Ai cũng có quyền tự do quan niệm và tự do phát biểu quan điểm; quyền này bao gồm quyền không bị ai can thiệp vì những quan niệm của mình, và quyền tìm kiếm, tiếp nhận cùng phổ biến tin tức và ý kiến bằng mọi phương tiện truyền thông không kể biên giới quốc gia. - Điều 19, Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền

30/9/10

Trong giáo dục, dùng quyền lực là tối kị

TP - Giáo sư Hồ Ngọc Đại, cha đẻ của mô hình giáo dục thực nghiệm, người từng từ chối chức vụ Thứ trưởng Bộ Giáo dục để về dạy học sinh tiểu học cho rằng, trong giáo dục, áp đặt, cưỡng bức là điều tối kỵ.
Gs Hồ Ngọc Đại
Gs Hồ Ngọc Đại.

Trong cuộc trao đổi với PV Tiền Phong, Giáo sư Hồ Ngọc Đại cho rằng, nền giáo dục hiện nay rất hỗn tạp. “Có thể hình dung nền giáo dục như thế này: Người ta ghép tất cả những gì đẹp nhất của mỗi thứ và tưởng đó là con người hiện đại, toàn diện. Nhưng không phải. Con công có bộ lông đuôi đẹp nhưng bộ lông đuôi đó chỉ khoác lên con công mới đẹp chứ nếu khoác bộ lông ấy lên con gà thì lại thành ra một con vật kỳ quái. Điều này cho thấy tư duy giáo dục không đến đầu đến đũa của những người làm giáo dục”- ông nói.
Nền tảng 5% cho 100%
Theo dõi toàn bộ quá trình phát triển của nền giáo dục hiện đại, Giáo sư thấy tình trạng này bắt đầu từ khi nào?
Bắt đầu từ những năm 60 của thế kỷ trước, khi chúng ta bắt đầu chuẩn bị cuộc cải cách giáo dục. Thời điểm đó, người ta muốn thay thế nền giáo dục bằng một nền giáo dục khác với đầy ảo tưởng. Hồi đó Thủ tướng Phạm Văn Đồng mời tôi đến hỏi về cuộc cải cách giáo dục như thế nào. Tôi trả lời ngay: “Sẽ thất bại”.
Tôi nêu lý do: Đề án cải cách giáo dục này viết cho 20 năm, trong điều kiện chiến tranh (từ đầu những năm 60 đến cuối những năm 70). Bây giờ chúng ta phải chuẩn bị cho nền giáo dục của hoà bình. Trong khi đó, không có một chữ nào đề cập đến lớp thanh niên vừa từ chiến trường trở về. Tư duy cũ không tính đến cái “bình” trong thời bình mà chỉ “nống” những cái cũ lên, và tưởng nó đúng. Cái nhà 5 gian 2 chái, cơi nới thành nhà 7 tầng thì ta hình dung nó thế nào?
Cái “bình” đó là gì?
Cho đến nay, nền giáo dục chúng ta vẫn là nền giáo dục cũ, hay nói cụ thể hơn là nền giáo dục cho 5% dân cư. Do đó, giáo dục gây cảm giác là cao sang, xa vời. Đi học là để leo lên tầng lớp khác. Bây giờ 100% dân cư đi học, họ lại đem cái nền giáo dục phục vụ 5% để phân phát cho 100%. Vì vậy, phải chuyển nền tảng giáo dục cho 5% dân cư sang nền giáo dục cho 100% dân cư.
Chiến lược về nền giáo dục hiện đại dông dài, ly kỳ, khó hiểu. Thật ra, Đảng, Nhà nước cần lo 4 chữ: Ai cũng được học. Chúng tôi, những nhà chuyên môn lo 4 chữ: Ai cũng học được. Được học nhưng học không được thì học làm gì. Những chữ của tôi có nghĩa “học gì được nấy, học đâu ra đấy”. Học như ăn cơm, uống nước, hít thở không khí hằng ngày. Người ta nói học để chuẩn bị cho tương lai, còn khẩu hiệu của tôi là học để sống bình thường, ngay cuộc sống ngày hôm nay, vì hạnh phúc ngay ngày hôm nay.
U mê quyền lực
Điều gì khiến cho nền giáo dục chúng ta mãi vẫn chưa thoát khỏi tình trạng như Giáo sư vừa nói?
Vì chúng ta chưa ra khỏi u mê quyền lực. Ở ta, cứ quan là phải hơn dân. Nhưng trên thực tế, quan chắc gì đã bằng dân? Phải hiểu rằng, trong giáo dục không bao giờ nên dùng quyền lực. Có thể nói, đây là lĩnh vực tối kỵ về quyền lực.
U mê quyền lực, theo Giáo sư, là gì?
Đó là mọi sự đều được áp đặt. Thầy bắt trò phải theo cái có sẵn của mình. Tôi cũng đưa ra cho học trò cái có sẵn, nhưng tôi không bắt học trò chấp nhận cái có sẵn đó. Nền giáo dục hiện nay tôi ví như cái cày chìa vôi (cày trâu kéo), còn nền giáo dục của tôi như cái máy cày.
Giáo sư có đề cập đến khái niệm “tư duy dự án” trong giáo dục...
