Ai cũng có quyền tự do quan niệm và tự do phát biểu quan điểm; quyền này bao gồm quyền không bị ai can thiệp vì những quan niệm của mình, và quyền tìm kiếm, tiếp nhận cùng phổ biến tin tức và ý kiến bằng mọi phương tiện truyền thông không kể biên giới quốc gia. - Điều 19, Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền

2/12/12

MỔ XẺ VIỆC GIÁO DỤC NHÂN CÁCH TRONG HỌC ĐƯỜNG

Bao giờ cho đến ngày xưa - Hồ Như Hiển
----------------------------
 Nguồn: Pháp Luật TpHCM
Trong tập truyện dài Mùa hè năm Petrus của nhà văn Lê Văn Nghĩa vừa phát hành, những câu chuyện từ ngôi trường Petrus Ký những năm 1960 được tái hiện khá sinh động.

Qua đó, bạn đọc hình dung ra một môi trường giáo dục một thời là mơ ước và niềm tự hào của bao học sinh. Pháp Luật TP.HCM đã có cuộc trao đổi với nhà văn Phan Nhật Chiêu, cựu học sinh Petrus Ký, về môi trường giáo dục trong bối cảnh mà cuốn sách nêu.
. Phóng viên: Thưa ông, đọc trong tác phẩm Mùa hè năm Petrus chúng tôi nhận thấy học sinh được học trong môi trường của Petrus Ký dường như có suy nghĩ khá độc lập?
+ Nhà văn Phan Nhật Chiêu: Đúng là môi trường học ngày xưa rất dân chủ, học sinh rất tự giác học, hành. Ai nhìn vào cũng có thể thấy là trường ra trường, lớp ra lớp, trò ra trò và thầy ra thầy. Petrus Ký và các trường học khi đó theo mô hình giáo dục của phương Tây mà cụ thể là Pháp chứ không phải mô hình Nho giáo cũ. Ảnh hưởng Nho giáo rất ít. Và những nề nếp trong nhà trường là nề nếp của một trường học tiên tiến chứ không phải nề nếp phong kiến.

