Ai cũng có quyền tự do quan niệm và tự do phát biểu quan điểm; quyền này bao gồm quyền không bị ai can thiệp vì những quan niệm của mình, và quyền tìm kiếm, tiếp nhận cùng phổ biến tin tức và ý kiến bằng mọi phương tiện truyền thông không kể biên giới quốc gia. - Điều 19, Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền

25/8/11

ĐỪNG LÀM MẤT TUỔI THƠ HỒN NHIÊN CỦA CÁC EM!

Phan Hồng Giang
    Trong đời một con người không khó thừa nhận, những năm tháng tuổi thơ là đẹp nhất, có thể để lại những ấn tượng sâu đậm nuôi dưỡng tâm hồn con người trong suốt cuộc đời về sau. Tuổi thơ là khi cả cuộc đời rộng lớn, đầy ắp những điều mới lạ mở ra trước đôi mắt tròn xoe ham khám phá, khi mỗi ngày đứa trẻ lại  lớn lên một chút trong vòng tay dịu dàng của mẹ cha, được vui đùa cùng chúng bạn với những cánh diều bay cao trên trời xanh mây trắng, được tắm
mình trong dòng sông trong mát quê hương, được đến trường cùng thầy cô  bi bô những vần
chữ đầu tiên  mở cánh cửa đến miền trí thức còn trải rộng đến vô cùng...

