Ai cũng có quyền tự do quan niệm và tự do phát biểu quan điểm; quyền này bao gồm quyền không bị ai can thiệp vì những quan niệm của mình, và quyền tìm kiếm, tiếp nhận cùng phổ biến tin tức và ý kiến bằng mọi phương tiện truyền thông không kể biên giới quốc gia. - Điều 19, Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền

20/12/10

Cái... Danh!

(Tamnhin.net) - “Danh” là tên (một người, một nhóm người,…);là danh hiệu hoặc chức tước của một ai đó. Trong cuộc sống con người, cái danh quan trọng lắm, bởi xưa nay, thường “danh có chính, ngôn mới thuận”.


“Tên” mỗi người đều do cha mẹ hay ông bà chú bác đặt cho. Có “tên khai sinh”, “tên thường gọi”, “bí danh”, thậm chí khi chết rồi, còn được đặt cả “tên cúng cơm” nữa (để đề phòng “cô hồn” ăn tranh!). “Tên khai sinh” và “tên thường gọi” thì ai cũng có và nhiều khi hai cái tên này là một. “Bí danh” thì chỉ các người làm chính trị thời bí mật mới có, người thường không ai đặt. Gần đây, mấy “sếp”có máu cặp bồ, muốn tránh bị vợ con phát hiện, cũng đặt bí danh cho “bồ nhí” của mình - Mấy phu nhân thấy chồng gọi điện thoại “báo cáo thủ trưởng…” hoặc “kính thưa đồng chí…”, cứ tưởng các sếp đang bàn chuyện công tác, hóa ra toàn “thủ-trưởng-bồ”, “đồng-chí-bẹo” cả!

Loài người xưa nay vốn trọng chữ DANH. Hiếm có chữ nào gắn bó với nhiều tầng lớp xã hội như chữ đó: Danh nhân, Danh sĩ, Danh gia, Danh tiết, Danh tài, Danh họa, Danh hài,... Người VÔ DANH là người có địa vị thấp hèn, bị xã hội coi thường. Đúng vậy! Nhưng nếu là CHIẾN SỸ VÔ DANH, ANH HÙNG VÔ DANH thì lại được đồng loại tôn vinh.

DANH cũng còn gắn với chữ "hiếu": "HIẾU DANH" - Hiếu danh thường là căn bệnh của muôn người mọi thời đại.

THƯƠNG HIỆU cũng là DANH - Danh của giới doanh nghiệp. Đã là doanh nghiệp chân chính đều phải chăm lo phát triển cái Danh này. Lời nhắc nhở "Buôn danh ba vạn, bán danh ba đồng" rất cần thiết đối với mọi người, nhất là giới doanh nhân.

“Danh hiệu” của giới trí thức (như “giáo sư”, “tiến sĩ”,…) thì do sự học mà có – “Học thật” là chính, nhưng “học giả” cũng không hiếm. “Học giả bằng giả” đã đáng lo, nhưng không lo bằng “Học giả mà bằng vẫn thật”! Danh hiệu của giới doanh nhân (như “Sao vàng đất Việt”, “Hàng Việt nam chất lượng cao”…), của các nghệ sĩ, các nhà giáo và thày thuốc (như “nghệ sĩ ưu tú”, “nhà giáo nhân dân”, “thấy thuốc nhân dân”…). Rồi danh hiệu thi đua (như “chiến sỹ thi đua” các cấp, như “anh hùng lao động”,…) thường là do nỗ lực phấn đấu trong công việc mà thành. Nhưng thực tế đôi khi vẫn có chuyện này: Ai đó “ngại” phấn đấu “mất thời giờ”, thì cứ bỏ tiền ra mà mua. Tiền “đồng” không đủ mua, thì kiếm “đô la” mà mua. Cái GHẾ quan chức xưa nay vốn cũng là một thứ "danh", là "con chú con bác" với "danh hiệu", cho nên nó cũng tuân theo quy luật vận động của cái "danh". Nghĩa là cái “danh” thường phải đi liền với cái “giá”, “danh” nào, “giá” ấy – thế nên người đời mới thường nói “danh giá” chứ! Không tin ư? - Thiên hạ đã “mua” đầy ra cả rồi mà ai đó còn nói “không biết”, thì chả hóa ra ngây thơ quá!

