Ai cũng có quyền tự do quan niệm và tự do phát biểu quan điểm; quyền này bao gồm quyền không bị ai can thiệp vì những quan niệm của mình, và quyền tìm kiếm, tiếp nhận cùng phổ biến tin tức và ý kiến bằng mọi phương tiện truyền thông không kể biên giới quốc gia. - Điều 19, Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền

16/9/10

Fallacy "Trần Tiến Cảnh"

Nguyễn Văn Tuấn
Tưởng rằng ông nghị Trần Tiến Cảnh đã nhận ra sự vô lí trong cái ví von “Các nước có chỉ số IQ cao đều xây đường sắt cao tốc, nhưng ông lại tiếp tục khẳng định điều đó qua trả lời phỏng vấn của báo chí hôm nay.  Ông còn cho rằng cách nói đó là chính xác!  Đáng lẽ phải có người chỉ ra cái sai lầm trong lập luận của ông, nhưng có lẽ vì ai cũng thấy cách nói của ông quá vô duyên, nên chẳng ai thèm tình nguyện làm cái việc “lên lớp” ấy.  Ở đây, tôi chỉ muốn nhân câu chuyện để bàn một chuyện khác về một vài sai lầm trong suy luận cũng khá phổ biến trong thảo luận.

Thứ nhất là sai lầm về định nghĩa. Mới đây, tờ New York Times đăng một bản tin cho biết số người vô gia cư ở Mĩ đã lên đến 671,859 người.  Con số rất ấn tượng, vì nó có vẻ quá lớn.  Nhưng thật ra, nếu chịu khó suy nghĩ thì sẽ thấy có vấn đề trong bản tin này.  Một người vô gia cư (tức homeless), nay đây mai đó, thì làm sao các quan chức có thể đếm và làm thống kê được để có con số chính xác như thế?  Nếu người mới bị đuổi ra khỏi nhà, rồi vài ngày sau có nhà ở, thì sẽ đếm như thế nào?  Chẳng ai vô gia cư mà muốn tự nguyện khai với chính quyền để trở thành một con số thống kê cả.  Do đó, con số đó có cái sai lầm cơ bản về định nghĩa.
Tương tự, trong trường hợp IQ, vấn đề đặt ra là định nghĩa thế nào là IQ vẫn còn là một vấn đề học thuật còn trong vòng tranh cãi.  Không một chỉ số và cách ước tính nào có thể xem là đáng tin cậy và chính xác cả.  Có người chỉ ra rằng phương pháp để ước tính IQ nghiêng về các tiêu chí (chẳng hạn như toán) vô hình chung tạo lợi thế cho người da trắng hơn là người da đen; nếu đánh giá bằng tiêu chí nhạc thì chưa chắc người da trắng và Á châu có IQ cao hơn người da đen.  Ấy thế mà ông nghị Trần Tiến Cảnh cho rằng người Việt cũng có IQ cao! Câu hỏi đặt ra là cao hơi ai?  Bằng chứng nào để nói người Việt có IQ cao?  Theo tôi biết thì Việt Nam chưa có một cuộc khảo sát cộng đồng nào để biết IQ của dân ta là bao nhiêu.  Do đó, có thể nói ngay rằng những lí giải của ông nghị Trần Tiến Cảnh chẳng những mơ hồ, mà quan trọng hơn là không có cơ sở.

