Ai cũng có quyền tự do quan niệm và tự do phát biểu quan điểm; quyền này bao gồm quyền không bị ai can thiệp vì những quan niệm của mình, và quyền tìm kiếm, tiếp nhận cùng phổ biến tin tức và ý kiến bằng mọi phương tiện truyền thông không kể biên giới quốc gia. - Điều 19, Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền

7/1/13

TRẦN ĐĂNG KHOA: CHUYỆN GIÁO DỤC Ở TÂY

 Nguồn: VOV

Trần Đăng Khoa: Chuyện giáo dục ở Tây


(VOV) -Bọn trẻ không bị học nhồi học nhét, không phải học thuộc lòng, cũng không có văn mẫu. 
Liên tiếp trong hai số báo trước, tôi đã cùng Tiến sĩ Trần Thanh Thu ngắm nền giáo dục của Bỉ. Rồi ngoảnh lại chiêm ngưỡng một mái trường quê của chúng ta từ những năm chiến tranh. Bây giờ chúng ta trở lại nước Bỉ, xem "ông bạn" này dạy dỗ con em mình như thế nào.
Trần Thanh Thu: Một trong những tiêu chí theo tôi là quan trọng nhất trong nền giáo dục ở Bỉ là tuân thủ khẩu hiệu «Tất cả trẻ em đều bình đẳng». Điều này thể hiện trong mọi phương pháp sư phạm được áp dụng trong trường học. Và những phương pháp sư phạm này đã gây dấu ấn không thể phai mờ trong tâm trí tôi từ những ngày đầu tiên đưa con đến lớp ở đây. Thứ nhất là lớp học ở Bỉ không bao giờ có lớp trưởng hay cán bộ lớp. Các cháu hoàn toàn bình đẳng như nhau.
Cả xã hội tập trung làm cho trẻ em hạnh phúc khi đến trường (Ảnh vnn)

Ở lớp con tôi theo học thì có trực nhật hàng ngày. Các cháu cứ theo bảng tên mà lần lượt thực hiện nghĩa vụ của mình. Việc của trực nhật chỉ là khi vào lớp thì chuyển mũi tên trên lịch và đánh dấu tình hình thời tiết trên bảng thời tiết. Trực nhật cũng vào lớp như các bạn thôi vì chỉ khi nào đến giờ vào học khu học đường mới mở cửa, cả lớp cùng vào. Nếu con bạn đến trường sớm thì chơi ở sân hoặc ở phòng trông trẻ ngoài giờ, có trường để mắt tới để bảo đảm an toàn cho các cháu.

Ngay từ nhỏ các cháu đã được dạy làm việc theo nhóm, tùy theo chủ đề, các cháu sẽ tự phân chia trách nhiệm, công việc. Không có ai là «cánh tay phải, tay trái» của thầy cô cả. Theo tôi việc này làm cho trẻ tự tin, không gây ra sự ghen tỵ, không có cảnh về khóc lóc đòi bố mẹ xin cô làm cán bộ, lại càng không có những trẻ em còn bé tí đã lên mặt thủ trưởng với bạn bè.
Ở tiểu học không có khen thưởng, không có bình bầu học sinh giỏi kém. Mỗi học kỳ sẽ có đánh giá vào sổ liên lạc. Tất cả học sinh có vấn đề (học kém, chưa ngoan…) đều được cô giáo thảo luận với bố mẹ chứ không bao giờ nêu gương hay bêu gương trước lớp. Vì thế trẻ em thấy mình không có gì khác biệt với các bạn xung quanh.
Cuối năm nhà trường tổ chức buổi liên hoan toàn trường, có biểu diễn văn nghệ và ăn uống nhẹ. Thường thì bố mẹ học sinh làm bánh ngọt đến bán rẻ để lấy quỹ cho các cháu. Sinh hoạt văn nghệ này nhằm mục đích cho các cháu vui chơi, thường thì ở các lớp bé 100% các cháu sẽ lên biểu diễn dù có biết múa hát hay không. Nếu bạn nhìn thấy những đứa trẻ đáng yêu ấy trên sân khấu dù có vài đứa thậm chí khóc nhè, nhưng tất cả bố mẹ đều sung suớng quay phim chụp ảnh con mình (với bố mẹ nào thì con mình ở tuổi ấy cũng đều là thiên thần cả), và nếu bạn bước ra từ một nền giáo dục mà ngay từ mẫu giáo những đứa trẻ đã phải "được lựa chọn" để vui thì bạn nhất định sẽ phải rơi nước mắt vì xúc động.
Một chuyện nữa có thể kể ra đây làm ví dụ về "trẻ em bình đẳng". Con trai tôi là một đứa bé thông minh. Từ lớp Hai khi tiếng Pháp của cháu đã tốt, cháu thường trả lớp rất nhanh các câu hỏi của cô giáo đưa ra. Một hôm, khi cháu đã học lớp Ba, tôi nhận được thư của cô nói rằng, con bà có tư duy rất tốt và phản ứng quá nhanh trong lớp học, việc đó làm ảnh hưởng đến sự năng động của các bạn khác, vì như thế các bạn sẽ không muốn suy nghĩ nữa. Chúng tôi đề nghị cho cháu nhảy lớp, nếu gia đình không muốn cho cháu nhảy lớp thì cháu phải ngồi im lặng khi cô hỏi các bạn, chỉ khi nào cô gọi đích danh mới được nói.

