Ai cũng có quyền tự do quan niệm và tự do phát biểu quan điểm; quyền này bao gồm quyền không bị ai can thiệp vì những quan niệm của mình, và quyền tìm kiếm, tiếp nhận cùng phổ biến tin tức và ý kiến bằng mọi phương tiện truyền thông không kể biên giới quốc gia. - Điều 19, Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền

11/7/12

BIỂN CHƯA YÊN, ĐẤT LIỀN CHƯA VƠI NƯỚC MẮT

Nguồn: Lao động.com

Ngày 7/7, tin dữ dội về xóm chài Bình Bửu, Tam Giang, huyện Núi Thành, Quảng Nam: Ngư dân Vũ Ngọc Uẩn đã bỏ mạng vì bị lật thúng giữa đêm câu mực...

 
Biển chưa yên, đất liền chưa vơi nước mắtĐàn bà, trẻ con vùng biển Lý Sơn cũng bị Trung Quốc niêm yết danh tính, ảnh ngoài đảo Phú Lâm, Hoàng Sa. Ảnh: Thanh Hải
Cái chết của ông Uẩn, cộng với sự kiện ngư dân Bình Định bị tàu lạ đâm chìm, chết người mới đây làm ngư dân thêm hoang mang, nghi ngại. Vợ con của những người tử nạn trên biển đang phải đối đầu với bao khốn khó bần hàn...

