Ai cũng có quyền tự do quan niệm và tự do phát biểu quan điểm; quyền này bao gồm quyền không bị ai can thiệp vì những quan niệm của mình, và quyền tìm kiếm, tiếp nhận cùng phổ biến tin tức và ý kiến bằng mọi phương tiện truyền thông không kể biên giới quốc gia. - Điều 19, Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền

15/9/13

THƯ NGỎ CỦA MỘT HỌC SINH GỬI BAN GIÁM HIỆU TRƯỜNG MÌNH ĐANG HỌC

Đôi lời kính cáo của Hồ Như Hiển, 10h10' ngày 19/9/2013:
Bài viết "THƯ NGỎ CỦA MỘT HỌC SINH GỬI BAN GIÁM HIỆU TRƯỜNG MÌNH ĐANG HỌC" của Hồ Như Hiển được thầy giáo Trần Đình Trợ (trường THPT Hương Sơn, Hà Tĩnh) đăng lại trên facebook cá nhân của ông (địa chỉ: https://www.facebook.com/trandinh.tro?fref=ts). Từ facebook của thầy Trợ, rất nhiều báo trích đăng lại bài viết này. Tuy nhiên, trước khi đăng, biên tập viên các báo đã bỏ đi một số câu, từ. Đặc biệt, do thầy không dẫn đường link nên các báo tưởng tác giả là một học sinh ở Hương Sơn, Hà Tĩnh. Nay Hồ Như Hiển có đôi lời thưa lại kẻo bạn đọc hiểu nhầm Hồ Như Hiển đạo văn.

Một số báo điện tử đăng lại một phần bức thư này:

***
Sóng Giang (phải) cùng em gái học bài dưới ánh đèn soi gắn trên đầu. 
Nguồn ảnh:Hai chị em học trò nghèo đội đèn tìm chữ
Hồ Như Hiển

