Ai cũng có quyền tự do quan niệm và tự do phát biểu quan điểm; quyền này bao gồm quyền không bị ai can thiệp vì những quan niệm của mình, và quyền tìm kiếm, tiếp nhận cùng phổ biến tin tức và ý kiến bằng mọi phương tiện truyền thông không kể biên giới quốc gia. - Điều 19, Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền

8/11/11

CHÚNG TA HÃY CÙNG NHAU HOÀ HỢP


Biết được bài này là nhờ đọc trang điểm tin của anh Ba Sàm. Cám ơn anh và BBT! - Hồ Như Hiển
Hôm nọ tôi đi theo một người bạn để rước đứa con chỉ mới gần 3 tuổi của cô ấy đang cho đi học ở daycare. Vừa bước vào phòng học tôi đã nghĩ “đúng là thế giới của con nít”. Vì ở đây cái chi nó cũng nhỏ, đầy màu mè và nhố nhăng y như những đứa bé đang chạy tán loạn, ồn ào, hỗn độn không như thế giới của người lớn, đâu ra đó, ngăn nắp, trật tự và không…màu mè (cái này thì hình như cũng tùy!).
Nhưng trước khi ra về tôi bỗng phát hiện thấy có một tấm biển được treo trên tường với những lời khuyên bảo rất ấn tượng mà tôi đã dùng máy iPhone của Steve Jobs chụp lại ngay để hôm nay đăng kèm theo bài. Tôi xin tạm dịch những lời đó như sau:


