Ai cũng có quyền tự do quan niệm và tự do phát biểu quan điểm; quyền này bao gồm quyền không bị ai can thiệp vì những quan niệm của mình, và quyền tìm kiếm, tiếp nhận cùng phổ biến tin tức và ý kiến bằng mọi phương tiện truyền thông không kể biên giới quốc gia. - Điều 19, Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền

15/10/11

CON ÐI THI HỌC SINH GIỎI SỬ

Biết được bài báo này là đọc trang điểm tin của anh Ba Sàm. Xin cảm ơn anh và BBT! - Hồ Như Hiển
---------------
(NCTG) “Trong lúc các bạn cười nhạt khi nói con thi Sử còn các bạn thi Toán, Văn, Lý, Hóa thì con ngạo nghễ nhếch mép cười chúng nó, vì con biết chúng nó chỉ biết CNXH ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ vì các “thế lực thù địch” gây ra”.

Năm nay, khi mới bước vào học kỳ 1 được hơn nửa tháng thì cô giáo nói con chuẩn bị thi học sinh giỏi (HSG) Sử và là Sử với chương trình cao hơn một năm. Con có một tháng để học thi.

Khi mình báo con được chọn để thi HSG Sử, mình đã nhận được nhiều cái bĩu môi, nguýt dài của bạn bè và của những người thân.

Có người còn hỏi rất mỉa mai: “Sử cũng có thi học sinh giỏi sao?” rồi cười phá lên khi không kìm được và vội vỗ về khi thấy mặt mình thộn ra: “Tớ xin lỗi, vì tớ chưa nghe thấy thi HSG Sử bao giờ”. Sau đó, người bạn ấy cười chảy cả nước mắt ngay trước mặt mình.

Thế là trong khi các bạn mình í ới điện thoại cho nhau khoe con đi thi HSG Toán, Văn, Lý, Hóa thì mình im lặng, không nói gì, coi như con mình không thi HSG môn gì cả. Cũng có bạn biết, điện thoại cho mình an ủi: “Thôi, kệ nó bạn ạ, cứ cho nó thi, coi như cọ xát, còn hơn những đứa chả được thi HSG môn nào”… Ðến thế là cùng!

Viết đến đây tự dưng nước mắt mình cứ trào ra… thấy thương con vô cùng.

Một tháng qua, con đã học thực sự từ âm vô cùng đến dương vô cùng, từ sáng tinh mơ cho đến tối mịt, từ lúc trèo lên xe bố đi tới lớp vào mỗi sáng sớm cho đến khi đi bộ từ bến xe buýt về nhà khi chiều tối, trên tay con lúc nào cũng là cả một tập giấy do con đọc rất nhiều sách rồi ngồi kỳ cạch tóm lược các vấn đề của từng đề tài rồi in ra.

Khi con ngủ rồi, mình luôn phải chui vào giường để nhặt những quyển Sử và những tập giấy bày khắp giường ra khỏi người con, sợ đêm con ngủ lăn lộn nhàu hết chúng.

Chỉ có từng ấy ngày nhưng con đã phải học cả một quá trình rất dài: toàn bộ kiến thức Sử của chương trình năm nay và cả những bài đầu tiên chương trình năm sau. Và tất cả những kiến thức ấy, con đã phải tự học rất nhiều!

Con sẽ phải đi từ khi Pháp nổ tiếng súng đầu tiên ở Đà Nẵng vào năm 1858, qua bao nhiêu sự kiện, bao nhiêu cuộc khởi nghĩa cho đến hết năm 1918, khi Chiến tranh Thế giới thứ Nhất kết thúc.

Con lại phải song hành cùng những phong trào cứu nước theo khuynh hướng dân chủ tư sản như của Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh… là các sự kiện, các cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc xảy ra trên khắp thế giới từ sau Thế chiến thứ Hai… cho đến tận bây giờ.

Đặc biệt, con phải học khá nhiều về lịch sử Trung Quốc. Đó là điều vào lúc này con không thích lắm. Lúc nào thấy con quàng lá cờ Tổ quốc trên vai, mình biết lúc đó con đang học Sử Trung Quốc.

