Ai cũng có quyền tự do quan niệm và tự do phát biểu quan điểm; quyền này bao gồm quyền không bị ai can thiệp vì những quan niệm của mình, và quyền tìm kiếm, tiếp nhận cùng phổ biến tin tức và ý kiến bằng mọi phương tiện truyền thông không kể biên giới quốc gia. - Điều 19, Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền

28/4/11

Bài thơ tớ thích: ĐÊM NGHI TÀM ĐỌC THƠ ĐỖ PHỦ CHO VỢ NGHE

http://nhavan.vn/images/articles/2009_01/731/u1_53972-1.jpg
Nhà thơ Phùng Quán
Phùng Quán

Ngoài trời trăng như tuyết
Trắng lạnh đến thấu xương
Trong nhà vách trống toang
Gió ra vào thỏa thích…

Hồ khuya sương tịch mịch
Trộn nước lẫn cùng trời
Con dế chân bờ dậu
Nỉ non hoài không thôi…


Tựa lưng ghế cành ổi
Vai khoác áo bông sờn
Tôi ngồi đọc Đỗ Phủ
Vợ vừa nghe vừa đan…

Đỗ Phủ tự Tử Mỹ
Thường xưng già Thiếu Lăng
Sinh ở miền đất Củng
Cách ta hơn ngàn năm
Thơ viết chừng vạn trang
Chín nghìn trang thất lạc
Người đời sau thu nhặt
Còn được hơn ngàn bài
Chỉ hơn ngàn bài thôi
Nỗi đau đà Thái Sơn
Nếu còn đủ vạn trang
Trái đất này e chật!...

Thơ ai như thơ ông
Lặng im mà gầm thét
Trang trang đều xé lòng
Câu câu đều đẫm huyết…
Thơ ai như thơ ông
Mỗi chữ đều như róc
Từ xương thịt cuộc đời
Từ bi thương phẫn uất
Thơ ai như thơ ông
Kể chuyện mái nhà tốc
Vác củi, làm chuồng gà…
Đọc lên trào nước mắt!
Giữa tuyết trong đò con
Đỗ Phủ nằm chết đói(*)
Đắp mặt áo bông sờn
Kéo hoài không kín gối

Ngàn năm nay sông Tương
Sóng còn nức nở mãi
Khóc chuyện áo bông sờn
Đắp mặt thơ chết đói!...

Giật mình trên tay vợ
Bỗng nảy một hạt sương…
Hạt nữa rồi hạt nữa
Tôi nghẹn dừng giữa trang

Kéo áo bông che vai
Ngồi lặng nghe sương rơi
Con dế chân bờ dậu
Nỉ non hoài không thôi…

Vụng về… tôi dỗ vợ:
Em ơi đừng buồn nữa
Qua rồi chuyện ngàn năm
Bao nhiêu nước sông Tương…

Miệng nói nhưng lòng nghĩ:
Ôi thân phận nhà thơ
Khác nào thép không gỉ
Ngàn năm cũng thế thôi!...

Đã đi với nhân dân
Thì thơ không thể khác
Dân máu lệ khốn cùng
Thơ chết áo đắp mặt!

Em ơi, nếu Đỗ Phủ
Vai khoác áo lông cừu
Bụng no đến muốn mửa
Viết sao nổi câu thơ
Ngàn năm cháy như lửa:
“Cửa son rượu thịt ôi
Ngoài đường xương chết buốt”

Em ơi nếu Tử Mỹ
Nhà ở rộng mười gian
Rào sắt với cổng son
Thềm cao đá hoa lát
Chắc ông không thể làm
Mưa thu mái nhà tốc

Em ơi, nếu Thiếu Lăng
Cặp kè vợ béo nứt
Một bước là ngựa xe
Đứng đi quân hầu chật
Đời nào ông lắng nghe
Tiếng gào và tiếng nấc
Bà cụ xóm Thạch Hào
Gái quê tân hôn biệt…

Đã đi với nhân dân
Thì thơ không thể khác
Dân máu lệ khốn cùng
Thơ chết áo đắp mặt!...

Chính vì thế em ơi
Nhân loại ngàn năm qua
Máu chảy như sông xiết
Cũng là để cho thơ
Sẽ không còn phải viết
Những Hành Qua Bành Nha
Vô gia Thùy lão biệt…
Cũng là để cho thơ
Sẽ không còn phải chết
Giữa tuyết, trong đò con…
Đắp mặt áo bông sờn…

Đừng buồn nữa em ơi
Chuyện ngàn năm…ngàn năm…

*Đỗ Phủ chạy giặc trên chiếc đò nhỏ trên sông Tương, nhịn đói đã mười ngày. Sau đó được chức sắc trong vùng biết tin, đem rượu thịt mời ông. Ông ăn uống no say rồi chết. Người Trung Quốc gọi là thương thực (bị thương vì ăn). Như vậy hình thức là chết no mà nội dung là chết đói (chú thích của Phùng Quán)

VIỆT NAM YÊU DẤU