Hoa ban Thuận Châu (Sơn La)
Chiếc xe hơi rồi cũng bò lên tới con đường chính của thị trấn. Tôi hạ kính, ngó tìm căn nhà có lan can màu xanh là nơi đã ở đó mấy đêm cuối năm xưa. Nhưng chẳng thấy dấu tích gì, ngay cả hiệu ăn thấp chũm mà sáu người chúng tôi đã vào đó nếm cá suối nướng. Chủ quán đẩy bản nhạc “Trường Sơn đông Trường Sơn tây” chạy suốt từ đầu đến hết bữa. Chợt ngạc nhiên nhận ra mình đang lóng ngóng đi tìm dấu vết kỷ niệm chứ chẳng ngắm nhìn những người dân tộc trong áo quần màu sắc, vốn là cái quyến rũ nhất với khách phương xa. Họ lăng quăng từ vỉa hè này sang vỉa hè kia, chập chờn bao quanh du khách. Các màu áo sặc sỡ chỉ được thắp sáng lên trong lớp sương dầy khi có đèn pha xe hơi chạy qua. Con đường dường như đã được mở rộng, xe cộ ngược xuôi bấm còi ồn ả. Các quán ăn chen nhau hai bên bờ lề trơn trượt đẫm sương. Mới năm nào con phố còn thưa thớt dăm tiệm cà phê và cơm bình dân. Bây giờ phần đông mang những cái tên ngoại quốc rất kêu, Anh Pháp đủ cả. Bảng hiệu huỳnh quang màu mè nhấp nháy, thực đơn với các thức ăn tây phương dựng treo cùng khắp.
Bỗng mắt dán vào một bà già người Dao đeo khuyên bạc to gần bằng nửa khuôn mặt hóp heo, kéo hai dái tai trĩu xuống cằm, đứng ngay lề đường. Xe dạt qua, sát ô kính. Ánh mắt đậm và cái nhíu mày kia rất cá biệt và chẳng thể không nhận ra. Muốn mở cửa, nhảy xuống xe để hỏi có phải bà ấy đã có mặt trong nhóm ca hát đêm nào, và còn nhớ một phụ nữ người Kinh nhỏ nhắn, hay cười, đã qua đây mười năm trước. Bà còn nhớ S. chăng? S. đã hồn nhiên đưa cả đám đàn bà Dao Tày Ráy, chỉ chân trần trên mặt đất cứng buốt cái lạnh ba độ trong chiều mùa đông năm ấy, vào chợ mua cho họ tất cả mười lăm đôi dép, giục mang ngay vào chân. S. còn muốn mua cả giầy lẫn vớ nhưng bà bán hàng ngăn lại. Vậy mà chỉ hơn mười phút, sau khi S. đã trở lên căn phòng nhà trọ thì từ ban công tôi nhìn xuống, đoàn phụ nữ đang hí hửng lon ton chân đất cầm dép trong tay, chạy trở vào chợ, bán lại cho chủ sạp giầy. S. chẳng thể nào ngờ, những con người ấy sợ đói hơn sợ lạnh, chỉ cần tiền, gạo và cá. Họ không quen mang giầy dép, dù mỗi ngày cuốc bộ bao cây số từ bản xa đến đây, trên mặt đường băng giá.
Mười năm sau, người đàn bà vẫn thế, quả táo vốn sẵn cằn teo quá đỗi nên chẳng thể quắt queo hơn. Không ngờ vừa xuống xe, đã thấy bà ta chờ ở cửa quán ăn, rủ tối nay ra công viên nghe bà hát, khoe rằng mình có thể ca cả cải lương. Bạn tôi nói sẽ ra chợ, tối nay là phiên Chợ Tình. Bà chu môi, giơ ngón tay xua xua :
– Hết chợ, hết tình rồi, dỏm đó. No good, sir.
Rồi tự động gỡ chiếc kiềng lủng lẳng mấy quả chuông đeo vào cổ tôi, khen đẹp rối rít. Tôi cười tháo ra, trả lại. Bà bảo ngay :
– Lấy rẻ mà, mười đô thôi, madam.