Bản đồ IQ trung bình trên thế giới (chỉ tham khảo cho vui). Nguồn: Race Differences in Intelligence
Thứ hai là nhầm lẫn về mối liên hệ nhân quả.  Năm ngoái, trong một phân tích về mối liên hệ giữa phát triển kinh tế và năng lực công nghệ gần đây, hai tác giả kết luận rằng “khi chỉ số năng lực công nghệ chung tăng 1% thì chỉ số phát triển kinh tế sẽ tăng thêm được 1,2298%; sự phát triển kinh tế của Việt Nam giai đoạn 2001-2005 có liên quan đến yếu tố năng lực công nghệ là 73,52%.”  Nhưng đọc kĩ bài phân tích này tôi thấy tác giả chẳng những sai về kĩ thuật phân tích (và sai con số), mà còn nhầm lẫn trong suy luận.  Đơn vị phân tích là các tỉnh thành, và mỗi tỉnh thành có hai chỉ số năng lực công nghệ và phát triển kinh tế, hoàn toàn không có thông số nào liên quan đến thời gian.  Do đó, phát biểu rằng “sẽ tăng thêm được 1,2298%” hoàn toàn sai; điều mà tác giả có thể phát biểu là tỉnh nào có chỉ số năng lực công nghệ cao thì chỉ số phát triển kinh tế cũng cao.  Nhưng vấn đề ở đây là một mối tương quan thống kê không hẳn phản ảnh một mối liên hệ nhân quả (cause-effect relationship).  Địa phương có chỉ số phát triển kinh tế cao thường có chỉ số năng lực công nghệ cao, nhưng điều đó không có nghĩa là năng lực công nghệ là nguyên nhân phát triển kinh tế (hay ngược lại).  Có thể địa phương có thu nhập cao và chịu đầu tư vào khoa học và công nghệ, nhưng cũng có thể gia tăng đầu tư vào công nghệ thúc đẩy phát triển kinh tế. Trong thực tế, rất khó mà phân biệt được con gà hay quả trứng có trước, và phân tích thống kê không cho phép một suy luận nhân quả. Dựa vào dữ liệu hiện nay, chúng ta chỉ có thể phát biểu rằng có một mối tương tác giữa phát triển kinh tế và năng lực công nghệ, nhưng kết quả phân tích không cho chúng ta biết cái nào là động lực và cái nào là hệ quả.
Liên quan đến phát biểu của ông nghị Trần Tiến Cảnh (“Các nước có chỉ số IQ cao đều xây đường sắt cao tốc”) ông giả định rằng có một mối liên hệ nhân quả giữa IQ và có đường sắt, tức là, nước nào có IQ cao thì nước đó cũng có đường sắt – đó là giả định của ông nghị.  Nói một cách mô hình học, ông muốn nói rằng:
Đường sắt = a + b*IQ
Trong đó, a b là hai thông số, mà chắc chẳng có ai ước tính được.  (Nhưng chúng ta viết ra để dễ hình dung sự vô lí của lập luận).  Nhưng rất tiếc ông không giải thích tại sao IQ có liên quan gì đến khả năng làm đường sắt.  Mà, chắc ông cũng chẳng có dữ liệu, thậm chí ông không biết ông nói cái gì.  Có người chỉ ra rằng những nước như Đan Mạch, Úc, Canada, v.v… có cùng chỉ số IQ như Pháp, Đức, hay Nga, nhưng họ không cần ĐSCT.  Người Ấn Độ hoặc Pakistani chắc chắn có chỉ số IQ bằng hoặc cao hơn người Tàu, nhưng Ấn Độ cũng không có ĐSCT.  Chỉ những sự thật đơn giản đó cũng đủ “đánh ngã” cái giả định vô duyên của ông nghị.  Nhưng hãy cho rằng mối liên hệ giữa IQ và đường sắt có phần bất định, tức là những nước tôi vừa kể không thể giải thích bằng mô hình trên, có lẽ do “sai số” e, như: Đường sắt = a + b*IQ + e.  Bởi vì có e, tức là có bất định, nên câu hỏi bây giờ đặt ra là chỉ IQ giải thích bao nhiêu phần trăm số con đường sắt cao tốc trên thế giới?  Không có con số nào cả.  Vì không có con số nên chúng ta chỉ có thể kết luận rằng suy luận và giả định của ông nghị chẳng có logic gì cả, và hoàn toàn tùy tiện.  Nói một cách dân giả hơn là “lố bịch”.
Biểu đồ phân phối IQ giữa các sắc dân (Đông Á - East Asian, người da trắng - Caucasian, người Hispanic như Mễ Tây Cơ, và người da đen - Black). Trục hoành là chỉ số IQ, trục tung là tần số tương đối (relative frequency). Ông nghị Trần Tiến Cảnh diễn giải được biểu đồ này không? Nếu diễn giải được thì chắc sẽ không nói về IQ và đường sắt cao tốc, và sẽ hối hận về câu nói của mình; nếu không diễn giải được thì Quốc hội có thể bỏ qua ý kiến của ông ấy.  (nguồn: Data from "Richard Lynn and Tatu Vanhanen (2006). IQ and Global Inequality. Washington Summit Publishers: Augusta, GA)