Tin dữ lại về Bình Bửu
Tôi lại về Tam Giang, huyện Núi Thành, Quảng Nam để tìm ngư dân Dương Văn Hải - thuyền trưởng kiêm chủ tàu đánh cá QNa- 91054 - vừa bị cháy tàu trên biển, mất toàn bộ ngư cụ vào đầu tháng 6/2012.  Cháy tàu là gánh nợ, một núi tài sản hơn 3 tỉ đồng của ông Hải chìm hẳn giữa đại dương.
Gặp tôi, ông Hải chưa kịp vui thì máy ICOM trong nhà chợt dội vang, đưa tin tàu cá QNa 91029 của anh ruột ông Hải là Dương Văn Trung gặp nạn trên biển, một bạn tàu bị chết. Tin dữ lan nhanh, cả chục phụ nữ là vợ, là mẹ của 39 ngư dân trên tàu cá của ông Trung hớt hải ào tới nhà ông Hải, vây lấy cái ICOM đang ọt ẹc bởi sóng lúc được lúc mất.
Qua những câu hỏi, đáp ngắn gọn, từ ngoài khơi, ông Trung thông báo nhanh: “Người bị chết là bạn Vũ Ngọc Uẩn. Ông Uẩn đã bị lật thúng, chết chìm giữa khuya 10/6, khi đang câu mực. Dự kiến rạng sáng 8/7 sẽ đưa thi thể về đến đất liền”. Một nhà đầy phụ nữ đang nhốn nháo khóc, sau khi rõ tin, 38 người bớt run, 1 người ngất xỉu! Đó là bà Trần Thị Lãnh - vợ ông Uẩn.
Ông Dương Châu - lão ngư dày dạn kinh nghiệm ở làng chài Bình Bửu, Tam Giang, cha của 3 thuyền trưởng can trường là Dương Văn Hải, Dương Văn Bình và Dương Văn Trung - cho biết thêm, tàu câu mực của ngư dân Tam Giang, Quảng Nam thường trên 500CV, vươn khơi 3-4 tháng. Trên mỗi con tàu, đôi khi có 37-40 bạn, tương đương với chừng đó thúng chai.
Nghề câu mực rất nguy hiểm vì ngư dân phải làm việc đơn độc một mình giữa biển đêm. Từ 5-6 giờ chiều hôm trước, khi trời tắt nắng, con tàu sẽ chạy chậm đều trên biển, lần lượt thả thúng cùng bạn xuống biển. Sáng hôm sau mới đi vớt từng người. Không đủ thúng, nghĩa là có người đã chết. Tai nạn như vậy xảy ra thường xuyên trên biển. Riêng với Tam Giang, mỗi năm có 2-3 tin dữ như vậy. Nhưng ông Châu cũng nghi ngại rằng trời đang yên bình, không có sóng gió to và 38 thúng bạn khác không hề hấn gì thì thúng của ông Uẩn sao lại bị lật?
Ông Dương Văn Hải nhận hung tin từ biển qua máy ICOM tại nhà riêng. Ảnh: Thanh Hải
Ông Dương Văn Hải nhận hung tin từ biển qua máy ICOM tại nhà riêng. Ảnh: Thanh Hải
Gánh nặng trĩu vai người ở lại
Theo chân mấy người phụ nữ ở làng Bình Bửu, tôi đến nhà ông Uẩn. Giữa tháng nắng, đi trên vùng cát Tam Giang, hai mắt chợt nhoè. Tiếng gió rít qua mấy ngọn dương làm cho cảnh buồn xóm chài càng thêm tiêu điều. Trong căn nhà trống hoác, xóm giềng đã kéo đến đông đảo. Kẻ đứng người ngồi, lao xao bàn lo chuyện hậu sự. Nỗi buồn thương tiếc cho kẻ xấu số ngoài biển thì nhiều, song không bằng sự xót thương khi nhìn 2 đứa con tật nguyền của ông Uẩn đang dặt dẹo bồng bế nhau.
Từ chiến trường Campuchia về nhà, ông Uẩn mang theo chất độc hoá học đã ngấm trong máu. Vì vậy, cả hai đứa con trai khi sinh ra đều bị dị tật bẩm sinh: Vũ Trần Hải - 21 tuổi ngọng nghịu, đầu ngật ngưỡng, chân tay cong khoèo; Vũ Trần Hổ - 14 tuổi vẫn nằm ngoặt ngoẹo một chỗ với đời sống thực vật. Gia tài lớn nhất của ông Uẩn là chiếc thúng chai trị giá 9 triệu đồng. Đó cũng chính là phương tiện hành nghề câu mực, theo tàu ra khơi kiếm tiền về nuôi vợ con.
Bà Trần Thị Lãnh - vợ ông Uẩn - suốt ngày phơi lưng ngoài ruộng. Đêm đêm, một mình đốt đuốc, bà lặn lội soi cá, mò tôm giữa đầm khuya kiếm thêm thu nhập. Hai đứa con tật nguyền phải tự chăm sóc nhau. Cả làng Bình Bửu, ai cũng xót thương cho gia cảnh vợ chồng bà Lãnh. Nay ông Uẩn bỏ mạng ngoài biển khơi, đôi vai gầy của bà Lãnh liệu có chịu nổi gánh nặng này không?
Không có cái chết nào không tang thương, không mất mát lớn. Nhưng với ngư dân, khi hầu hết đàn ông là trụ cột, là lao động chính để nuôi cả gia đình, thì cái chết bất ngờ của họ còn là đòn chí tử cho gia đình. Đàn bà vùng biển thường chỉ ở nhà sinh nở, nuôi con. Số ít người đi buôn bán nhỏ ở chợ quê, phụ chồng. Vì vậy, khi “trụ cột” gãy đi, gia cảnh lập tức lâm cảnh bần hàn. Nhất là khi gia đình có những 2 đứa con tật nguyền như nhà ông Uẩn, bà Lãnh. Vợ con ông sẽ ra sao nếu không có sự giúp đỡ kịp thời của Nhà nước, sự chia sẻ của cộng đồng?