Tôi phải lắc đầu mấy lần, bà mới chịu bỏ đi, tóm ngay một người khách khác. Nhìn ra xa, chẳng thấy được bóng núi, tôi thoắt gọi thầm : S. ơi, người đàn bà S. từng đi bên cạnh, nói chuyện hỏi thăm và lắng nghe giọng hát ngọt ngào, người mà S. dịu dàng thương cảm suốt mấy ngày đông dạo ấy đã như con phố này, không còn dấu tích gì của bao năm trước.
Khách sạn bây giờ mọc túa hai bên đường, đủ hạng đủ sao, người ra người vào. Nhóm này đôi người ngồi chờ xe xuống núi. Đám kia vừa đổ bộ, ồn ào hành lý, đợi phiếu ăn sáng. Chẳng như ngày xưa, ngoài một khách sạn năm sao đồ sộ trên triền đồi có xe riêng đưa rước, chỉ có vài phòng trọ đơn sơ. Bọn du-khách-xe-ôm chúng tôi đành trú lại trong hai căn phòng trên lầu một ngôi nhà nhỏ hẹp. Vợ chồng chủ nhà cam đoan sẽ có lò sưởi và chăn ấm ban đêm. Nhưng đến tối, muối sương đọng mờ khung cửa kính nhỏ xíu, người vợ đem lên mỗi phòng một bếp lò ba chân bằng đất nung, có vài cục than cháy đỏ. Chưa kịp hỏi làm sao đủ sưởi qua đêm thì cô ta đã biến mất dưới chân cầu thang. Suốt tối cũng chẳng thấy họ đâu. Chợ Tình không họp, chúng tôi theo S. ra công viên nghe hát. Trở về, S. lạnh cóng chân tay. Lục lọi dưới lầu tìm được chỗ chủ nhà cất than, vội vàng đem lên bỏ vào mớ tro còn âm ỉ, lại kéo bếp để dưới gầm giường cho thêm ấm. Suốt đêm khí lạnh len qua khe cửa hở, tôi chập chờn co chân, rụt cổ, cố thu mình nằm gọn trong tấm chăn ngắn ngủn. May thay, cũng nhờ khe cửa ấy mà người mong manh như S. đã không chết ngạt vì khói than. Trời chưa kịp sáng, tôi nghe tiếng S. rên mơ hồ. Chóng mặt, khó thở, cố ngồi dậy tôi hoảng hốt thấy S. lả trên giường. Thế mà khi nắng lên S. đã tỉnh, lại leo đồi xuống bản. Bước theo những tấm váy rực màu lay động trong nắng tươi vừa tách màn sương xám. Chúng tôi cùng họ về nhà, xem đàn ông chạm kiềng căng trống, phụ nữ dệt vải thêu khăn, đan mây trên thềm. Họ vừa làm việc vừa cười đùa chòng ghẹo nhau, cả cho con bú. Nhịp sống chậm rãi, yên ả giữa núi rừng. Bây giờ khác hẳn, tôi không tìm ra một hàng hiên có người ngồi nhuộm chỉ, thêu may như mười năm xưa, dù đã đi qua vài thôn bản.
Tôi đã vậy, bạn ở xa đến VN lần đầu càng thắc mắc hơn. Câu hỏi đã được trả lời khi chúng tôi được dẫn đến thăm một gia đình vốn cố cựu ở phố núi này. Nghe đâu chủ nhân tham gia vào việc tổ chức, phát triển văn hoá du lịch địa phương. Ông hãnh diện gật gù khi tôi bảo khuôn mặt, đời sống nơi đây đã thay đổi đến chóng mặt. Miệng nhếch cười, ngước mắt về các người bạn của tôi, ông khoe khách tham quan tăng vùn vụt, nhất là ngoại quốc. Một trong mấy bạn ấy hỏi :
– Nếu muốn xem người dân tộc hành nghề thủ công mỹ nghệ thì đến đâu, cả ngày chúng tôi đã đi sâu vào nhiều làng xóm nhưng không thấy? Sao hiếm vậy ?
