Ai cũng có quyền tự do quan niệm và tự do phát biểu quan điểm; quyền này bao gồm quyền không bị ai can thiệp vì những quan niệm của mình, và quyền tìm kiếm, tiếp nhận cùng phổ biến tin tức và ý kiến bằng mọi phương tiện truyền thông không kể biên giới quốc gia. - Điều 19, Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền

17/4/11

PHAN CHÂU TRINH VÀ MỘT SỐ VẤN ĐỀ VĂN HOÁ TƯ TƯỞNG HÔM NAY

Vương Trí Nhàn
Tại cuộc nói chuyện ở Đại học Hoa sen 23/3, nhà văn Nguyên Ngọc bảo cái mới của Phan Châu Trinh là chỉ ra mất nước do văn hóa. Theo Nguyên Ngọc, “Xây dựng con người tự chủ, để dân tộc tự chủ, đó là chương trình vĩ đại bị dở dang của Phan Châu Trinh” “Chính từ tinh thần tự chủ ấy, ông đã dũng cảm chỉ ra hai nhược điểm chí tử của dân tộc: chủ nghĩa yêu nước hẹp hòi và ý thức vọng ngoại mù quáng.
Về phần mình tôi cho rằng Phan Châu Trinh mang lại một cách nghĩ mới về các vấn đề quốc gia dân tộc. Sự phát triển tư tưởng ở ông đánh dấu một bước ngoặt trong việc tiếp nhận văn hóa tư tưởng phương Tây ở VN. Ông cũng có cách nhìn nhận hiện đại đối với các vấn đề thiết cốt như tình trạng đời sống tinh thần của dân tộc trong lịch sử, từ đó có quan niệm riêng về yêu nước về dân chủ -- những quan niệm sâu săc tới mức mà xem ra ở vào thời điểm đầu thế kỷ XXI , nhiều người chúng ta vẫn còn chưa với tới được.
Tôi dự định sẽ dẫn lại trên trang blog này một số tư tưởng của Phan, kèm theo một vài điều suy nghĩ của bản thân. Trong chừng mực còn hạn chế, người viết sẽ trở lại với lịch sử vấn đề Phan Châu Trinh ở ta trong thời gian qua.
Nhưng trước hết xin kính trình bạn đọc một số đoạn Phan Châu Trinh tôi đã dẫn trong khi sưu tầm tài liệu khi làm chuyên đề Những lời cảnh tỉnh của người xưa --Thói hư tật xấu của người Việt trong con mắt của các nhà trí thức đầu thế kỷ XX đã in rải rác từ mấy năm trước.

Sống như mơ ngủ
Nước ta từ ngày Pháp sang bảo hộ trên mấy mươi năm, người mình học Tây học chỉ làm được việc phiên dịch nói phô mà thôi, không có ai hấp thu được chỗ tinh tuý, phăn (phanh) tìm đến nơi màu nhiệm về mà đào tạo ra học trò để làm việc vẻ vang cho nòi giống. Trái lại bụng không một hạt gạo mà nói chuyện thi thư (1), tay không nửa đồng mà tự xưng Khổng Mạnh. Có lẽ da thịt huyết tuỷ của người nước mình mấy ngàn năm nay đã bị cái hấp lực của huyết dẫn người Tàu chi phối hết cả, nên ngày nay đành làm nộm rối cho người Tàu mà không tự biết chăng? Không thế thì sao lửa đốt bên da mà không biết nóng, sét đánh ngang trán mà không biết sợ, thày hay bạn giỏi ở một bên mà không biết gắng sức bắt chước bước theo. Thậm nữa trằn trọc tráo trở, một hai toan tìm một nước thứ ba nào yêu thương mình mà vui lòng làm tôi làm tớ.
Hiện trong lúc ngủ say mới tỉnh, xu hướng chưa định, học mới học cũ ngả đường phân chia công hội thương hội chương trình chưa nên, thành hiện ra một cái quái tượng, đầy nhà rối rít ồn ào, chưa giải quyết vội được.
(1) Nghĩa gốc: Kinh Thi và Kinh Thư. Ở đây chỉ kiến thứ tư tưởng ở trình độ cao
Hiện trạng vấn đề, 1907

Dân khí bạc nhược
Nước Nam độ bốn mươi năm nay, vận nước ngày một suy, suốt từ trên đến dưới chỉ biết chuyện lười biếng vui chơi. Pháp chế lề luật không còn có cái gì ra trò, nhân tài cũng tiêu diệt đi mất cả. Người trên thì lâu lâu được thăng trật (1), chẳng qua như sống lâu lên lão làng; người dưới thì đem của mua quan, thật là tiền bạc phá lề luật (...) Suốt cả thành thị cho đến hương thôn, đứa gian giảo thì như ma như quỷ, lừa gạt bóc lột, cái gì mà chẳng dám làm; đứa hèn yếu thì như lợn như bò, giẫm cổ dè đầu, cũng không dám ho he một tiếng.
(1) trật: cấp bậc phẩm hàm
Thư gửi chính phủ Pháp, 1906

Còn qua lơ mơ khi thời thế đã thay đổi
Khi cái tư tưởng quốc gia đã nảy ra trong óc người Tàu, người Cao Ly, người nước ta vẫn còn say sưa trong giấc ngủ ngàn năm, chưa có chút gì gọi là giật mình mở mắt cả. Bọn già thì lo làm quan để kiếm tiền nuôi vợ con, bọn trẻ thì lo làm thầy đặng kiếm gạo nuôi miệng, ngoài cái lo xác thịt ra thì không có một tư tưởng gì khác.
Lại thêm một bọn ra vênh mặt múa tay tự xưng là ái quốc ái chủng, nhưng hỏi đến họ cách khuếch lợi trừ hại, tự cường tự lập thì họ ập ạ như người mơ ngủ chỉ ngồi ngong ngóng ước mơ thế lực ngoài tràn vào mà thôi.
Đạo đức và luân lý Đông Tây, 1925