Thời đại thông tin bùng nổ, con được tiếp cận với các nguồn thông tin đa dạng, con có những chính kiến riêng của con, con có cách nhìn riêng của con đối với mỗi sự kiện xảy ra trong quá khứ, thế nên khi buộc phải học theo một sự sắp đặt, buộc phải theo nhãn quan “con đường cách mạng là con đường duy nhất”, và cho đến tận lúc này vẫn bắt con học “chế độ TBCN là thối nát” thì quả là khó khăn đối với con.

Con luôn phải lưỡng lự và lựa chọn cách trả lời vì có rất nhiều câu hỏi nếu trả lời đúng sẽ… bị đi tù (đấy là có chú dọa con thế), còn trả lời để được điểm thì nó sai với những gì con nhận thức.

Con phải tìm ra nguyên nhân sâu xa của sự tan rã CNXH ở Liên Xô và Đông Âu và từ đó rút ra bài học kinh nghiệm cho Việt Nam nhưng con không được trả lời theo chính kiến và nhận thức của con, con buộc phải học rằng nguyên nhân sự tan rã đó là do “các thế lực thù địch” gây ra.

Có lúc mệt mỏi con kêu lên, có khi phải cho bọn Toán, Lý, Hóa đi thi HSG Sử hết, để chúng nó hiểu thế nào là học Sử, để chúng nó đừng bao giờ coi thường môn Sử. Sử không chỉ là Sử mà còn là Kinh tế, là Địa lý, đặc biệt là Chính trị.

Con còn bảo, thi Sử, “lập trường tư tưởng” luôn luôn phải vững vàng, nghĩa là phải luôn luôn đi theo con đường CNXH đã đề ra, đã vạch ra, cấm đi chệch. Toán, Lý, Hóa sai thì không được điểm, Sử mà sai ba-rem thì bị đi tù. Nhưng mình nghĩ, đấy là dọa thôi, chứ đời nào lại thế, nhỉ?

Ngày hôm kia, khi vừa về đến nhà con lăn luôn lên giường và ngủ li bì không ăn uống gì, mẹ lay gọi kiểu gì cũng không được, đành để vậy cho con ngủ. Sáng hôm sau tỉnh dậy con lại đi học luôn, đến trưa về con kêu: “Con kiệt sức rồi mẹ ạ. Thời gian thi thì sắp đến mà các phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới thì vẫn nổ ra liên miên.

Chưa kể các cuộc khởi nghĩa trong nước làm tiền đề cho phong trào cứu nước theo khuynh hướng của Hồ Chí Minh, con vẫn chưa phân tích hết. Hôm nay con phải học về nội chiến ở Trung Quốc và công cuộc đổi mới đất nước của Trung Quốc, rồi đường lối gì gì của Đảng Cộng sản Trung Quốc được nêu lên trong Đại hội Đảng XYZ.

Rồi con còn phải học về những chính sách chống cách mạng thế giới, đàn áp dân tộc của Mỹ nữa, mệt quá”. Nói rồi con lại lăn ra ghế ngủ, bỏ buổi học Sử chiều.

Con yêu của mẹ, con sắp bước vào kỳ thi HSG, dù nó “chỉ” là môn Sử và con được giải hay không được giải thì mẹ vẫn luôn hãnh diện vì con.

Trong lúc các bạn con sợ học Sử, ghét và ngán học Sử thì con vẫn lao đầu vào học miệt mài.

Trong lúc mọi người chỉ coi trọng các môn Toán, Văn, Lý, Hóa và coi thường môn Sử thì con đã không vì thế mà ghét bỏ nó.

Trong lúc các bạn cười nhạt khi nói con thi Sử còn các bạn thi Toán, Văn, Lý, Hóa thì con ngạo nghễ nhếch mép cười chúng nó, vì con biết chúng nó chỉ biết CNXH ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ vì các “thế lực thù địch” gây ra.

Thời gian một tháng qua con đã đọc rất nhiều sách, con tiếp cận với nhiều nguồn thông tin đa dạng để hiểu thêm về những thứ con đang học và con đã phân biệt được đâu đúng đâu sai - vậy là con hạnh phúc và may mắn hơn các bạn con rất nhiều rồi…

Mẹ vui và tự hào về con, con của mẹ ạ!
Một người mẹ
Nguồn: Nhịp cầu thế giới

VIỆT NAM YÊU DẤU