Chủ nhà cho biết ngày nay đã khác, địa phương đã dựng được vài cơ sở sản xuất các thứ hàng ấy rồi và đang nghiên cứu phương án thành lập những cửa hàng qui mô, một loại hợp tác xã vừa trưng bày sản phẩm, ngành nghề, vừa bán luôn cho khách những món hàng mà chất lượng được bảo đảm. Ông lại nhìn bạn tôi, nháy mắt :
– Như thế, có phải dễ chịu hơn không ? Quí vị sẽ không bị đám đàn bà con nít kia đi theo nài nỉ mua cái này cái kia. Nhất là chúng tôi sẽ kén chọn, gom về đó những người dệt đẹp, khảm khéo để biểu diễn tại chỗ, khỏi phải lùng lội vào các bản xa. Tiện quá đi chứ ?”
Trong khi ông tiếp tục rung đùi và các bạn mình đưa mắt ngó nhau chẳng biết nói gì, thì tôi nhớ lại mấy cửa tiệm to lớn, rộng có khi gần ngàn thước vuông, một thứ siêu thị triển lãm đầy đủ các đồ mỹ nghệ thủ công mà trên đường tham quan bác tài đã dừng xe lại, kêu vào xem. Ở đó, chúng tôi đứng nhìn những người thợ đẽo đá, nặn tượng. Ở đó khách tha hồ ngắm các cô thiếu nữ áo dài tha thướt, ngồi xếp hàng yên lặng thêu lụa, không khác gì một bức tranh. Ở đó khách được mời uống cốc trà xanh cùng với những lời mời mọc mua hàng hấp dẫn. Dĩ nhiên, như thế có hơn, rất tiện như ông ta nói. Nhưng sao chỉ vài giây thôi, tôi lại tiếc ngẩn ngơ hình ảnh mấy cô gái năm nào vừa ròn rã kháo chuyện với chúng tôi vừa thoăn thoắt vuốt kéo những sợi chỉ màu. Ghép được một viền thêu đầy hoa văn lên thân áo là đứng dậy ướm ngay lên ngực, quay một vòng, cười toe hỏi người chung quanh rằng có đẹp hay không?
Ừ, cô người Dao ơi, quá đẹp, để cô mặc ngày cưới chồng hay sao? Chồng sẽ đem về lễ cưới mấy con trâu? Mà hôm nay, cô đang dệt manh thổ cẩm nơi nào, tìm hoài chẳng thấy?
Cũng trên một sườn đồi nắng trưa vừa xoá tan sương núi, cây rừng chung quanh trổ những bông hoa gì từng chùm trắng óng ánh trời. Chúng tôi đang hỏi nhau có biết tên hoa, thì chợt vọng sau lưng giọng hát trong veo tươi tắn chen lẫn tiếng chim. S. quay ngay người, trố mắt : Nhìn kìa, xinh không!
Từ sau tảng đá, một cô gái dân tộc gùi đứa bé nhỏ xíu sau lưng vừa đi vừa hát. Thực ra cô không đi mà đang nhảy chân sáo giữa các bụi hoa tụm cỏ. Khi lại gần, mặt cô trắng hồng sáng rỡ, hai vành môi hồng ngậm một chiếc lá non xanh. Cô ngừng lại, giương mắt ngó chúng tôi nhưng không nói gì. Đứa nhỏ đội mũ vải đỏ tròn xoe có gắn lục lạc. Nó mở hai lòng mắt nhãn huyền ngơ ngác. Cô gái còn rất trẻ và cũng có màu mắt trong vắt như thế. Chúng tôi cùng chào, tôi hỏi :
– Em ở xa không ?
Cô ta lắc đầu không nói, nhưng đưa tay chỉ xuống chân núi thấp thoáng một vài nóc nhà sàn.
– Ở tuốt dưới ấy ? Xa thế mà cõng em lên tận đây dạo chơi à ?
Đứa trẻ xem chừng chẳng thích đứng yên, cất tiếng o oe. Nhưng cô gái không dỗ nó, cúi xuống nhặt viên đá vẽ những ô vuông ngang dọc, rồi nhảy lò cò ô này qua ô nọ. Bé con lắc lư theo, nín khóc.
