Ai cũng có quyền tự do quan niệm và tự do phát biểu quan điểm; quyền này bao gồm quyền không bị ai can thiệp vì những quan niệm của mình, và quyền tìm kiếm, tiếp nhận cùng phổ biến tin tức và ý kiến bằng mọi phương tiện truyền thông không kể biên giới quốc gia. - Điều 19, Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền

18/3/13

Kiến thức pháp luật: TRƯỚC HẾT HIẾN PHÁP PHẢI QUY ĐỊNH CÁI GÌ?

Trước hết Hiến pháp phải quy định cái gì?

Trước hết Hiến pháp phải quy định cái gì?

Nguồn: Anhbasam04
Gs. Ts. Nguyễn Đăng Dung, Khoa Luật Đại học Quốc gia Hà Nội
Hiến pháp có rất nhiều chức năng: như tổ chức quyền lực nhà nước, giới hạn quyền lực nhà nước, kiểm soát quyền lực nhà nước, thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền…. Từ những chức năng này Hiến pháp có rất nhiều quy định khác nhau, xếp thành các chương điều khác nhau. Nhưng trong số những chức năng nói trên chức năng làm cơ sở pháp lý cho việc tạo nên sự chính danh của nhà nước là quan trọng bậc nhất. Trong nhiều trường hợp sự chính danh của quyền lực nhà nước  theo quy định của Hiến pháp là rất quan trọng, có tính bao trùm lên toàn bộ bản Hiến pháp và việc thực hiện quyền lực nhà nước. Với tư cách là đạo luật tối cao, Hiến pháp phải bao quát về cơ bản các chức danh mang trong mình quyền lực nhà nước phải được hình thành lên một cách chính danh. Trong thời đại dân chủ các  loại quyền lực này phải bắt nguồn từ nhân dân.
Vì vậy một bản hiến pháp tốt phải quy định cho được quy trình thủ tục mà nhân dân thực hiện quyền lực thuộc về mình đích thực bầu ra các chức danh mang quyền lực nhà nước. Chỉ có những chức danh, những tổ chức do nhân dân bầu ra một cách trực tiếp hoặc cùng lắm là gián tiếp mới có quyền nắm quyền lực nhà nước, mới có quyền quyết định trong việc phân bổ nguồn lực của quốc gia, quyết định nhân sự các chức sắc quan trọng của quốc gia, và những vấn đề quan trọng khác.

Với những chức năng nêu trên, Hiến pháp trước hết phải quy định về quyền con người, sau đấy là vấn đề phân quyền: lập pháp, hành pháp tư pháp. Việc quy định này là những vấn đề rất khó, trước hết phải quy định được hết các quyền con người, sau đấy là việc quy định nhiệm vụ quyền cho các cơ quan đảm nhiệm công việc nhà nước. Quy định phải được viết ra làm sao có thể thực hiện được trên thực tế. Hiện nay trên thực tế có hai trường phái quy định: 1. chỉ quy định những nét rất đại cương của Hiến pháp cổ điển của các nước phát triển; 2. phải quy định chi tiết của các hiến pháp hiện đại.
Ở Hiến pháp cổ điển việc quy định nhiệm vụ quyền hạn của các cơ quan thực hiện quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp, hầu như không được quy định một cách cụ thể, vì càng cụ thể càng thể hiện rõ sự thiếu vắng, và sự mâu thuẫn chồng chéo lên nhau. Nhưng không quy định cụ thể thì lại càng không biết thế nào để thực hiện , và nhất là ít có cơ sở cho việc quy kết trách nhiệm sau này. Trường phái cổ điển lập luận rằng, việc chỉ rõ cơ quan nào thực hiện quyền lập pháp, cơ quan nào thực hiện quyền hành pháp và cơ quan nào thực hiện quyền tư pháp là vừa đủ cho nhiệm vụ quyền hạn của mỗi cơ quan. Rất khó cho việc viết các quy đinh này. Nhưng cho dù ở trường phái này hay trường phái kia, thì quy định bầu cử, thành lập ra các chức sắc đảm nhiệm các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp là những phần dễ quy định nhất.
Vì vậy cái cần phải quy định trong Hiến pháp là cách thức thành lập ra các cơ quan nhà nước đó thông qua việc bầu cử hay đề cử rồi phê chuẩn các chức danh đảm nhiệm các hoạt động lập pháp, hành pháp và tư pháp. Chính đây tạo ra sự chính danh của những người thay mặt nhân dân đảm trách các công việc của nhà nước  – công quyền. 
Đảng cầm quyền, chỉ có được quyền lãnh đạo thông qua lá phiếu của người dân bầu ra một cách trực tiếp hay gián tiếp các ứng cử viên của đảng đưa tranh cử các chức danh này. Người dân không ưng chức danh nào cũng là không  bỏ phiếu cho những ứng cử viên của đảng đó.   
Nhìn chung, hiến pháp các quốc gia quy định tương đối chi tiết về các vị trí được bầu ra (thành viên nghị viên, tổng thống…), điều kiện bầu cử, điều kiện ứng cử, việc phân định khu vực bầu cử, việc phân bổ số ghế cho các khu vực… Trong chế độ đại nghị, nhân dân trực tiếp bầu ra Hạ viện (Viện dân biểu), đảng chiếm đa số tại Hạ viện hay liên minh các đảng cầm quyền thành lập ra Chính phủ do một Thủ tướng đứng đầu. Do vậy, chính phủ phải chịu trách nhiệm trước nghị viện. Trong chế độ cộng hòa tổng thống, nhân dân trực tiếp hoặc có thể gián tiếp bầu ra nguyên thủ quốc gia (tổng thống) đồng thời là người trực tiếp lãnh đạo hành pháp. Chính phủ và người đứng đầu chính phủ không chịu trách nhiệm trước nghị viện, mà phải chịu trách nhiệm trước nhân dân. Đấy là cơ sở cho sự chính danh nhà nước  của họ.
Việc không nhìn thấy các quy định về bầu cử trong Hiến pháp hiện hành cũng như dự thảo sửa đổi của Hiến pháp Việt Nam cũng là một trong những điểm yếu của Hiến pháp cũng như dự thảo của sửa đổi Hiến pháp Việt Nam hiện nay.
N.Đ.D.

VIỆT NAM YÊU DẤU