Ai cũng có quyền tự do quan niệm và tự do phát biểu quan điểm; quyền này bao gồm quyền không bị ai can thiệp vì những quan niệm của mình, và quyền tìm kiếm, tiếp nhận cùng phổ biến tin tức và ý kiến bằng mọi phương tiện truyền thông không kể biên giới quốc gia. - Điều 19, Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền

23/5/11

GIÁO VIÊN SỢ...

 http://hocmai.vn/file.php/184/Anh/Triduc/2008/lop12.1.jpg
Trần Đình Trợ

Bậc thượng nhân quân tử, vẫn sợ ba điều: Sợ mệnh trời, sợ kẻ đại nhân, sợ lời thánh nhân.
Giáo viên là hạ đẳng tiểu dân, sợ nhiều điều. Nhưng sợ nhất vẫn là hiệu trưởng và...học trò. Sở GD nắm cần câu, nhưng canh chỗ câu cơm của GV lại là hiệu trưởng. Vì thế giáo viên thảy đều sợ hiệu trưởng. Hiệu trưởng lại thường là thương nhân, họ hay“mua sỉ”, rồi “bán lẻ” kiếm ăn. Thứ họ buôn, là ghế.     
Loại ghế thời thượng đó, công năng đặc biệt, ngồi lên dính đít ngay. Khi muốn dứt ra, phải nhử bằng một ghế khác to hơn, hoặc trấn bằng bùa quyết định nghỉ hưu. Kẻ yếu ngồi lâu thành kẻ mạnh, kẻ nghèo bỗng hóa ra giàu. Đứa liệt dương thành thợ chơi gái. Cừu non thành chó sói, chuột non lại hóa mèo già.
Một thầy chuột nhắt nhút nhát, lên hiệu trưởng oai vệ như mèo. Quay lại khống chế đồng bọn cũ, anh ta vừa phân việc vừa chia cơm cho cả bọn. Lại nhờ mèo to hậu thuẫn, chén dần những chuột cứng đầu. Ít khi lũ chuột dám cắn lại mèo. Chuột cắn cả đám mèo thì chưa thấy bao giờ.
Năm 2006, Võ Hải Bình cùng một số thầy khác, tố giác những sai trái của BGH trường Lê Quý Đôn. Chuyện vỡ lở, thân chinh Bộ trưởng GD phải chỉ đạo giải quyết, nhổ khỏi ghế tất cả BGH trường đó.
Bốn năm sau, nhân một lỗi nhỏ của Võ Hải Bình, BGH mới của LQĐ cùng GĐ sở GD&ĐT TP HCM tống cổ “kẻ thù chung” ra khỏi ngành. Tiểu nhân trả thù sau ba năm đã là quá muộn.
Giáo viên chậm soạn bài có thể bị cảnh cáo, coi thi sơ ý có thể bị cúp lương, mất việc. Hiệu trưởng ăn quá lộ chỗ này, thì trên điều đến chỗ khác để ăn to hơn. Đó là đạo lý của những con mèo ngồi cùng mâm.
Thầy Bùi Xuân Tân kể, một dạo hiệu trưởng và giáo viên Minh Khai kiện nhau tùm lum. Thanh tra kết luận HT sai mười mươi, cấp trên bèn “thương lượng” để HT “hạ cánh an toàn”. Chả bù trước đó, mấy chục án kỷ luật GV ban ra, chỉ vì họ“đen đủi” trong khi coi thi.
Trường HS, từ 2002 đến 2007 không có hố xí. Nỗi khổ chung này ai cũng ráng chịu thành quen. Mấy nhà gần trường, bất đắc dĩ biến thành nơi đón khách ỉa nhờ. Có hôm vội quá, một học sinh bĩnh ra quần. Ngượng với bạn bè quá, bỏ học luôn. Vận động mãi, em mới chịu tiếp tục đến lớp. Thầy HL lại “có vấn đề” khi đang thao giảng, buộc phải phóng xe về nhà “giải quyết”, trở lại thì vừa hết tiết. Tổ không biết xếp giờ loại chi, đành bắt thầy thao giảng lại.
Học sinh được thể, xin đi “ỉa - điện tử” ngày càng nhiều. Phụ huynh xót con, xót của, rủ nhau kêu ca. Hiệu trưởng hứa giải quyết, nhưng đòi thu thêm tiền. Có người viết đơn gửi sở, thế là mấy cái “tự hoại” tự dưng mọc lên, chả ai phải góp thêm xu nào. Mất toi tiền, HT chửi đổng trong họp “Có đứa hèn, chỗ đi ỉa cũng kiện cáo !”