Đột nhiên cô ngừng, quay nhìn chúng tôi, mở miệng, cánh lá giữa môi hờ hững rơi bám trên ngực áo. Tiếng Kinh hơi ngọng :
– Không phải em đâu, con đấy !
Cả bọn chẳng đừng được, thốt kêu :
– Úi trời, em mấy tuổi đã có con ?
– Mười bốn.
– Sao cưới chồng sớm thế ?
Cô nhỏ bình thản đáp :
– Tại nó đem cho bố mẹ con tâu.
– Nó ? Chồng em ?
– Ừ, nó.
– Thế em có đi học không ?
Lần này chẳng trả lời ngay, cô cúi người ngắt một chiếc lá khác, định cho vào miệng, nhưng nghĩ sao lại thôi, ngoái cổ ngó đứa bé, mặt trầm hẳn xuống :
– Bây giờ không được học nữa. Cho tâu ăn và đưa nó đi chơi.
Một người trong bọn buột miệng :
– Thế lấy chồng có thích không ?
Mấy người đàn bà chúng tôi chưa kịp lườm anh ta thì cô gái đã đáp tỉnh bơ :
– Nó về nhà là ngủ. Nó khóc nhè, cũng ngủ. Nó không cho tiền.
Phải vài giây chúng tôi mới hiểu rằng từ chồng tới con, ai cô cũng gọi là ‘‘nó’’ cả.
– Thế em muốn nó đưa tiền để làm gì ?
Và cả bọn ngạc nhiên khi người mẹ mười bốn tuổi, gương mặt mịn màng sáng nét thơ ngây đáp ngay :
– Tậu tâu. Tậu tâu trả lại nó, rồi đi học.
Anh bạn bật cười :
– Tuyệt vời, con trâu ! Cái giá của tự do.
Gom một số tiền trong túi, chúng tôi đưa cho cô bảo mua sữa cho con. Cô cuốn tròn lại, đút vào giữa ngực áo, rồi chẳng nói thêm câu gì, cô xốc gùi cất bước. Chúng tôi chào với theo, cô gái chẳng quay lại, tiếp tục co một chân rồi chụm hai chân nhảy lò cò. Cái đầu tròn đội mũ hoa của đứa bé như quả bóng đỏ tưng tưng dưới nắng trời trong suốt.
Sau mấy tháng hè cằn khô bỏng lửa, mùa rét năm nay tràn từ bắc xuống căn cắt thịt da. Nó khiến con trâu đột nhiên có chỗ đứng trong thông tin báo chí hằng ngày. Tuy người ta ít nói về số người qua đời vì đói lạnh hơn là về số trâu bò đã chết cóng, nhưng các tường thuật và hình ảnh những đứa trẻ trên miền sương núi tôi từng đi qua cho thấy chúng phải gồng mình thế nào trong giá rét, đã khiến lòng người tái buốt hơn. Như một A Sính, mong manh trong chiếc áo vải đứt nút không thể cài kín cổ, treo mình ngang sườn đồi để hái lá về cho con vật quí giá nhất của gia đình được đầy bụng. Có mỗi tấm chăn cũng phải hi sinh đem đắp cho trâu, bằng không nó sẽ chết. Và không thiếu các em nhỏ khác ở bản này thôn nọ đầu trần, áo quần đơn sơ, nhọc nhằn bụng rỗng tê cóng tay chân, phải đường xa đi xin trấu về giữ ấm cho con trâu đang nằm trong chuồng. Ai đó bảo rằng lắm khi súc vật còn sướng hơn người.
Sa mù, màu áo màu hoa và thiên nhiên hư ảo bồng bềnh mây khói liệu đủ quyến dụ, để khách đã qua đây quên bớt những bận lòng ? Để mỉm môi cười khi nhớ lại giọng hát và những bước chân sáo lăng quăng trẻ nhỏ của cô gái gùi con năm nào. Nhưng cô có thật hồn nhiên thế không, chẳng phải lòng cô vẫn canh cánh nỗi niềm về một con trâu giá mà có được đấy sao ?