Kính thưa thầy cô!
Lời đầu thư, em xin được gửi tới thầy cô lời chúc sức khỏe, hạnh phúc và thành công trong sự nghiệp trồng người!
Kính thưa thầy cô,
Bằng niềm tin mãnh liệt, đâu đó vẫn còn những người biết đồng cảm với nỗi khốn khó của đồng loại, em viết những dòng này trong lúc đợi bàn tay chai sạn của cha xách xô vữa cuối cùng và đợi bàn tay gầy guộc của mẹ nhặt nhạnh nốt những túi nilong, những vỏ bia, vỏ nước ngọt còn sót lại sau những bữa liên hoan kí kết các hợp đồng béo bở của những người có chức có quyền, để  gia đình cùng nhau quây quần bên bữa cơm tối đạm bạc nhưng ấm áp tình thương…
Thưa thầy cô,
Mỗi lần cầm giấy báo nộp khoản tiền này, tiền kia, ánh mắt bố mẹ em chứa đầy ưu tư lo lắng. Sau những đêm thao thức tính toán, bố mẹ chúng em như già đi thêm vài tuổi. Năm nay, đứa em trai của em thi đỗ vào lớp 10 trường mình, gánh nặng ăn học của chúng em lại càng đè nặng lên đôi vai chín rạn của cha mẹ. Nhiều lúc, thương cha mẹ, em đã định bỏ học nhưng bố mẹ luôn động viên em, cho dù phải bán máu của mình cha mẹ cũng lo đủ tiền cho chúng em đóng góp…
Thưa thầy cô, nhìn cha mẹ héo hon từng ngày lo miếng cơm manh áo, chúng em chẳng biết phải làm gì ngoài việc cố học tập tốt để cha mẹ vui lòng. Ngoài ra, một việc em nghĩ có thể làm được là xin các thầy cô chiếu cố cho hoàn cảnh của gia đình em.
Em xin thầy cô cho em của em không phải đóng tiền ghế nhựa. Trong các buổi sinh hoạt tập thể, em xin nhường chiếc ghế nhựa em đã đóng tiền hồi lớp 10 cho em của em. Em xin kê dép ngồi cũng không sao đâu thầy cô ạ.
Chúng em xin thầy cô miễn cho chúng em tiền nước uống. Chúng em hứa sẽ uống no nước ở nhà để không phải uống nước mà mình không có đủ tiền để đóng.
Hàng ngày, vào những lúc ra chơi, chị em em xin  phép thầy cô được mang chổi, gầu hót rác đến trường quét dọn để không phải đóng khoản tiền vệ sinh.
Dù nhà xa, chúng em sẽ cố gắng dậy sớm, đi bộ đến trường. Thầy cô yên tâm, chúng em sẽ không xin thầy cô khoản tiền gửi xe trong trường.
Kính thưa thầy cô,
Thầy cô luôn dạy chúng em, đất nước ta còn nghèo, bố mẹ chúng em lao tâm khổ tứ, đổ mồ hôi sôi nước mắt mới kiếm được đồng tiền cho chúng em ăn học, chúng em không được hoang phí, không được đua đòi may mặc, mua sắm. Em của em mới vào lớp 10, cha mẹ chúng em cắn răng cho tiền để nó may hai áo đồng phục mùa hè theo chủ trương của nhà trường. Nhưng em thực sự không hiểu vì sao các em khối 11 và chúng em khối 12 (chỉ còn một năm nữa ra trường) đã có hai chiếc áo đồng  phục mùa hè mà thầy cô vẫn yêu cầu chúng em may thêm chiếc nữa (mẫu mới)? Thưa thầy cô, ai mà chẳng hồ hởi, hạnh phúc khi được người thân may cho áo mới. Nhất là chiếc áo mà cha mẹ đã vắt kiệt sức để mua cho mình. Nhưng nhìn những chiếc áo đồng phục mà lòng em xót xa thương cha mẹ thầy cô ạ. Mai này, bước vào đời, ngồi nhìn lại những kỉ vật học đường, cầm một chiếc áo áo trắng học trò trên tay, ôm nó vào lòng, chúng em còn hồi hồi xúc động nhớ về một thuở hoa niên ngây thơ trong sáng. Nhưng cầm đến.. ba cái thì chúng em biết nghĩ gì thầy cô ơi?
Thưa thầy cô, sắp tới, nhà trường còn định triển khai may thêm áo đồng phục mùa đông cho học sinh khối 11 và 12 (khối 10 thì chắc chắn rồi ạ). Thầy cô ơi, hai năm trước, mỗi khi gió mùa về, mặc chiếc áo đồng phục mùa đông mà em thấy lạnh giá và đau buốt. Lạnh giá vì chiếc áo mỏng manh không chống nổi cơn gió tê tái cắt da cắt thịt của mùa đông miền Bắc. Đau buốt khi nghĩ rằng kĩ thuật may của người Việt Nam chúng ta thấp quá không đuổi kịp số tiền chúng em đóng mua áo đồng phục. Thầy cô có thấy giá lạnh và buốt đau như chúng em không, thưa thầy cô?
Thưa thầy cô, em biết, về mặt pháp lí, thầy cô làm chặt chẽ lắm, kín kẽ lắm. Việc may đồng phục, thay đổi mẫu, Hội cha mẹ học sinh đồng ý. Nhưng thưa thầy cô, cha mẹ em mỗi lần đi họp phụ huynh về đều than vắn thở dài. Cha mẹ em bảo, những chủ trương của nhà trường đã được thông qua hết rồi.Phụ huynh nào cũng sợ con em mình bị để ý. Chả ai dám có ý kiến khác. Có phải vậy không thưa thầy cô? Em không tin chuyện đó lại xảy ra ở môi trường học đường. Thầy cô hãy cho em một lời giải thích được không thưa thầy cô?
Kính thưa thầy cô,
Em đành phải chọn hình thức viết thư ngỏ để bày tỏ những tâm sự của mình. Vì em biết, nếu gửi thư theo kiểu truyền thống chưa chắc đã đến được tay thầy cô. Giả sử lá thư may mắn đến được tay thầy cô, thì cũng không biết thầy cô có để tâm không? Xin thầy cô cũng đừng mất công điều tra xem em là ai. Em chỉ là một trong gần hai nghìn học sinh của trường đang được thầy cô dìu dắt chỉ bảo, uốn nắn. Nhưng em biết, suy nghĩ của em trong lá thư này là suy nghĩ của hầu hết các bạn trong trường. Thầy cô có thể làm phiếu thăm dò ý kiến của học sinh trong toàn trường để chứng thực điều em nói. Chỉ mong thầy cô làm phiếu kín, không yêu cầu các bạn ghi tên. Thầy cô sẽ nghe được những suy nghĩ thật, từ tận đáy lòng của học trò chúng em.
Kính thưa thầy cô,
Nếu thầy cô thực sự muốn truy tìm bằng được xem em là ai, em tin rằng việc đó không khó khăn gì đối với thầy cô. Em biết, việc em trình bày suy nghĩ của mình có thể sẽ mang nhiều điều không may đến cho em. Khi quyết định viết thư ngỏ này, em cũng đã chuẩn bị tinh thần để đối mặt với những điều xấu nhất có thể xảy ra với mình. Vì em luôn khắc ghi trong tâm khảm câu của Nguyễn Thái Học: không thành công cũng thành nhân. Đó cũng là điều thầy cô luôn nhắc nhỏ chúng em: là con người thì phải có tư duy và phải biết nói lên suy nghĩ thật của mình. Là người thì không thể dối trá đúng không thưa thầy cô?
Kính thưa các thầy cô trong toàn trường!
Nhân thư ngỏ này, em cũng cầu xin các thầy cô lên tiếng giúp chúng em. Chúng em luôn coi ngôi trường là mái ấm thứ hai của chúng em, thầy cô là người cha người mẹ thứ hai của chúng em. Đó là những nơi an toàn nhất cho tâm hồn của chúng em. Đó là những con người mà chúng em tin tưởng nhất. Em biết, có thể thầy cô sẽ bị để ý, hơn nữa có thể bị trù dập. Nhưng thầy cô ơi, lẽ nào thầy cô lại có thể bắt lương tri mình câm lặng trước những việc vô lí như vậy. Thầy cô không bảo vệ chúng em thì chúng em còn biết tin vào ai nữa thầy cô ơi. Xin thầy cô hãy giúp cho chúng em thấy, sự nhân hậu vẫn còn trong xã hội chúng ta…
Cuối thư, một lần nữa, em xin kính chúc thầy cô mạnh khỏe, hạnh phúc và thành công trong sự nghiệp trồng người!
Một học trò nghèo của thầy cô.
HNH

VIỆT NAM YÊU DẤU