     Viết đến đây, tôi bỗng chột dạ tự thấy mình hình như đã  lầm lẫn thời gian, biến quá khứ xa xưa thành hiện tại mang mầu sắc... siêu thực. Đứa trẻ hôm nay, nhất là ở các đô thị lớn, đâu có được diễm phúc hưởng những điều  trí tưởng tượng của tôi vừa mô tả trên đây ! Khi vừa chập chững biết đi, suốt ngày  chúng sẽ phải  ở trong các căn phòng nhà trẻ ồn ào, đông đúc những cô cậu cùng trang lứa  mà bố mẹ chúng phải chen chúc thức trắng đêm mới giành được một xuất may mắn cho con mình. Đến tuổi mẫu giáo lớn, chúng bắt đầu bị kéo vào cuộc đua ma-ra-tông "học, học nữa, học mãi" kéo dài hàng chục năm sau một cách không thể nào thoát ra được...
     Để có thể lọt được vào lớp “đại học chữ to” ở một trường điểm nào đó, lũ trẻ vắt mũi chưa sạch kia phải phải “nhào vô” học chữ, học viết trước tuổi, chuẩn bị tinh thần cho kỳ thi không kém phần khắc nghiệt đầu đời . Lọt được vào lớp 1 có nghĩa là  bắt đầu tích cực tham gia “sự nghiệp trồng  người”  bằng công cuộc miệt mài học thêm, tưng bừng thi đua giành danh hiệu tiên tiến, xuất sắc...
    Từ đây, càng lên lớp cao hơn, áp lực học tập, thi đua ngày càng lớn. Nếu người lớn được Luật lao động bảo đảm cho quyền được làm việc 8 giờ/ ngày, (chưa kể nhiều vị ở các cơ quan hành chính - sự nghiệp còn đến muộn về sớm, ngồi tán chuyện hàng giờ quanh bàn nước cơ quan, buổi trưa thì mới ngoài 11 giờ nhiều vị công bộc của dân, miệng ngậm tăm, thủng thẳng về cơ quan... thư dãn) thì các công dân tý hon của chúng ta lại phải làm việc - học tập đến 10 - 12 tiếng/ ngày. Tôi không cường điệu chút nào : này nhé, với các em học 2 buổi ngày thì thời gian  học ở trường đã vào khoảng 8 giờ rồi,  bảo đảm bằng đủ số giờ lao động nghĩa vụ của người lớn rồi, thế mà chiều tối về nhà, vừa ăn vội bữa cơm là ngồi ngay vào bàn giải quyết đủ loại bài tập  Toán, Văn. Lý, Hóa, Sinh, Địa... mụ mị cả người, có hôm đến  hơn 11 giờ đêm vẫn chưa làm xong bài tập, chưa nói đến chuyện học ôn bài cũ để còn đáp ứng kiểm tra hôm sau. Thứ bẩy, chủ nhật người lớn tha hồ ngủ nướng, sau đó thì bù khú bia bọt cùng các "chiến hữu thân mật", hay đánh cờ, đánh ten-nit, sang hơn thì dã ngoại câu cá, đánh golf... Trong khi đó thì các mầm non tương lai lại cặp sách, ba lô lên đường đến các nhà thầy cô quen thuộc để học thêm, để "sôi kinh, nấu sử" đặng làm hài lòng cha mẹ đặt kỳ vọng con mình sau này sẽ đỗ trường này trường kia làm họ nở mày nở mặt với thiên hạ ...
     Với những em đủ điều kiện vượt qua hết "con đường  đau khổ" để lọt vào được giảng đường đại học, thì các cửa ải - kỳ thi đầu cấp - cuối cấp quả là những cơn ác mộng lớn dần. Vào trung học cơ sở - thi, vì đâu đã phổ cập bậc học này;  trường chuyên lớp chọn - thi, không trúng tuyển thì đành chịu nghe "ca cải lương" của bố mẹ. Hết trung học cơ sở - thi; vào trung học phổ thông còn muôn vàn khổ ải - lại thi, lại chạy trường. Nhưng kinh hãi nhất là cuối năm  lớp 12 : chỉ trong vòng 1 tháng 2 kỳ thi "3 chung" sau bao nhiêu tháng ngày học thêm, qua bao nhiêu lò luyện thi  lợp mái tôn chen chúc các sĩ tử giữa nắng hè oi bức... Không ít em đã mắc bệnh trầm cảm; cá biệt có em  trượt đại học, quá thất vọng, lại bị  người thân rầy la mà phải tính chuyện quyên sinh. Thật là dại dột, nhưng người đáng bị chê trách ở đây chính là người lớn.
     Như ta đã thấy đấy, hầu như cả tuổi thơ của các em đã trôi đi trong chu kỳ xoay như chong chóng : học,  nghe đọc - giảng, ghi chép, chưa kịp tiêu hóa "lời vàng ý ngọc" lại tiếp tục nghe - đọc - giảng - ghi chép, không khác bao nhiêu so với chiếc máy ghi âm. Rồi là chịu xì- trét đứng ngoài cổng, khi đội "Sao đỏ" sốt sắng thi hành phận sự được giao kiên quyết  không cho vào lớp vì đã qua 2 hồi trống cho dù chỉ vì tắc đường, tắc xe ( chuyện như cơm bữa ở xứ Đại Cồ Việt này hôm nay !). Trời nóng như thiêu, từng ba em ngồi nghiêng sát nhau bên chiếc bàn vốn dành cho hai người, khăn quàng đỏ thít chặt  trên cổ áo thấm đẫm mồ hôi, không được ngọ nguậy, hãy ngay người  ráng chịu chật chội nóng bức mà nghe nói về sự "xuất hiện giai cấp công nhân và sự phân tầng xã hội" ở xứ An Nam thuộc địa sau Thế chiến lần I .  Rồi là hăm hở thi đua  chào mừng hết đợt này sang đợt khác, thi đua đạt hết danh hiệu này sang danh hiệu nọ cho mình, cho trường, cho thầy cô, cho phòng này, sở nọ. Rồi là thay vì nghỉ hè "Chín mươi ngày nhảy nhót ở đồng quê" (thơ Xuân Tâm) như  từ những năm tháng xa xưa, các em phải hối hả tự nguyện đến trường học hè, đến lớp học thêm cho khỏi thua chị kém em, cố thoát  khỏi ám ảnh bị hụt hơi khi vào năm học mới.
    Điều đáng nói là liệu có được bao nhiêu phần trăm trong số những kiến thức khổng lồ mà các bậc  thức giả cố công nhồi vào đầu óc thơ dại của các em là thực sự có ích, có khả năng lưu lại trong bộ nhớ không phải vô hạn của các em ; bao nhiêu phần trăm trong số những kiến thức bát ngát, bao la ấy là đáp ứng được yêu cầu "Học để biết, học để làm, học để tự khám phá năng lực bản thân và học để làm người biết chung sống với cộng đồng"? Điều đáng nói nữa là cái đích "giảng đường đại học" mà các em cùng bố mẹ ngày đêm mơ ước ấy, ngoài không nhiều những ngoại lệ, thực chất về mọi phương diện lại chỉ có thể coi là "trung học phổ thông cấp 4" mà học xong, nếu may mắn  tìm được nơi tiếp nhận (bằng nhiều con đường khác nhau), đa phần vẫn không đáp ứng được nhu cầu của các nhà tuyển dụng, nếu không trải qua một khóa bồi dưỡng bổ sung. Đó là một thực tế đáng buồn không ai không biết, kể cả các nhà quản lý giáo dục và đào tạo khả kính.
     Người lớn chúng ta,có thể là vô tình hay cạn nghĩ, mà đã  tước đoạt tuổi thơ hồn nhiên, trong sáng của các em để thỏa mãn tham vọng rất ít tính thực tế  của mình: nhanh chóng biến các em thành những "siêu nhân", những "học giả tý hon" cái gì cũng biết mà thực ra không biết cái gì! Xin hãy nhớ rằng cả cuộc đời dài dặc còn mở ra phía trước các em, và rồi cuộc đời còn vô số lần dạy khôn các em, đem tới cho các em  vô số những bài học quý giá mà không một trường lớp nào có thể mang lại.
     Xin hãy giảm tải chương trình và sách giáo khoa. Xin hãy thay đổi phương pháp giảng dạy, tránh xa sự nhàm tẻ, đơn điệu, để các em có thể cảm nhận "đến trường thích hơn ở nhà" và "mỗi ngày đến trường - náo nức một ngày vui!". Xin hãy giảm áp lực học tập bằng cách thay đổi phương thức đánh giá kết quả học tập của các em, đừng chìm ngập trong triền miên các kỳ thi, đừng vô tình biến sự học của các em thành "học là thi, học chỉ để thi".
    Cuộc sống là quà tặng vô giá tạo hóa ban tặng mỗi người chúng ta mà tuổi thơ là phần đời đẹp nhất, vô tư, trong sáng nhất, một đi không bao gì trở lại, dù ai đó đã từng thiết tha "xin cho tôi một vé về tuổi thơ !".
     "Vì tương lai con em chúng ta!", xin hãy đừng góp phần làm mất tuổi thơ của các em!
                                                                                              13 - 8 - 2001
Nguồn: Vietstudies

VIỆT NAM YÊU DẤU