Ai cũng có quyền tự do quan niệm và tự do phát biểu quan điểm; quyền này bao gồm quyền không bị ai can thiệp vì những quan niệm của mình, và quyền tìm kiếm, tiếp nhận cùng phổ biến tin tức và ý kiến bằng mọi phương tiện truyền thông không kể biên giới quốc gia. - Điều 19, Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền

20/5/11

HỎI ĐÁP VỀ THƠ

Nguyễn Trọng Tạo
Giữa biển thơ mênh mông, con sóng thơ nào sẽ lọt vào mắt xanh của bạn? Giữa dòng thơ rộng lớn, hoa trái nào sẽ gieo mầm vào hồn thơ của bạn? Chuyên mục HỎI VÀ ĐÁP VỀ THƠ mở ra là để cùng các bạn lựa chọn những bài thơ hay, những câu thơ hay, những lời bình thú vị nhằm góp vào cuốn sổ tay thơ của chúng ta ngày càng thêm phong phú. Bạn đọc cũng có thể gửi tới chuyên mục này những câu hỏi, cần giải đáp về thơ, và cũng đừng ngần ngại mách cho chúng tôi những câu thơ ngớ ngẩn đã được in ra trên sách báo, trên mạng internet, v.v…

NGHE TIẾNG CƠM SÔI CŨNG NHỚ NHÀ

Mở đầu chuyên mục, là bài trả lời 2 câu hỏi của bạn Bùi Đức Luận, học sinh lớp 12 trường phổ thông trung học Nguyễn Trung Trực thị xã Rạch Giá – Kiên Giang.
1. Thế nào là thơ hay?
2. Tôi rất thích câu thơ “Nghe tiếng cơm sôi cũng nhớ nhà”. Đấy có phải là một câu thơ hay?
1. Câu hỏi: “Thế nào là thơ hay” có nhiều câu trả lời khác nhau. Người xưa cho rằng, thủy tổ của thơ là Lời – Hành động – Tấm lòng, ba thứ ấy kết hợp lại bằng cách điệuhứng thú thì sẽ thành thơ hay. Còn theo từ điển tiếng Việt định nghĩa về từ “hay”, thì ta có thể nói: “Thơ hay là thơ gây được hứng thú bất ngờ hoặc cảm xúc tốt đẹp, dễ chịu cho người thưởng thức”.

2. Từ khi đọc được câu thơ “Nghe tiếng cơm sôi cũng nhớ nhà” qua thư bạn, nó gây cho tôi một ấn tượng thật khó quên. Trong mỗi ngôi nhà Việt Nam đều có một cái bếp để nấu cơm, để quây quần trong bữa cơm ấm cúng hàng ngày. Người xa nhà, nhớ về cái bếp, bữa cơm, chính là nhớ về gia đình, về những người thân yêu vậy. Ở câu thơ này, hình ảnh “tiếng cơm sôi” thật giản dị và gần gũi, cho nên chỉ thoáng “nghe” thấy “tiếng cơm sôi” cũng đủ gợi lên nỗi nhớ nhà. Tác giả bài thơ quả là một người có tâm hồn nhạy cảm. Trong bài thơ Tràng giang của Huy Cận cũng có một câu thơ hay: “Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà” na ná như vậy. Nhưng xa hơn, Thôi Hiệu đời Đường có hai câu kết bài Hoàng Hạc lâu cũng mang tâm trạng này: “Nhật mộ hương quan hà Xứ thị – Yên ba giang thượng sử nhân sầu”; Tản Đà dịch là: “Quê hương khuất bóng hoàng hôn – Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai”. Như vậy là câu thơ bạn thích chịu ảnh hưởng câu thơ Huy Cận, còn câu thơ Huy Cận lại chịu ảnh hưởng Thôi Hiệu – Tản Đà. Tuy vậy, câu thơ sinh động khía vào nỗi nhớ nhà của ta hơn cả lại chính là câu: “Nghe tiếng cơm sôi cũng nhớ nhà”.
Vừa rồi có dịp đến Long Xuyên (An Giang), tôi ghé thăm Hội văn nghệ của tỉnh, được các bạn ở đây tặng cho tập thơ Ngẫu hứng chiều sông Hậu của Phạm Hữu Quang, tôi đọc được câu thơ trên trong bài Giang hồ – bài thơ gồm 48 câu, có đoạn tôi rất thích:
Giang hồ có buổi ta ngồi quán
Quán vắng mà ta chửa chịu về
Cô chủ giả đò nghiêng ghế trống
Đếm thấy thừa ra một gốc si
Giọng thơ của Phạm Hữu Quang thật giản dị, tự nhiên, tinh tế và có duyên. Tiếc thay, anh đã qua đời vào tuổi 49 (ngày 28 – 4 – 2000). Tôi chép lại bài thơ của anh để bạn đọc cùng chia sẻ

GIANG HỒ

Tàu đi qua phố, tàu qua phố
Phố lạ mà quen, ta giang hồ
Chẳng lẽ suốt ngày bên bếp vợ
Chẻ củi, trèo thang với… giặt đồ.

Giang hồ đâu bận lo tiền túi
Ngày đi ta chỉ có tay không
Vợ con chẳng kịp chào xin lỗi
Mây trắng trời xa trắng cả lòng
Giang hồ ta ghé nhờ cơm bạn
Đũa lệch mâm suông cũng gọi tình
Gối trang sách cũ nằm nghĩ bụng
Cười xưa Dương Lễ với Lưu Bình.
Giang hồ có buổi ta ngồi quán
Quán vắng mà ta chửa chịu về
Cô chủ giả đò nghiêng ghế trống
Đếm thấy thừa ra một gốc si.
Giang hồ mấy bận say như chết
Rượu sáng chưa bưa đã rượu chiều
Chí cốt cầm ra chai rượu cốt
Ừ. Thôi. Trời đất cũng liêu xiêu.
Giang hồ ta chẳng hay áo rách
Sá gì phải lược với soi gương
Sáng nay mới hiểu mình tóc bạc
Chợt tiếng trẻ thưa ở bên đường.
Giang hồ ba bữa buồn một bữa
Thấy núi thành sông biển hóa rừng
Chân sẵn dép giày trời sẵn gió
Ngựa về. Ta đứng. Bụi mù tung…
Giang hồ tay nải cầm chưa chắc
Hình như ta khóc mới hôm qua
Giang hồ ta chỉ giang hồ vặt
Nghe tiếng cơm sôi cũng nhớ nhà.

 5 – 1991
Nguồn: Nguyễn Trọng Tạo

VIỆT NAM YÊU DẤU