Ai cũng có quyền tự do quan niệm và tự do phát biểu quan điểm; quyền này bao gồm quyền không bị ai can thiệp vì những quan niệm của mình, và quyền tìm kiếm, tiếp nhận cùng phổ biến tin tức và ý kiến bằng mọi phương tiện truyền thông không kể biên giới quốc gia. - Điều 19, Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền

21/4/12

LẬT NGƯỢC NEURON

Có câu chuyện về một vị giáo sư đại học ở Oxford (Anh) như sau: Một hôm khi ông đang trầm tư trong làn nước mát tại bãi tắm Parson’s Pleasure – bãi tắm “Adam Eva” trên con sông Cherwell, thì một nhóm sinh viên chèo thuyền ngang qua. Nhanh chóng, vị giáo sư lấy khăn tắm chụp kín quanh mặt mình, thay vì che quanh mông. Bài học rút ra: “Súng ống” thì vị nam giáo sư nào cũng có, nhưng gương mặt thì mỗi người chỉ có một. Che cái đáng che!
Cuộc sống “tiến hóa” nhờ rất nhiều vào những lần đảo chiều của các suy nghĩ và hành động:

1. Cú nhảy lịch sử:
Tại Thế Vận Hội Mexico 1968, môn nhảy cao chứng kiến hai bước nhảy cao lịch sử. Một, vận động viên Dick Fosbury phá vỡ kỷ lục thế giới lúc bấy giờ là 7 feet 4 ¼ inches. Hai, Dick Fosbury chiến thắng vì anh đã không nhảy theo cùng một phương pháp như các vận động viên khác. Thời đó, các vận động viên nhảy cao vượt xà bằng cách hướng mặt xuống đất, bụng qua xà. Còn Fosbury thì bật lên đồng thời xoay người, mặt hướng lên trời và lưng qua xà. Phương pháp này được gọi là Fosbury Flop và là cách nhảy của tất cả các vận động viên nhảy cao ngày nay. 
2. Chuyện của Kodak:
Ngày nay nhắc Kodak thì ai ai cũng xem đó như danh từ thay thế cho “phim chụp” và “máy ảnh phim”. Nhưng năm 1888, khi nhà sáng lập Geogre Eastman đặt tên công ty là Kodak thì hầu hết cộng sự phản đối. Đó là một từ hoàn toàn vô nghĩa. Nhưng Eastman vẫn giữ nguyên chính kiến của mình: Kodak là một từ ngắn, dễ phát âm và không gây nhầm lẫn với một từ thuộc lĩnh vực nào khác. Eastman đã đúng.
3. Sự vĩ đại của "lạc mốt”:
Những người sáng tạo ra mốt không bao giờ ăn mặc “đúng mốt” của thời điểm họ đang sống. Nếu họ ăn mặc như hàng trăm, hàng ngàn con người đang đi lại ngoài phố, thì họ đã không là nhà TẠO mốt. Trong lúc thiên hạ đang xúng xính váy ngắn, áo sọc thì những con người đi đầu về mốt sẽ vận quần ống loe và áo hoa. Ngày thứ nhất, họ bị xem là “những người cùng khổ của thời trang”. Sang ngày thứ hai, thứ ba, ai ai cũng mặc y chang họ.