Người làm “nghề cầm bút”, cũng thường tự đặt cho mình một cái danh, gọi là “bút danh”. Đã dính đến "danh" thì BÚT cũng khó tránh khỏi những hệ lụy thường tình của kẻ... hiếu danh! Nhưng con đường thành danh của một kẻ làm văn chương cũng lắm nỗi truân chuyên. Thành danh trước hết phải do tài năng thực thụ, nhưng cũng không hoàn toàn thế, hoặc chỉ có thế. Ngay trong cái công việc văn thơ báo chí này, từ xưa các cụ nói rồi, “Viết – lách!” Viết mà không biết “lách”, thì muôn thuở cũng chả ai in. “Lách” có nhiều cách, cách cậy thân quen, cách quà cáp tiền nong; lại có cả cách dùng “vốn tự có” của tác giả nữa cơ! Mặc dù từ rất xa xưa người ta đã khuyên nhủ: “Lập thân tối hạ thị văn chương” rồi đấy! Ấy là chưa nói đến chuyện, trong giới “cầm bút” với nhau cũng thường khi đánh nhau, vả vào mồm nhau chả khác gì đám vô học! Cái nghề tối hạ mà còn thế, vậy nghề thượng đẳng sẽ ra sao?!. Câu hỏi này thì đến giờ, ai cũng tự trả lời được.

Người xưa nói: "Không thành danh cũng thành nhân. "Bây giờ già rồi ngẫm lại, “thành Danh” khó thật, nhưng “thành Người - Nhân” còn khó khăn hơn gấp vạn lần (có người giải thích:  “Chữ Nhân trong câu “Không thành danh cũng thành nhân”, không phải là ...người, mà là nhân đức ”.  Nếu như vậy, “thành nhân” càng không đơn giản chút nào!).  Khối kẻ danh tiếng cũng không phải loại vừa, vậy mà đời có coi ra gì đâu? Nói điều này khí không phải: Thời nay có khi thành “chuột”, thành “sâu mọt” lại dễ hơn thành “nhân”. Tại sao ư? Có căn cứ cả đấy: Tại phiên khai mạc "Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài lần thứ nhất", ngày 21/11/2009, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã nói “Ở Việt Nam, không muốn tham nhũng vẫn phải động lòng tham”! Một tháng sau, tại cuộc “họp giao ban quận huyện” sáng 25/12/2009, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị lại nói: "Cơ chế có những sơ hở khiến nhiều người giàu bất thường, họ có quyền lực nên người khác cứ đưa hối lộ cho dù họ không đòi" – Vậy rõ ràng với bối cảnh như thế, làm “quan thanh liêm” khó hơn làm “quan tham” là gì? Mà xưa nay, bọn quan tham vẫn được dân ta gọi là “chuột”, là “sâu mọt” đấy thôi!.

Chữ DANH ở đời – trừ cái tên bố mẹ đặt cho, ngẫm đều là những thứ “bả” làm mê hoặc loài người, hết thế hệ này sang thế hệ khác. Đến như Nguyễn Công Trứ cũng còn nói: “Đã sinh ra ở trong trời đất / Phải có danh gì với núi sông!”. Nói chung người ta đều ham hố và chết vì Danh và Lợi  (mà hai thứ này lại thường câu kết rất chặt với nhau – có danh ắt có lợi, muốn có lợi phải có danh!). Nhưng ở đời cũng công bằng lắm, có “thực danh” và có cả “hư danh”, danh “hão”! Thực danh thì được người đời trân trọng, khắc vào đá, khắc vào tâm – vì đó là “danh thơm”. Hư danh thì sớm muộn cũng về chốn hư không. Cũng cần ghi nhớ rằng, chữ danh thường gắn với chữ “phận”. Người có danh cũng không nên lấy thế mà “lên mặt”, coi thiên hạ như cái rơm cái rác. Kẻ không thành danh cũng không vì thế mà bận tâm, nản chí; cũng chớ có bắt chước anh chàng Erostrat, đã tìm sự nổi danh bằng cách đốt đền Artemis!

Xem ra, ngàn đời nay, danh nào …lợi ấy!
                                                            Trần HuyThuận
Nguồn: Tamnhin.net

VIỆT NAM YÊU DẤU