Ai cũng có quyền tự do quan niệm và tự do phát biểu quan điểm; quyền này bao gồm quyền không bị ai can thiệp vì những quan niệm của mình, và quyền tìm kiếm, tiếp nhận cùng phổ biến tin tức và ý kiến bằng mọi phương tiện truyền thông không kể biên giới quốc gia. - Điều 19, Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền

1/7/11

NÊN THAY ĐỔI CÁCH GỌI

Đình Cao
Đối với người không may bị mất một phần thân thể hoặc bị hỏng liệt một giác quan nào đó thì từ ngữ mà cộng đồng xã hội dùng gọi họ có tác động rất lớn đến tâm lí, tư tưởng , tình cảm và đời sống tinh thần của họ. Từ đó nảy sinh một vấn đề là: Có nên gọi những người bị tật nguyền bằng những từ ngữ lâu nay ta quen dùng hay cần thay thế bằng những từ ngữ tế nhị, dễ chấp nhận hơn? Đài Phát thanh T.N.VN  vừa nêu vấn đề thảo luận là: "Nên dùng từ tàn tật hay khuyết tật, dùng từ người mù, người câm điếc hay người khiếm thị, người khiếm thính? Chúng tôi xin được góp bàn mấy ý kiến sau đây:
1. Có nên thay từ tàn tật bằng từ khuyết tật?
Hai từ tàn tậtkhuyết tật đều là từ song tiết gốc Hán, giống nhau ở vế sau, đó là chữ tật, nghĩa là "hỏng liệt một bộ phận của cơ thể hoặc một giác quan nào đó bị huỷ hoại". Sự khác biệt căn bản giữa hai từ tập trung ở vế đầu. Trong từ tàn tật - hiện dùng phổ biến - đó là chữ tàn. Tàn gợi ấn tượng về sự héo mòn, suy sụp, tàn phế. Nghe hai chữ tàn tật, những người được định danh - vốn mang nặng mặc cảm tự ti - dễ rơi vào trạng thái bi quan, chán nản, đau khổ. Trái lại, chữ khuyết - trong khuyết tật - không gợi ra cảm giác đó. Khuyết chỉ có nghĩa "thiếu vắng một bộ phận nào đó của cơ thể". Đây là cách nói tránh, nói giảm nhằm dịu phần nào nỗi đau của những người gặp cảnh ngộ bất hạnh. Thiếu (hoặc mất) có nghĩa là còn có thể bù đắp bằng các phương tiện bổ trợ (như nạng gỗ, xe lăn, chữ nổi, máy trợ thính v.v... ). Tóm lại, từ khuyết tật không gợi tự tưởng bi quan, yếm thế, vẫn có hướng đi lên. Vì những lí do đã nêu, tôi nghĩ rất nên thay thế từ tàn tật bằng từ khuyết tật.
2. Gọi người mù, người câm điếc hay thay bằng từ người khiếm thị, ngưòi khiếm thính?
Khác trường hợp cặp từ tàn tật/khuyết tật, các từ mù, câm, điếckhiếm thị, khiếm thính có nguồn gốc khác nhau, do đó có những đặc điểm và sắc thái đối lập nhau. Mù, câm, điếc là ba từ thuần Việt, nghe quen thuộc, nôm na, dễ hiểu. Chúng biểu hiện ý nghĩa sự vật cụ thể, sống động (ở đây là nhân vật), gợi liên tưởng, gợi hình ảnh trực quan về  tật nguyền. Hơn nữa, ba từ này còn xuất hiện trong những lời nói bất nhã (Ví dụ: Mắt mù à? Đồ điếc lác, Câm mồm!) nên dễ gợi đến sắc thái dung tục.
Trái lại khiếm thị, khiếm thính thuộc lớp từ  Hán - Việt. Đặc điểm chung của từ Hán - Việt là không gợi hình ảnh hiển hiện về sự vật mà chỉ gợi ra ý niệm. Khiếm thị nghĩa là "thiếu giác quan nhìn", khiếm thính nghĩa là "thiếu giác quan nghe". Đặc điểm thứ hai của của từ Hán - Việt là nội dung nghĩa khôn hiển lộ, chỉ thấp thoáng mơ hồ, không diện mạo, không vận động. Bởi vì trong thực tế cuộc sống ta chỉ gặp người mù, người điếc câm chứ không thấy khiếm, không thấy thị, không thấy thính ở đâu. Nhưng chính cái vẻ thấp thoáng mơ hồ trong trường hợp này lại trở thành lợi thế, vì nó làm cho nhược điểm - cũng là nỗi đau tật nguyền của những người không may bị mù, bị câm điếc - dường như được làm mờ nhạt, làm dịu bớt nhờ cách định danh giảm nhẹ, đúng hơn, nhờ hình thức nhã ngữ (dùng từ ngữ nhã nhặn thay cho từ thô). Tóm lại, chúng tôi thấy tên gọi người khiếm thị, người khiếm thính có ưu thế hơn hẳn cách gọi cũ là người mù, người câm điếc. Chúng tôi đề nghị cần chính thức dùng hai từ người khiếm thị, người khiếm thính thay cho những từ cũ (người mù, người câm điếc) trước hết trong các văn bản của Nhà nước, chỉnh sửa tên của các hội, các trưòng học, các làng dành cho người khuyết tật, rồi quảng bá cách gọi mới này trong cộng đồng xã hội.
(Báo Văn nghệ, số 37, 16/9/2006)

VIỆT NAM YÊU DẤU