(Nguyễn Hiến Lê dịch)
Loài người mới thực sự bắt đầu văn minh từ khi biết đi hai chân; và hai tay nhờ vậy được rảnh rang để cầm vật nọ vật kia lên mà ngắm nghía, nhận xét. Một phần lớn nhờ tính tò mò đó mà loài người hoá ra tôn nghiêm. Truy cầu tri thức, bất quá chỉ là một trò chơi; các nhà khoa học, các nhà phát minh đều là tìm tòi để chơi, chứ không phải vì lợi. Các y sĩ tài năng thường thích nghiên cứu vi trùng hơn là tìm hiểu bệnh nhân; các nhà thiên văn rán ghi những vận chuyển của một ngôi sao cách ta cả trăm triệu cây số, mà ngôi sao đó có ảnh hưởng trực tiếp gì đến nhân sinh đâu? Hầu hết các động vật - nhất là khi còn nhỏ - đều có bản năng du hí; nhưng chỉ ở loài người tánh tò mò không vị lợi mới phát triển đến mức tuyệt cao.
Chính vì lẽ đó mà tôi oán ghét các nhân viên kiểm tra, các cơ quan, các chính thể tìm cách kiểm tra tư tưởng con người.
Nếu tư tưởng tự do là hoạt động cao quí nhất của trí tuệ thì áp chế tư tưởng là hành động bỉ lậu nhất. Euripide định nghĩa nô lệ là người mất tự do tư tưởng hoặc mất tự do phát biểu ý kiến.
Chính thể chuyên chế nào cũng là xưởng chế tạo nô lệ. Ở thế kỉ hai mươi này, ở phương Đông, phương Tây, ở ngay những xứ sở văn minh, nhan nhản những hạng nô lệ đó. Cho nên tôi cho rằng chính thể độc tài nào cũng là thoái hoá về phương diện tinh thần [...]. Nhiều chính trị gia thiển cận hoặc nhiều giáo sĩ có thể nghĩ rằng tin tưởng hoặc tư tưởng có nhất trí thì xã hội mới có trật tự, mới được hoà bình, nhưng xét lịch sử thì hậu quả của chính sách đó luôn luôn bi thảm, làm mất giá trị con người. Các nhà chuyên chế đó khinh thị nhân dân, ngây thơ tin rằng có thể qui định tâm trí con người được và hễ cơ quan tuyên truyền bảo phải thích hoặc ghét cuốn sách nào, khúc nhạc nào, phim hát bóng nào thì nhân dân sẽ thích hoặc ghét những sách đó, khúc nhạc đó, phim đó. Chính phủ chuyên chế nào cũng tìm cách trộn lộn văn chương với tuyên truyền, nghệ thuật và chính trị, tôn giáo với sự tôn sùng kẻ thống trị.
Như vậy vô lí, mà nếu những kẻ kiểm tra tư tưởng đó đi quá trớn thì là họ tự tạo ra khí giới để tự diệt họ. Mạnh Tử nói: "Vua mà coi bề tôi như cỏ rác thì bề tôi coi vua như khấu thù" (Quân chi thị thần như thổ giới, tắc thần thị quân như khấu thù). Trên thế giới không có quân đạo tặc nào tàn bạo bằng kẻ đoạt mất tự do tư tưởng của ta. Mất tự do đó thì ta có khác chi loài thú. Cho nên theo Mạnh Tử, vua càng khinh bề tôi, càng cướp bóc của họ bao nhiêu thì bề tôi càng oán vua bấy nhiêu. Mà không có gì quí báu, riêng tư chí thiết bằng những tín ngưỡng về tri thức, luân lí hoặc tôn giáo cho nên ta không thù kẻ nào bằng kẻ cướp của ta cái quyền tư tưởng, tín ngưỡng. Hạng chuyên chế về tinh thần luôn luôn là thoái hoá; cho nên có những xuẩn động, đó là điều tự nhiên; nhưng lương tâm của nhân loại sẽ chống cự lại, đả kích chế độ chuyên chế mà cái tự do của lương tâm không thể nào bị chinh phục cả.
(Theo: Sống đẹp - Lâm Ngữ Đường - Nguyễn Hiến Lê dịch - NXB Văn hoá thông tin 2007)