Ai cũng có quyền tự do quan niệm và tự do phát biểu quan điểm; quyền này bao gồm quyền không bị ai can thiệp vì những quan niệm của mình, và quyền tìm kiếm, tiếp nhận cùng phổ biến tin tức và ý kiến bằng mọi phương tiện truyền thông không kể biên giới quốc gia. - Điều 19, Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền

27/11/11

ĐÂY LÀ THỨ GIÁO DỤC VIỆT NAM ĐANG THIẾU

TS Trần Thị Thuý Liễu


Những năm gần đây, các nhà chính trị và các nhà khoa học đã có nhiều nỗ lực nhằm tạo nên sự thay đổi cho nền giáo dục, đáp ứng yêu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao của nền kinh tế thị trường ở Việt Nam và của nền kinh tế tri thức trên toàn cầu.

Đổi mới toàn diện và sâu sắc nền giáo dục Việt Nam (tên một Nghị quyết của Đảng Cộng sản) không thể không đề cập đến việc phát triển một nền giáo dục sáng tạo.

5 lí do để phát triển nền giáo dục sáng tạo

Nền kinh tế thị trường về bản chất đòi hỏi sự sáng tạo của con người bởi hai đặc tính cơ bản: sự cạnh tranh và quyền tự do mà nó ban tặng.

Sự cạnh tranh đòi hỏi rất nhiều sáng tạo để tạo ra những sản phẩm mới, hàng hóa mới và các dịch vụ mới nhằm chiến thắng các đối thủ.

Với quyền tự do, con người luôn đổi mới và sáng tạo để làm cho sản phẩm, dịch vụ của tổ chức mình có tính cạnh tranh cao và thu được nhiều lợi nhuận nhất.

Thế kỉ 21 là thế kỉ của nền kinh tế tri thức và các xã hội sáng tạo


Một lý thuyết khá hiện đại và mang tính dự báo cao về sự phát triển của giáo dục, đó là sự phát triển qua ba hình thái xã hội và việc thiết kế thế hệ giáo dục 3.0.

Giáo dục 1.0 gắn với xã hội tiền công nghiệp, công nghiệp và xã hội thông tin mà ở đó, giáo dục chỉ đào tạo để người học có được các kĩ năng thực hiện tốt công việc của mình.

Giáo dục 2.0 gắn với xã hội tri thức hay dựa trên tri thức bị ảnh hưởng bởi các thế lực của mạng cộng tác kĩ thuật và toàn cầu hóa.

Trong xã hội này, kiến thức mới là quan trọng và nhất là việc biến thông tin thành kiến thức.

Giáo dục trong xã hội đó đào tạo những con người biết sáng tạo ra kiến thức và các giá trị của riêng mình hơn là chỉ thành thạo các thao tác công việc.

Giáo dục 3.0 phục vụ sự phát triển của xã hội sáng tạo, xã hội của các mối quan hệ toàn cầu và được tạo dựng bởi những knowmads- những con người lao động sáng tạo, giàu trí tưởng tượng, có năng lực phát minh, sáng chế, có thể làm việc bất kì đâu, bất kì lúc nào và với bất kì ai.

Toàn cầu hóa và các hợp tác qua các mạng xã hội để sáng tạo tri thức mới ngày càng phổ biến.

Việt Nam cần có chỗ đứng và khẳng định mình trên các diễn đàn tri thức này cũng như đóng góp vào sự phát triển các sáng kiến phát minh của nhân loại.

Sáng tạo đem lại lợi nhuận kinh tế lớn và có ý nghĩa xã hội - nhân văn lớn

Một ý tưởng bất chợt lóe lên đôi khi có trị giá cả triệu đô la (A - Robert Collier).
Nhiều ý tưởng sáng tạo tạo nên những sản phẩm khoa học có trị giá hàng tỉ đô la như các phát minh về điện, về bóng đèn, máy vi tính, các thiết bị viễn thông, năng lượng gió, năng lượng mặt trời, robot, các chip điện tử sử dụng trong y học…Những phát minh này không chỉ mang lại nguồn lợi kinh tế mà còn giúp bảo vệ môi trường, đem lại niềm vui và hạnh phúc cho con người.

Người Việt thông minh và giàu tiềm năng sáng tạo


Học sinh, sinh viên Việt Nam học ở nước ngoài luôn đạt những thành tích tốt, có nhiều giải thưởng và sáng kiến được các nhà khoa học quốc tế đánh giá cao.

Một nghiên cứu gần đây của các giáo sư ở Trường ĐH Bắc Kinh chỉ ra rằng, khi du học, các em có nhiều tự do hơn, được học trong những môi trường học tập tốt hơn, tự chịu trách nhiệm về việc học tập của mình nên học tập có kết quả cao hơn.
Học sinh Trường Trung học cơ sở Hiếu Tử, xã Hiếu Tử, huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh trong giờ học. Ảnh: Lê Anh Dũng

4 yếu tố cần để có sáng tạo

Sáng tạo là khả năng của một con người, của một tổ chức đưa ra những ý tưởng mới, tư duy theo cách mới, nhìn thấy vấn đề mới trong các vấn đề cũ.

