Ai cũng có quyền tự do quan niệm và tự do phát biểu quan điểm; quyền này bao gồm quyền không bị ai can thiệp vì những quan niệm của mình, và quyền tìm kiếm, tiếp nhận cùng phổ biến tin tức và ý kiến bằng mọi phương tiện truyền thông không kể biên giới quốc gia. - Điều 19, Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền

2/10/11

KÍNH THƯA... AI?!

Nguyễn Hữu Vinh
Trong phiên họp cuối cùng của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa 11, các vị đại biểu đã bất ngờ thảo luận khá công phu về chuyện có nên có câu “Kính thưa…” hết thảy các vị lãnh đạo trong mỗi cuộc họp. Chuyện có vẻ như nhỏ nhặt, nhưng quả tình lại là rất lớn, vì đã có rất nhiều sự kiện, hiện tượng ít nhiều có liên quan tới cái “kính thưa” này, những thứ “tàn dư phong kiến” đeo bám dai dẳng, xin được nêu ra ở đây để bạn đọc suy ngẫm:
1. Người cộng sản khi tranh đấu giành chính quyền luôn tự coi mình là con dân, dựa vào sự che chở của dân, khi giành được chính quyền rồi thì nhận mình là đầy tớ của dân. Nghĩa là họ phải luôn kính trọng dân. Còn giữa những người cộng sản, họ luôn là đồng chí, bình đẳng, không phân biệt đẳng cấp, nguyện đấu tranh lật đổ những chế độ bất công, phân biệt giai cấp, chủng tộc… Gần 80 năm đã qua…
2. Nước Việt Nam DCCH chấm dứt chế độ phong kiến cách đây cũng đã hơn 60 năm, bước vào một hình mẫu xã hội mà theo như học thuyết Marx thì còn văn minh hơn cả chế độ tư bản. Vậy giá trị “văn minh” đó gồm những gì, có cái bình đẳng, không phân biệt đẳng cấp xã hội giữa người với người hay không ? Chắc chắn là phải có!
3. Lại thêm 20 năm đổi mới, mở cửa nữa, đâu có thấy chút tàn dư phong kiến nào ở ngoài du nhập vào, chỉ thấy văn minh phương Tây thôi.
4. Và trên thực tế suốt hơn 60 năm qua thì sao?
- Dường như trong thái độ, lối cư xử của người dân và rất nhiều công chức vẫn còn luyến tiếc những hủ tục cũ kỹ, gây ra tiếng xấu cho nhiều cán bộ cấp cao là nặng tư tưởng phong kiến, thích được xu nịnh, thưa bẩm như những ông vua ông quan. Vì cái “phong kiến” không phải chỉ ở mấy chữ “kính thưa” trong mỗi cuộc họp, mỗi bài diễn văn, mà là đầy dẫy trong mọi ứng xử của cuộc sống, như đánh giá cán bộ, nội dung báo chí (luôn thấy hình ảnh các lãnh đạo được đưa long trọng trang đầu của báo, chiếm thời lượng đáng kể đầu chương trình thời sự ngắn ngủi của truyền hình). Mỗi lần các vị “vinh quy” là đón rước linh đình, xe cộ như nước, diễn văn toàn những lời lẽ hoa mĩ, tâng nịnh… Thậm chí ngay cả khi các vị đang sắm vai “ông nghị” đi gặp dân để nghe lời “chỉ bảo”.
- Người ta còn làm hỏng hình ảnh đẹp đẽ của lãnh đạo là khi có vị nào đó chót sai phạm, hoặc ra những chỉ thị vội vã dễ gây thiệt hại lớn cho dân cho nước thì lại nghĩ là các vị cũng như mình, sợ sự thật mà sẽ không chịu lắng nghe, nên đã không can gián, để các vị lại dấn sâu hơn vào sai lầm nguy hiểm.
