Ai cũng có quyền tự do quan niệm và tự do phát biểu quan điểm; quyền này bao gồm quyền không bị ai can thiệp vì những quan niệm của mình, và quyền tìm kiếm, tiếp nhận cùng phổ biến tin tức và ý kiến bằng mọi phương tiện truyền thông không kể biên giới quốc gia. - Điều 19, Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền

11/12/10

Phan Đắc Lữ, dồn nén nỗi nhớ quê

Thượng nguồn sông Thu Bồn
Nhà thơ Phan Đắc Lữ sinh ngày 10-7-1937 tại làng Bảo An, xã Điện Quang, huyện Điện Bàn. Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ, anh được cử ra miền Bắc học tập rồi công tác 50 năm sau mới trở về cố hương. Hiện nay nhà thơ sống và viết ở Thành phố Hồ Chí Minh. "Ngày trở về" là bài thơ đằm thắm nhất của ông trong phần thơ 32 bài in chung trong tập thơ "Hòn Kẽm Đá Dừng" của 4 nhà thơ xứ Quảng cùng thế hệ: Thu Bồn (1935), Phạm Doãn Hứa (1936), Tường Linh (1931), Phan Đắc Lữ (1937), Nhà Xuất bản Trẻ Thành phố Hồ Chí Minh ấn hành năm 2001.

Có thể nói bài thơ kết tinh những nhớ thương, mong mỏi dồn nén trong nửa thế kỷ xa quê. Những địa danh của quê hương hiện ra trong thơ như một nỗi ám ảnh không dứt. Sơn Trà, Tiên Sa, Ngũ Hành Sơn, sông Thu Bồn, Cửa Đợi...
Một chút nắng ấu thơ còn sót lại
Chiều bâng khuâng thắp sáng đỉnh Sơn Trà
Núi không hẹn nên người đi, đi mãi
Ngày trở về ngơ ngác cảng Tiên Sa

Cảm giác bồi hồi, xôn xao khó tả trong lần đầu tiên gặp lại cố hương đã hiển hiện. Chút nắng ấu thơ phải chăng là ánh nắng quê hương đã sưởi ấm tâm hồn nhà thơ suốt thời niên thiếu, dù đã xa nửa đời người nay trở về vẫn nhận ra màu nắng ấy, sắc tươi ấy dọi sáng bâng khuâng trên đỉnh Sơn Trà.
Cảm xúc đã đến. Ý thơ mạch thơ đã thông. Tâm tình của người thơ tha hồ bộc lộ :
Nước sông Hàn ngày xưa trong leo lẻo
Năm mươi năm nước biếc đã phai màu
Cánh buồm nâu và mây trời chung nẻo
Sao bây giờ mây lẻ bóng về đâu?
Năm mươi năm bãi biển nương dâu, vật đổi sao đời, sự thay đổi của thiên nhiên là không tránh khỏi mà dù không đổi thay bao nhiêu thì với nỗi lòng người xa quê, thế nào cũng tìm ra những nét thay đổi. Tỷ như nước sông Hàn vẫn như xưa nhưng dưới con mắt và tâm tình của người xa quê thì nước sông Hàn ngày xưa "trong leo lẻo”, còn bây giờ thì "nước biếc đã phai màu”. Rồi cái "cánh buồm nâu” và "mây rời chung nẻo" "bây giờ mây lẻ bóng về đâu”  thật ra cũng là do tác giả da diết nhớ thương mà cảm thấy thế, nghĩ ra thế?
Khổ thơ thứ ba tiếp theo có thể coi là khổ thơ đằm sâu nhất của bài thơ, là "con mắt" của bài thơ.
Thời trẻ dại mòn gót chân phiêu bạt
 Xòe  bàn tay tưởng nhớ Ngũ Hành Sơn
Đá Non Nước tạc tượng Người tượng Phật
Mười ngón tay làm đá lở non mòn
 Ngày trở về
Một chút nắng ấu thơ còn sót lại
Chiều bâng khuâng thắp sáng đỉnh 
Sơn Trà
Núi không hẹn nên người đi, đi mãi
Ngày trở về ngơ ngác cảng Tiên Sa

Nước sông Hàn ngày xưa trong leo lẻo
Năm mươi năm nước biếc đã phai màu
Cánh buồm nâu và mây trời chung nẻo
Sao bây giờ mây lẻ bóng về đâu?

Thời trẻ dại mòn gót chân phiêu bạt
Xòe  bàn tay tưởng nhớ Ngũ Hành Sơn
Đá Non Nước tạc tượng Người
tượng Phật
Mười ngón tay làm đá lở non mòn

Anh lặn lội tìm em nơi phố cổ
Ngỡ chân dung mười bảy tuổi học trò
Anh quên nghĩ nửa đời người cách trở
Ngày gặp nhau sông núi cũng già nua

Đêm chia tay trăng thập thò cửa Đợi
Đợi nồm lên đò ngược nước Thu Bồn
Xa phố cổ không hẹn ngày trở lại
Chuông chùa ngân đồng vọng nỗi 
cô đơn.
                                PHAN ĐẮC LỮ
Riêng câu thơ “Mười ngón tay làm đá lở non mòn” rất gợi khi hiểu theo nghĩa đen, và xiết bao "hoành tráng" khi hiểu theo nghĩa bóng. Chính thế hệ sinh ra từ năm 30 của thế kỷ trước cùng các thế hệ sau này vì độc lập tự do của Tổ quốc đã lên đường chiến đấu, xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước làm cho "núi lở non mòn".
Thật ray rứt và xao xuyến khi nhớ về những kỷ niệm cũ, con người cũ:
Anh lặn lội tìm em nơi phố cổ
Ngỡ chân dung mười bảy tuổi học trò
Anh quên nghĩ nửa đời người cách trở
Ngày gặp nhau sông núi cũng già nua
Năm mươi năm xa cách, cố nhân ơi, trong tâm hồn nhà thơ, em vẫn là cô nữ sinh mười bảy tuổi những khi gặp nhau rồi, nhà thơ mới nhận ra sự thật phũ phàng... Rồi cuộc chia tay thuở trước đã từng ngùi ngùi thương nhớ:
Đêm chia tay trăng thập thò cửa Đợi
Đợi nồm lên đò ngược nước Thu Bồn
Xa phố cổ không hẹn ngày trở lại
Chuông chùa ngân đồng vọng nỗi cô đơn
Bài thơ đã ngưng nhưng ý tình còn lưu luyến mãi. Bài thơ nồng nàn, đằm thắm, chân thật, giản dị. Không lắm lời, không bốc, không khoa trương, "Ngày trở về" của Phan Đắc Lữ dễ đem đến sự đồng cảm trong lòng người đọc rộng rãi dù không phải là người xứ Quảng, dù không phải là người đã xa quê.
NGUYỄN BÙI VỢI

VIỆT NAM YÊU DẤU