Ai cũng có quyền tự do quan niệm và tự do phát biểu quan điểm; quyền này bao gồm quyền không bị ai can thiệp vì những quan niệm của mình, và quyền tìm kiếm, tiếp nhận cùng phổ biến tin tức và ý kiến bằng mọi phương tiện truyền thông không kể biên giới quốc gia. - Điều 19, Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền

18/3/13

CHẾ ĐỘ ĐIỀU TRA VÀ TẠM GIAM Ở CZECH

Nguồn: Blog Nguyễn Tường Thụy
Ngoài công việc của mình thì tôi còn một chức năng nữa là phiên dịch quốc gia (theo cách gọi của cộng đồng Việt Nam ở Czech hay phiên dịch tòa án theo cách gọi chính thức ở bên này). Với chức năng này tôi đã có mặt nhiều lần trong những cuộc hỏi cung, thẩm vấn giữa cơ quan điều tra của cảnh sát Czech với các phạm nhân người Việt, hoặc ngay tại đồn cảnh sát hoặc trong trại tạm giam, khi việc điều tra chưa kết thúc.
Gần hai chục năm trời, kể từ khi bắt đầu với công việc này cho đến nay thì chưa bao giờ tôi thấy nhân viên điều tra có bất kỳ hành vi nào trái với luật pháp, cho dù những phạm nhân người Việt đã gây ra những tội phạm nghiêm trọng như trồng cần sa, buôn lậu ma túy, đâm chém người thậm chí giết người. Giống như những gì mọi người vẫn thường thấy trong các bộ phim hình sự của Mỹ (hoặc các nước dân chủ khác) thì việc đầu tiên nhân viên điều tra đọc trách nhiệm và quyền lợi của phạm nhân. Một trong những quyền lợi cơ bản và cũng là quyền lợi đầu tiên là phạm nhân được phép lựa chọn luật sư bào chữa cho mình hoặc tòa án có thể phân bố luật sư xã hội và trong trường hợp này, tất cả mọi kinh phí cho luật sư đều do nhà nước chịu trách nhiệm. Phạm nhân có quyền không khai báo nếu không có mặt luật sư của mình và trong trường hợp không diễn đạt được bằng tiếng Czech thì được phép trả lời bằng tiếng mẹ đẻ và phiên dịch sẽ là người trung gian trong những cuộc hỏi cung hoặc tại phiên xử án. Cũng như với luật sư xã hội thì tất cả các kinh phí cho phiên dịch đều do nhà nước thanh toán. Chưa bao giờ tôi gặp cảnh phạm nhân bị cùm tay, chân trong lúc hỏi cung. Nếu phạm nhân là người có thái độ hung hăng thì cuộc hỏi cung sẽ được tiến hành trong phòng có khung sắt ngăn cách nhằm tránh những trường hợp đáng tiếc có thể xảy ra.