Thầy không đưa ra chân lý
. Vậy tinh thần tôn sư trọng đạo trong Nho học có được áp dụng trong ngôi trường Tây học này?
+ Tinh thần tôn sư trọng đạo được hiểu theo nghĩa tôn trọng nhau chứ không phải giữ theo tôn ti trật tự để bắt ép nhau. Không có chuyện bắt học thêm lấy tiền, không phân biệt trò này có học thêm với mình hay không...
Trò tôn kính thầy nhưng vẫn có thể tranh luận với thầy. Đặc biệt trong những môn xã hội như văn, triết... Thực chất triết học chúng tôi được học bao gồm các ngành khác nhau nhưng đều thể hiện rõ tính phản biện. Đó là các bộ môn: siêu hình học, luận lý học, tâm lý học và đạo đức học.
Học sinh trường Lê Hồng Phong, TP.HCM trong ngày khai giảng năm học mới. Ảnh: HTD
Với triết học chúng tôi được biết ý kiến của người đi sau thường phản bác ý kiến người đi trước, ý kiến triết gia này rất khác với triết gia kia. Và do đó tinh thần học tập nói chung là suy nghĩ hay nói đúng ra là học tập phương pháp tư duy nhiều hơn là học tập một chân lý. Ông thầy không đưa ra đâu là chân lý mà chỉ đưa ra những quan niệm. Ví dụ khi nói về đam mê thầy sẽ dẫn chứng có những tư tưởng triết lý khác nhau về đam mê như thế nào, sau đó thầy yêu cầu học trò cho biết quan niệm của trò về các dẫn chứng đó.
. Với việc học gợi mở như vậy thì thầy giáo sẽ dựa vào đâu để đánh giá học sinh, thưa ông?
+ Ngày xưa thầy giáo chấm bài dựa trên lập luận, có hợp luận lý (logic) không, có được triển khai đầy đủ không... chứ không yêu cầu người học phải trả bài kiểu con vẹt.
Còn với hiện tại, việc học bây giờ không khuyến khích tư duy, phản biện mà rập khuôn nên bài học không sinh động. Ví như học sinh làm bài luận khác với ý kiến của thầy cô, sách giáo khoa thì sẽ có hậu quả ngay.
Như những năm tôi chấm thi ĐH môn văn, thang điểm được đưa ra cụ thể thành 20 cột, mỗi cột tương ứng với mỗi ý và mỗi cột chiếm 0,25 điểm. Nếu bài luận có ý đó thì có điểm, không có thì mất điểm.
. Với môn học bắt buộc phải ghi nhớ như lịch sử thì học trò có phải học thuộc lòng không?
+ Môn lịch sử cũng không khuyến khích học thuộc lòng. Một trong những bài làm văn ngày xưa, luận văn xưa thiên về bình, có nghĩa là người làm có thể đưa ra ý kiến riêng, không cần lặp lại ý kiến của thầy cô.
Hồi xưa chúng tôi được học rất kỹ sử cổ đại và trung đại bởi đây là môn học cần có khoảng lùi về thời gian. Bên cạnh việc học, các trường luôn có những hoạt động như lễ kỷ niệm Hai Bà Trưng bên Trường Trưng Vương sẽ diễn lại những hoạt cảnh lịch sử. Với những hoạt động thiết thực như vậy nên học sinh ấn tượng về lịch sử tổ tiên.
Học những trang văn về văn phong cảnh, quê hương, những trang văn tiêu chuẩn nghệ thuật cao... Tức những bài học về con người mà ai cũng có thể đồng cảm, nổi bật trong đó là tình người - “thương người như thể thương thân”...
Đối xử với học sinh giàu nghèo như nhau
. Vậy có sự phân biệt đối xử với học sinh giàu, nghèo trong môi trường học xưa hay không, thưa ông?
+ Như tôi là mồ côi cha, suốt thời đi học tôi không phải đóng bất cứ khoản tiền nào, ngay cả tiền niên liễm (tiền trường đóng đầu năm học - PV) tượng trưng ít ỏi mà tôi cũng không phải đóng vì trường xét thấy tôi không có khả năng đáp ứng. Dĩ nhiên việc ghi nhớ tôi côi cút không phải để ưu tiên theo kiểu cộng điểm trong các kỳ thi. Và suốt thời đi học tôi chưa bao giờ thấy có một thái độ phân biệt nào trong môi trường học với tôi.
Thầy cô không bao giờ để ý học trò con quan hay con dân. Và tôi biết tất cả học sinh không hề có chuyện hối lộ thầy cô bằng bất cứ hình thức gì dù quà cáp hay tiền bạc. Bởi khi có quà cáp thì sẽ có sự phân biệt học sinh này học sinh kia.
Chẳng những thế, do tôi thích viết văn từ nhỏ mà các thầy cô và bạn bè lại tỏ ra có phần ưu ái. Học sinh với nhau cũng không đố kỵ, như tôi rất phục một anh học sinh đàn hay, hát giỏi và không đố kỵ với anh ấy vì tôi không biết đàn, hát.
. Những môn học liên quan đến kỹ năng sống, giáo dục nhân cách được dạy như thế nào, thưa ông?
+ Chúng tôi cũng được học môn giáo dục công dân. Môn đó sẽ dạy những cái cần phải cư xử với người xung quanh, với hoàn cảnh khác nhau, ngoài đường phố, trong xã hội... Và bài học không chán bởi thầy giáo thường lấy ví dụ rất cụ thể về bạn bè, thầy trò, gia đình.
