- "Với họ, con người tự do và trách nhiệm công dân là đích đến của giáo dục" - Còn đích đến nền giáo dục của mình là con người công cụ ? - Hồ Như Hiển
----------
Nguồn: Blog Giáp Văn Dương
(Bản nguyên bài trả lời phóng viên Lê Ngọc Sơn, báo sinh viên Việt Nam. Tòa soạn đã biên tập lại và xuất bản dưới tên: Hãy bồi đắp cho tâm hồn phì nhiêu, số ra ngày 6/8/2012).
Giáp Văn Dương
Ở Việt Nam, nay người trẻ không chỉ đối diện với khủng hoảng kinh tế, mà còn đối mặt với một cuộc khủng hoảng các giá trị, khủng hoảng niềm tin, văn hoá... Anh có cùng nhận định không? Và nếu có, thì cảm nhận của anh thế nào?
Đúng là đang có một cuộc khủng hoảng giá trị, không phải chỉ ở những người trẻ, mà ở cả những người già, tức là ở qui mô toàn xã hội. Cảm nhận chủ quan là ai cũng cảm thấy bất an như đang ở trong trạng thái sắp chuyển pha. Nhưng tương lai sẽ ra sao thì lại không đoán định được chính xác. Cho đến nay, vẫn không có nghiên cứu, hoặc dự báo khả tín nào về vấn đề này cả.
Ở bên ngoài, thế giới đang thay đổi mạnh mẽ. Đời sống của người dân trong nước cũng vậy, thay đổi hoàn toàn so với trước. Nhưng các giá trị cũ vẫn tồn tại bằng cách này hay cách khác, có thể chỉ là thói quen, nhưng nhiều khi lại ép buộc bằng luật pháp. Tuy là cũ, nhưng về mặt hình thức, chúng vẫn được coi là chính danh, là dòng chủ lưu trong đời sống tinh thần của người dân, nên tất yếu xảy ra một sự va chạm giữa những giá trị cũ và giá trị mới đang được hình thành. Sự va chạm này ngày càng mạnh bởi sự gia tốc của của công nghệ, truyền thông, du lịch…
Trong bối cảnh đó, chống chếnh và khủng hoảng niềm tin là điều tất yếu. Nhưng điều này không hẳn đã xấu. Người ta chỉ có thể mất những cái cũ, tức những cái đã có. Với các giá trị tinh thần, thì đó là một sự thải loại lành mạnh và cần thiết. Do đó, sự chống chếnh, mất niềm tin là triệu chứng cho thấy cái cũ đã không còn phù hợp. Xã hội đang co bóp, đang vận động để thải loại những giá trị lạc cũ. Đó là dấu hiệu của một sự chuyển đổi, là tâm thức sẵn sàng chào đón cái mới sắp hình thành. Đó cũng là tâm thức nhìn về phía trước, dù tương lai có thể có nhiều bất trắc. Nhưng như vậy còn hơn là mãi ngoái lại phía sau. Vì nếu cứ ngoái lại không giật lùi cũng giậm chân tại chỗ, không có cơ hội nào để tiến bộ được.
Vì thế, không nên e sợ chuyện mất niềm tin, mà nên sợ chuyện lúc nào cũng coi mình là nhất quả đất, bình chân như vại.
Khủng hoảng với thế hệ anh, và cách mà cá nhân anh vượt qua?
Phần lớn những người thế hệ của tôi, cũng như phần lớn xã hội, vẫn chưa thoát khỏi vòng xoáy của cơm áo gạo tiền. Vì thế, nếu phải tách biệt thành khủng hoảng thế hệ e rằng hơi khiên cưỡng. Đây là cuộc khủng hoảng chung của toàn xã hội. Sẽ rất chủ quan nếu đánh giá cho cả một thế hệ. Thực tế, đến nay vẫn chưa có nghiên cứu nào về chủ đề này, nên mọi nhận định chỉ là suy diễn hoặc trải nghiệm cá nhân.
Tuy nhiên, nếu bắt buộc phải gọi tên một khủng hoảng thế hệ, thì có lẽ đó là việc phần lớn người trẻ đã để mặc đời sống vật chất cuốn đi mà không nhận ra đang có khủng hoảng về các giá trị tinh thần. Nói một cách khó nhọc và tù mù kiểu truyền thống thì đó là cuộc khủng hoảng không có khủng hoảng. Tức là anh bình chân như vại, vô cảm với các giá trị tinh thần.
Còn tôi có gặp khủng hoảng không, và vượt qua bằng cách nào ư? Tôi chuyển đổi môi trường sống khá nhiều, từ nông thôn ra thành phố, rồi lại ra nước ngoài nữa. Dĩ nhiên là va chạm với nhiều nền văn hóa và nhiều thang giá trị khác nhau. Ban đầu cũng có khủng hoảng giá trị vì quán tính của những thói quen cũ. Nhưng sau đó thì nhìn lại mình, rồi vượt qua dần dần.