Tùy theo yêu cầu hoặc tính chất nghiêm trọng của vụ án mà thời gian hỏi cung có thể kéo dài trong một vài giờ hoặc cả ngày như nguyên tắc là không bao giờ hỏi cung thông tầm và không bao giờ hỏi cung vào các buổi tối, trừ lúc phải tiến hành hỏi cung ngay tại hiện trường, nơi đã xẩy ra vụ án thì dù đêm cũng vẫn phải tiến hành bởi vì luật pháp của Czech chỉ cho phép giữ nghi phạm trong vòng 48 tiếng nếu ủy viên công tố nhà nước không đồng ý cấp lệnh tạm giam. Một nguyên tắc nữa là phạm nhân (hay nghi phạm) phải được đảm bảo quyền lợi được cấp đồ ăn, thức uống 3 lần trong một ngày. Sau mỗi lần hỏi cung thì phạm nhân hoặc luật sư bào chữa của mình được quyền yêu cầu có bản sao biên bản, có đóng dấu và chữ ký của hai bên. Chưa bao giờ tôi thấy nhân viên điều tra từ chối điều này. Thật ra cũng không thể từ chối được vì điều này đã có trong qui định. Trong suốt quá trình điều tra thì luật sư bào chữa có quyền xem hồ sơ bất kỳ lúc nào và có quyền yêu cầu nhân viên điều tra làm copy toàn bộ hồ sơ, kể cả đĩa CD ghi âm hội thoại hay những hình ảnh có liên quan đến phạm nhân được mình bào chữa. Trong thời gian phạm nhân (hoặc nghi phạm) bị tạm giữ trong trại tam giam thì luật sư có quyền đến gặp họ bất cứ lúc nào với điều kiện báo trước thời gian làm việc cho nhân viên điều tra để tránh khả năng trùng lặp nếu thời điểm đó cũng là lúc nhân viên điều tra cần sự có mặt của phạm nhân để hỏi thêm một số vấn đề. Suốt thời gian gặp gỡ giữa luật sư với phạm nhân thì không có bất kỳ nhân viên cảnh sát nào được phép ngồi bên cạnh và nhân viên điều tra cũng không được phépyêu cầu luật sư hay phạm nhân tường thuật lại nội dung cuộc gặp gỡ đó. Tất nhiên, sau những cuộc gặp gỡ, hỏi cung đó thì phạm nhân sẽ bị khám rất kỹ để tránh tình trạng luật sư hay một ai khác lợi dụng cơ hội này để đưa bất kỳ vật dụng gì từ bên ngoài vào.
Trong thời gian tạm giam,  khi chưa thành án thì phạm nhân có quyền được thăm thân với tiêu chuẩn 2 tuần một lần, mỗi lần 90 phút và không quá 4 người trong mỗi lần. Được phép nhận quà từ bên ngoài gửi vào. Thân nhân  hoặc bạn bè có thể gửi tiền cho phạm nhân vào tài khoản riêng của từng người trong trại tạm giam và phạm nhân có thể sử dụng số tiền đó  để mua các đồ dùng cá nhân cần thiết hoặc đồ ăn trong căng tin của trại giam. Phạm nhân được đảm bảo chế độ thuốc men theo bệnh trạng của mình mà không phải thanh toán bất kỳ một đồng tiền túi nào. Nếu phạm nhân không bị xếp ở diện B, tức là diện nghi vấn có thể cung cấp thông tin ra ngoài hoặc nhận tin từ ngoài vào để gây phức tạp thêm cho việc điều tra thì cảnh sát không có quyền có mặt tại các buổi thăm thân đó. Tất nhiên diện B cũng chỉ được giới hạn trong vòng 3 tháng đầu, kể từ khi phạm nhân bị tạm giam.
Nếu nghi phạm được tại ngoại thì sẽ phải có mặt tại sở cảnh sát mỗi khi họ yêu cầu nhưng bao giờ cũng được báo trước ít nhất là 2 tuần và nghi phạm có quyền từ chối thời gian đó và đề nghị vào thời gian khác nếu có lý do chính đáng. Có một lần, khi ngồi tào lao với mấy cậu bạn bên cảnh sát thì tôi có kể cách thức triệu tập của cơ quan công quyền ở Việt Nam, từ dân sự đến cảnh sát về cách triệu tập người, dù rằng người đó không phạm bất kỳ tội gì. Tôi kể rằng ở Việt Nam, cơ quan hành chính gửi giấy hôm trước yêu cầu đương sự phải có mặt ngay trong ngày hôm sau hoặc thậm chí kéo cả đoàn, cả lũ đến khiêng đương sự đi như khiêng lợn làm mấy đứa bò ra cười vì ở Czech thì chuyện đó không thể nào có được vì sẽ bị kiện ngay lập tức. Đồng thời mấy đứa hỏi tôi là các cơ quan công quyền ở Việt Nam chắc không có việc làm, toàn người ngồi chơi xơi nước hay sao  mà có thể triệu tập người nhanh đến mức như vậy? Chắc vậy.
Đọc những bài viết về cách hành sử của cơ quan công quyền Việt Nam mà thấy ngán để rồi tự hỏi là khi nào quyền con người mới được trả về đúng vị trí của nó.
.
Czech, 14.3.2013
Phú Hòa
Tác giả gửi cho NTT blog

VIỆT NAM YÊU DẤU