Ai cũng có quyền tự do quan niệm và tự do phát biểu quan điểm; quyền này bao gồm quyền không bị ai can thiệp vì những quan niệm của mình, và quyền tìm kiếm, tiếp nhận cùng phổ biến tin tức và ý kiến bằng mọi phương tiện truyền thông không kể biên giới quốc gia. - Điều 19, Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền

27/9/10

Nói về cái sai của một câu ca dao

Nhà văn Hoàng Tiến

 Gần đại lễ 1000 năm Thăng Long, trên tivi và báo, đài, thường nhắc đến câu ca dao với niềm tự hào:
    Chẳng thơm cũng thể hoa nhài,
Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An.
 

Người Tràng An ở câu ca dao này tức để chỉ người Thăng Long, người Đông Đô, người Hà Nội đấy, với niềm kiêu hãnh vẻ đẹp thanh lịch truyền thống của mình.
Có biết đâu nói như thế là rất sai lầm.

Sai lầm thứ nhất: Trong lịch sử nước nhà chưa bao giờ vùng đất này có tên gọi Tràng An. Ta hãy điểm qua những tên gọi trước Thăng Long và sau Thăng Long.
• Trước Thăng Long: Thành Tống Bình, thành Long Đỗ, thành Đại la.
• Sau Thăng Long: Thành Đông Đô (thời nhà Hồ), thành Đông Quan (thời thuộc Minh), thành Đông Kinh (thời nhà Lê), thành Hà Nội (thời nhà Nguyễn).
Tràng An là tên gọi của kinh đô Trung Quốc các đời nhà Chu, nhà Tần, nhà Hán, nhà Đường. Tràng An nổi tiếng trong đời nhà Đường về quy mô xây dựng và thú ăn chơi. Nhà Đường đô hộ nước ta, chia đất Giao Châu ra làm 12 châu, 79 huyện, đặt chức quan cai trị gọi An Nam đô hộ phủ dinh thự xây trên đất Đại La thành. Mười hai châu là:
1. Giao Châu         có 8 huyện              7. Chi Châu           có 7 huyện
2. Lục Châu           có 3 huyện             8. Võ Nga Châu     có 7 huyện
3. Phúc Lộc Châu  có 3 huyện             9. Võ An Châu      có 3 huyện
4. Phong Châu       có 3 huyện            10. Ái Châu            có 6 huyện
5. Thang Châu       có 3 huyện             11. Hoan Châu      có 4 huyện
6. Trường Châu     có 4 huyện             12. Diễn Châu       có 7 huyện.
Phía tây bắc Giao Châu, gồm những bộ tộc miền núi, đặt một châu nữa gọi Man Châu, coi như một huyện lớn. Lệ cứ hàng năm phải triều cống vua nhà Đường. (Việt Nam sử lược. Trần Trọng Kim. Trang 63)
Vậy hà cớ gì người Hà Nội lại tự nhận mình là người của Trung Quốc đời Đường(?) Nhận lầm thế, rõ ra là người không học, không biết sử nước nhà (!).
Danh từ riêng Tràng An ở nước ta chỉ có từ khi vua Lý Thái tổ dời đô đến Đại La thành. “Thái tổ lấy cớ có điềm trông thấy rồng vàng hiện ra, bèn đổi Đại La thành là Thăng Long thành, tức là thành Hà Nội bây giờ. Cải Hoa Lư làm Trường An phủ, và Cổ Pháp là Thiên Đức phủ.” (Việt Nam sử lược. Trần Trọng Kim. Trang 97)
Vậy Trường An, hay Tràng An, hay Trường Yên là tên gọi mới của đất Hoa Lư từ khi vua Lý dựng Thăng Long thành. Nó chưa bao giờ được coi là kinh đô cả. Nó chỉ là kinh đô xa xưa của người Tàu. Người Tàu có thể vỗ ngực tự nhận là người Tràng An với niềm kiêu hãnh của họ, chứ người Việt không ai lại điên loạn đến mức vong quốc nô hợm mình là người Tàu Tràng An, quên béng đi cái gốc chủng tộc Việt của mình.