Tự làm lành vết thương như biển
Ngày hôm trước, khi tôi ra huyện đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi, đến với gia đình ngư dân Lê Vinh ở ở An Vĩnh, cũng để chia sẻ những mất mát khi ông lần thứ tư bị Trung Quốc bắt và bị tịch thu tàu, tôi đã thấy sự mạnh mẽ của người đàn bà miền biển. Vợ ông Vinh - bà Phù Thị Hối - không cầm được nước mắt khi lần bị nạn này đã được rất nhiều cá nhân, đoàn thể, chính quyền đến thăm hỏi, động viên và cả những lời hứa sẽ ủng hộ bằng tiền mặt.
Hai đứa con tật nguyền của nạn nhân Võ Ngọc Uẩn giờ đã không còn nơi nương tựa.
Hai đứa con tật nguyền của nạn nhân Võ Ngọc Uẩn giờ đã không còn nơi nương tựa.
Bà nói: Sau ngày vợ chồng tôi cưới nhau, anh Vinh dành dụm hết số vàng, tiền quà của 2 họ, rồi vay mượn thêm để đóng con tàu. 23 năm sau ngày cưới, 3 đứa con lần lượt ra đời, trưởng thành, theo cha ra khơi bám biển. Con tàu không chỉ là tài sản, là phương tiện nuôi sống gia đình, mà là kỷ vật gắn với bao kỷ niệm buồn vui. Bị Trung Quốc bắt người, thu tàu, nỗi đau không chỉ là mất của. Thế nhưng, cứ sau mỗi lần đớn đau vì kiệt quệ, ông Vinh, bà Hối lại bàn bạc nhau, vay mượn, lại tiếp tục sắm ngư cụ, đóng tàu mới, lại ra khơi.
Hôm ấy, ông Vinh vào đất liền, lặn lội tìm đến nhà những người thân quen để hỏi mượn, vay thêm tiền cho việc đóng mới con tàu khác. Bà Hối ngồi ngoài mé biển, trở mớ cỏ dại, rong biển hái ngoài đảo hoang để phơi khô, chữa bệnh tiểu đường cho chồng. Bà kể chuyện mà 2 hàng nước mắt chảy dài. “Ai hỏi đến là tôi tủi thân, nghĩ mình cả đời chí thú làm ăn, nếu bình yên những chuyến đi biển thì cuộc sống có đến nỗi nào. Bây giờ, Trung Quốc liên tục bắt người, cướp tài sản, chồng đổ bệnh, con cái đi học xa phải đi rửa bát thuê kiếm tiền trả nhà trọ. Gánh nặng gia đình trút trên vai thằng út”.
Ngoài kia, từng con sóng vẫn vỗ đều vào vách đảo. Tôi chợt liên tưởng đến những hoàn cảnh của gia đình ông Lê Vinh, chắt chiu đóng tàu đi biển, bị bắt, mất tàu. Rồi lại vay mượn đóng tàu mới, tiếp tục bám biển... Đã hơn chục lần bị bắt nhốt, bị cướp tài sản như vậy từ vùng biển Hoàng Sa, cha con ông cứ như “dã tràng xe cát”. Nhưng họ đã vượt qua khốn khó, buồn đau để vươn lên, giống như bãi cát biển trước nhà, biết tự làm lành vết thương, lại phẳng phiu, trinh nguyên mỗi sáng, dẫu chiều hôm trước vụn nát bởi vạn dấu chân...  
lại phẳng phiu, trinh nguyên mỗi sáng, dẫu chiều hôm trước vụn nát bởi vạn dấu chân...  
Trung Quốc biết rõ thông tin từng gia đình ngư dân
Ông Trần Hiền - thuyền trưởng, chủ tàu cá QNg 66074, xã An Vĩnh, huyện đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi - cho biết: Lúc bị Trung Quốc bắt, đưa đi giam ở đảo Phú Lâm, Hoàng Sa, tôi hết sức bất ngờ và hoảng hốt khi thấy… ảnh vợ con của mình dán trên đảo.
Qua thông ngôn, họ nêu rõ họ tên vợ, 2 con gái và còn biết cả vợ tôi sắp đẻ ở quê nhà. Không những thế, vợ con của các bạn tàu như Trần Tân, Đặng Tươi, Nguyễn Tả… họ đều đọc tên, tuổi một cách rõ ràng, có cả ảnh. Họ bảo sao chúng tôi lỳ lợm vậy, không sợ bỏ mạng, bỏ vợ con ai nuôi.
Tương tự, khi vừa thấy tàu 66101, lực lượng hải giám Trung Quốc đã nêu lên cả dòng họ nhà Lê Vinh. Họ nói: “Lại lão “Vinh đầu đỏ” 6 trai 2 gái (ông Lê Vinh là con trong gia đình có 6 người trai, 2 gái) không sợ chết nữa. Thu hẳn tàu cho nó hết đường ra Hoàng Sa!”.
Ngư dân Trần Tân - thuyền viên trên tàu QNg 66074 - cho biết, khi tàu chúng tôi có người bị đau nặng, sốt, tôi được cử theo xe cứu thương đưa vào sâu trong đảo để chăm sóc bạn. Lúc đó họ không bịt mắt như những lần dẫn giải khác, tôi đã thấy nguyên cả bức tường, họ dán ảnh các ngư dân Lý Sơn, Bình Châu và cả ảnh vợ con, thân nhân của những ngư dân nhiều lần bị bắt từ vùng biển Hoàng Sa. Tôi đã rụng rời chân tay khi thấy ảnh của vợ con mình trên đảo.

Phóng sự của Thanh Hải

VIỆT NAM YÊU DẤU