IMG_6689

4. Hối tiếc vì những gì mình đã làm còn tốt hơn là ì ra
-         Một chàng trai chạy ù té vào phòng cha mình: “Thí nghiệm mới của con lại thất bại rồi!”
-         Người cha điềm nhiên nói: “Các giáo sư sẽ giết con vì chuyện này à?”
-         Chàng trai trả lời: “Không không. Chỉ là…”
-         Người cha khẽ cười: “Vậy đâu có gì là to tát. Nhanh làm lại một thí nghiệm mới.”
Thất tình. Thi rớt. Thất nghiệp… Không có gì là ác mộng cả. Còn hơn là bạn thu mình lại không dám yêu, không dám đi thi, không nhích tay làm một việc gì. Phải hành động thì mới biết việc gì sẽ xảy ra, chứ ngồi một chỗ tiên đoán hết chuyện này sang chuyện khác thì bạn sẽ thành chuyên gia mộng mị và là con ốc sên giữa đời thường.
5. Quyết định. Quyết định. Quyết định.
Cuộc sống được cấu thành bởi một chuỗi các quyết định. Nên mặc váy đỏ hay váy xanh? Nên chấp nhận mức lương 700k/tháng hay không? Nên tiếp tục yêu hay chia tay? Nên… Nhìn về quá khứ, bất kể bạn từng quyết định chuyện to hay nhỏ gì, kết quả ra sao thì chuyện cũng đã rồi. Mọi việc bạn làm là do bạn quyết định. Bạn trở thành con người mà bạn chọn. Có gì phải hối tiếc? Còn nếu hối tiếc, bạn vẫn có thể lựa chọn để thay đổi cơ mà.



DSC02034

6. Tính có lý của sự vô lý:
Câu chuyện “Đỏ trên đỏ” (Red on Red) của nhà copywriter huyền thoại Leo Burnett là kim chỉ nam cho sự lật ngược neuron của những người muốn dấn thân vào ngành quảng cáo: Trong một quảng cáo thịt bò, thay vì chụp hình miếng thịt tươi trên nền sáng cho nổi màu đỏ của thịt, Leo Burnett đã đề nghị chọn phông nền màu đỏ. Trên phông đỏ mà màu thịt đỏ vẫn nổi bật, chứng tỏ thịt này super tươi.
7. Bắt tay vào việc, rồi vừa làm vừa sửa
Nhiều khi vì trông đợi một khởi đầu hoàn hảo đến từng millimet nên bạn lần lữa trì hoãn ngày khởi công cho kế hoạch của mình, muốn thêm thời gian để hoàn mỹ hóa cái plan trên giấy. Kế hoạch trên giấy dù có 1000% hoàn hảo thì nó vẫn chỉ trên giấy. Không bắt tay vào thực hiện thì bạn không biết khó khăn, rắc rối nào có thể phát sinh. Và càng chờ lâu thì cơ hội càng qua nhanh, chẳng lẽ bạn chờ đến khi cái kế hoạch của mình “bạc râu” rồi mới cho nó “chống gậy” bước vào đời?! Bắt tay vào việc, nếu có hỏng hóc gì thì sửa chữa ngay. Đừng ngồi đoán (mò) bệnh rồi bốc thuốc cho thì tương lai.
8. Nghệ thuật nhìn 3D:
Đặt một lon nước ngọt lên bàn và thử nhìn nó. Khi nhìn chính diện, lon nước có hình chữ nhật. Khi nhìn từ trên xuống, nó hình tròn. Còn chiếu lên 3D thì lon nước có hình trụ tròn. Mỗi sự việc trong cuộc sống cũng chiếc lon trên bàn kia, tùy vào góc nhìn của mỗi người mà sự việc ấy có hình thù khác nhau. Không góc nhìn nào là sai. Điều quan trọng là bạn tìm ra góc nhìn vừa ý mình và có thể nhìn cả từ góc của người khác, để tạo ra hình ảnh 3D hoàn hảo.