Sai lầm thứ hai: Xét về nội dung hai câu ca dao. Câu lục ghi: “Chẳng thơm cũng thể hoa nhài.”  Hoa nhài là thứ hoa bị người đời coi thường, không bao giờ được mang cúng lễ. Dù cúng Phật, cúng thần linh, hay cúng tổ tiên các ngày húy kỵ, không ai dám bày lên ban thờ cái thứ hoa nhài. Nó là một loài hoa thơm, nồng độ mạnh, rất quyến rũ. Người đời gọi nó là hoa con đĩ. Rồi lưu truyền đời này qua đời khác, nó thành thứ hoa không đáng quí trọng trong ý niệm. Có thể là oan cho một loài hoa, nhưng biết làm sao được, tâm lý người đời xếp hạng thế, tâm linh con người mách bảo thế. Cho nên tự ví mình với loài hoa nhài, thì hỏi có gì là đáng tự hào, kiêu hãnh, trong tâm thức của người đời (?!).
Câu bát nối theo: “Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An”. Không thanh lịch tức là bất lịch sự, thiếu văn hóa, vô lễ, ăn tục nói phét, khạc nhổ bừa bãi, vung chân múa tay, áo quần xộc xệch …. Từ điển tiếng Việt định nghĩa thanh lịch là thanh nhã và lịch sự.
Đã thiếu thanh nhã và bất lịch sự mà còn tự hào là người Tràng An (với nghĩa kinh đô, thủ đô của một nước), thì chỉ là loại người vô học, kiểu anh chị nơi đầu ô bến bãi, ngà ngà say, vỗ ngực trước đám đông, nói phun bọt mép: cái vứt đi của người thành thị chúng tao còn hơn chán vạn cái hay ho của bọn nhà quê chúng mày.
Đấy quyết không phải là nét ứng xử thanh lịch của người Thăng Long-Hà Nội.
Người Hà Nội, người Thăng Long, không có cái tự hào lố bịch kiểu ấy.
Một câu ca dao bôi bác như thế, mà sao báo, đài và tivi lại cứ vống lên coi như giá trị văn hóa ứng xử tuyệt vời của Thăng Long-Hà Nội xưa nay. Một nhầm lẫn quá chừng! Từ nay nên bỏ.
 Đất thiêng Thăng Long, tháng 9/2010

Địa chỉ:   Nhà A 11  Phòng 420
               Thanh Xuân Bắc – Hà Nội.
Điện thoại:   0936.802.801

