Phạm Xuân Nguyên
Trong cuộc sống khi có chuyện tranh chấp, tranh luận
với nhau mà thay vì tập trung vào việc chính cần nói, cần bàn, bên này
lại quay ra nói xấu cá nhân bên kia, lôi chuyện đời tư của bên kia ra để
đả kích, khi đó người ta gọi là “bỏ bóng đá người”.
Làm thế chứng tỏ là
đuối lý, bất lực, thiếu tư cách và nhân cách, là không bình đẳng và công
bằng trong tranh luận. Tóm lại như thế là chơi xấu.
Thị trường bất động sản trong nước đang đóng băng,
đang khủng hoảng. Người ta đang tìm cách giải quyết cuộc khủng hoảng
này. Có nhiều phương cách được đề ra. Nhưng tựu trung phương cách chính
được nói đến nhiều nhất là Chính phủ phải can thiệp, phải ra tay ứng
cứu, giúp đỡ các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này. Phần đông người
đều cho đó là cách giải cứu tối ưu, hiệu quả, sẽ có hiệu lực vực dậy
nhanh chóng thị trường bất động sản. Bất ngờ doanh nhân Alan Phan lên
tiếng với một đề nghị gây sốc: Hãy để cho thị trường bất động sản rơi tự
do, không cần Chính phủ giải cứu, sau một thời gian nó sẽ lập lại cân
bằng và phát triển trở lại. Lập tức đề nghị của ông Alan Phan gây tranh
luận mạnh mẽ. Một số nhà nghiên cứu kinh tế và những người am hiểu thị
trường tỏ ra thích thú, đồng tình với ông. Nhưng CLB bất động sản thì
bức xúc, bực bội và đòi được đối chất, tranh luận với ông. Và ông Alan
Phan đã chấp nhận đối thoại với yêu cầu có mặt của những người am hiểu
kinh tế nói chung và bất động sản nói riêng. Ông cũng nói trong cuộc
tranh luận này sẽ không có bên nào thắng mà là cùng nhau tìm ra con
đường cứu thị trường bất động sản đang khủng hoảng hiện nay.
Câu chuyện diễn ra như thế là bình thường khi các ý
kiến trao qua đổi lại. Nhưng điều không bình thường, điều đáng phê phán
là trong khi chưa tìm ra cách bác bỏ đề nghị của ông Alan Phan thì một
số người đã tìm cách moi móc việc riêng của ông, lấy lịch sử kinh doanh
của ông để chứng minh là ông sai, ông liều khi đề xuất cho rơi tự do thị
trường bất động sản. Cái cần tranh luận ở đây là tại sao ông Alan Phan
lại nêu ra đề xuất đó, nó có cơ sở lý thuyết và thực tiễn nào, nó có khả
thi không, nó sẽ đưa lại hiệu quả nào chứ không phải là ông đã làm gì
trong quá khứ, ông đã thất bại ra sao trong quá trình xây dựng sự nghiệp
của mình. Kiểu tranh luận mà hỏi “Alan Phan là ai” thì đúng là kiểu
“bỏ bóng đá người”. Đó là kiểu chơi không đàng hoàng, minh bạch, chứng
tỏ người chơi yếu thế. Trong tranh luận, khi một bên đã chơi kiểu
“bỏ bóng đá người” như vậy thì không còn gì để nói nữa, thì không đáng
nói với nhau nữa, thì coi như bên đó đã chịu thua.
Tôi đã từng gặp phải kiểu này trong các cuộc tranh
luận văn học. Trước một tác phẩm, tác giả, một hiện tượng văn học, lẽ ra
tranh luận, đối thoại là phải xoáy sâu vào chính đối tượng, phân tích,
bình luận, đánh giá nó khách quan và khoa học thì người ta lại xoay sang
nói về cá nhân người tranh luận, lôi những chuyện riêng tư không giúp
ích gì cho việc làm sáng tỏ vấn đề đang bàn đến. Rốt cục đọc các bài
viết gọi là tranh luận như vậy, độc giả không thấy được điều họ cần,
thay vào đó họ chỉ thấy phơi bày tư cách đáng xấu hổ của một bên tranh
luận.
Sự kiện Alan Phan và thị trường bất động sản thêm một lần nữa báo động về văn hóa tranh luận, đối thoại ở ta. Nó
cho thấy môi trường đối thoại đang bị ô nhiễm vì lợi ích, không phải là
để truy cầu chân lý, tìm đến sự thật. Mà đây chỉ mới là một dạng tranh
luận, có thể gọi là tranh luận kiểu “bỏ bóng đá người”. Còn một dạng nữa
là tranh luận kiểu “cả vú lấp miệng” mà thời gian qua cũng đang bùng
phát. Tranh luận theo hai kiểu này thì người thua thiệt chính là phía
chủ trương tranh luận như vậy và hậu quả là làm rối loạn dư luận xã hội.