Ai cũng có quyền tự do quan niệm và tự do phát biểu quan điểm; quyền này bao gồm quyền không bị ai can thiệp vì những quan niệm của mình, và quyền tìm kiếm, tiếp nhận cùng phổ biến tin tức và ý kiến bằng mọi phương tiện truyền thông không kể biên giới quốc gia. - Điều 19, Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền

28/2/11

Trong mắt người nước ngoài: Hãy nói lời xin lỗi

 TT - Sống ở VN, nhiều lần tôi bị hụt hẫng trong những tình huống chỉ nhận được những cái ngoảnh mặt làm ngơ, sự im lặng thay vì lời xin lỗi làm dịu lòng.
Tuần trước trên đường đi ăn tiệc, tôi đã tấp vào một trạm xăng bên đường để đổ xăng. Nhân viên trạm xăng vô ý bơm quá đầy và làm xăng văng vào áo mới tôi đang mặc. Quá bất ngờ tôi không còn nói được gì, chỉ nhìn chằm chằm vào mặt anh ấy.

Người nhân viên lúc đó cũng không nói gì và vờ làm ngơ, chăm chăm đổ xăng cho xe khác. Tôi cảm thấy thật sự giận dữ và bối rối, tại sao anh ấy không nói lời xin lỗi?
Lần khác khi ăn phở, tôi tình cờ phát hiện miếng nilông nhỏ trong tô phở. Khi tôi nói chuyện này với người phục vụ và quản lý quán phở, họ chỉ nhìn chằm chằm vào tôi. Sau đó, họ mang cho tôi một tô phở khác nhưng chẳng buồn nói xin lỗi hay tỏ vẻ hối tiếc.
Với thái độ dửng dưng của nhân viên phục vụ và người quản lý, tôi chẳng muốn ăn nữa, chỉ tính tiền ra về và tự hứa sẽ không bao giờ trở lại quán phở đó nữa. Tôi tự hỏi không biết nhân viên trong quán phở có cùng nhau xem xét lại tai nạn nói trên để rút kinh nghiệm?
Nhiều năm sống ở VN, tôi nhận thấy người Việt không muốn thừa nhận mình sai và nói lời xin lỗi. Mặc dù rõ mười mươi là lỗi của mình, họ cũng chỉ phản ứng bằng cách im lặng, lảng tránh, thậm chí cãi lại thay vì thú nhận lỗi lầm của mình trước mặt người khác.
Đấu "võ mồm" trên đường hoàng Văn Thụ (Q.Phú Nhuận, TP.HCM) sau một vụ va quẹt xe - một hình ảnh thường thấy trên đường phố hiện nay (ảnh minh họa) - Ảnh: M.C
Tôi đã vướng vào một vụ đôi co vì đối phương không muốn nhận mình đã sai. Lần đó tôi đi bệnh viện và phải điền đơn bảo hiểm để được miễn giảm khi thanh toán. Mặc dù tôi đã điền đơn rồi nhưng nhân viên ở quầy cứ khăng khăng là tôi chưa làm.
Sau đó tôi phát hiện cô nhân viên vô tình để quên đơn tôi đã điền đâu đó. Tại sao cô ấy phải tranh cãi với tôi thay vì thừa nhận mình đã làm mất đơn, rồi nói lời xin lỗi và nhẹ nhàng đề nghị tôi điền đơn lại?
Từ nhỏ bố mẹ đã dạy tôi nói lời xin lỗi khi làm điều gì sai. Ngược lại, họ cũng xin lỗi tôi khi họ sai. Tôi lớn lên trong môi trường mà mọi người nói lời xin lỗi để bày tỏ sự quan tâm, tình thương yêu và tôn trọng lẫn nhau. Thật vậy, dạy xin lỗi phải được bắt nguồn từ gia đình, nhà trường. Thế nhưng theo tôi thấy ở VN, nhiều người lớn luôn muốn chứng tỏ mình đúng và ít khi xin lỗi trẻ nhỏ. Như vậy thì làm sao làm gương cho trẻ và dạy trẻ thói quen nói xin lỗi?
Tôi công nhận đây là do sự khác biệt văn hóa mà gốc rễ, theo tôi, có thể là nỗi sợ mất mặt của người Việt. Ở phương Tây chúng tôi cũng coi trọng thể diện của mình nhưng không đến nỗi giả vờ, làm ngơ sai phạm của mình để tổn thương người khác.
Theo tôi, không có gì xấu khi lầm lỗi và nói lời xin lỗi vì mọi người thường đứng lên từ sai lầm của mình và của người khác nữa. Biết nhận lỗi sẽ làm quan hệ giữa con người với con người trở nên tốt đẹp hơn.
Hãy thử tưởng tượng nếu có va quẹt trên đường và một hoặc hai bên nói xin lỗi trước thì sẽ không có những vụ tranh cãi, làm tắc nghẽn giao thông. Trong công ty, thay vì đổ lỗi cho nhau thì hãy mạnh dạn thừa nhận lỗi của mình để quan hệ đồng nghiệp tốt hơn, công việc trở nên thuận lợi hơn.
Nếu bạn làm điều gì sai, hãy nhìn nhận và nghĩ xem lần sau bạn làm tốt hơn bằng cách nào. Né tránh lỗi lầm của mình hay đổ cho người khác càng làm bạn mất mặt hơn với nhiều người.
ALISON R. BISHOP (người Mỹ) - PHƯƠNG THÙY ghi
Nguồn: Tuổi trẻ

VIỆT NAM YÊU DẤU