Nguồn: trannhuong.com 


Để hiểu hai câu ca dao về người Hà Nội 
Nhà văn Nguyễn Hồng Thái


 
Đài Truyền hình Hà Nội trong chương trình tối 5/9 có phát buổi trò chuyện của nhà thơ Vũ Quần Phương, Giáo sư Sử học Lê Văn Lan và PGS.TS Văn học Nguyễn Hữu Sơn về câu chuyện văn hóa – lịch sử hướng tới 1000 năm Thăng Long – Hà Nội. Tôi đặc biệt chú ý theo dõi câu chuyện mà 3 ông đã phân tích khá kỹ về ý nghĩa, nội dung hai câu ca dao viết về Hà Nội “Chẳng thơm cũng thể hoa nhài. Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An”… Tôi nhớ, Giáo sư Lê Văn Lan trong phần tạm kết luận đã cho biết, câu ca dao này được tìm thấy trong thơ của Nguyễn Công Trứ (thế kỷ XIX). Từ đó có thể giả định, hoặc người Tràng An – Hà Nội xưa bị ảnh hưởng từ câu thơ trên của nhà thơ Nguyễn Công Trứ rồi dẫn theo để tự hào về truyền thống thanh lịch của mình. Hoặc cũng có thể chính Nguyễn Công Trứ đã ảnh hưởng từ câu ca dao của người Hà Nội xưa rồi hấp thụ vào thơ mình như một lẽ tự nhiên. Cũng tại buổi trò chuyện đó, khi giải nghĩa về hai câu ca dao trên, cả ba học giả đều thống nhất cách hiểu, đại ý là: “Người Hà Nội tự hào về truyền thống thanh lịch của đất ngàn năm văn hiến”.
Cách giải nghĩa trên cũng dường như trùng khớp với cách hiểu truyền thống lâu nay. Thậm chí, trên một đài truyền hình địa phương, cách hiểu “người Hà Nội tự hào về truyền thống thanh lịch” được thừa nhận như một lẽ tất yếu, không cần bàn cãi. Tôi nhớ trong một cuộc thi tìm hiểu về lịch sử, văn hóa nhân 30 năm giải phóng Thủ đô, đáp án của hai câu ca dao nói trên cũng được mặc nhiên hiểu như vậy. Có lẽ do nhiều năm được hiểu như thế, nên lâu nay quả là ít thấy các nhà nghiên cứu phân tích kỹ hai câu ca dao trên về ngữ pháp, về nguồn gốc, về ngữ nghĩa một cách thỏa đáng để bạn đọc hiểu sâu sắc và tin cậy về nội dung, ý nghĩa gốc của hai câu thơ này.
Riêng tôi, là một người ngoại tỉnh, mới được sống và tiếp xúc với Hà Nội và người Hà Nội khoảng 30 năm nay, càng ngày tôi càng thấy băn khoăn về cách giải nghĩa hai câu ca dao ấy. Càng tiếp xúc với người Hà Nội, nhất là các cụ thuộc thế hệ “gốc” Thủ đô sinh ra và lớn lên trước những năm 30-40 của thế kỷ trước, tôi càng khâm phục cách ứng xử hết sức văn hóa, nét thanh lịch của họ trong dáng người, nết ăn, nết ở, nết giao tiếp với khách thập phương. Có cụ tầm 80, 90 tuổi khi nghe lớp thanh niên chúng tôi tới thăm nhà chào hỏi, các cụ thường nhìn lớp trẻ chúng tôi trả lời “không dám!” làm chúng tôi ngượng chín cả mặt
