Tôi nghĩ ông là người Nghệ không ai cãi được, ít nhất về lí lịch, cha Nghệ An, mẹ Hà Tĩnh, lại sinh ra và lớn lên đến độ tuổi biết nói biết nghĩ, ở chính trên đất Nghệ. Bây giờ, đã ở Hà Nội mấy chục năm nhưng ông vẫn nói giọng Nghệ đặc sệt. Tôi trọng ông lắm về điều này.
Có chi mô ông. Hình hài của mình do cha mẹ cho, cho luôn cả giọng nói. Giọng Nghệ của tui từ khi biết cất tiếng nói đến giờ, và đến trọn cuộc đời, thì vẫn là rứa, không cách chi thay được. Cũng nhiều người bảo tui là không chịu đổi giọng, đi đây đi đó nhiều rồi, ở thủ đô bao năm rồi, lại làm rể Hà Nội nữa, mà giọng thì vẫn Nghệ ơi là Nghệ, lại hay nói nhanh nữa, khó nghe quá, mệt tai người ta quá. Tui bảo người ta thì giọng tui nó thế, không đổi được, mà có đổi được cũng không đổi. Thì đấy, tui ra nước ngoài hội họp, tôi đi dạy, đi nói chuyện nhiều nơi trong nước, tôi dẫn nhiều cuộc giới thiệu ra mắt sách ở Hà Nội, giọng Nghệ thành như một “đặc hiệu”, cử tọa nghe ông Nguyên nói được thì chịu nghe, giọng Nghệ có cản trở chi mô, có khi lại còn là một “hấp dẫn”. Tui nói vậy là vì có những lứa học sinh giỏi văn ở mấy tỉnh Bắc Bộ sau này gặp lại bảo chúng em nhớ nhất thầy là giọng Nghệ đọc thơ. Vui quá! Nên xin phép ông trong cuộc phỏng vấn này cho tui được dùng đại từ nhân xưng ngôi một bằng tiếng Nghệ là “tui” nhé.
Có một “hằng số” nhân cách Nghệ không, thưa ông? Nếu có, thì nó có thể được diễn đạt như thế nào? Cái khác thiên hạ là chỗ nào?
Cái này khó hè. Tui nghĩ có lẽ là chữ GÀN, với cả hai mặt tích cực và tiêu cực của nó. Gàn là khác nguời, trái người. Gàn là cứng cỏi, thẳng thắn, kiên định, cấp tiến. Nhưng Gàn cũng là cố chấp, bảo thủ, ương bướng. Tựu trung, Gàn là đứng thẳng làm mình, hay dở đều quyết liệt tận cùng, không chịu nửa vời. Hằng số GÀN của nhân cách Nghệ ấy có thể thấy rõ nhất ở Nguyễn Công Trứ. “Được mất dương dương người tái thượng / Khen chê phơi phới ngọn đông phong” là ông. Mà “đạc ngựa bò vàng đeo ngất ngưởng” cũng là ông. Thiếu một mặt nào cũng là khuyết mất chân dung kẻ sĩ nơi Nguyễn Công Trứ. Bài thơ làm cây thông reo của ông nhiều người đã biết, đã thuộc. Tui muốn đọc cùng ông một bài thơ khác của ông.
Trời đất cho ta một cái tài
Giắt lưng dành để tháng ngày chơi
Dở duyên với rượu khôn từ chén
Trót nợ cùng thơ phải chuốt lời
Cờ sẵn bàn son xe ngựa đó
Đàn còn phiếm trúc tính tình đây
Ai say, ai tỉnh, ai thua được
Ta mặc ta mà ai mặc ai
Ông thấy ghê không, hai câu cuối bài thơ, rõ là một người lớn tài nên lớn tiếng. Hãy chú ý câu thơ thứ hai “giắt lưng dành để tháng ngày chơi”. Làm việc đã phải cần tài năng, nhưng chơi cho ra chơi, chơi cho có lịch có lề, thì cũng phải có tài mới chơi được. Tài năng cho phép ta làm được những việc lớn và do đó cũng cho phép ta biết sống một cuộc sống vui chơi có văn hóa, có hiệu quả, có bản lĩnh. Ai đã từng đọc về cuộc đời và sự nghiệp cụ Thượng Trứ hẳn đều thấy cụ nói được và làm được, cụ đã sống được một cuộc sống gần theo ý mình, mặc cho vòng kiềm tỏa nghiệt ngã của một xã hội không dung túng cá tính, cá nhân, cho dù đã có phần phải nới lỏng do những biến thiên của lịch sử. Cái khác biệt của dân Nghệ đúng Nghệ là ở đó! GÀN!