Tôi hỏi cháu muốn thế nào, cháu nói là cháu rất yêu các bạn của cháu và cháu không muốn chuyển lớp. Tôi cũng muốn cháu học cách lắng nghe và có văn hóa làm việc theo nhóm nên để cháu vẫn học lớp đó. Cô giáo bảo trong tháng đầu tiên cháu như ngồi trên đống lửa nhưng sau đó cháu đã bình tĩnh hơn và hiểu được là nhiều bạn cũng giỏi chả thua gì mình chỉ có điều "đủng đỉnh" hơn mình một chút mà thôi.
-Những câu chuyện của bà rất thú vị, rất đáng để chúng ta tham khảo trong việc giáo dục trẻ em...  
Trần Thanh Thu: Một trong những điều thú vị ở Bỉ là mọi hoạt động của nhà trường, xã hội đều xoay quanh mục tiêu làm sao cho trẻ em hạnh phúc khi thực hiện nghĩa vụ đi học của mình. Thực ra thì ở đâu, phụ huynh cũng chỉ có một ước mong như thế, nhất là khi con mình còn nhỏ. Nhiều nền giáo dục đã dựa trên tâm lý này để “hành” phụ huynh.
Ở Bỉ, khu vực giáo dục tiểu học công do nhà nước bao cấp 100%, kể cả sách vở, giấy bút, sách giáo khoa. Những gì liên quan đến xây dựng, sửa chữa trường học hay sân chơi..., sẽ dựa vào kinh phí của quận (quận là đơn vị hành chính nhỏ nhất ở Bỉ có chức năng giải quyết mọi vấn đề liên quan đến công dân, kể cả cấp hộ chiếu, thẻ căn cước...). Nhưng quận phải bảo đảm cơ sở vật chất, diện tích trường lớp đúng chuẩn, đúng luật.
Theo thống kê thì kinh phí dành cho giáo dục thường chiếm khoảng 17% tổng thu nhập của quận. Mọi người đóng thuế tại quận mình sinh sống. Như vậy ở khu vực trường công, việc nhà trường yêu cầu phụ huynh đóng góp xây dựng trường lớp là phạm pháp. Nhà trường cũng không được thu thêm bất cứ khoản gì từ phụ huynh, học sinh không bị bắt buộc học thêm. Ở Bỉ không có thi đua, khen thưởng thành tích. Ở tiểu học không thi thố gì, học sinh có năng khiếu thể thao âm nhạc thì tham gia thi đấu cho các câu lạc bộ chứ không phải cho trường, không trường nào được tính thành tích về chuyện đó cả.
Vậy tại sao giáo viên lại hết lòng vì học sinh? Có thể có nhiều lý do, như ngay từ nhỏ trẻ em được dạy dỗ hướng dẫn đề làm những việc mình say mê, mình yêu thích thật sự, có thể hệ thống đào tạo sư phạm tốt, có thể sự tuyển lựa đầu vào của các trường nghiêm ngặt nhưng theo tôi một lý do quan trọng để mọi người làm việc thật sự nghiêm túc, trong cả các ngành khác nữa, là cơ chế làm việc. Ở đây anh được trả lương để làm việc, nếu không làm tốt sẽ bị sa thải ngay. Cũng xin nói thêm là mức lương không cao, nếu trừ hết các khoản thuế. Nhưng cuộc sống vẫn ổn định. Mà cuộc sống ổn định thì đâu phải chỉ có phụ thuộc vào mức lương cao.
Như tôi đã nói, cả xã hội tập trung làm cho trẻ em hạnh phúc khi đến trường, và quả thật tôi thấy con tôi đi học như đi chơi, không bao giờ có bài tập về nhà trừ duy nhất một lần làm thuyết trình tự chọn, không có chuyện ôm một đống sách giáo khoa. Ở Bỉ, chả mấy khi thay đổi sách giáo khoa, nhưng giáo viên lại thường xuyên cập nhật kiến thức thông tin mới cho các bài giảng. Bọn trẻ không bị học nhồi học nhét, không phải học thuộc lòng, cũng không có văn mẫu. -Vậy thì bọn trẻ học cái gì? Thầy cô dạy gì cho học trò mình? 