Có thể nói, những người ở vùng đất được vua Lý Thái Tổ chọn để định đô (1010), nhưng trước đó đã là thế đất của “rồng cuộn hổ ngồi”, “dân cư không khổ vì ngập lụt”, “cây cối tốt tươi”, đất có hồ Hoàn Kiếm, có Hồ Tây với sông Hồng uốn lượn bao quanh, với làng lúa làng hoa, bầy sâm cầm nhỏ… Khí thiêng vùng đất ấy dường như đã thấm sâu vào lối sống, phong cách ứng xử của người Đại La xưa, trước cả thời điểm Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư (Ninh Bình) ra Thăng Long… Tôi nghĩ, người có văn hóa, thanh lịch như thế thật khó tự vỗ ngực mình để thốt ra một câu được coi là khá ngạo mạn: “Chẳng thơm cũng thể hoa nhài. Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An”.
Mặt khác, nếu phân tích hai câu ca dao trên về mặt văn phạm và ngữ pháp, có lẽ thật khó đồng tình với cách hiểu “người Hà Nội tự hào về truyền thống thanh lịch”. Bởi cứ theo văn phạm mà suy, câu thứ 1: “Chẳng thơm cũng thể hoa nhài”. Ô kìa, sao lại thế được? Hoa nhài phải là thơm, nếu không thơm thì không phải là hoa nhài chứ?  Còn câu thứ 2: “Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An”, thì quả là vô lý quá. Người Tràng An (Hà Nội) là thanh lịch, nếu không thanh lịch sẽ không phải người Tràng An mới phải. Sao người Tràng An lại “vỗ ngực” nói một câu phản lại chính truyền thống thanh lịch của mình như vậy. Người đã mang tiếng là có văn hóa, thanh lịch sao có thể nói vô lý, ngỗ ngược khiến người nghe cảm thấy bị xúc phạm? Nếu cần có đôi câu ca dao để tự khen về truyền thống thanh lịch, tôi tin người Hà Nội thừa sự lịch lãm và khiêm nhường để sáng tạo một cách nói văn chương hơn, mềm mại hơn nhiều…
Vì thế, tôi nghĩ phải tìm một cách tiếp cận khác hai câu ca dao trên. Cách tiếp cận mới phải dựa trên văn bản, dựa trên truyền thống văn hóa, yếu tố lịch sử, thời điểm ra đời của hai câu thơ trên. Phải trả lời được câu hỏi địa danh Tràng An là đâu, có phải là Hà Nội không? Còn hoa nhài được hiểu theo nghĩa đen hay nghĩa bóng? Nếu giải thích được rành mạch câu hỏi ấy, sẽ cho tiền đề để hiểu ai là chủ nhân của hai câu thơ này. Người Hà Nội hay người nơi khác?
Vì thế, có một giả thuyết mới cho rằng, “tác giả” của hai câu ca dao trên là người Tràng An (tức Trường Yên, Hoa Lư, Ninh Bình). Hình tượng hoa nhài được hiểu sâu xa là thuộc tầng lớp trên, nguồn gốc quyền quý. Theo “Đại Việt sử ký toàn thư” (Tập 1, NXB KHXH-1983), trong phần nói về vua Lý Thái Tổ dời đô đã viết rằng: “Vua thấy thành Hoa Lư ẩm thấp chật hẹp, không đủ làm chỗ của đế vương, muốn dời đi nơi khác”.
Như vậy, có thể thấy, động Hoa Lư do Đinh Tiên Hoàng chọn làm Kinh đô năm 968 vốn là vùng đất ẩm thấp, chật hẹp, vì thế những người dân sống ở vùng đất ấy thật khó để được sống hào hoa và thanh lịch. Cả khi Lý Thái Tổ lên ngôi vua ở Hoa Lư, cư dân ở gần Vua cũng không thể thoát nhanh ra khỏi sự lam lũ để sống theo phong cách thanh lịch.