Lại có những HT vừa là“thương gia”, vừa là “sáng kiến gia”.
Ngày trước, có một HT ở Hà Tĩnh đưa ra sáng kiến “Lượng hóa tâm hồn”. Biến trường thành trại, bằng cách lập đội “giám thị-quản giáo” chấm điểm mọi thứ. Các “kỹ sư” dễ làm việc, khi “tâm hồn” đã được “lượng hóa” chi tiết. Khi lên làm GĐ, ông này còn vận dụng “đấu thầu” kiểu “ai chọn đúng giá” vào trong GD. Nhìn cơ ngơi của ổng, thì biết sáng kiến rất hiệu quả.
Trường Việt Vinh Hà Giang lại có tay HT có ý tưởng “Khai thác vốn tự có”. Biến trường học thành chốn mua bán hoa non. Ý tưởng độc đáo này được cả cấp trên cùng triển khai. Nếu kịp nhân rộng, chắc chắn đã thay đổi diện mạo của nền giáo dục.
Trường Vân Tảo Hà Tây, HT lại có sáng kiến lập ra đội “Du côn cơ động”. Mục tiêu là bảo vệ truyền thống thi cử của ngành. Truyền thống ấy, ở Vân Tảo bị Đỗ Việt Khoa phá bĩnh. Chỉ mấy chiêu, đội cơ động hạ đo ván ngay Người đương thời. Làm rúng động mấy kẻ ham chống tiêu cực trong toàn ngành.
Cũng có hiệu trưởng tố chất thương gia yếu, họ lo việc trường hơn chuyện kinh doanh. Nhưng mà kiểu hiệu trưởng tận tâm, cũng là nỗi sợ của giáo viên. 
Mấy năm trước, trường Cao Thắng có thầy HT Đinh Quốc Thuấn. Ông này lạ, là nhớ được“gia phả” toàn trường. Giáo viên chưa tường mặt học sinh, mà HT đã kể lý lịch ba đời từng đứa một. Công việc chung, nghe HT nói vanh vách, ai cũng sợ.
Thầy Hồ Thành Kiểm trường Hương Sơn lại khác. Ông HT nông dân này chăm việc trường hơn việc nhà. Thức khuya sậy sớm, đốc thúc trên dưới, không tơ hào chút của công, nên hiệu trưởng lại nghèo nhất trường. Có mấy cậu tắt mắt mấy viên gạch công, bị HT nhắc nhở, sợ xanh cả mặt.
Lại chuyện thầy Nguyễn Trí Hiệp, HT trường Minh Khai. Đội tuyển toán nào yếu, là HT nhận luyện ngay. Qua tay HT, là kết quả lại cao, nên ai cũng khiếp. HT Hiệp còn thường xuyên dạy mẫu cho giáo viên học tập. Thầy giỏi trong tỉnh, thảy đều kiêng nể vị HT này đôi phần.
Nhưng mèo gì thì cũng là mèo, nên“chuột chạy cùng sào” phải sợ mèo là tất yếu.
                                 *     
                            *       *        
Thầy giáo sợ học trò lại khác với sợ hiệu trưởng. Không có trò, làng giáo đổi tên lâu rồi. Vì vậy, thầy sợ nhất là không có học sinh.
Nỗi sợ không đủ học trò, nay đã phủ bóng lên các trường quê. Cấp I, cấp II, bổ túc, dân lập theo nhau teo dần. Có nơi, người dạy đã đông hơn người học.
Trường cấp I xã S.B, 50 học sinh, chia thành 4 lớp, 4 giáo viên dạy với 5 giám hiệu và hành chính. Không có việc, HT bắt nhân viên nhổ cỏ quanh trường. Mấy ả cự lại: “Tốn tiền chạy việc, để đến đây nhổ cỏ à?”.
Tỉnh Hà Tĩnh có 11 TT GDTX, trừ TT của TP Hà Tĩnh, nay chỉ còn 3 TT là có học sinh. Đó là Can Lộc, Nghi Xuân và Hương Sơn. Các TT khác, buộc phải sát nhập vào TT KTTH Hướng nghiệp & Dạy nghề. Trong khi đó, số cán bộ quản lý GDTX lại tăng lên. Mới đây, phòng GDTX lại được bổ nhiệm thêm một phó phòng.