Chúng Ta Hãy Cùng Nhau Hòa Hợp
Dùng những lời lẽ tử tế.
Mau sớm tha thứ.
Lắng nghe.
Chia sẻ.
Khuyến khích những người khác.
Đợi đến phiên mình.
Suy nghĩ trước khi hành động.
Nói chuyện lại sau đó.
Quá ấn tượng và rất cần thiết dạy cho những đứa trẻ phải biết học nằm lòng để thực hiện mỗi ngày phải không các bạn? Có thể nói đây là một trong những điều mà tôi thích nhất ở xã hội Tây Phương. Đó là sự dạy dỗ có chừng mực, đầy đủ và rất là… người lớn. Những thầy cô giáo ở đây nói chuyện với những đứa bé y như chúng nó là người lớn. Tuyệt đối tôi không nghe thấy có sự la mắng, lớn tiếng, hoặc ỷ thế đông, sức mạnh uy hiếp kẻ yếu!
Nếu đứa bé làm điều gì sai, nó sẽ được giải thích cặn kẽ tại sao nó không nên làm như vậy, tại sao đó là một điều xấu và lần tới hậu quả sẽ là gì nếu nó tái phạm. Tôi rất thích dạy con kiểu này. Để tập cho nó biết cách tự suy nghĩ, tự lập để tự nhận lấy những thành quả hay hậu quả mà chính mình đã gây ra. Chứ không phải kiểu dạy răn đe, la mắng chỉ để làm cho nó sợ thôi không dám làm nữa. Vì thử hỏi, một khi nó đã lớn và hết sợ mình rồi thì có chắc là nó đã học được bài học đó chưa?
Tôi lại nghĩ đối với những lời khuyên bảo trên, nói thì nghe rất dễ nhưng thực hiện được hay không mới là chuyện khó. Cho cả con nít lẫn… người lớn.
Chúng ta hãy cùng nhau bàn xem:
1.      Dùng những lời lẽ tử tế
Tôi nghĩ ai trên đời cũng thích nghe những lời nói tử tế, thấy những hành động tử tế. Vì vậy dùng những lời lẽ tử tế là điều rất dễ hiểu và rất đáng làm. Nhưng thực tế cho ta thấy không phải ai trên đời cũng là người tử tế và không phải ai cũng có thể thực hiện được điều này nhất là những khi đang nóng giận.
2.      Mau sớm tha thứ
Trong tiếng Anh có câu “it’s easy to forgive but not easy to forget”. Tôi thấy câu này rất đúng, ít nhất ra là cũng đối với bản thân tôi. Vì tha thứ là một việc không khó để làm. Nhưng rất khó để chúng ta có thể hoàn toàn quên đi, tẩy xóa hết tất cả những dĩ vãng đau buồn hay hạnh phúc trong cuộc sống. Mặc dù điều trớ trêu mà trong chúng ta ai cũng biết chính là cuộc sống này xét cho cùng chỉ là cõi tạm bợ và sớm muộn gì thì chúng ta ai cũng sẽ trở về với cát bụi.
Xem ra tôi thấy đối với câu nói trên đám trẻ có thể thực hiện tốt hơn vì chúng chưa đủ khôn lớn như chúng ta để… nhớ.
3.      Lắng nghe
Lại là một điều rất khó thực hiện và chúng ta ai cũng biết tại sao.
4.      Chia sẻ
Tôi không nghĩ động từ “share” ở đây được hiểu theo nghĩa chia sẻ những khó khăn, khó nhọc trong cuộc sống mà là chia sẻ của chung, cùng xài chung, ăn chung, sinh hoạt chung, v.v… và vì vậy mỗi người phải biết share, không phải cái gì cũng khư khư giữ lấy làm của mình.
Ai cũng thích điều này có đúng không? Nếu vậy thì tại sao trong thế giới hiện tại hầu như chúng ta ai làm điều gì cũng chỉ vì chúng ta muốn có của riêng?
Chúng ta làm việc quần quật mỗi ngày, cố gắng dành dụm có đủ tiền mua nhà chỉ để dọn ra ở riêng. Chúng ta thích có xe hơi riêng, ai cũng “có những niềm riêng” và đặc biệt trong tình yêu, không ai thích chia sẻ.
Có ích kỷ lắm không hở bạn?
5.      Khuyến khích những người khác
Câu này không có gì đáng bàn. Khuyến khích là điều chúng ta nên làm. Vấn đề hệ trọng ở chỗ điều gì đáng khuyến khích và điều gì không nên khuyến khích. Tôi vẫn còn nhớ sự khác biệt một trời một vực lúc tôi về Việt Nam làm việc và muốn bắt tay vào thực hiện một số công tác xã hội cùng với Lê Công Định.
Nhưng những người tôi thân nhất, hai gia đình bên Nội, Ngoại, bà con, bạn bè phần lớn đều… bàn ra và khuyến khích tôi không nên làm. Khác với đa số lúc tôi ở Úc, ở Phi, hay ở Mỹ đều khuyến khích tôi nên làm những gì mà tôi muốn.
Vì vậy có thể cho rằng đối với câu nói trên, hoàn cảnh xã hội và bối cảnh quan trọng hơn là lời nói.
6.      Đợi đến phiên mình
Câu này chúng ta có thể thấy được thực hiện khá đầy đủ và nghiêm túc ở những xã hội Tây Phương. Nhưng về Việt Nam hay tệ hơn là sang Trung Quốc, bạn sẽ thấy cảnh người ép người, không ai chịu nhường ai ở tất cả mọi nơi. Và cũng sẽ có những cảnh chúng ta không bao giờ nhìn thấy được vì sức mạnh của đồng tiền đã đẩy bật tung cánh cửa sau để những kẻ có tiền, có quyền chui vào mà không cần phải sắp hàng đợi đến phiên mình ở cổng trước.
7.      Suy nghĩ trước hành động
Nếu ai cũng thực hiện được câu nói này thì sẽ không có câu châm ngôn của thời đại internet hiện nay: “khôn ba năm dại một phút”.
8.      Nói chuyện lại sau đó. Talk it over. Nhưng khi nào thì chúng ta có thể ngồi xuống để nói chuyện lại với nhau? Để chúng ta có thể cùng nhau hòa hợp, hòa giải?
Bạn đọc nào có cao kiến về những vấn đề nan giải trên xin vui lòng cho tôi biết. Chúc các bạn cuối tuần vui vẻ.
Nguồn: VOA

VIỆT NAM YÊU DẤU