Mai Ninh
(Tháng chạp Canh Dần)
Nguồn: Diễn đàn
Nguồn: Diễn đàn
-------------------------------------------
Mai Ninh - người phụ nữ có giọng văn thôi miên
Tập truyện Ảo đăng của Mai Ninh. |
Trong những tác phẩm của chị, người đọc nhận thấy sự mông lung, nghi hoặc, dồn nén và mãnh liệt trước cuộc sống. Dù đã sinh sống ở xứ người gần 30 năm, trong con người Mai Ninh vẫn đặc quánh chất Việt Nam - thể hiện ở 15 truyện ngắn trong tập "Ảo đăng" vừa ra mắt.
Mai Ninh sang Pháp du học từ năm 18 tuổi, làm nghiên cứu khoa học ngành vật lý tại Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia Pháp từ năm 1978 đến nay, hiện sống tại vùng Normandie, tây bắc nước Pháp.
Nhà văn Nguyên Ngọc nhận xét: "Những tác phẩm của Mai Ninh là một đóng góp thực sự cho văn học Việt Nam, có thể gợi cho chúng ta những suy nghĩ không hề đơn giản và ngắn hạn. Cây bút hải ngoại này dẫn người đọc đi vào một thế giới u uẩn đầy tiếng vọng trong mỗi bản thể".
Mỗi truyện ngắn của Mai Ninh đều nói lên nỗi niềm của những kẻ tha hương như Hợp âm của những vùng sân khuất, thế giới của những kẻ đồng tính và nghị lực vượt lên định kiến của người đời trong Ẩm ướt những cơn mưa, thế giới hư ảo của những người đàn bà phải nếm trải nhiều đau khổ nhưng khao khát hạnh phúc, giàu linh cảm về tình yêu trong Ảo đăng, Đi tìm, Biển đầm và một thế giới vắng mặt con người luôn hiện lên khắc khoải và không ngừng tìm kiếm sự thật về chính nó trong Vách mận trắng, Ngồi mãi bóng đêm. Những nhân vật sống động, những câu chuyện khá bất ngờ trong phần kết, những phần tâm lý ẩn khuất được đem ra mổ xẻ tinh tế... Trên tất cả là một giọng văn thôi miên có khả năng xâu kết các truyện ngắn bằng một văn phong có phần cũ trong cách dùng từ nhưng giàu hình ảnh và cảm giác.
Mỗi truyện ngắn của Mai Ninh đều nói lên nỗi niềm của những kẻ tha hương như Hợp âm của những vùng sân khuất, thế giới của những kẻ đồng tính và nghị lực vượt lên định kiến của người đời trong Ẩm ướt những cơn mưa, thế giới hư ảo của những người đàn bà phải nếm trải nhiều đau khổ nhưng khao khát hạnh phúc, giàu linh cảm về tình yêu trong Ảo đăng, Đi tìm, Biển đầm và một thế giới vắng mặt con người luôn hiện lên khắc khoải và không ngừng tìm kiếm sự thật về chính nó trong Vách mận trắng, Ngồi mãi bóng đêm. Những nhân vật sống động, những câu chuyện khá bất ngờ trong phần kết, những phần tâm lý ẩn khuất được đem ra mổ xẻ tinh tế... Trên tất cả là một giọng văn thôi miên có khả năng xâu kết các truyện ngắn bằng một văn phong có phần cũ trong cách dùng từ nhưng giàu hình ảnh và cảm giác.
Mai Ninh tâm sự: "Người viết cần một không gian vô hình rất riêng tư, nên rất khuất. Trong vùng khuất lấp ấy, âm thanh lẫn hình ảnh, ý tưởng, từ trí và tâm cùng trỗi dậy, so chạm, chọn lựa để tìm ra một nhập trùng, kết thành hợp âm trên mặt chữ"...
Có được hợp âm giữa ý và lời, giữa tâm trạng và cảnh đời, đó là sức mạnh trên con chữ của cây bút này.
Nguồn: VnExpress