Ai cũng có quyền tự do quan niệm và tự do phát biểu quan điểm; quyền này bao gồm quyền không bị ai can thiệp vì những quan niệm của mình, và quyền tìm kiếm, tiếp nhận cùng phổ biến tin tức và ý kiến bằng mọi phương tiện truyền thông không kể biên giới quốc gia. - Điều 19, Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền

7/7/11

HỌC VÀ NHỒI VỊT

Nguyễn Quang Thân
Những người bán gia cầm như gà, vịt xiêm, ngỗng... thường nấu bột thành bánh đúc thật nhão rồi nhồi nhét đầy diều con vật đưa ra chợ bán cho nặng cân. Người mưa không tinh tường thường bị thiệt vì mua phải bột chứ không phải thịt gà. Nhiều khi do nhồi nhét quá nhiều mà con vật bị chết trên tay.
Hiện nay cái sự học của nhiều con em ta (nhất là con cái nhà giàu) xem ra cũng có vẻ giống như thế. Học sinh, thì lo hỏng thi, ngành giáo dục thì sợ mất thành tích. Cuối cùng chỉ tội nghiệp mấy con vịt. Mất cả tuổi thơ, quên cả chơi đùa, thân xác gầy mòn, tinh thần hoảng loạn vì học, học và học.
Trong ký ức của nhiều người ở Hà Tĩnh quê tôi, những học sinh, sinh viên học giỏi đã luôn được truyền tụng như là niềm tự hào chung . Hoàng Xuân Hãn, Nguyễn Khắc Viện, Phan Anh, Lê Văn Thiêm... nổi tiểng học giỏi nhưng không nhờ phương pháp nhồi vịt. Về cụ Hãn, ba tôi là bạn học của ông ở trường Cô-le Vinh kể: "Bác ấy giỏi Toán nhất lớp, nhưng bao giờ cũng thấy kè kè bên mình một cuốn sách văn học để xả hơi". Nghĩa là ông Hãn học toán và thư giãn thường xuyên bằng văn chương. Kết quả là, như ta đã biết, ông trở thành Thạc sĩ Toán đầu tiên ở nước ta, là Kỹ sư cầu cống và là một nhà nghiên cứu văn học Việt Nam nổi tiếng. Bác sĩ Nguyễn Khắc Viện đã được coi là “thần đồng" ở trường Vinh. Ông thường nói: "Nghe thầy giảng ở lớp chỉ là vỡ vạc ra một số kiến thức mới. Ra khỏi lớp, vừa đi chơi vừa ngẫm nghĩ mới hiểu, hiểu sâu và tiêu hóa được kiến thức của thầy. Những anh học gạo giống như người đổ dồi vịt xiêm, thi xong là chữ trả thầy. Bạn bè ông Viện bảo hồi học trường Bưởi, không có tiền ăn chơi như nhiều người, ông thường tiêu khiển ngày Chủ nhật bằng cách lấy xe đạp đi "khám phán ngõ ngách Hà Nội và ông thuộc lòng thành phố Thủ đô còn hơn cả người Hà Nội lâu năm. Luật gia Phan Anh thuộc lòng Truyện Kiều và là người lấy Kiều, tập Kiều thông minh và dí dỏm. Tạ Quang Bửu là một huynh trưởng Hướng Đạo có uy tín. Landau, người Nga, được giải Nobel năm 1962 về lĩnh vực cơ học lượng tử, thường hỏi sinh viên vật lý trong các kỳ thi vấn đáp những câu đại loại như: "Anh cho biết tác giả Eugene Onegin là ai?". Theo ông thì một nhà khoa học Nga, dù là sinh viên vật lý giỏi đi nữa, cũng không thể không biết Pushkin là ai và đã viết những gì.

Ngày nay chương trình học nặng nề hơn rất nhiều vì kiến thức nhân loại quá mênh mông. Nhưng học sinh giỏi thời nay cũng không phải nhờ học gạo mà nhờ các em đó biết học lực nào, chơi lúc nào. Tuổi học trò đã một lần qua đi, bị sai lạc đi thì sẽ gây hậu quả khôn lường và không bao giờ lấy lại được nữa.
Nguồn: Thể thao & Văn hoá

VIỆT NAM YÊU DẤU