Tư duy đó là tư duy giải ngân, không vì lợi ích cơ bản của trẻ em. Trẻ em rất nhạy cảm, người lớn chỉ làm cái gì không vì lợi ích của chúng, chúng sẽ mất lòng tin ngay. Không đánh lừa được trẻ em đâu. Chúng ta đang đánh mất lòng tin đối với lứa học sinh nhỏ tuổi. Mà mất lòng tin là mất tất cả.
Vậy cuộc cách mạng trong giáo dục nên bắt đầu từ khâu nào để tạo bước đột phá?
"Phải hiểu rằng, trong giáo dục không bao giờ nên dùng quyền lực. Có thể nói, đây là lĩnh vực tối kỵ về áp đặt, cưỡng bức"
Nên làm từ đầu. Nhưng chọn lớp 1 và đại học. Vì sao lại chọn lớp 1 và đại học? Vì 2 đối tượng này tương đối độc lập. Tôi đưa ra 2 khẩu hiệu đơn giản: Tiểu học thuần Việt, đại học phải hội nhập. Tiểu học là cơ hội cuối cùng để giữ bản sắc dân tộc và là cơ hội đầu tiên tiếp cận với nền văn minh hiện đại. Ở lớp 1, khoa học xã hội là của Việt Nam, khoa học tự nhiên nên “nhập khẩu” của thế giới.
Mỗi năm có 2 triệu trẻ bước vào lớp 1. Tức là có 4 triệu cha mẹ và có thêm hàng chục triệu người thân, từ anh chị em, ông bà cô dì chú bác nội ngoại. Nếu nhà trường dạy tốt, cả ba họ đứa trẻ hạnh phúc. Gia đình yên ấm thì xã hội mới yên lành.
Có vẻ điều Giáo sư đang nói chỉ chú trọng vào chuyên môn, trong khi còn bao nhiêu yếu tố ảnh hưởng đến giáo dục, từ đội ngũ thầy cô giáo, cơ sở vật chất, đạo đức trong nhà trường...?
Có đến đâu ta làm đến đó, không nên ảo tưởng. Từ xưa đến nay chúng ta đã “nống” vấn đề lên, đầy ảo tưởng. Chương trình dạy tiếng Việt, dạy Toán lớp 1 của tôi không tốn một xu, trong khi các dự án cải cách giáo dục tốn không biết bao nhiêu tiền. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý phải có cái lõi mới làm được. Cái lõi ấy là chuyên môn. Phải có chuyên môn mới làm được.
Từ chối làm thứ trưởng
Nghe nói Giáo sư từng từ chối chức thứ trưởng Bộ Giáo dục?
Đầu những năm 80, anh Bùi Thanh Khiết, hồi đó là Trưởng ban Khoa giáo T.Ư có ý mời tôi làm Thứ trưởng Giáo dục. Tôi nói với anh Khiết: “Làm thứ trưởng ở đất nước này giỏi hơn tôi không hàng nghìn thì cũng hàng trăm. Nhưng làm việc tôi đang làm thì không mấy người giỏi hơn”. Ông Tố Hữu cũng từng thuyết phục tôi giữ chức vụ này. Sau đó, tôi đề xuất Phạm Minh Hạc nhận chức vụ định giao cho tôi.
Một ngày tháng 10-1990, tôi đi làm về chừng 5 giờ chiều, người nhà nói bác Sáu Thọ (ông Lê Đức Thọ - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tổ chức T.Ư) đang ở trong Bệnh viện 108, rất muốn gặp tôi. Bác Thọ nhắc lại: “Hồi ấy đang là thời điểm giữa 2 kỳ đại hội, cháu phải ngồi chờ ở ghế thứ trưởng. Sau đó, cháu sẽ vào Trung ương rồi Bộ trưởng Giáo dục hoặc Thị trưởng Hà Nội”. Tôi trả lời ngay: “Cả hai việc đó cháu đều không làm và có nhiều người làm tốt hơn cháu. Cứ để cháu làm công việc chuyên môn hiện tại”.
Bấy giờ bác Thọ nói với tôi: “Cả đời bác làm công tác tổ chức Đảng. Cháu là người duy nhất bác không thuyết phục nổi, nhưng cháu cũng sai”. Rồi cụ mất không lâu sau đó. Và tôi vẫn làm công việc giáo dục tiểu học cho đến bây giờ.
Mô hình thực nghiệm của Giáo sư phát triển như thế nào?
Đã có lúc mô hình này có mặt ở 43 tỉnh, thành phố. Mô hình này được các thế hệ lãnh đạo ngành giáo dục trước đây ủng hộ. Nhưng hiện nay, mô hình coi như bị phủ nhận.
Vậy nguyên tắc mô hình giáo dục thực nghiệm của Giáo sư là gì?
Đó là thầy không giảng, trò không cần cố gắng. Mới nghe, nguyên tắc này rất khó chấp nhận. Không giảng nghĩa là không áp đặt ý chủ quan của người thầy. Ngay từ lớp 1, trẻ đã phải tự học. Trẻ em học mà không cần cho điểm, đánh giá bởi người khác, không cần ganh đua hơn kém nhau, mà từng em thi đua với chính bản thân mình.
Muốn có được cuộc “thi đua” thực sự lành mạnh đó, người thầy phải hiểu biết trẻ em. Trẻ phải cảm nhận đi học là hạnh phúc. Chúng được học trong môi trường mà từng cá nhân được tôn trọng. Cho nên, những lứa học sinh qua đào tạo theo mô hình thực nghiệm rất có nhân cách, tự tin trong cuộc sống.
Hải Hà - Hà Nhân (thực hiện)
 Nguồn: Tiền phong

VIỆT NAM YÊU DẤU