Tự ông biết, tự ông đánh giá, rằng thì ông còn mấy mươi phần trăm chất Nghệ?
Tui nghĩ tui còn nhiều chất Nghệ lắm. Từ chất Nghệ có sẵn trong người như một cái “gene”. Đến chất Nghệ ở nơi tui làm việc là Viện Văn Học mà có thời gian khá lâu dân Nghệ chiếm số đông, đến nỗi có người gọi là “Viện Văn Nghệ”. Tui lại còn được tiếng khen/chê là kiểu cách nghệ sĩ nữa. Rứa là trong tui chất Nghệ phải hơn năm mươi phần trăm chứ không ít. May là tui không để phần tiêu cực của ông đồ Nghệ gàn cản trở trong công việc, giao lưu, chơi bời, nên tự nhận thì tui thấy tui là dân Nghệ mà chơi được và được chơi. Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm có tặng tui một bài thơ thế này: Kiếp sau vứt bút phê bình / Làm tên thi sĩ thất tình mà chơi / Trả trang trắng giấy cho người / Biết đâu Từ Thức vẫn ngồi đợi anh.
Nói chuyện quê lâu quá, tôi hỏi thật ông nhá, dân Nghệ mà làm chủ tịch Hội Nhà văn Hà nội ông có cảm giác bị ngợp không? Tôi hỏi vậy vì từ xa, nghe qua cánh truyền thông, kể cả truyền thông vỉa hè, thì hội này là danh giá nhất trong số các hội của những người làm văn hiện nay.
Tui nỏ thấy ngợp chi cả, ông ạ. Tui chỉ thấy tự hào và trách nhiệm trước sự tin tưởng của các hội viên, sự kỳ vọng của mọi người cho một hội văn học đất Thăng Long - Hà Nội thực sự sang gia và sáng giá. Khóa trước chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội là nhà văn Hồ Anh Thái cũng là một người Nghệ, nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ và tui làm phó, chúng tôi cùng ban chấp hành và anh chị em hội viên đã phấn đấu nâng tầm Hội lên một bước, được văn giới và độc giả chú ý, quan tâm. Khóa này tui làm chủ tịch, đại hội đã quyết tâm rất cao xây dựng Hội phát triển hơn nữa, là hội địa phương nhưng tầm thủ đô, có tính phong trào nhưng phải vươn tới đỉnh cao, chúng tôi quyết củng cố và phát huy hơn nữa uy tín và danh tiếng của HNVHN. Việc tui được hội viên tín nhiệm cao và được BCH bầu làm chủ tịch HNVHN càng chứng tỏ thủ đô là nơi “thu hợp trí muôn phương”, là nơi tụ hội và kết tinh của nhiều người thuộc nhiều vùng miền cả nước. Tui biết mình phải làm gì để xứng đáng với cương vị của mình.
Chuyện muôn thuở, rằng văn chương bao giờ chẳng hướng đến con người, đến cái hay, cái đẹp, cái tử tế. Thế nhưng, thời buổi bây giờ cũng có nhiều cách hiểu khác nhau về các khái niệm lắm. Không biết những mục tiêu lớn của Hội Nhà Văn Hà nội vừa xác định ở Đại hội vừa rồi là gì?
Các hội đoàn lập ra là để tập hợp con người chung một ngành nghề, chung một tâm huyết, tạo điều kiện cho nhau làm tốt nhất, hay nhất công việc chuyên môn của mình. HNVHN nhất quán với phương châm và mục tiêu của mình là thúc đẩy các hội viên sáng tác những tác phẩm đạt tầm thủ đô, tầm cả nước, những tác phẩm sâu sắc về nội dung và độc đáo về nghệ thuật. Nói chung chung vậy, nhưng đi vào cụ thể thì Hội phải khuyến khích những tìm tòi sáng tạo của hội viên, nhất là những người viết trẻ, phải biết chọn lọc và trao giải thưởng cho những tác phẩm có tính đột phá, mới mẻ, phải thu hút được những người viết có tài, có cá tính đa dạng vào hội. Chúng tôi quan niệm, văn chương là phải hay, là phải văn chương. Thời gian qua, giải thưởng hàng năm của HNVHN đã bước đầu thực hiện được điều này. Sắp tới chúng tôi vẫn kiên trì như vậy.