- Khi cần bầu chọn những người có đức, có tài vào vị trí lãnh đạo thì người ta cũng dễ dàng để mặc các vị quyết định vị trí cho mình (hoặc chỉ “bầu” một thôi, để tránh “tổn thương” cho những vị bị thất cử ?) mà không dám lên tiếng phát biểu về quan điểm riêng. Trong khi đó lại vẫn rỉ tai nhau vô số những thông tin tồi tệ về các vị đó ở bên ngoài xã hội. Họ còn xuyên tạc, đổ tại là nếu công khai phát biểu ý kiến không đồng tình ai đó thì sẽ bị trù dập.
- Không thiếu gì người lãnh đạo vừa có tài năng, đức độ, cả sức khỏe để cống hiến trọn đời, thế mà cứ máy móc căn cứ theo độ tuổi chung chung để bắt hết thảy các vị ai cũng như ai phải về hưu khi “đến tuổi” theo kiểu “cá mè một lứa”. Đó thực chất là hậu quả của cái lề thói cũ trong những người cấp dưới thừa hành khi đề ra chính sách, đổ tại là vì nể nang, ngại được lòng người này lại mếch lòng người khác, thậm chí lo các lãnh đạo sinh lục đục đấu đá nhau vì không được “cùng nghỉ”.
- Cái sự khúm núm, cung cúc với “quan trên” chẳng khác nào với chánh tổng, lý trưởng ngày xưa đã lan đến tận hang cùng ngõ hẻm, tới độ là nếu không may có vị quan to nào trót dại ăn cướp của dân, bị đi “bóc lịch” thì thường vẫn cứ được gọi bằng “ông”, được nghe những lời kể tội rất nhẹ nhàng bóng bẩy, trong khi một tay dân đen mới bị nghi ăn cắp là trở thành “thằng”, “hắn”, “y” ngay tức thì.
Rõ là thái độ sợ sệt, luồn cúi, xu nịnh, tâng bốc lãnh đạo đều từ bên “dưới”, tức là từ dân chúng và cán bộ cấp dưới. Có điều, ở đây nó cũng có cái quy luật “cung-cầu”. Không có “cầu” thì làm sao có “cung”, nhất là “cầu” này lại thuộc về một dạng “khách hàng đặc biệt”, tức là có quyền lực, không dám nói là như Thượng đế thì cũng gọi là có “quyền sinh quyền sát”. Lại rất dễ nảy sinh cái tình trạng khi “cầu” mạnh quá mà “cung” không kịp, không đủ thì ắt là to chuyện rồi. Còn “cầu” mà không có thì thử hỏi “cung” biết giành cho ai ? Nói rõ ra là nếu chẳng có vị lãnh đạo nào ưa trò nịnh bợ, thì dẫu ai đó có thói xun xoe cũng sẽ tự thấy xấu hổ, vô ích mà rút lui thôi.
Vậy nên, thiết nghĩ cái hủ tục phong kiến kiểu “kính thưa” đó có thể khả dĩ mà lượng thứ nếu bắt nguồn từ người dân, cán bộ cấp dưới, chứ không thể chấp nhận có ở các cấp lãnh đạo. Không thể có những hiện tượng ví như: đọc thiếu một chức vụ của các vị trong một buổi lễ, không đưa tin các vị đi thăm chỗ nọ chỗ kia, ảnh các vị đăng trên báo có hơi nhỏ, thiếu một câu “kính thưa” với quý vị trong diễn văn, đọc danh sách đại biểu không đúng cái trật tự bất thành văn là chức vụ từ to xuống nhỏ… mà lại làm các vị bực bội, cho là mình bị coi thường, bị chơi xỏ, rồi kiếm cớ gây chuyện trù úm sau này.
Phải gạt bỏ ngay những hủ tục kiểu làng xã vừa nêu, đặc biệt ở những cán bộ cấp cao, để trước tiên tránh mọi nghi kỵ làm xấu, hạ thấp đi hình ảnh các cấp lãnh đạo của chúng ta, nhất là khi các vị đang bước ra thế giới sánh vai cùng lãnh đạo các quốc gia văn minh tiên tiến.

(Tạp chí Nhà Quản lý – số 53 – tháng 11/2007)
Nguồn: Anh Ba Sàm

VIỆT NAM YÊU DẤU