Ai cũng có quyền tự do quan niệm và tự do phát biểu quan điểm; quyền này bao gồm quyền không bị ai can thiệp vì những quan niệm của mình, và quyền tìm kiếm, tiếp nhận cùng phổ biến tin tức và ý kiến bằng mọi phương tiện truyền thông không kể biên giới quốc gia. - Điều 19, Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền

29/3/11

TRÍ TUỆ VỚI MÔI TRƯỜNG XÃ HỘI

http://www.saga.vn/Saga_Gallery/ChauHa/bizworld/apple.jpg
NGUYỄN VĂN DÂN 
Chúng tôi xin bắt đầu bài viết này bằng những con số về giải thưởng Nobel. Tính đến năm 2010, trên thế giới đã có 834 lượt người và tổ chức được nhận giải thưởng Nobel. Trong số 5 nước đứng đầu thì Hoa Kỳ chiếm 325 lượt người, nước Anh chiếm 101 lượt người, Đức: 78 lượt người, Pháp: 56 lượt người, Thuỵ Điển: 28 lượt người. Như vậy, Hoa Kỳ chiếm gần 40% tổng số lượt người nhận giải của cả thế giới; trong khi nước đứng tiếp ngay vị trí thứ hai là nước Anh chỉ chiếm chưa bằng 1/3 số lượt người nhận giải của Hoa Kỳ; và nước đứng thứ 5 chỉ chiếm bằng xấp xỉ 1/12 số lượt người nhận giải của Hoa Kỳ. Liệu con số đó có nói lên rằng người Hoa Kỳ thông minh nhất thế giới không?
Người ta cũng thường hay nói người Do Thái thông minh. Sự thực là có rất nhiều nhà bác học và các thiên tài trên thế giới là người gốc Do Thái.
Và mới đây nhất, người ta nói dân tộc Việt Nam thông minh, khi Ngô Bảo Châu được nhận giải thưởng toán học Fields danh giá!
Đó là những sự thật. Tuy nhiên còn có những sự thật khác:
+ Người Mỹ không phải là dân thuần chủng. Đó là tập hợp các tộc người từ các nơi trên thế giới. Và trong số những người được nhận giải Nobel, có rất nhiều người có nguồn gốc lịch sử từ nhiều tộc người khác nhau, và có nhiều người Mỹ có gốc tích nước ngoài trong thời gian gần đây.
+ Về người Do Thái, người ta thường quên mất hay không biết một điều là người Do Thái đã bị mất nước trong suốt 19 thế kỷ, họ phải đi tha hương từ năm 135 đến năm 1948 mới được quay về xứ Palestin để tái lập nước.
+ Về hiện tượng Ngô Bảo Châu, nhiều người cũng khẳng định rằng nếu Ngô Bảo Châu làm việc ở Việt Nam thì không thể nhận được giải Fields.
Những sự thật đó nói lên điều gì?
Chúng nói lên rằng: mặc dù không phủ nhận tư chất trí tuệ mang tính tộc người, nhưng môi trường xã hội có ảnh hưởng rất quan trọng đến sự phát triển trí tuệ của con người. Đó là một sự thật không thể phủ nhận. Môi trường xã hội ở đây bao hàm rất nhiều phương diện khác nhau, từ kinh tế, chính trị đến địa lý, văn hoá, giáo dục, khoa học,... Những nước thuộc tốp 5 trong bảng tổng sắp giải Nobel kể trên đều là những nước có những điều kiện thuận lợi cho sự phát triển trí tuệ con người. Trong số những người Do Thái thành công có rất nhiều người đã qua bao thế hệ sống một cuộc sống tha hương trong những môi trường xã hội của nhiều nước tiên tiến. Thành công của Ngô Bảo Châu có một phần đóng góp rất quan trọng của môi trường giáo dục của nước Pháp và phương Tây. Đó là điều khó có thể phủ nhận.
Tuy nhiên, chúng tôi cũng không đồng tình hoàn toàn với quan niệm về “tấm bảng trắng” của John Locke (1632-1704). Trong bài viết “Tiểu luận về trí tuệ con người” (1690), Locke đã phản bác lại quan điểm duy tâm của Descartes về “ý tưởng bẩm sinh” và cho rằng tâm lý và ý thức con người ban đầu giống như một tấm bảng trắng [“tabula rasa”] để từ đó nó tiếp nhận các kiến thức thông qua kinh nghiệm thực tiễn của cuộc sống. Sự thực không đơn giản như vậy. Ở đây chúng ta phải nói đến một quá trình tương tác giữa hai bên: Đó là sự tương tác giữa tư chất trí tuệ với yếu tố môi trường. Vấn đề là, để phát triển tư chất trí tuệ thì phải có những điều kiện gì?