Năm vừa rồi, 2010, được cho là sôi động nhất, nhìn từ nhiều phía, từ chính trị đến kinh tế, văn hóa đến xã hội... Đời sống văn hóa, văn nghệ cũng có nhiều chuyển động theo cùng các chuyển động của đời sống chính trị, kinh tế, xã hội...Từ Hà Nội, với tầm nhìn của một chủ tịch Hội Nhà Văn Hà Nội, và của một nhà phê bình văn học, ông có nhận xét gì về đời sống văn hóa nói chung và văn học của cả nước nói riêng?
Đời sống văn hóa nói chung, văn học nói riêng, ở nước ta mười năm đầu thế kỷ XXI vẫn đang trong quá trình xáo trộn, biến động, phân dòng và hợp lưu, để tạo nên một hình thái mới, một hình thù khác, một bản sắc lạ. Tóm lại, nó đang trong quá trình chuyển đổi. Mà như thế thì vật vã lắm, khó khăn lắm, phức tạp lắm, lẫn lộn nhiều thứ lắm, khiến cho nhìn bi quan thì thấy lo sợ, hoảng hốt, nhưng nhìn lạc quan thì có thể bình tĩnh chờ đợi. Hệ giá trị bị chao đảo mạnh. Hệ chuẩn mực đánh giá thay đổi mạnh. Có sự phân hóa của người viết, người đọc, của văn chương đặc tuyển, văn chương đại chúng. Có sự trỗi dậy của văn chương mạng, internet, sự thu hẹp của văn chương sách giấy. Tất cả đang được sắp xếp lại để định hình. Cố nhiên, vẫn có cái lõi là tiếng Việt, ta làm văn thơ bằng tiếng Việt, nhưng là tiếng Việt của thời nay mang chở tư duy của người Việt thời nay, thời hội nhập và phát triển, cho nên thành quả sáng tạo của tiếng Việt trong thơ văn sẽ có những sắc thái và ý nghĩa khác, có khi là rất khác, so với những thời trước. Chúng ta hay nói mọi giá trị đều phải chờ sự thử thách của thời gian và công chúng, vậy thì cứ để những sáng tác phẩm mọi thể loại, mọi khuynh hướng, được ra đời, được tồn tại, và được phán xét, thẩm định theo thời gian và người đọc. Nói quá trình là nói đến độ dài thời gian, không thể nóng vội ở đây được.
Theo ông, về văn học, có sự kiện nào và vấn đề nào là nổi trội nhất?
Năm 2010, đầu năm có hội nghị quảng bá văn học Việt Nam ra nước ngoài do Hội Nhà Văn Việt Nam tổ chức. Đây là một sự đánh động cần thiết, nhưng các biện pháp để thực hiện thì vẫn chưa có cụ thể, hệ thống. Cuối năm có kết quả cuộc thi tiểu thuyết cũng của HNVVN được đánh giá là không có đột phá về thi pháp. Trong khi đó tận đến những ngày hết năm 2010 có một tác phẩm ra mắt khiến ai đã đọc đều sửng sốt, thán phục. Đó là tiểu thuyết Những ngã tư và những cột đèn của Trần Dần (1926 - 1997). Bản thảo cuốn sách được viết năm 1966, sách in ra lần đầu sau gần nửa thế kỷ, nhưng đọc vào thấy bút pháp rất mới, hiện đại. So với nó, nhiều tiểu thuyết viết hôm nay quá lạc hậu, quá cũ. Tui cũng xin nói luôn về giải thưởng văn học 2011 của HNVVN là bình thường. Nhưng việc trao bằng khen cho ba tác phẩm thì nghe “kỳ kỳ”, vì bằng khen là trao cho người chứ ai lại trao cho sách. Người có thành tích thì trao huân chương huy chương, bằng khen giấy khen, còn sách hay thì trao giải, chưa hay đến mức được giải thì thôi. Quả HNVVN luôn có những “sáng tạo” bất ngờ, không ai lường được, trong hoạt động của mình.
Cái nổi trội đó nói lên điều gì, thông điệp của nó với cuộc sống xã hội là gì?
Cái mới nổi lên từ cuốn tiểu thuyết của Trần Dần cho thấy cuộc sống xã hội luôn có những đột biến, những bất ngờ, và khi một hiện tượng, một nhân vật xuất hiện ngoài tầm đón đợi quen thuộc thì xã hội phải biết thích ứng với cái mới lạ đó. Tôi nhớ khi Xuân Diệu mới bước ra thi đàn Thơ Mới hồi những năm 1930, Thế Lữ đã trân trọng loan báo và nhắc nhở: “Và từ đây chúng ta đã có Xuân Diệu. Loài người hãy hiểu cho con người ấy!”.