Lana 17

9. Ăn cắp ý tưởng, có gì mà phải thẹn!
Theo luật pháp, ý tưởng không được hưởng quyền bảo vệ bản quyền. Vậy thì nếu bạn gặp một ý tưởng hay ho và thích nó chết đi được, hãy tìm cách ăn cắp. Có những người may mắn sinh ra với cái đầu là máy sản xuất ý tưởng. Chỉ trong một cái búng tay, họ đã nghĩ ra một rổ những điều mới mẻ. Nhưng phần lớn chúng ta không có cái may mắn ấy. Vậy thì hãy sử dụng ý tưởng của người khác một cách siêng năng: Đừng lặp lại y chang cái người khác đã làm (rắc rối pháp luật có thể nảy sinh đấy!). Thêm thắt, cắt xén, lắp ghép các ý tưởng lại, cho thêm chút tính cách của bạn vào để biến tác phẩm thành của mình. Ví dụ nhé: Tình tay ba là ý tưởng bạn muốn lấy. Gia công thành của bạn, nó có thể biến hóa thành mối quan hệ tay bảy, tay tám.
10. Bị đuổi việc? Huuraaaaa!!!
Một ngày đẹp trời, sếp đến bên cạnh nhỏ nhẹ nói rằng không cần chỗ làm part-time của bạn nữa. Thay vì tiu nghỉu đi về, hãy chân sáo bước về nhà. Đây là cơ hội trời ban để bạn năng nổ đi tìm một công việc khác, săn lùng một sự khởi đầu mới. Khi một cánh cửa đóng, luôn có một (hoặc nhiều) cánh cửa khác mở ra.
11. Đừng vào Đại học …
...Nếu bạn chưa sẵn sàng. Mục đích của trường đại học không phải là để gắn cái mác “sinh viên” vào trước tên mình, để có chỗ trú thân trong 4 năm sau khi rời cấp 3 (nếu là vậy thì đại học đúng là trường cấp 4!). Đại học là nơi bạn tăng cường năng lực để làm tốt công việc mình yêu thích, lựa chọn. Do vậy, nếu còn mơ hồ về điều mình muốn làm thì tốt nhất nên dành thời gian cho một năm gap year. Gap year là phương thức trì hoãn để bạn tìm hiểu, thám thính xem điều gì thực sự có ý nghĩa với cuộc sống của mình. Còn nếu bạn chắc chắn 100% vào ý muốn của mình, về công việc trong mơ thì nghỉ ngơi làm gì, học cho nhanh còn đóng góp.
12. Đại học: NO. Đi làm: YES.
Nếu mục tiêu cuộc sống của bạn là cuốn sổ ngân hàng với những con số béo ú, thì bốn năm ngáp ngắn ngáy dài trong giảng đường có thể là một sự phung phí. Làm một phép suy đơn giản nhé: Bắt tay làm việc và làm giàu bây giờ thì bốn năm sau bạn có khi đang vi vu bằng xe hơi đi nghỉ cuối tuần. Còn nếu ép mình vào đại học, thì bốn năm sau bạn đang chạy hụt hơi thi tốt nghiệp và căm ghét cuộc sống tương lai khi phải xin việc vào một ngành buồn chán.


IMG_0641

Cảnh báo: Bạn phải có định hướng rõ ràng cho mình. Trên đường kiếm tiền, bạn cũng sẽ cần học những kỹ năng cần thiết để vươn tới thành công. Đừng vì chán những con chữ mà bịp mắt xông pha vào đời. Cuối cùng, tri thức không mà $$$ cũng không.
Kết: Những cú lộn nhào ngoạn mục của neuron sẽ làm cuộc sống của bạn ngoặt sang một con đường khác thú vị hơn và ý nghĩa hơn. Rất nhiều những phát minh vĩ đại của loài người được sinh ra do những nhà phát minh đã nghĩ ngược, làm ngược với những gì mọi người xung quanh thực hiện. Bước đi trong cuộc sống không phải là bạn đang trên con đường một chiều, mà là di chuyển trên những con đường đa chiều, tầng tầng lớp lớp và nhiều giao lộ. Mỗi một ngã rẽ đều đem đến thay đổi trong cuộc sống. Cuộc sống không cho bạn lựa chọn, mà chính bạn là người chọn lựa mình sẽ sống như thế nào. Cuối cùng, nếu bạn trót rẽ sai hướng, vẫn luôn có một cách giải quyết cuối cùng: lật ngược các neuron.
NGỌC BÍCH

VIỆT NAM YÊU DẤU