Cách tôi vượt qua cũng rất đơn giản. Đó là trả lời các câu hỏi tại sao: Tại sao họ như vậy, còn mình lại như vậy? Tại sao họ phát triển mà mình không phát triển? Tại sao họ làm được mà mình không làm được…
Cũng nhờ việc đó mà tôi nhận thấy rằng, lịch sử phát triển khắp nơi đã hun đúc nên những giá trị phổ quát. Và chừng nào còn lảng tránh những giá trị này, thì chừng ấy còn bị tụt hậu, không thể vươn lên bằng người được.
Anh đã trải nghiệm nhiều môi trường giáo dục khác nhau, vậy anh có thể cho biết, triết lý giáo dục ở các nơi đó như thế nào? Dưới góc nhìn của anh, ở những nước tiền tiến họ làm gì trong giáo dục?
Họ dạy người trẻ về giá trị của mình như một con người và như một công dân. Như một con người theo nghĩa đó là con người tự do, còn như một công dân là ý thức chịu trách nhiệm với tự do mà mình có. Với họ, con người tự do và trách nhiệm công dân là đích đến của giáo dục.
Theo anh, thái độ nào là hợp lý khi người ta đối diện với khủng hoảng?
Bình tĩnh và cởi mở là cách tốt nhất để đối diện khủng hoảng.
Thực ra, khủng hoảng cũng là cơ hội để nhìn lại mình, tổ chức lại mình. Trogn khủng hoảng, chi phí chuyển đổi là thấp nhất. Nếu biết tận dụng khủng hoảng để đánh giá và tổ chức lại mình thì đó chính là cơ hội vươn lên được tầm cao mới sau đó.
Việc này tuy dễ mà khó, vì nó chỉ có thể làm được khi ý thức được mình có tự do, tức mình vẫn có lựa chọn trong mọi tình huống. Chỉ khi đó người ta mới có thể tự tin vượt qua khủng hoảng, và vượt qua một cách thành công.
Trong thời điểm này, làm thế nào để giúp người trẻ sinh tồn, theo anh?
Những người đọc được câu hỏi này, trên báo giấy hay trên mạng, chắc chắc không có ai khó khăn đến mức chết đói. Do đó, chắc chắn họ vẫn sẽ tồn tại về mặt sinh học, nhưng tinh thần thì chưa chắc. Khi anh không ý thức được mình là một con người tự do, với những quyền bất khả tước đoạt, thì anh đã tự hủy một phần lớn đời sống của mình. Cũng như vậy, khi anh không ý thức được mình là một công dân, thì anh cũng đã tự loại mình ra khỏi xã hội.
Không ai có thể giúp được người trẻ sinh tồn ngoài chính người trẻ. Nếu người ta không tự ý thức được mình là một người tự do và một công dân trách nhiệm, thì đến thần thánh cũng không giúp được. Đời sống của họ có thể phì nhiêu về mặt sinh học, nhưng đời sống tinh thần như sa mạc. Mà như thế là đã tự hủy hoại mình rồi.
Vậy theo anh, làm thế nào để bảo tồn phẩm hạnh trong thời buổi khủng hoảng này?
Đầu tiên là phải có đã, rồi mới giữ. Rất may là với phẩm hạnh, Không với Có lại rất gần nhau. Không làm điều xấu, điều ác cũng có nghĩa là có phẩm hạnh. Vậy để giữ phẩm hạnh, đầu tiên phải biết nói “không”.
Nhưng như vậy cũng chưa đủ. Sống là hành động.Vậy ngoài chuyện biết nói không, còn cần hành động nữa. Vấn đề là hành động thế nào?
Chuyện này quả thật cũng không dễ, khi phải xét xem trong muôn vàn hành động trong đời, đâu là hành động quan trọng nhất. Muốn vậy, phải lần tìm xem đâu là hành động ở cấp độ cơ bản nhất.
Để nói dài, nói đủ thì đó là chuyện của triết học. Còn ngắn gọn, thì đó là lựa chọn. Trên thực tế, có thể phân tích hầu hết mọi hoạt động của con người và máy móc thành chuỗi các lựa chọn liên tiếp. Vì thế, có thể coi lựa chọn chính là cấp độ cơ bản nhất của hành động.
Với con người, nếu xét trong mỗi quan hệ giữa hai thế giới bên trong và bên ngoài của mỗi cá nhân, thì lựa chọn nằm ở biên của hai thế giới này. Nhờ lựa chọn mà đời sống bên trong mỗi cá nhân được thể hiện ra bên ngoài. Lựa chọn vì thế là cầu nối và bản lề của hai thế giới.
Do đó, để bảo toàn được phẩm giá, cần bắt đầu bằng lựa chọn đúng. Cụ thể hơn là cần lựa chọn một bộ giá trị đúng để định chuẩn cho đời sống của mình. An toàn nhất, theo nghĩa khả năng phạm sai lầm thấp nhất, là dùng những bộ giá trị phổ quát đã được kiểm chứng sâu rộng theo cả hai chiều thời gian và địa lý làm chuẩn mực cho đời sống của mình.