Các trường cấp II, cấp III bắt đầu giảm lớp. Số sinh viên sư phạm thành thầy giáo cũng giảm, điểm đầu vào SP giảm sát điểm sàn. Chi cũng giảm, chỉ cán bộ hành chính và lãnh đạo là tăng.
Học sinh nông thôn nay đã ít, chúng lại bỏ học vì ham chơi, vì đói. Số học sinh chăm ngoan thưa dần. Rất nhiều học sinh càng học lên càng dốt, và càng học lên càng hỗn láo. Chúng ngồi lại chờ lấy một cái bằng TN thật, trong một kỳ thi dổm.
Vì vậy, còn lâu mới làm nổi “hai không”. Chẳng ai dám giật nốt mẩu vải che thân cuối cùng của ngành GD là thi cử. Người đánh trống “hai không” đã bỏ dùi, vì ý thức rất rõ điều này.
Thôi thì hô “thân thiện, tích cực”vậy. Chuyện thầy cô bị thóa mạ, bị hành hung, bị đánh thì nhiều. Chỉ có điều, không ai dám kêu. Thầy cô xưa nay, cũng chả mấy ai dám“tiêu cực” với học trò. Nay thêm cái “thân thiện” của ngành, thầy cô lơ mơ mất việc như chơi. Trên gằm mặt nhìn xuống, trò lừ mắt liếc lên. Trên đe dưới búa, thầy cô vừa dạy vừa run.
Năm 2009, tại trường PTCS Trường Sơn huyện Đức Thọ, có chuyện học sinh đầu độc thầy.
Do phải viết bản kiểm điểm về tội ăn cắp xe đạp, ba học sinh lớp 9 là L.V.T; Đ.V.T và T.N.S đã âm mưu giết thầy HT, bằng cách bỏ thuốc chuột vào nước uống.
Đầu năm 2011, ở Đức Lĩnh, huyện Vũ Quang, có bà cụ 90 tuổi bị cưỡng hiếp và cướp của.
Những kẻ đốn mạt vô nhân tính đó, cũng vừa rời ghế nhà trường. Chúng là C.N.A; P.M.T và T.Đ.V; cùng sinh năm 1992.
Cũng may cho GD là vẫn còn nhiều học sinh chăm ngoan. Các em là niềm tự hào của các trường và các thầy cô. Tất nhiên không phải thầy cô nào cũng sung sướng về điều đó.
Cách đây đã lâu, lớp 12E trường Hương Sơn có N.T.Ân, là một học sinh chăm học. Đen đủi, gặp phải một thầy dốt, buộc lòng em phải đi học ngoài với một thầy giỏi hơn.
Suốt ba năm, Ân bị chèn ép đủ kiểu. Không đi học thêm, lại hay “vạch áo” thầy trong các cuộc “so tài” bất đắc dĩ. Vì vậy, dù giỏi toán nhất lớp, Ân có điểm tổng kết thấp nhất. Ai dè, em thi đậu 3 trường đại học với điểm toán gần tuyệt đối.
Trần Quốc Luật là học sinh trường Cao Thắng 2006-2009. Là học sinh miền núi hẻo lánh, nhưng nhiều thầy trong tỉnh biết tiếng em. Mỗi lần thi HSG tỉnh xong, là em viết thư chê đề thi của sở, gửi các thầy. Em còn “Đề nghị Sở GD nên sáng tạo hơn khi  ra đề”. Và em minh họa bằng một số đề thi do em sáng tạo.
Những học sinh giỏi như Ân, như Luật âu cũng là một “nỗi sợ” cho giáo viên. Đặc biệt là những người đậu vào SP với điểm áp sàn sau này.
  
Làm người, tránh không khỏi nhiều điều phải sợ. Làm thầy giáo, sợ hiệu trưởng và học trò, là định mệnh phải chấp nhận.
Nhưng rốt cuộc, vẫn có những thầy giáo không sợ cả hiệu trưởng lẫn học sinh. Dù họ là “thầy dự bị” hoặc “thầy nửa mùa”, nhưng vẫn gọi tắt là thầy giáo. Đó chính là những người không chạy nổi vào biên chế, và những lãnh đạo GD cấp sở trở lên.
Kể về họ, là chuyện của hồi sau.
Nguồn: Văn hoá Nghệ An

VIỆT NAM YÊU DẤU