Trong khi đó, theo “Đại Việt sử ký toàn thư”, trong Chiếu dời đô, Lý Thái Tổ đã nói về vùng đất mới thành Đại La như thế này: “Huống chi thành Đại La đô cũ của Cao Vương, ở giữa khu vực trời đất, được thế rồng cuộn hổ ngồi, chính giữa Nam Bắc Đông Tây, tiện nghi núi sông sau trước. Vùng này mặt đất rộng mà bằng phẳng, thế đất cao mà sáng sủa, dân cư không khổ thấp trũng tối tăm, muôn vật hết sức tươi tốt, phồn thịnh. Xem khắp nước Việt đó là nơi thắng địa, thực là chỗ tụ hội quan yếu của bốn phương, đúng là nơi thượng đô kinh sư muôn đời”.
Như vậy, trước khi trở thành Kinh đô Thăng Long, với thế đất, khí thiêng của vùng đất Đại La như thế, không ai có thể nghi ngờ về điều kiện sống hết sức thuận lợi của những người dân ở đây, vì thế mà họ có được hưởng chút an nhàn, thanh lịch trong ứng xử với môi trường sống cũng là điều dễ hiểu. Nói một cách khác, cư dân Đại La đã là người thanh lịch, sang trọng, đẹp người, đẹp nết trước khi Lý Thái Tổ dời đô ra đây. Phải chăng, có một giả thuyết rằng, khi Lý Thái Tổ dời đô ra Thăng Long dẫn theo cả triều đình và một bộ phận cư dân tinh tuý nhất từ Hoa Lư chạm vào đất Đại La, ngay từ đầu đã gặp sự quan sát, so sánh, đánh giá của cư dân Thăng Long.
Rất có thể người dân Đại La khi nhìn vào phong thái của người Hoa Lư (Ninh Bình) mới đặt chân đến đã đưa ra những bình phẩm hoặc chê bai nhẹ nhàng như không “hào hoa”, không “thanh lịch” chẳng hạn. (Sống ở vùng núi đá của Trường Yên, làm sao có điều kiện thuận lợi để ăn sung mặc sướng, làm sao có không khí thời tiết thuận lợi mà sáng đẹp màu da…?).
Vì thế mà rất có thể người Hoa Lư đã phản ứng bằng câu “Chẳng thơm cũng thể hoa nhài. Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An”. Câu này theo cách hiểu trong dân gian có thể là: Chúng tôi không sang trọng như các vị, nhưng dẫu sao chúng tôi cũng thuộc dòng dõi cao sang của vua Lý Thái Tổ (Hoa nhài được hiểu là dòng dõi quyền quý, dân của Vua). Chúng tôi không thanh lịch, nhưng dẫu sao chúng tôi cũng thuộc người Tràng An, người của Kinh đô cũ, người của Vua (Cũng theo “Đại Việt sử ký toàn thư” vào tháng 7/1010, sau khi “hành quân” ra Đại La đặt Kinh đô mới là Thăng Long, Vua đã đổi tên thành Hoa Lư là phủ Trường Yên. Trường Yên được hiểu là Tràng An).
Tôi có gọi điện cho nhà thơ Vũ Quần Phương trình bày ý tưởng của mình. Nhà thơ Vũ Quần Phương đã đồng tình với giả thuyết của tôi vừa nêu ở trên. Ông bảo “Cách tiếp cận của Thái là gần chân lý. Trong buổi trò chuyện ở Truyền hình Hà Nội, chúng tôi cũng đưa ra giả thuyết này. Nhưng không hiểu sao, Đài Truyền hình Hà Nội lại cắt mất…”.
Tôi bỗng nghĩ, nếu giả thuyết này là đúng càng tôn vinh vẻ đẹp hào hoa, thanh lịch của người Hà Nội, góp phần “giải oan” cho người Hà Nội bị hiểu nhầm bấy lâu nay. Đây cũng chỉ là một suy nghĩ, rất mong được sự góp ý của các nhà sử học, các nhà nghiên cứu văn hóa và bạn đọc gần xa.
Nguồn: Báo CAND ra ngày 22-9-2010

