Ai cũng có quyền tự do quan niệm và tự do phát biểu quan điểm; quyền này bao gồm quyền không bị ai can thiệp vì những quan niệm của mình, và quyền tìm kiếm, tiếp nhận cùng phổ biến tin tức và ý kiến bằng mọi phương tiện truyền thông không kể biên giới quốc gia. - Điều 19, Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền

22/2/11

Chữ tây trong văn ta

Đặng Tiến
Bạn đọc thường trách các tác gia ở nước ngoài khi viết tiếng Việt, thường xen ngoại ngữ, chủ yếu là tiếng Anh, tiếng Pháp. Dù có lời chú thích tiếng Việt phụ đề, lối xen kẽ này vẫn làm người đọc khó chịu, vì phải đọc một ngôn ngữ không thuần khiết, thậm chí dễ dãi và lai căng.
Tình trạng quả có đáng phàn nàn, nhưng dường như không tránh được. Khuynh hướng văn chương trên thế giới, nói chung là đi gần lại với lời ăn tiếng nói hằng ngày. Ví dụ Việt Nam: trước kia các cụ chỉ có thơ phú, tức là văn vần và biền ngẫu, khi viết văn xuôi thì viết bằng chữ Hán. Từ thời Pháp thuộc, ta mới học viết văn xuôi, nhưng văn xuôi thời phôi thai còn xa tiếng nói hằng ngày. Ngay cả Nhất Linh, trong Nho Phong hay Người Quay Tơ, còn viết văn lên bổng xuống trầm, đấy là không kể những lệ ký, lệ sử não nùng. Phải đợi đến những năm đầu thập niên 1930, các tác gia mới hành văn đơn giản, từ cú pháp đến từ vựng. Có hệ thống nhất là nhóm Tự lực văn đoàn với các báo Phong hoá, Ngày nay.
Thời đó, người viết văn thường dùng thổ ngữ Hà Nội làm tiếng chuẩn; viết văn thì phải theo lối Nam phong, Tự lực. Hồ Biểu Chánh ở miền Nam chỉ là một trường hợp đơn lẻ đưa tiếng nói hằng ngày miệt Nam Bộ vào tiểu thuyết; nhưng sách ông chỉ phổ biến ở Nam Bộ. Một nhà phê bình uyên bác như Vũ Ngọc Phan đã đọc Hồ Biểu Chánh qua tiểu thuyết đăng báo trên Phụ nữ tân văn và hiểu nhầm xứ Thổ miền Nam thành xứ Mường miền Bắc. Một người lịch lãm như Tản Đà mà khi giải thích truyện Kiều không biết chữ dạ ran thông dụng miền Trung trong câu “a hoàn trên dưới dạ ran”. Nhưng dần dà, với hai cuộc kháng chiến, làng mạc và nông dân Việt Nam từ Tây Bắc đến mũi Cà Mau đã đi vào văn học với tiếng nói địa phương. Người đọc toàn quốc phải học tập toàn bộ tiếng nói của đồng bào cả nước để hiểu văn chương, nhưng không phải lúc nào cũng dễ tiếp thu. Xuân Diệu, cha Đàng Ngoài mẹ Đàng Trong, rất thiết tha với sự nghiệp thống nhất đất nước, đã gay gắt với bài thơ Lời quê của Hồ Vi chỉ vì nhiều tiếng địa phương Bình Trị Thiên. Tác phẩm in tại miền Nam có khi phải ghi chú. Trong truyện Đất của Anh Đức, chữ bánh tét được giải thích là “bánh chưng Nam Bộ, gói thành đòn tròn và dài như gói giò” (!) [1970]; trong Truyện và Ký của Nguyễn Thi, bánh tráng được dịch ra bánh đa, con heo con lợn, nhảy mũi hắt hơi... [ 1978]. Ngược lại, nhà văn Bình Nguyên Lộc đã từng tra cứu nguồn gốc tiếng Việt, mà không biết những từ gành, lơ láo trong Kiều. Trong tuỳ bút Quê vừa xuất bản ( California, 1992), Võ Phiến cho biết nhiều người Bình Định, quê ông, không biết chữ láng giềng và vì vậy “câu hát”
Lạnh lùng thay láng giềng ơi
Láng giềng lạnh ít sao tôi lạnh nhiều
được chế biến:
Lạnh lùng thay í bạn miềng ơi
Bạn
miềng lạnh ít cớ sao tui lạnh à nhiều
Hê ê... hò hê.
Khi văn chương đi gần đến lời ăn tiếng nói hằng ngày thì văn chương Việt Nam tại Mỹ, tại Pháp phản ánh cách diễn đạt của Việt kiều, để lọt vào nhiều tiếng Anh, tiếng Pháp thông dụng. Đó gần như là lẽ thường tình.