Đọc Rừng Nauy của nhà văn Haruki Murakami, ta thấy một cảnh bức bí của một thế hệ người Nhật những năm 1960s. Anh có cảm nhận gì từ cái bức bí trong “Rừng Nauy” đến bức bí ở phố thị Việt Nam ngày nay?
Nhật Bản những năm 1960s trải qua những biến động rất lớn về xã hội. Phần vì hậu quả nặng nề của cuộc chiến, phần vì sự thay đổi chóng mặt của công cuộc tái thiết và phát triển sau chiến tranh. Việc nhìn lại mình sau cuộc chiến, sau những được mất đau thương cũng làm cho người ta dằn vặt trăn trở, nhiều khi có cảm giác ngộp thở không lối thoát.
Trong bối cảnh đó, thang giá trị của xã hội tất nhiên chưa định hình rõ ràng, mà đen xen nhau giữa các vùng tối sáng. Định hình được một bản sắc cho cá nhân và rộng hơn là cho cả xã hội, là rất khó khăn. Đó là nguyên nhân của những hoang hoải, bí bách của thế hệ người Nhật những năm 1960s.
Đời sống phố thị ở Việt Nam hiện nay cũng có một số nét tương đồng, nhưng ở cấp độ vừa thấp lại vừa cao hơn. Thấp hơn là bởi vì sự kiến tạo không diễn ra cấp tập như xã hội Nhật những năm 1960s. Nhưng cao hơn là vì những năm 1960s thì phương tiện truyền thông chính là ti vi, còn ngày nay là mạng máy tính toàn cầu, nên thông tin đến với người trẻ một cách ồ ạt. Với thông tin đang có cuộc khủng hoảng thừa. Thừa thông tin và không biết làm gì với nó.
Nhưng điểm chung của thế hệ người Nhật những năm 1960s và người trẻ phố thị Việt Nam hiện nay là các thang giá trị cũ và mới còn chưa phân định rõ ràng. Cái mới còn chưa được định hình, trong khi cái cũ vẫn ngự trị dù lạc hậu. Điều này tất yếu dẫn đến cảm giác bất an, chới với, cô đơn.
Cộng hưởng với nó là những biến động cấp tập của đời sống xã hội, sự ích kỷ ngày càng lớn của cá nhân, cũng như sự giả dối ngày càng lan tràn như dịch bệnh, dường như đã làm các thế hệ trẻ không còn tin vào những “câu chuyện lớn” - những lý tưởng cao xa - mà tìm ý nghĩa trong những “câu chuyện nhỏ” - những mảnh vụn của đời sống thường ngày. Điều này tạo ra một cảm giác quẩn quanh bí bách, một sự mờ lòa ý nghĩa đời sống, nhiều khi đến mức nhạt thếch, trống rỗng.
Nhưng như đã nói ở trên, đó cũng không hẳn là điều xấu. Đó là dấu hiệu của một sự thay đổi sắp diễn ra. Chừng nào con người ta còn dằn vặt, trăn trở, còn hoang mang, mất phương hướng, còn cảm thấy đời sống bí bách vô nghĩa thì chừng đó còn có hy vọng. Chỉ sợ người ta không còn gì ngoài sự vô cảm ù lì. Khi đó mới thực sự đáng sợ.
Theo anh, giáo dục VN có vai trò gì trong việc giúp người trẻ định vị mình trước sóng gió khủng hoảng?
Rất tiếc là không có vai trò gì cả, vì bản thân giáo dục cũng đang gặp khủng hoảng mà không thể tự thoát ra được. Khủng hoảng trong giáo dục đã trở thành đề tài nóng suốt mấy chục năm qua. Nhiều nhà giáo dục uy tín đã nhiều lần lên tiếng đề nghị chấn hưng giáo dục, nhưng kết quả vẫn không được khả quan cho lắm. Như vậy, bản thân ngành giáo dục còn không cứu được mình ra khỏi khủng hoảng thì nói chi đến chuyện cứu người trẻ. Ở thời điểm này, nếu giáo dục không tạo thêm khủng hoảng cho người trẻ thì cũng đã là tốt lắm rồi.
Vậy nên, trong lúc chờ đợi giáo dục thay đổi, sẽ tốt hơn nếu mỗi người trẻ tự cứu mình. Nếu có thể, hãy coi khủng hoảng như một cơ hội để nhìn lại mình, loại bỏ cái cũ và định hình cái mới nếu cần thiết.
Khủng hoảng không đáng sợ nếu biết cách đối diện. Còn tự đánh lừa rằng mọi chuyện vẫn tốt, không hề có khủng hoảng thị lại nguy hiểm hơn nhiều.
-------
- Những chữ màu đỏ là tớ nhấn mạnh - Hồ Như Hiển.