Đi tìm nguồn cội một câu ca
Đỗ Ngọc Yên

Câu ca dao “Chẳng thơm cũng thể hoa nhài/ Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An” gồm hai vế và có thể được hiểu là thơm như hoa nhài và thanh lịch như người Tràng An. Hai vế ấy đặt cạnh nhau cho phép người ta suy ra đức tính thanh lịch của người Tràng An được ví như hương thơm của hoa nhài. Và cũng còn một cách hiểu khác nữa là người Tràng An ắt phải thanh lịch, cũng như hoa nhài ắt phải thơm, như một lẽ tự nhiên. 
 Lần tìm, truy nguyên nghĩa của cụm từ Tràng An, có nhiều cách giải thích khác nhau. Tràng An hay Trường An vốn là tên kinh đô của hai triều đại phong kiến thịnh trị vào bậc nhất Trung Quốc: Triều đại Tiền Hán từ năm 206 trước Công nguyên đến năm thứ 8 sau Công nguyên và triều đại nhà Đường từ năm 618 đến năm 907 đều thuộc vùng Tây An. Cụm từ trên vừa có nghĩa chỉ một vùng đất cố đô xưa của Trung Quốc, vừa có nghĩa chỉ tính chất muôn đời bình yên của các triều đại ấy. Từ “Tràng” ở đây chỉ là cách nói chệch và viết chệch của từ “Trường”. Tương tự như vậy, từ “An” cũng là cách nói chệch và viết chệc của từ “Yên” mà thôi. Trong trường hợp này, sự nói chệch và viết chệch của hai từ trên đều vẫn giữ nguyên ý nghĩa. Với nghĩa danh từ, thì Tràng An là một cụm từ ghép cố định, chỉ một địa danh. Còn với nghĩa tính từ thì Tràng An là cụm từ ghép không cố định, gồm hai tính từ độc lập: “tràng” có nghĩa là dài, lâu bền, còn “an” có nghĩa là bình yên, an lành. Ghép hai tính từ ấy lại cho ta một cụm từ có nghĩa kép là sự bình yên lâu dài.
Tuy nhiên cho đến nay, phần lớn người dân Việt Nam ta, chủ yếu là người Hà Nội, thường hiểu hai từ “Tràng An” như là cụm từ dùng để chỉ thủ đô Hà Nội. Về khía cạnh lịch sử thì có lẽ lại không hoàn toàn như thế. Từ thế kỷ X, năm 968, Đinh Bộ Lĩnh dẹp xong loạn 12 sứ quân, thu giang sơn về một mối và lên ngôi Hoàng đế, lập ra triều đại nhà Đinh. Cùng với việc đặt tên nước ta là Đại Cồ Việt, vua Đinh Tiên Hoàng lấy Hoa Lư, quê hương của mình làm kinh đô và lấy niên hiệu riêng là Thái Bình, với tư cách là một triều đại độc lập, xưng Đế chứ không chấp nhận xưng Vương và quốc hiệu đô hộ phương Bắc. Từ năm Thái Bình thứ nhất, 976, thuyền buôn của nước ngoài đến kinh đô Hoa Lư dâng sản vật, kết mối giao thương về kinh tế và văn hóa. Từ đó, tinh hoa văn hóa đô thành của Hoa Lư được hình thành và phát triển.