Trần Thanh Thu: Tất nhiên vẫn là những kiến thức cơ bản. Nhưng không nhồi nhét. Ngay từ lớp Một, ngoài kiến thức, như biết đọc, biết viết, biết làm các phép tính đơn giản, chúng còn học để biết yêu thương và cách thể hiện, biết làm việc theo nhóm và làm việc với nhiều người khác nhau, biết sử dụng các phương tiện công cộng và học các luật lệ cơ bản. Và các bài học rất đơn giản thông qua các trò chơi.
Ở Bỉ, người ta không khuyến khích trẻ con tham gia vào các sự kiện chính trị và những ngày kỷ niệm lớn trong nước, quốc tế. Đối với chúng, chỉ có hai ngày là "Ngày của mẹ" và "Ngày của bố". Vào những ngày ấy, chúng sẽ tự tay làm những món quà yêu thích nhất tặng bố mẹ. Tôi còn nhớ khi con tôi học lớp 1, nhân Ngày của mẹ, cháu mang về tặng mẹ sản phẩm tự làm là một bình hoa nhỏ xíu. Ở lớp cô mang đến một bó hoa và cho mỗi cháu một đế xốp. Các cháu tự chọn hoa, chọn cách cắm, cô không can thiệp, không cho điểm, không đánh giá cháu nào làm đẹp, làm xấu, bởi đơn giản, đối với mỗi người mẹ, sản phẩm đầu tiên của đứa con bé bỏng làm để tặng mình chắc chắn là sản phẩm đẹp nhất thế giới, và cô giáo làm cho đứa trẻ tin rằng nó đã làm đựoc một món quà đẹp nhất để tặng mẹ mình.
Điều đơn giản ấy thật ra rất quan trọng, nó tạo cho các em hiểu được rằng, trên đời này nhiều khi “nhất” không có nghĩa chỉ là một. Trẻ em và sau này là người lớn sẽ tự tin với bản thân mình và trân trọng thành quả của người khác. Người ta có thể thán phục thành tích của người khác nhưng vẫn không thấy mình thua kém.
Ngay khi bước chân đến trường, trẻ em đã học luật giao thông. Cảnh sát thật vào kiểm tra chúng thông qua trò chơi, chúng đi lên tàu sẽ có soát vé thật đến kiểm tra vé. Những buổi học như thế nhà tàu cũng phải tham gia thật sự và các hành khách đi tàu cũng phải chấp hành ví dụ như không được ngồi vào chỗ đã có dán thông báo dành cho học sinh. Nếu ai vi phạm sẽ bị phạt thật sự.
Một điều quan trọng nữa là bọn trẻ ngay từ nhỏ đã được học cách trình bày và bảo vệ ý kiến của chúng. Giáo viên chỉ là người hướng dẫn, họ luôn thảo luận với trẻ chứ không bắt buộc. Hệ lụy là tôi không bao giờ có thể ra lệnh cho con tôi là không được làm cái này cái kia mà luôn phải giải thích câu hỏi tại sao. Nhưng khi đã hiểu thì cháu luôn tự giác thực hiện. Tất nhiên để làm được việc này thì cả giáo viên lẫn phụ huynh đều phải học.
Chẳng hạn khi làm đề tài thuyết trình tự chọn (lúc học lớp 4). 30 đứa trẻ làm 30 đề tài khác nhau, từ giới thiệu đất nước mình đến cách làm phim và cô giáo phải đọc, phải tìm hiểu để có thể đánh giá, để giúp các em sửa hay tư vẫn để thuyết trình viên trả lời câu hỏi của các bạn. Ý kiến bọn trẻ rất có giá trị và chúng biết điều đó, nếu bị cô áp đặt điều gì mà chúng không thông chúng sẽ “kiện” thật sự.
Là một người tham gia đào tạo sau đại học nhiều năm, tôi có cơ hội đánh giá “sản phẩm” của nền giáo dục Bỉ không chỉ riêng đối với con mình. Mặc dù ở tiểu học, trẻ con chả học được gì cao siêu, chúng hạnh phúc khi đến trường để “chơi” nhưng khi học cao hơn chúng vẫn có tư duy tốt, với trình độ rất cao và chúng biết làm việc một cách chuyên nghiệp. Đấy mới là điều chúng ta cần nghiên cứu, tham khảo./.

VIỆT NAM YÊU DẤU