Sáng tạo là kĩ năng sản sinh ra các ý tưởng hay các thiết kế về sản phẩm mới, chất lượng cao và có giá trị cao.

Sáng tạo bao gồm con người (chủ thể của sự sáng tạo), quá trình (tâm lí và xã hội), môi trường và sản phẩm.

Để sáng tạo, cần có các yếu tố:

Năng lực và phẩm chất cá nhân mỗi người: tính kiên trì, sự ham hiểu biết, óc tò mò, sự lao động cần cù và đam mê, khả năng giải quyết vấn đề, tư duy linh hoạt…

Tiềm năng sáng tạo còn ít được khám phá do những quan niệm cho rằng năng lực sáng tạo là cao siêu hay do tính tự kỉ của con người cho rằng mình không có.

Lí do quan trọng hơn là nền giáo dục còn chưa chú trọng phát triển năng lực sáng tạo, chương trình dạy dỗ nặng về nhồi nhét tri thức, đồng nhất người học và khá xa lạ với các ý tưởng sáng tạo.

Các quá trình tâm lí – xã hội:
Cảm xúc tạo nên những giây phút thăng hoa và khởi nguồn của sáng tạo. Các hoạt động của bộ não ở những người khác nhau thì khác nhau và sự khác nhau của não bộ trái và não bộ phải tạo ra 7 loại hình trí tuệ khác nhau và tạo nên các cách thức sáng tạo khác nhau.

Sản phẩm sáng tạo: các ý tưởng được thực hiện, đi vào cuộc sống.

Môi trường sáng tạo: Một tổ chức, một đất nước sáng tạo là một đất nước có môi trường tự do khuyến khích các ý tưởng mới và cung cấp các điều kiện để biến các ý tưởng thành các sản phẩm mới, các dịch vụ mới phục vụ con người. Đó cũng là lí do vì sao càng ngày càng có nhiều nước chuyển sang xây dựng và phát triển nền kinh tế thị trường.

Điều quan trọng nhất: Để sáng tạo, lãnh đạo phải biết lắng nghe

Một đất nước sáng tạo cũng biết cách sự học tập và ứng dụng các ý tưởng sáng tạo từ những người khác, các tổ chức và quốc gia khác.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục Singapore khi sang làm việc với Học viện Quản lí giáo dục tháng 7/2007 đã nói rằng Singare các lãnh đạo không phải là các nhà chuyên môn nhưng biết lắng nghe ý kiến của các chuyên gia và lựa chọn những ý tưởng độc đáo cho phát triển.

Cựu Thủ tướng Lý Quang Diệu nói rằng, ông học các kinh nghiệm của các nước khác để giải quyết vấn đề mà Singapore gặp phải dựa vào hoàn cảnh nước mình chứ không phải áp dụng rập khuôn.

Ở nền giáo dục sáng tạo, con người dạy với các phương pháp dựa trên nền tảng của trí tưởng tượng và phát triển các năng lực tưởng tượng.

Albert Einstein đã kết luận: "Suy luận logic dẫn bạn từ A đến B. Sự tưởng tượng dẫn bạn đến khắp mọi nơi”.

Tư duy đa chiều, nhìn nhận sự vật từ những góc cạnh khác nhau là các yếu tố cần thiết của sáng tạo và có nhiều phương pháp để phát triển các năng lực tư duy như vậy, như phương pháp tư duy khác thường, tư duy phân kì, các phương pháp động não…

Nền giáo dục sáng tạo cần có môi trường tự do, các điều kiện khuyến khích phát triển từ lãnh đạo cấp cao.

Nếu thiết kế lại mục tiêu, nội dung, phương pháp và hình thức dựa trên các tri thức và phương pháp sáng tạo, nền giáo dục Việt Nam sẽ phát triển được nhiều năng lực sáng tạo đang tiềm ẩn trong con người.

Một đất nước thịnh vượng là một đất nước có nhiều công dân hiền tài, có năng lực sáng tạo và sáng nghiệp. Để có những công dân sáng tạo và sáng nghiệp cần có một nền giáo dục sáng tạo. Để có một nền giáo dục sáng tạo cần có các giáo viên sáng tạo. Để có có các giáo viên sáng tạo cần có những nhà trường sáng tạo. Để có những nhà trường sáng tạo cần có những người lãnh đạo sáng tạo và sáng nghiệp. Những người lãnh đạo sáng tạo và sáng nghiệp được nuôi dưỡng và đào tạo từ những học sinh/sinh viên sáng tạo – từ một nền giáo dục sáng tạo và trong một đất nước có môi trường tự do cho sự sáng tạo và sáng nghiệp. (Triết lí của IFERD: www.iferd.edu.vn – một trang web chứa các khóa đào tạo kĩ năng sáng tạo và sáng nghiệp).
TS Trần Thị Bích Liễu
Nguồn: Vietnamnet

VIỆT NAM YÊU DẤU