Thế nhưng, người Tràng An “xịn” lại không phải là người Việt Nam, mà là người dân cố đô của hai triều đại nói trên ở bên Trung Hoa cổ đại. Tuy ngày nay có thể họ không còn là người dân thủ đô, nhưng ít ra cũng đã có một thời là người dân kinh đô, tức là “tiền thủ đô” hay còn gọi là người “cố đô”. Đây là cách danh xưng, mang theo niềm kiêu hãnh, tự hào của người cố đô trong văn hóa giao tiếp với muôn dân thiên hạ, khi họ muốn gợi đến những giá trị văn hóa- lịch sử nằm ẩn sâu từ trong cội nguồn, tiềm thức của dân tộc
.
Ngày nay khi đến thăm đền Vua Đinh ở cố đô Hoa Lư, ai cũng có thể thấy trên bức đại tự có ghi hàng chữ: “Chính thống thủy” với nghĩa là Đinh Bộ Lĩnh là người đầu tiên mở ra nền chính thống cho nước Đại Cồ Việt. Hai bên cột giữa có treo câu đối: “Cồ Việt Quốc đương Tống Khai Bảo/ Hoa Lư đô thị Hán Tràng An”, tạm dịch nghĩa là: Nước Đại Cồ Việt ngang hàng với nhà Tống đời Khai Bảo; Hoa Lư là kinh đô Đại Cồ Việt cũng như Tràng An là kinh đô nhà Hán vậy”. Ngay sau khi lên ngôi Hoàng đế, Đinh Tiên Hoàng chọn Hoa Lư làm kinh đô. Kinh đô Hoa Lư xưa rộng khoảng 300 ha, gồm Thành Ngoại, Thành Nội và Thành Nam, được bao quanh bởi hàng loạt núi đá vôi vòng cung, cảnh quan hùng vĩ, khoảng trống giữa các sườn núi được xây kín bằng đất ken gạch, chân thành có gạch bó, đắp cao từ 8 – 10 mét. Khu kinh thành này nằm trọn ở ba thôn thuộc xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình ngày nay.
 Khi đất nước bình yên và phát triển trên vị thế mới, Lý Thái Tổ đã đặt tên cố  đô Hoa Lư là Tràng An và đổi kinh đô Đại La thành Thăng Long. Như vậy địa danh Tràng An thứ 2 trên thế giới chính là Hoa Lư. Sau này có người cho rằng việc Vua Lý Thái Tổ đổi Hoa Lư thành Tràng An là có ý ca ngợi tiền nhân Đinh Tiên Hoàng, vị hoàng đế đầu tiên của nước Việt Nam độc lập.
Trong suốt thời gian trị vì, nơi đây dưới 2 triều đại Đinh và Tiền Lê, kinh đô  Hoa Lư đương nhiên trở thành trung tâm văn hoá, kinh tế và chính trị của cả nước. Thời đó, luật pháp chưa phát triển, kẻ nào ăn cắp thì bị chặt tay, tên nào giết người thì ném cho hổ báo xơi. Suốt gần nửa thế kỷ phồn hoa đô thị, muôn dân trăm họ đã không còn nạn 12 xứ quân hoành hành, không còn nạn ngoại bang phương Bắc xâm lược, mọi người đều được sống trong yên bình và no đủ. Thời ấy kinh đô Hoa Lư thật đẹp, người ta thương yêu, đùm bọc lấy nhau, cư xử lễ nghĩa, không có trộm cắp, cướp bóc, đến mức không nhà nào cần phải khóa cửa cả ban ngày lẫn ban đêm. Cuộc sống diễn ra trong cảnh thanh bình, nên người ta thường ví kinh đô Hoa Lư như kinh thành Trường An hay Tràng An ở phương Bắc. Từ thời ấy, người dân Hoa Lư đã thuộc lòng câu ca: “Chẳng thơm cũng thể hoa nhài/ Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An”.
Ở thủ đô Hà Nội, sau thời kỳ 9 năm kháng chiến chống Pháp, nhân dân ta cùng chung tay xây dựng lại đất nước trong hòa bình. Hà Nội ngày nay và kinh thành Thăng Long xưa mãi vẫn là trung tâm kinh tế, chính trị và văn hóa của cả nước. Người dân thủ đô luôn ý thức rất rõ điều đó và đã tìm ra cho mình một cách ứng xử văn hóa rất đặc trưng, xứng đáng với truyền thống của người Tràng An xưa. Đây cũng là thời kỳ, người dân Hà Nội thi nhau truyền tụng câu ca: “Chẳng thơm cũng thể hoa nhài/ Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An”.
Câu ca trên chỉ nói lên một phẩm chất thanh lịch trong toàn bộ cách ứng xử của người dân kinh đô Hoa Lư xưa và thủ đô Hà Nội ngày nay. Nhưng đấy lại là một phẩm chất tối quan trọng, tạo nên nét đặc trưng, khu biệt trong đời sống văn hóa của người dân kinh đô- thủ đô với các vùng miền khác trong cả nước. Tuy nhiên, trong vài thập kỷ nay, nhất là từ khi nước ta mở cửa nền kinh tế, hội nhập với khu vực và quốc tế, sự giao thương buôn bán, làm ăn với nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế khác nhau, cũng như sự giao lưu văn hóa giữa các vùng miền diễn ra mau lẹ hơn. Ngoài những yếu tố tích cực do sự giao lưu kinh tế và văn hóa mang lại, nhiều cách ứng xử đã dần làm phôi pha đi những nét đẹp thanh lịch vốn có của người dân thủ đô.
Thiết nghĩ, chúng ta đang tiến gần đến đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long- Đông Đô- Hà Nội, mỗi người, dù là sinh ra và lớn lên ở đâu, nếu là người Việt Nam cũng cần biết trân trọng và có trách nhiệm hơn trong việc giữ gìn truyền thống thanh lịch của người dân thủ đô có nghìn năm văn hiến, trong văn hóa ứng xử.
 (Theo Giáo dục thời đại)

Nguồn: nguyentrongtao.org

VIỆT NAM YÊU DẤU