Dân hư, kẻ sĩ có lỗi
Người nước ta không hiểu cái nghĩa vụ loài người ăn ở với loài người đã đành, đến nghĩa vụ của mỗi người trong nước cũng chưa hiểu gì cả. Phải ai tai nấy, ai chết mặc ai! Đi đường gặp người bị tai nạn, gặp người yếu bị kẻ mạnh bắt nạt cũng ngơ mắt bỏ qua, hình như người bị nạn khốn ấy không quan hệ gì đến mình.
Dân không biết đoàn thể, không trọng công ích, là bởi ba bốn trăm năm trở về đây, bọn học trò trong nước mắc ham quyền tước, ham bả vinh hoa của các triều vua, mà sinh ra giả dối nịnh hót, chỉ biết có vua chẳng biết có dân.
Dẫu trôi nổi, dẫu cực khổ thế nào mặc lòng, miễn là có kẻ mang đai đội mũ ngất ngưởng ngồi trên, có kẻ áo rộng khăn đen lúc nhúc lạy dưới, trăm nghìn năm như thế cũng xong. Dân khôn mà chi! dân ngu mà chi! dân lợi mà chi! dân hại mà chi! Dân càng nô lệ, ngôi vua càng lâu dài, bọn quan lại càng phú quý.
Chẳng những thế mà thôi, “một người làm quan một nhà có phước “, dầu tham dầu nhũng, dầu vơ vét dầu rút tỉa của dân thế nào cũng không ai phẩm bình; dầu lấy của dân mua vườn sắm ruộng xây nhà làm cửa cũng không ai chê bai. Người ngoài thì khen đắc thời, người nhà thì dựa hơi quan, khiến những kẻ ham mồi phú quý không đua chen vào đám quan trường sao được?!
Đạo đức và luân lý Đông Tây, 1925

Sự suy đồi toàn diện
Trong khoảng vài mươi năm nay, các bậc đại thần ăn dầm nằm dìa ở chốn triều đình, chỉ biết chiếu lệ cho xong việc; quan lại ở các tỉnh thì chỉ lo cho vững thần thế mà hà hiếp bóp nặn ở chốn hương thôn; đám sĩ phu thì ganh nhau vào con đường luồn cúi hót nịnh, không biết liêm sỉ là gì; bọn cùng dân bị nặn bóp mãi mà máu mủ ngày một khô, không còn đường sinh kế nữa. Đến bây giờ thì thế sự hư hỏng, nhân dân lìa tan, phong tục suy đồi, lễ nghĩa bại hoại, một khu đất bốn mươi vạn dặm vuông, một dân tộc hơn hai mươ triệu người lại sắp ở vào cái địa vị bán khai mà quay về cái địa vị dã man.
Nước Nam đã lâu nay học thuyết sai lầm, phong tục hư hỏng, không có liêm sỉ, không có kiến thức. Trong một làng một ấp cũng cấu xé lẫn nhau, cùng nòi cùng giống vẫn coi nhau như thù hằn; có dẫu ai có muốn lo toan việc lớn, chưa kể rằng không có chỗ mà nương thân, không có khí giới mà dùng, không có tiền của mà tiêu, giá phỏng Chính phủ (1) cho mượn dăm nghìn khẩu súng, cấp đất vài tỉnh cho ở, không thèm hỏi đến, tha hồ muốn làm gì thì làm, chẳng qua vài năm nếu không báo thù lẫn nhau thì cũng tranh giành địa vị với nhau, nếu không cướp đoạt tiền tài thì cũng giành giật tước vị, tự chém giết nhau đến chết hết mới thôi, quyết không thể sống nổi trong thế giới này, lại còn chống cự ai được nữa. (VTN lưu ý)
(1) đây là chính phủ thực dân Pháp
Thư gửi chính phủ Pháp,1906
Sang đến xứ người cũng không biết đường học hỏi
Người nước ta thường tự xưng là đồng loại, đồng đạo, đồng văn (1) với Nhật Bản, thấy họ tiến thì nức nở khen chứ không khi nào chịu xét vì sao họ được tiến tới như thế ? Họ chỉ đóng tàu đúc súng mà được giàu mạnh hay họ còn trau dồi đạo đức sửa đổi luân lý mới được như ngày nay ? Tôi rất lấy làm lạ cho những người đã qua Nhật về, không đem cái hay cái tốt về cho dân nhờ mà chỉ làm giàu thêm tính nô lệ ! Hay là người mình như kẻ đã hư phổi rồi cho nên một nơi có thanh khí như nước Nhật mà cũng không thở nổi chăng ?! Lấy lịch sử mà nói thì dân tộc Việt Nam không phải là không thông minh, thế thì vì lẽ nào ở dưới quyền bảo hộ hơn 60 năm nay (2) mà vẫn còn mê mê muội muội bịt mắt vít tai không chịu xem xét không chịu học hỏi lấy cái hay cái khéo của người.
(1) cùng theo đạo Khổng cùng sử dụng chữ Hán
(2) tính tới thời điểm tác giả nói trong bài này, nước Pháp mới đô hộ nước ta 60 năm
Đạo đức và luân lý Đông Tây, 1925
Nguồn: chungta.com

VIỆT NAM YÊU DẤU