Ai cũng có quyền tự do quan niệm và tự do phát biểu quan điểm; quyền này bao gồm quyền không bị ai can thiệp vì những quan niệm của mình, và quyền tìm kiếm, tiếp nhận cùng phổ biến tin tức và ý kiến bằng mọi phương tiện truyền thông không kể biên giới quốc gia. - Điều 19, Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền

26/1/11

Tâm sáng, mặt sáng

Sáu Nghệ
Thời đại thông tin kỹ thuật số, người bình thường cũng được chứng kiến nhiều sự kiện trước đây như trong mơ. Đó là các cuộc họp quan trọng, diễn đàn toàn cầu, thấy rõ cử chỉ của các quan chức lắm khi “chân tơ kẽ tóc”. Nhưng qua đó lại thêm suy tư, trăn trở, bởi thấy được không phải mọi thứ tốt đẹp như hằng tưởng. Rất nhiều khi thấy có vị tai to mặt lớn cười mà nét mặt không hề rạng rỡ, sáng sủa lên chút nào, chỉ thấy tối tăm, nhăn nhở và những người đứng xung quanh vị đó cũng vậy. Họ cười chỉ là hở môi lòi răng mà thôi. Tôi đã làm một bài có thể gọi là thơ hoặc văn xuôi có vần, xin trình vài câu ra đây:

Bao người tấp nập
lên xuống các diễn đàn
Vỗ tay ran ran
biết đâu thật giả?
Nụ cười hể hả
thấy răng
và môi,
Mắt liếc xa xôi
rõ lòng đen giữa lòng trắng.
Các quan chức có biết người dân bình thường như tôi đã nhìn thấy như thế nào không nhỉ? Chắc có và cũng chắc rằng không. Chắc có là thấy nhiều vị ý tứ và khéo léo lắm. Chắc không là còn thấy có vị hành động và nói năng cứ như… dân thường. Tôi không có ý nói đến những hớ hênh mà làm người khó tránh vì thần thánh mới không sai lầm, chỉ muốn nói đến những sai lầm của sự tỏ ra ít học hành. Cổ nhân bảo, thành danh chưa hết việc làm, vài vị dường như chứng tỏ sự ngược lại.
Thật ra, tôi cũng không biết người có chức tước cao rồi còn phải học hành những gì nữa. Khi thấy một số người làm dân chúng mất lòng tin thì tôi nghĩ chắc họ phải học cách gầy dựng lòng tin ở dân chúng. Để gầy dựng lòng tin, con đường tốt nhất là không (hoặc ít) dối trá vì ở đâu cũng vậy, dối trá chỉ có tác dụng đào mồ chôn lòng tin.
Thật thà với quan chức trước hết, như rất nhiều giáo trình dạy học và văn kiện quan trọng đã chỉ rõ là phải thật thà yêu nước thương dân, do đó làm quan càng lên cao càng phải học nhiều điều này. Hiển nhiên, không phải người có chức tước cao chưa biết yêu nước thương dân mà bởi cái quy luật nghiệt ngã dù không muốn vẫn phải thừa nhận: Khi hàn vi thường thật thà yêu nước thương dân hơn khi vinh hoa phú quý. Người nghèo sống thật hơn người có quyền vì người có quyền còn phải lo giữ quyền lực, muốn có quyền lực lớn hơn. Lịch sử dài lâu của dân tộc đã cho thấy, nhiều người thuở hàn vi sống chết có nhau nằm gai nếm mật nhưng khi có quyền thế lại sát hại nhau tàn nhẫn hơn thú dữ. Đất nước cũng bao phen chứng kiến những người nghèo khổ đem cả tính mạng ra bảo vệ đất nước, còn vài kẻ giàu có lại đem đất nước bán rẻ cho người. Nên học yêu nước thương dân một cách thật thà không bao giờ gọi là đủ.
Nhà báo Hữu Thọ, nguyên Trưởng ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương Đảng, có tác phẩm “Mắt sáng, lòng trong, bút sắc” nhiều năm qua được coi là cẩm nang nghề nghiệp cho một số nhà báo trẻ, trong đó tiêu chuẩn để đánh giá chính là lòng yêu nước thương dân. Hậu sinh khả úy, sau này có người đổi câu trên thành “Tâm sáng, lòng trong, bút sắc”. Trên mạng Internet còn diễn ra cuộc bàn luận: Tại sao tâm sáng sẽ thấy nhiều hơn mắt sáng? Câu trả lời hay nhất được bình chọn là: “Tại vì con mắt phải nhờ cái tâm mới thấy. Con mắt chỉ thấy những gì thuộc hình tướng, còn ngược lại thì không thể thấy. Cái tâm có thể thấy cả hai”.
Từ đó lý giải được câu chuyện cảm động về chàng trai khiếm thị Nguyễn Mỵ ở Quảng Bình, lập đài cá nhân Biển gọi để giúp thông tin miễn phí cho những con tàu ra khơi đánh cá. Anh đã kịp thời cấp báo cho nhiều tàu trên biển tránh né được thiên tai. Tuy anh mù nhưng tâm anh sáng! Chính cái tâm sáng ấy đã giúp anh có được mối tương quan tốt đẹp và có ích với những người chung quanh.
Như thế người tâm sáng là người không chỉ biết đến mình (dù tật nguyền) mà biết đến cả thế giới xung quanh. Người tâm sáng dám mở rộng lòng mình để nhìn thấy đồng bào, đất nước, sống buồn vui với nhân dân, tâm hồn tràn đầy niềm vui trong sáng, thiêng liêng! Người có tâm sáng thì nét mặt biểu lộ ra bên ngoài cũng vô cùng sáng láng, dù đôi lúc cử chỉ có sơ sẩy thì vẫn đáng yêu.
Có người theo thuyết dưỡng sinh, cho rằng dưỡng sinh cũng giúp “tâm sáng, thân khỏe”. Nhưng dưỡng sinh lại chính là phương pháp tự luyện tập, tự mình cố gắng chứ không tìm hỗ trợ từ bên ngoài. Ngay cả ở đây, trong sự luyện tập này, gia tộc hay tiền bạc cũng chẳng có giá trị.
Rốt cuộc, khi có cái tâm trong sáng, thật lòng yêu nước thương dân thì xuất hiện ở đâu khuôn mặt cũng sáng láng rạng rỡ, chứ không ù lỳ, ảm đảm. Khi đó, nếu có lỗi lầm, vết bẩn, thậm chí tội ác thì nói như đại văn hào Vich-to Huy-gô (Pháp): “Lỗi lầm mà uy nghiêm, vết bẩn mà chói ngời, tội ác mà oai hùng”.
Chứ không phải ở hình thức cử chỉ, lời nói, nụ cười mà tạo được sự sáng láng trên gương mặt để được dân chúng tin yêu. Mọi hình thức nếu nghĩ rằng che giấu được rất nhiều thì thực ra không che giấu được gì cả, thậm chí còn làm lộ ra rõ hơn những thứ xa lạ với tinh thần là vật chất thô thiển như đất đai, nhà cửa, hành vi lộng quyền của đám gia nhân. Dân gian đã đặt vè cho hạng yêu nước thương dân hình thức ấy: “Có người yêu nước yêu dân / Như là giun sán yêu phần ruột non”.
SN
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN

VIỆT NAM YÊU DẤU