Người ta thường nói, môi trường có khả năng tác động đến trí tuệ, nhưng con người lại là một nhân tố quan trọng tạo ra môi trường xã hội và nhân văn. Như vậy, ở đây có một mối quan hệ tương tác. Lịch sử loài người đã cho thấy rằng, chính nền văn minh đô thị là môi trường thuận lợi để tác động đến sự phát triển trí tuệ. Trong lịch sử phương Tây, văn minh đô thị luôn tạo ra những yếu tố phản biện và kích thích sự phát triển của trí tuệ cá nhân. Trong nền văn minh này, cá nhân thoát ra từ thiên nhiên và có xu hướng quay trở lại chinh phục thiên nhiên. Điều này có thể thấy rõ trong hệ thống tôn giáo và thần thoại của phương Tây. Nhà thờ của phương Tây luôn nằm giữa cộng đồng dân cư, nó là nơi giao lưu để kích thích óc sáng tạo cá nhân. Hệ thống thần thoại thì luôn có sự phản biện và đối thoại giữa các cá thể.
Trong khi đó ở phương Đông, xu hướng đề cao tính cộng đồng và trở về với thiên nhiên lại là một nhân tố kìm hãm sự phát triển của cái cá nhân. Chùa chiền thường là nơi ẩn dật, xa lánh xã hội. Hệ thống thần thoại thì được thiết lập theo một tôn ti trật tự chặt chẽ với những thiết chế tuân thủ nghiêm ngặt, cấp dưới chỉ biết tuân theo cấp trên, không tạo thành những điều kiện để kích thích óc phản biện và sáng tạo của cá nhân.
Như vậy, muốn kích thích óc sáng tạo cá nhân và phát triển trí tuệ, con người cần tạo ra một môi trường có sự giao lưu, va đập và đối thoại để kích hoạt tư chất trí tuệ. Có như thế mới tạo ra những đột biến trong tư duy và trong hành động.
Ngày nay, trong xã hội Việt Nam, một trong những yếu tố kìm hãm mạnh nhất sự phát triển của trí tuệ chính là chủ nghĩa tuân thủ và tâm lý đám đông. Đây chính là yếu tố làm trì trệ con người. Việc hành động theo đám đông sẽ làm con người trở nên thụ động, lười suy nghĩ, thiếu tự tin và biến thành những cỗ máy vận hành theo sự bắt chước. Có người sẽ phản biện rằng bắt chước là một cách đi tắt để phát triển. Tuy nhiên, bắt chước khác với học hỏi. Chính học hỏi mới là quy luật của sáng tạo và phát triển. Chỉ có học hỏi một cách máy móc và không phân biệt đúng sai thì mới được gọi là bắt chước. Hiện nay hiện tượng bắt chước diễn ra rất phổ biến ở Việt Nam, người ta bắt chước cả cái đúng lẫn cái sai của nước ngoài. Một người bắt chước kéo theo cả một cộng đồng, thậm chí cả xã hội bắt chước. Đặc biệt là trong xã hội thông tin ngày nay, một sự bắt chước được đưa lên các phương tiện thông tin đại chúng, thì lập tức nó lan toả ra toàn xã hội như một phản ứng dây chuyền. (Điển hình nhất là hiện nay cả xã hội ta đang bắt chước cách viết số 0 đằng trước bất kỳ một số đếm nào mà không cần biết ý nghĩa và tính xác đáng của con số 0 đó. Thậm chí có người khi vào quán ăn đã viết trên phiếu yêu cầu là “Cho tôi 01 đĩa gà quay”!) Thói bắt chước những cách diễn đạt phi lý như thế diễn ra rất phổ biến trên các phương tiện thông tin đại chúng. Và một trong những biểu hiện cụ thể của sự bắt chước chính là hiện tượng đạo văn, một hiện tượng đang trở nên nhức nhối ở nước ta hiện nay. Thói bắt chước như thế sẽ vĩnh viễn trôn vùi trí tuệ trong sự trì trệ.
Cho nên, theo tôi, điều mấu chốt là phải tạo điều kiện để kích thích óc phản biện của mỗi cá nhân, khuyến khích việc xem xét lại mọi chân lý, khuyến khích tư duy lôgic để phát hiện cái phi lôgic, khuyến khích giao lưu đối thoại để phát hiện cái mới, từ đó kích thích sự phát triển của trí tuệ và từ trí tuệ quay trở về cải tạo thực tiễn. Đó chính là cái vòng tròn tương tác giữa tư chất trí tuệ với môi trường xã hội.
Trí tuệ, theo cách nhìn đó, sẽ không phải là một yếu tố huyền bí, siêu hình, mà là đối tượng hoàn toàn có thể cải tạo và phát triển.

Tháng 11-2010
(Văn nghệ trẻ, số 13, ngày 27-3-2011)

VIỆT NAM YÊU DẤU