Ai cũng có quyền tự do quan niệm và tự do phát biểu quan điểm; quyền này bao gồm quyền không bị ai can thiệp vì những quan niệm của mình, và quyền tìm kiếm, tiếp nhận cùng phổ biến tin tức và ý kiến bằng mọi phương tiện truyền thông không kể biên giới quốc gia. - Điều 19, Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền

20/11/13

KHÔNG THẦN THÁNH HÓA NGHỀ GIÁO?

Nguồn: BBC

Hải Lam
Trong xã hội Việt Nam, nghề giáo viên được tôn vinh đặc biệt nhưng nghề giáo viên có thực sự là một nghề cao quý hơn so với các nghề khác?

Con người có nhiều nhu cầu, học tập chỉ là một trong số đó.

Với những nhu cầu khác nhau, sẽ có sự phân công lao động khác nhau, tương ứng với những ngành nghề khác nhau.


Mỗi nghề đều có sự đóng góp riêng, vai trò riêng, không thể so sánh nghề nào tốt hơn hay cần thiết hơn. Nghề giáo viên, xét về bản chất, cũng chỉ là một hình thức tạo ra sản phẩm, hàng hóa, mà ở đây người bán là giáo viên, người mua là học sinh.

Một người làm nghề quét rác có trách nhiệm, cũng đáng trân trọng không kém gì một người giáo viên yêu nghề.


Như vậy, nghề giáo viên không phải là một nghề cao quý hơn so với những nghề khác.



Vậy, tại sao nghề giáo viên lại được lí tưởng hóa và tôn vinh ở Việt Nam?


Một lí do được cho rằng nghề giáo viên cao quý hơn các nghề khác bởi quan niệm, đây là nơi giáo dục nhân cách cho con người. Khi đến trường, ngoài việc tiếp thu tri thức, trẻ em sẽ được giáo viên trông nom, dạy bảo thành người.


Nhưng rõ ràng nhân cách không thể chỉ được hình thành trong trường học, mà phần lớn được vun đắp ở trường đời.


Và người thầy cũng không thể là thước đo nhân cách, khi bản thân cũng chỉ là một con người bình thường.


Một điều đáng bàn nữa là, đầu vào của hấu hết các trường sư phạm Việt Nam hiện nay có điểm chuẩn thấp hơn các trường khác.

Tức là người thầy, nếu xét riêng về tri thức, so với mặt bằng chung, ở vị trí không cao.


Lý do nữa, đó là quan niệm, học sinh phải biết ơn và ghi nhớ công ơn người thầy. Đây chính là hệ quả của một nền giáo dục bị chi phối bởi tư tưởng Khổng Tử coi thầy cô là cha mẹ.


Điều này là một sự bất công với các nghề khác. Bất kỳ người làm nghề nào, khi cung cấp một sản phẩm chất lượng tốt, phục vụ tận tình đều đáng được ghi nhận và trả công xứng đáng, không riêng gì người giáo viên.


Nghề giáo viên ở Việt Nam được gắn mác dạy dỗ nên mặc nhiên cho phép người giáo viên nhận lòng biết ơn của chính đối tượng khách hàng mình đang phục vụ và đã được trả công.


Hơn thế nữa, giáo dục ở Việt Nam dường như đang là một công cụ để quản lý, định hướng tư tưởng đối với thế hệ trẻ. Và có thể chính vì vậy, phải thần thánh hóa những người đứng trên bục giảng để có thể đạt được mục đích này.

Dẫn đến hệ lụy gì?


Vì được lý tưởng hóa nên người giáo viên quên mất vai trò của mình đơn thuần chỉ là người làm nghề mà luôn mang tâm lí của người trên.


Không nhìn học sinh như đối tượng cần được đầu tư mà là đối tượng được ban ơn. Không coi học trò bình đẳng, không coi trọng cái “tôi cá nhân” của học trò.


Dẫn đến duy ý chí, muốn áp đặt, thay đổi, nhào nặn theo ý mình. Từ đó tạo ra những con người thụ động, thiếu sự sáng tạo, thiếu chính kiến, thiếu tư duy độc lập.


Khi đi mua hàng ta có quyền thử và lựa chọn sản phẩm phù hợp. Nhưng với sản phẩm giáo dục việc chọn lựa hoàn toàn không có.


Tại sao vậy?

Chính bởi quan niệm là nghề cao quý nên giáo dục thiếu sự quan tâm đến nhu cầu của người học. Người thầy truyền đạt những cái mà ông ta cảm thấy cần, chứ không phải cái học sinh thực sự cần.

Nhất là xã hội Việt Nam đánh giá con người qua bằng cấp, ngành giáo dục lại được quyền phân phối sản phẩm bằng cấp.


Tất cả dẫn đến một hệ luỵ: giáo dục đưa ra những sản phẩm bất kể chất lượng có đảm bảo hay không, người mua cũng phải chấp nhận.


Sự lí tưởng hóa quá mức ấy đã trở thành cái gông đeo vào cổ của chính người giáo viên. Họ phải tỏ ra đạo mạo, phải trở thành những điển hình nhân cách, những tấm gương sáng cho học sinh noi theo, dù muốn dù không.


Và những tác động tiêu cực của cuộc sống đã làm cho hình tượng của người giáo viên trở thành “méo mó” trong chính con mắt những đứa trẻ họ đang dạy dỗ hàng ngày.


Nghịch lí ấy khiến bao nỗ lực đối với “Sự nghiệp trồng người” thành phản tác dụng.


Nếu người Việt Nam không mặc định coi nghề giáo viên cao quý hơn các nghề khác thì Việt Nam sẽ có một nền Công nghiệp Giáo dục theo đúng ý nghĩa.


Hãy nhìn nhận nghề giáo viên đúng bản chất như vốn có. Đó mới là sự tôn vinh công chính nhất.
Hải Lam

VIỆT NAM YÊU DẤU