Ông nghị này lí giải rằng ông nói như thế là một cách tôn vinh người Việt Nam, vì theo ông “Việt Nam ta cũng có IQ cao thì ta cũng làm ĐSCT”.  Thật hiếm thấy một người làm chính trị nào mà tự cao cho rằng dân tộc mình có IQ cao.  Nhưng như nói trên, chúng ta chẳng có bằng chứng nào để nói rằng người Việt có IQ cao (cao hơn ai?)  Thật ra, nếu IQ là một thước đo của sự thông minh, thì tôi lại thấy ông nghị chẳng tôn vinh gì cả, mà làm cho chúng ta thêm thấy nhục.  Nếu chúng ta thông minh thì tại sao nước Việt Nam bây giờ vẫn còn là một trong những nước nghèo nhất thế giới, chúng ta chẳng làm ra sản phẩm tri thức gì đáng kể (đến cái bù lon và cây kim còn phải nhập cảng), tại sao tình trạng khoa học của nước ta vẫn lẹt đẹt theo sau Thái Lan (một nước chưa bao giờ tự hào nói hơn ai), tại sao trong khi Trung Quốc làm chủ được một phần công nghệ đường cao tốc còn ta thì phải lệ thuộc 100% vào nước ngoài, tại sao phụ nữ ta đi làm vợ (thậm chí làm điếm) cho mấy tên đàn ông ngoại bang, tại sao chúng ta phải lang thang khắp thế giới làm thuê để có khi bị chết thảm, v.v… Còn rất nhiều câu hỏi tại sao như thế.  Đừng đổ lỗi cho chiến tranh, vì chiến tranh đã chấm dứt 35 năm rồi, một thời gian đủ để một Hàn Quốc vươn lên thành cường quốc như ngày nay.  Chẳng lẽ thông minh là cách học sinh phải đu dây sang sông mà có người nói là “sáng kiến bất ngờ”?  Có IQ cao mà thấp kém như vậy, thử hỏi ai dám tự hào.
Đại biểu QH Trần Tiến Cảnh đang phát biểu.  Ảnh VNN
Thật khó tưởng tượng nổi một người có bằng đại học và phục vụ trong ủy ban khoa học của Quốc hội mà nói chuyện cứ như là đùa dai.   Ông nói rằng đã từng ra nước ngoài và thấy đường sắt cao tốc tiện cho học trò đi học, các bà nội trợ đi chợ.   Chẳng biết ông đi ra nước nào mà học sinh đi học bằng xe điện đường sắt cao tốc.  Một cái vé ĐSCT cao gấp 5-10 lần vé xe điện thường, thì có học sinh nào có đủ tiền để hàng ngày đi học, hay bà nội trợ nào đi chợ bằng ĐSCT.  Tôi cũng có vài lần đi Nhật và Pháp, và không thấy học sinh nào đi học bằng ĐSCT cả.  Thỉnh thoảng chắc cũng có học sinh đi, nhưng khả năng cao là họ đi tham quan gì đó, chứ làm gì đi học hàng ngày.  Ông nghị này hoặc là nói không thật (dóc), hoặc là nói ẩu cho có chuyện, hoặc là ra ngoài chỉ đi shopping đánh quả chứ chẳng có tham quan gì cả.
Trong danh sách về ngụy biện và sai lầm logic, không có mục nào dành cho cách ví von của ông.  Có lẽ cần phải thêm một mục mới: “Trần Tiến Cảnh fallacy” (ngụy biển kiểu Trần Tiến Cảnh).
NVT

VIỆT NAM YÊU DẤU