Ví dụ như khi học về nguyên tắc bất hồi tố, tôi còn nhớ thầy giảng rất vui là tôi có thể nhéo tai người bạn bên cạnh mà không bị thầy xử nếu thầy chưa ra luật là bị xử phạt do nhéo tai bạn. Và thầy kết luận rõ ràng là không thể truy tội một người vì hành động họ đã làm trước khi luật pháp cấm về điều đó. Tức bài học cụ thể chứ không trừu tượng do đó tôi thấy là khá chuẩn mực và cũng vì thế học sinh có thể nhớ cả thầy dạy luật lẫn luật đó không thể quên.
Mỗi tháng hiệu trưởng đến từng lớp khen từng học sinh
. Với môi trường học tính phản biện cao thì tình thầy trò, cô trò thể hiện ra sao, thưa ông?
+ Do năng khiếu của mình tôi thường nhớ những giờ văn. Tôi nhớ nhất là cô giáo Ngọc Dung dạy văn. Chỉ vì tôi có những câu trả lời rất khác với sách giáo khoa và cô lấy làm thú vị nên cô tặng tôi quyển Văn học Việt Nam của Dương Quảng Hàm với bản in rất đẹp mà tôi vẫn còn giữ nhiều năm sau. Tức có ý kiến mới trong bài học sẽ rất được tưởng thưởng.
Hay mỗi tháng trường có những tưởng lệ chứng (như giấy khen) và hiệu trưởng xuống từng lớp để thưởng cho từng học sinh dù học sinh được điểm cao trong tháng về một môn học nào đó thôi. Tôi thường được tưởng lệ chứng về môn văn.
Tưởng lệ chứng cũng là cách khích lệ năng khiếu từng học sinh một. Là một ông hiệu trưởng vốn rất khó khăn để có thể gặp mặt mà quan tâm đến năng khiếu từng học trò. Những điều tưởng chừng nhỏ như thế mới quan trọng, mới làm học sinh cảm động và góp phần hình thành nhân cách học sinh. Nói gì đến chuyện hiệu trưởng thời nay, ngay cả giáo viên còn chưa được quan tâm chứ đừng nói đến việc để ý từng học sinh.
. Như ông kể vậy thì dường như việc hình thành nhân cách từ tính trung thực, không đố kỵ... đến từ tất cả môn học lẫn hành xử trong môi trường học chứ không phải từ một môn học cụ thể nào?
+ Trong nhiều trường học hiện tại thường dùng cụm từ “ý thức kém”. Cụm từ này rất nguy hiểm và theo tôi không nên dùng bởi làm sao anh đọc được ý thức người khác mà đánh giá kém hay không. Môi trường học ngày xưa chỉ quan tâm đến hành động cụ thể và đánh giá dựa vào hành động có tính vi phạm nội quy cụ thể chứ không đánh giá ý thức là gì.
Ngoại trừ một số học sinh vi phạm nặng nội quy nhà trường về gian lận thi cử, hỗn láo, hút thuốc, chửi thề... thì học sinh sẽ bị xét về hạnh kiểm. Còn những vi phạm theo kiểu đóng góp muộn, không có khả năng đóng... đều không bị xét vi phạm nặng hay cấm thi.
Hay với học hành thì thi cử là một gánh nặng nhưng bài nào học tới đâu thì thầy cô đánh giá tới đó, không có chuyện thầy cô cố gắng cho lớp mình hay trường mình tỉ lệ đỗ cao để đạt thành tích. Không có khái niệm trường này đỗ bao nhiêu phần trăm là giỏi, không có chuyện cho lên lớp để đạt thành tích.
. Ngoài kiến thức, nhân cách thì thể chất có được chú trọng?
+ Petrus Ký dạy võ thuật cho tất cả học sinh. Học sinh được chọn môn võ để học như: Nhu đạo, võ Việt Nam... Tôi chọn học võ Việt Nam và tôi còn nhớ rất rõ lời bài Việt võ ca, như câu “Việt võ sĩ như thân tùng, trong gió sương vươn chí cao quyết lòng”. Cứ đi học võ là hát Việt võ ca. Việc học võ chúng tôi được học không phải để đánh nhau mà học để luyện cho học sinh khả năng tự vệ, rèn luyện thân thể, đặc biệt là tinh thần thượng võ.
Tôi nghĩ rằng nhân cách học sinh được hình thành từ mọi môn học từ văn học đến võ lẫn môi trường học với cư xử đúng mực của thầy cô, bạn bè... Chính môi trường học như vậy mới mong học sinh hình thành nhân cách tốt.
Xin cảm ơn ông.
Môi trường đào tạo chỉ biết nhu cầu học sinh
Tôi cho rằng một người có năng khiếu thì phải có một nền giáo dục phù hợp để định hình cho năng khiếu đó. Petrus Ký là trường rất chú ý tới năng khiếu học sinh chứ không phải hướng học sinh theo ngành học nào đang là xu hướng. Ví dụ khi tôi chọn ban C thì các bạn trong lớp tôi chọn những ban khác. Và khóa đó chỉ có một mình tôi học ban C. Đáng lẽ ra chỉ có một học sinh thì nhà trường phải bãi bỏ ban ấy hoặc áp lực tôi phải chuyển ban khác; nhưng không, trường tôi vẫn tổ chức cho tôi học ban C. Không chỉ vậy, trường mời các học sinh chọn ban C của trường khác về học cùng với tôi, dù tôi là học sinh không hề giúp trường được một xu đóng góp nào. Tức khi nguyện vọng của học sinh đúng thì trường luôn sẵn sàng. Điều này cho thấy một môi trường đào tạo không vì lợi nhuận hay điều gì khác mà vì nhu cầu, nguyện vọng của học sinh.  Nhà văn
PHAN NHẬT CHIÊU
QUỲNH TRANG thực hiện

VIỆT NAM YÊU DẤU