích riêng. Nghĩa là, từ này chỉ dùng với súc vật hoặc kẻ phạm tội.
Là con người, mắc lỗi là điều rất bình thường. Với học sinh, điều đó lại càng bình thường. Các em đang ngồi trên ghế nhà trường, đang trau dồi kiến thức để làm người. Các em phải được tôn trọng, được đối xử  một cách nhân văn. Nếu các em mắc sai phạm, giám thị có thể xử lí đúng theo quy chế. Đó cũng là một việc làm nhân văn, vì giám thị là người cầm cân nảy mực trong phòng thi. Nếu hành vi của các em chưa đến mức áp qui chế, giám thị nhắc nhở, lưu ý thí sinh, chứ tuyệt đối không dùng từ "thả". Đừng coi các em là tội phạm hoặc súc vật.
Ngôn ngữ phản ánh tư duy. Một vài từ không chỉ là thói quen khẩu ngữ. Nó phản ánh thái độ kẻ cả, bề trên, trịch thượng của những người làm giáo dục đối với học sinh. Từ đó tạo ra một thế hệ hoặc chỉ biết sợ sệt, nghe lời một cách máy móc (và đấy, đau xót thay, chính là một hình thức nô lệ tinh vi) hoặc tìm cách phản kháng bằng việc đánh nhau, xé quấn xé áo rồi quay clip tung lên mạng để được chú ý đến, để thể hiện "cái tôi" của mình...
Một nền giáo dục  không/cố tình không chú ý từ những điều sơ đẳng như vậy, đất nước lầm than là điều đương nhiên.
HNH

VIỆT NAM YÊU DẤU