Ai cũng có quyền tự do quan niệm và tự do phát biểu quan điểm; quyền này bao gồm quyền không bị ai can thiệp vì những quan niệm của mình, và quyền tìm kiếm, tiếp nhận cùng phổ biến tin tức và ý kiến bằng mọi phương tiện truyền thông không kể biên giới quốc gia. - Điều 19, Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền

9/1/11

Quyền được sống bình đẳng


 Trần Huy Thuận
(Tamnhin.net) - Không thể và không nên lẫn lộn giữa bình đẳng và quyền được sống bình đẳng!

Có lần, tại một bệnh viện Phụ sản, hai đứa bé gái cùng lúc được sinh ra, một đứa có cha mẹ hiện đang là quan chức to, giầu có (tạm gọi là cháu A); một đứa không cha, mẹ là công nhân phụ hồ (tạm gọi là cháu B).
Cháu A kháu khỉnh, da trắng hồng, mắt đen như hai hột nhãn, mũi dọc dừa, má lúm đồng tiền, cơ thể đầy đủ. Ngược lại, cháu B đen nhẻm, nhỏ thó, lại bị khèo chân khèo tay. Chứng kiến chuyện đó, có người nêu vấn đề: Với hai hoàn cảnh ra đời trái ngược nhau như thế, cháu B có bình đẳng với cháu A không?

"Không" trong trường hợp này là điều có thể khẳng định. Cháu A được sung sướng từ lúc lọt lòng(thậm chí có thể khẳng định ngay khi cháu còn trong bụng mẹ!). Còn cháu B, ngược lại, bất hạnh ngay từ trong trứng!.. Vậy, hoàn cảnh ra đời của hai cháu A, B là không bình đẳng (dân gian có câu: “không ai chọn được bố, mẹ”). Từ ví dụ điển hình trên, hoàn toàn có thể suy ra, không nhiều thì ít, rằng con người ta sinh ra vốn không bình đẳng!

Từ điểm “đề-pa” như vậy, chắc chắn, cháu B muốn “đuổi kịp” cháu A (chứ chưa nói đến “vượt”), là chuyện không hề dễ dàng. Phải có sự nỗ lực lớn lao lắm, thậm chí phải gặp “cơ hội” đột biến lắm, may mắn lắm, cháu B mới hy vọng có sự “đổi đời”. Tương tự, chỉ khi cháu A không may gặp “sự cố” thật ghê gớm, bản thân lại sống cuộc sống quá “buông thả” … mới có thể, đến một thời điểm nào đó, sẽ trở thành kẻ bất hạnh.

Hoàn cảnh xuất thân thì mỗi người mỗi khác, không ai tự lựa chọn được, Hầu hết vốn không bình đẳng - Mỗi cá thể cần nhận thức đầy đủ, để có biện pháp phấn đấu. Phấn đấu “vượt lên hoàn cảnh” là một trong những nội dung sống đích thực của mỗi con người, mỗi cộng đồng và suy rộng ra, cũng có thể là của mỗi quốc gia. Ví như người Nhật, họ luôn ý thức được rằng, đất nước họ rất ít tài nguyên; muốn có vị thế ngang vai cùng cường quốc năm Châu, lớp trẻ Nhật Bản phải nỗ lực ghê gớm trong học tập, sáng tạo. Và rõ ràng họ đã thành công!

Nhưng quyền bình đẳng thì phải là phổ thông và vĩnh viễn đối với tất cả mọi người. Vấn đề cốt lõi của quyền đó nằm ở nội dung bình đẳng về chính trị (trong ứng cử, bầu cử chẳng hạn...), bình đẳng về kinh tế (đối với tài nguyên, công sản quốc gia) và bình đẳng về pháp luật – (Chúng ta chẳng đã thường nói: “Trước pháp luật, mọi người đều bình đẳng”, không có thứ “pháp luật” dành riêng cho kẻ “ăn trên ngồi trốc” hoặc riêng cho người cần lao,…) - Các quyền này đều đã được đưa vào hiến pháp của mỗi quốc gia! Đó chính là quyền thiêng liêng nhất mà xã hội cần phải vươn tới và là đối tượng hàng đầu cần phải được pháp luật bảo vệ.

Không thể có quyền bình đẳng khi xã hội đang tồn tại đặc quyền đặc lợi. Chỉ nêu ra đây hai lĩnh vực xã hội mà đa số dân chúng quan tâm. Thứ nhất là ngành Giáo dục. Xin ai đó có điều kiện, thử mở cuộc điều tra để làm một cái thống kê xem các trường Đại học thuộc "Tốp đầu" trong tuyển sinh hàng năm như Tài Chính Kế toán, Ngân hành, Công an, Quân sự..., tỉ lệ các em có bố mẹ, người thân công tác trong từng ngành đó là bao nhiêu? Có bao nhiêu em thực sự là con cái dân ngoài ngành, dân thường? Lại nữa, trong ngành y tế, đang tồn tại những loại bệnh viện dành riêng cho từng Đẳng cấp cán bộ. Cán bộ nhơ nhỡ thì có bệnh viện E, cán bộ cao hơn thì có Bệnh viện Hữu Nghị rồi Ban Bảo vệ sức khoẻ Cán bộ... làm sao lại cứ duy trì mãi thứ đặc quyền đặc lợi như thế?

Trường học chỉ của sinh viên học sinh, em nào học giỏi thi được thì vào học, không có thứ ưu tiên con ông nọ bà kia, trong ngành ngoài ngành. Cũng như vậy,  Bệnh viện là của bệnh nhân, mọi bệnh nhân đều được chữa trị bình đẳng. Đó là những quyền bình đẳng tối thiểu. Bởi vì chúng ta vẫn được dạy bảo: một xã hội công bằng và văn minh,  là một xã hội trong đó mọi người dân đều phải có quyền bình đẳng, trước hết là quyền được sống bình đẳng. Ai cũng được học hành và ai cũng được chăm sóc y tế!..

Thật nhầm lẫn, nghĩ rằng bình đẳng là “cái bánh” được Trời chia đều cho mỗi người, mỗi dân tộc; để rồi cứ nằm đấy “há miệng chờ sung rụng” - đợi đến cái thời bình đẳng... "hưởng theo nhu cầu", "làm theo năng lực", thì thật nguy hại...  Ngược lại, cho rằng cuộc đời vốn không có bình đẳng, để rồi “mạnh ai nấy sống”, “sống chết mặc bay”; cũng là sự sai trái trong lẽ sống cũng như trong đạo lý. quyền được sống bình đẳng mãi mãi là nội dung và mục tiêu hàng đầu của cuộc sống mọi thời đại, chính vì lẽ đó.
Trần Huy Thuận
Nguồn: Tầm nhìn

VIỆT NAM YÊU DẤU