Benjamin Ngô
Dễ nhận thấy mặt tích cực của mạng xã hội là giúp mở mang tri thức của người dân, giúp họ nhận thức về trách nhiệm công dân cũng như thúc đẩy họ lên tiếng mỗi khi thấy chuyện bất bình.
Ngày trước, khi mạng xã hội chưa phổ
biến, điều kiện tiếp cận thông tin còn hạn chế, ở một số địa phương, cơ
quan công quyền có thể phát hành văn bản trái luật, một số quan chức có
thể phát ngôn tùy tiện mà không lo bị người dân phản ứng. Bây giờ tình
thế đã khác xưa nhiều, người dân đã hiểu biết và nắm luật hơn nhưng vẫn
còn đó một bộ phận quan chức thiếu tôn trọng và hiểu rõ vai trò của báo
chí, truyền thông mạng xã hội.

Tuần qua, nhiều bạn trẻ Sài Gòn xôn xao
về một quán bún ở quận 4 thu hút khách nhờ tấm bảng nội quy hài hước:
“Không nhiều chuyện, lên trên mạng nói xấu chủ quán. Không phải là bún
bò Huế. Nếu ăn thấy dở ẹc thì ráng chịu không được chê, phải ăn hết
không cho đổi lại. Ăn không vô cũng phải trả đủ tiền…”.
Tin về quán bún bò độc đáo này đăng trên
mặt báo và lan truyền trên Facebook với nội dung “vô thưởng vô phạt”,
vì tấm bảng ấy chỉ để trong quán bún, không vi phạm thuần phong mỹ tục
hay “ảnh hưởng đến hòa bình thế giới”. Ấy thế mà người ta cười ra nước
mắt khi dân phòng và cảnh sát khu vực tạm giữ tấm bảng nội quy này vì
cho là nội dung “kỳ quá!”. Vụ việc khiến cư dân mạng sôi nổi đặt các câu
hỏi tranh luận: Liệu chủ quán đã vi phạm điều luật gì? Hành động tự
tiện tịch thu tài sản công dân của viên công an và dân phòng có đúng
luật? Bạn nghĩ sao về thái độ hách dịch của hai viên công an, dân phòng?
Cùng thời điểm, dân chúng ngỡ ngàng khi
chia sẻ ảnh chụp văn bản thông báo của ĐH Lâm nghiệp khuyến cáo các
giảng viên, sinh viên về chuyện phát ngôn liên quan đến việc chặt hạ cây
xanh tại Hà Nội. Kèm theo ảnh này là thông tin TS Vũ Quang Nam (người
tiết lộ cây trồng trên đường Nguyễn Chí Thanh là cây mỡ chứ không phải
vàng tâm) đang bị ĐH Lâm nghiệp xem xét kỷ luật.
Khi người dân lên tiếng
Ngày nay, không khó để một bạn trẻ tìm
hiểu thông tin ngọn ngành, biết nhận thức về tầm quan trọng của phản
biện xã hội cũng như quyền lên tiếng của mỗi người. Do vậy trước những
sự việc chấn động xã hội như chặt hạ 6.700 cây xanh ở Hà Nội, lấp sông
Đồng Nai để triển khai khu đô thị thương mại Pegasus Riverside, nhiều
người đã không ngần ngại bày tỏ ý kiến trên mạng xã hội, tham gia phong
trào bảo vệ môi trường.
Trên lý thuyết, dân trí càng cao, quan
trí càng phải trau dồi tương ứng để giảm thiểu những phát ngôn, hành
động khiến công luận bức xúc và hoài nghi về việc thượng tôn pháp luật.
Đằng này… Trong những ngày ồn ào các ý kiến trái chiều vừa qua, dù sao
người ta vẫn có điều gì đó để hy vọng.
BENJAMIN NGÔ