Nhà văn Võ Phiến sử dụng tiếng Việt rất thận trọng và tinh vi. Lúc mới di tản sang Mỹ, 1975, ông đã có những nhận xét hóm hỉnh về tiếng Mỹ: cái gì hay, đẹp lại gọi là khai (kind), giáo đường nơi lễ bái thiêng liêng gọi là trớt (church), thiên nhiên huyền nhiệm gọi là náy trơ (nature), v.v... Nhưng khi ông viết văn, truyện ngắn hay tuỳ bút, ông cũng xen kẽ tiếng Mỹ. Đó là tiếng nói của cuộc sống. Lúc đầu, Võ Phiến đã từng lo ngại không còn viết lách gì được nữa, vì không còn ngôn ngữ:
“Ngôn ngữ nó trung thành với nếp sống xã hội, cho nên kẻ ra đi còn mong gì. Ra đi, chúng ta sống tản mát, không thành xã hội riêng. Chúng ta làm mất điều kiện sinh trưởng của ngôn ngữ mình (...) Tiếc thay, những kẻ lưu lạc như chúng ta không tập hợp được thành một xã hội, một cộng đồng riêng. Chúng ta sống kẻ ở đầu thành phố, người ở cuối thị trấn (...) Những cá nhân rạc rời không thể đặt ra tiếng mới; những trao đổi chốc lát, bất thường, không thể làm bật ra tiếng mới... Tiếng nói chúng ta rồi sẽ không còn phản ánh được cái sinh hoạt hay cái tâm tình của cộng đồng nào hết, của thời đại nào hết (...) Điều chúng ta đang nói đây là cái Việt ngữ của kẻ ly hương: dần dà nó mất tính cách sinh động. Chúng ta đ ưa nó đi , cố giữ nó, nhưng sẽ giữ nó như th ể giữ gìn một cái xác ướp” (Tựa của Thư gửi bạn, 1976).
Nhưng rồi Võ Phiến vẫn tiếp tục sáng tác, cùng với nhiều nhà văn khác tại nước ngoài, tạo ra được một nền văn chương hải ngoại! Chúng ta nên mừng, và chào mừng, và không nên đặt ra những rào giậu không thực tế. Tiếng Việt ở nước ngoài pha trộn tiếng địa phương nước ngoài, cũng như văn thơ trong nước đang dồi dồi lời ăn cách nói địa phương trong nước. Đó là quy luật mà người đọc phải từ tốn chấp nhận. Năm 1956, tại Sài Gòn, khi xuất bản tập thơ Tôi Không Còn Cô Độc lạ mắt lạ tai, Thanh Tâm Tuyền đã khẳng định ở trang đầu: “ Ở đây tôi là vị hoàng đế đầy đủ quyền uy. Bởi vì người vào trong đất đai của tôi” . Quyền uy đó là tự do sáng tác, về mặt tư tưởng và ngôn ngữ, trong một xã hội dân chủ và tiến bộ. Người đọc không nên đòi hỏi quá đáng; dĩ nhiên là nhà văn cần biết giới hạn sở thích của mình trong sự tôn trọng độc giả. Viết kiểu gì cũng được, nhưng không bừa bãi. Người ta có thể thích hay không lối thơ Thanh Tâm Tuyền, lối văn Võ Phiến... nhưng không nghe ai nói hai ông ấy viết bừa bãi.
Người viết văn thường lo làm sao cho câu văn sáng sủa. Đôi khi chêm vào một tiếng nước ngoài là người đọc hiểu ngay; dĩ nhiên là có trường hợp ngược lại một từ ngoại lai làm câu văn tối nghĩa. Khi viết về tập thơ (12.1992) của Văn Cao, tôi có kể lại chuyện học giả Levi-Strauss chớm suy nghĩ về thuyết cấu trúc khi nhìn một đoá hoa bồ công anh. Câu chuyện lý thú ở chỗ: một hệ thống tư tưởng lớn lao và phức tạp có khi nhấp nhánh từ một hình ảnh đơn giản. Nhưng muốn lý thú thì phải thấy cái đơn giản, phải biết bồ công anh là hoa gì. Thêm một chữ Pháp pissenlit thì nhiều người thấy ngay; muốn cẩn thận, tôi còn thêm chữ Anh dandelion cho bạn đọc ở Mỹ dễ hiểu. Toà soạn Diễn Đàn cho rằng tôi viết sai chính tả... tiếng Pháp, bèn sửa lại thành chữ Pháp dent-de-lion. Lãng xẹc. Nghiệm lại đời mình có hai cái sợ: là sợ nanh vuốt và sợ sư tử. Bây giờ trong một chữ mà hai lần toát mồ hôi. Nhưng từ ấy đến nay, tôi vẫn chưa nói gì với ban biên tập, sợ phụ hảo ý của anh em.

Đặng Tiến

Nguồn: Diễn đàn

VIỆT NAM YÊU DẤU