Ai cũng có quyền tự do quan niệm và tự do phát biểu quan điểm; quyền này bao gồm quyền không bị ai can thiệp vì những quan niệm của mình, và quyền tìm kiếm, tiếp nhận cùng phổ biến tin tức và ý kiến bằng mọi phương tiện truyền thông không kể biên giới quốc gia. - Điều 19, Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền

30/11/13

Quy chế dân chủ trong trường học: LÀM NHỮNG GÌ ĐỂ ĐẢM BẢO TÍNH THỰC CHẤT

Nguồn: Website Phòng GD ĐT Ngọc Hồi - Kom Tum

Tác giả: Phan Đình Phong (CV phòng GD&ĐT Ngọc Hồi)

[...] Thủ trưởng mỗi nhà trường coi trọng việc đảm bảo dân chủ tức là người có trách nhiệm, có “tâm” trước tập thể, trước nhân dân… 

Nói đến dân chủ trước tiên, cần phải xem đối tượng của nhà trường nói chung, của thủ trưởng nói riêng là những những ai? Đó chính là đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân vên và nhân dân mà bản thân hiệu trưởng chính là chủ thể của vấn đề. Nếu xét về tính chất công việc thì có thể phân thành hai nhóm đối tượng rõ ràng: đội ngũ trong nhà trường và các bậc phụ huynh, người dân ngoài nhà trường.


Ở đây, tôi chỉ xin trao đổi một vài nội dung công việc cần làm làm để đảm bảo đúng quy trình, tránh được bệnh dân chủ hình thức: 


1. Việc phổ biến, công khai các văn bản, các thông tin. Thủ trưởng luôn coi trọng việc phổ biến công khai thông tin tức là đã thực hiện giải pháp cơ bản nhất trong lãnh đạo, quản lý. Nếu còn ai đó còn coi thường công việc này, có ý bưng bít thông tin thì biểu hiện mất dân chủ đã khá rõ ràng. Mỗi nhà trường có bao nhiều loại tài sản công, tài chính công, bao nhiêu biên chế…được giao cho đơn vị quản lý? Các chính sách, các quy định cho tập thể, cho cá nhân như thế nào?...Dù không được thông tin trong nội bộ thì ra ngoài hỏi người khác ai cũng sẽ biết được. Hơn nữa nếu được thông tin một cách sòng phẳng thì sẽ giảm được những ngờ vực không đáng có - căn bệnh cố nhiên của con người ta trong mỗi tập thể ấy mà!



2. Thủ trưởng tổ chức họp bàn, lấy ý kiến nghiêm túc, cầu thị cho mỗi công việc của tập thể. Chúng ta thường nghe đây đó có chuyện thủ trưởng vẫn họp bàn lấy ý kiến nhưng…đã quyết rồi. Như vậy thì nó đồng nghĩa với bệnh độc đoán, chuyên quyền. Mặt khác, nó sẽ không được mang trong mình “trí tuệ tập thể” của mỗi công việc chung. Không một thủ trưởng nào có thể hiểu hết các công việc đã làm, đang làm và sẽ làm bằng những con người trực tiếp hàng ngày phải nai lưng ra thực hiện. Và nó thể hiện sự tôn trọng của cấp trên với cấp dưới.


3. Dân chủ còn là sự gần gũi, chia sẻ khó khăn của cấp trên với cấp dưới. Ai mà chẳng có những khó khăn trong đời sống gia đình, trong mỗi công việc. Thủ trưởng gần dân, gần cấp dưới cũng tạo được sự tự tin hơn để mỗi cá nhân trong tập thể góp sức mình cố gắng hoàn thành nhiệm vụ chung.


4. Vai trò của Ban thanh tra nhân dân, Ban kiểm tra nội bộ trường học được phát huy thực sự. Các tổ chức này chính là cầu nối của giữa cấp trên với cấp dưới, với nhân dân và nó sẽ góp phần rất lớn trong việc truyền tải thông tin mà không cần thủ trưởng ra mặt làm thay. Nếu các tổ chức này được lập ra để trở thành công cụ phục vụ thủ trưởng, soi cái nhìn chỉ riêng về một phía, chỉ riêng về cấp dưới thì tác dụng sẽ ngược lại.


5. Thực hiện đúng “3 công khai” của đơn vị. Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài chính đã có quy định rõ ràng về thực hiện công khai trong giáo dục (Thông tư 09/TT-BGD ĐT và Thông tư 21/TTBTC). Theo đó đã có nhiều trường lập bảng niêm yết, lập hồ sơ công khai…Tuy nhiên tác dụng của các bảng biểu, các hồ sơ có được đảm bảo tính thực chất và thường xuyên không hay là hình thức? Thực hiện đúng “3 công khai” không khó khăn nhưng liệu mỗi một hiệu trưởng có quan tâm nó thì chỉ nhìn qua không gian nhà trường sẽ biết ngay. Còn chưa nói đến việc tổ chức Hội nghị công chức hằng năm của các đơn vị thường có mục công khai tài chính nhưng liệu còn đơn vị nào đó có công khai cụ thể, rõ ràng hay là đọc nhanh “tổng thu, tổng chi”?


5. Đánh giá rút kinh nghiệm thường xuyên vấn đề dân chủ trong cơ quan. Không chỉ đánh giá chung chung mà định kỳ, tập thể phải nhìn thẳng vào quá trình và kết quả, đánh giá mặt được, chưa được một cách kịp thời. Việc tự đánh giá, tự phê bình của mỗi thủ trưởng cũng rất cần thiết trong vấn đề dân chủ, nó mở đường cho việc loại bỏ cái thói quen “xấu che, tốt khoe”…cho bằng được, bởi ngay cả bản thân công việc này cũng thể hiện tính chất dân chủ rồi.


Không cần nói nhiều, bàn nhiều, bởi đã là người của ngành giáo dục thì ai cũng đều đã được học nhiều, hiểu nhiều, được tiếp cận nhiều về vấn đề dân chủ. Thực tế mỗi nhà trường có dân chủ hay không chỉ cần lắng nghe ý kiến của một vài cá nhân trong tập thể đó thì sẽ biết. Mỗi nhà giáo của chúng ta thừa sức để đánh giá một hiệu trưởng có dân chủ hay không mặc dù việc đánh giá đó nó có thể là phiến diện. Tôi chỉ mong rằng mỗi trường học chúng ta sẽ “yên” hơn, các tập thể sẽ đoàn kết hơn, cán bộ mỗi nhà trường sẽ đàng hoàng đứng đắn, có uy tín nhiều hơn, không để đây đó anh em đồng nghiệp to nhỏ xì xầm những cái chuyện vụn vặt không đáng có như chuyện “ai đi mua chổi cho cơ quan”; hạn chế được mầm mống của những việc “ném đá dấu tay” (đơn thư nặc danh) của một vài cá nhân nào đó và không để những ngọn lửa bức xúc của mỗi tập thể cháy bùng lên khi “tức nước vỡ bờ”. Chúng ta hãy vì danh dự của ngành mà có tiếng nói để chung sức để làm sạch mình ngay từ vấn đề “dân chủ”!

VIỆT NAM YÊU DẤU