Khi quan sát đời sống văn hóa, sự vận động của văn hóa, ông thường chú ý nhất những điều gì?
Điều tôi chú ý nhất khi quan sát đời sống văn hóa, sự vận động văn hóa, chính là cái văn hóa của nó.
Tại sao vậy?
Tại vì đó chính là đặc trưng nhất của đời sống ấy, sự vận động ấy, và cũng tại vì chính cái đó là cái hay bị phá hỏng nhất ở đời sống ấy, sự vận động ấy. Tôi sợ nhất cái “văn hóa” phi văn hóa, phản văn hóa.
Trong đời sống văn hóa của ta bây giờ, theo ông thì chỗ nào, lĩnh vực nào, vấn đề nào là những điểm yếu nhất mà có thể dễ bị các phản văn hóa, hoặc văn hóa ngoại lai thâm nhập và có thể gây nên tình trạng biến dạng, méo móp nhất?
Đó chính là lĩnh vực văn hóa.
Tại sao vậy, thưa ông?
Tại vì nhiều người làm văn hóa mà không hiểu biết văn hóa. Tại vì nhiều người quản lý văn hóa cứ hay nhân danh văn hóa. Tại vì nhiều người thường hay lợi dụng văn hóa, lạm phát văn hóa cho những sự vụ ngoài văn hóa. Tại vì văn hóa hay bị làm vật hy sinh cho kinh tế, chính trị. Tôi thích câu này của K. Marx: “Người đi giáo dục cũng cần phải được giáo dục”. Áp dụng nó cho lĩnh vực nào cũng đúng, riêng đối với lĩnh vực văn hóa nó có nghĩa là người làm văn hóa phải có văn hóa.
Vậy ông có cái nghĩ, cái nhìn riêng của mình về bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống, các bản sắc của văn hóa dân tộc?
Với truyền thống để giữ bản sắc thì nên tôn trọng nguyên trạng. Với cái mới, để tạo bản sắc thì nên mạnh dạn. Đừng lẫn lộn hai phía, hai dạng khác nhau trong bảo tồn và phát triển. Đối với các di sản vật thể thì phải bảo tồn hình thể tối đa. Đối với các di sản phi vật thể, nhất là các lễ hội, thì phải phục dựng nguyên gốc tối đa, tránh nhất là “sân khấu hóa” chúng, biến chúng thành trò diễn để xem. Lễ hội là của người dân diễn xướng và tham dự chứ không phải để họ ra ngoài không gian lễ và hội, biến họ thành khán giả xem diễn hội trên sân khấu. Tóm lại, theo tôi, hãy để các giá trị văn hóa truyền thống, các giá trị văn hóa hiện đại, sống đúng đời sống thực của nó. Can thiệp thô bạo là phá hoại và phá hủy chúng.
Câu hỏi cuối của tôi là, điểm xuất phát cho hành trình này, nếu tính tại thời điểm này, chúng ta nên bắt đầu từ đâu, từ vấn đề hay lĩnh vực gì?
Trong hai mươi lăm đổi mới đất nước, chúng ta đã có bước phát triển dài về kinh tế, nhưng hình như có nơi, có lúc lại đang thụt lùi về văn hóa. Hay nói cách khác, phát triển và văn hóa chưa đi đôi với nhau. Hiện nay ta lại đang bàn nhiểu về sự phát triển bền vững, mà muốn thế thì không thể xem nhẹ phát triển văn hóa và văn hóa của phát triển. Tôi cho ở thời điểm này, nếu lấy xuất phát điểm cho hành trình đi tới, ta phải bắt đầu từ văn hóa. Văn hóa rộng là cho mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, để không còn những hành xử thô bạo đến mất nhân tính của con người với con người, của con người với thiên nhiên, của con người với văn hóa vật chất và tinh thần, của con người với chính mình. Văn hóa hẹp là cho ngành văn hóa. Trước hết và trên hết những người quản lý và thực hành công việc văn hóa phải biết rõ: văn hóa là gì và văn hóa làm gì.
Cái tréo ngoe, bất cập của ta là chỗ đó. Ai cũng nói rất hay rằng văn hoá là động lực, là mục tiêu nhưng lại cư xử với nó cứ như là cái phòng chờ, phòng khách vậy. Đẹp hơn, sang hơn nhưng không chất chứa nhiều các giá trị. Cái chất nghiệp dư nó cứ lồ lộ ra ở bất cứ lĩnh vực nào của đời sống văn hoá. Cái chưa đượccủa văn hoá nước mình có lẽ một phần là do đó mà ra. Cảm ơn ông về cuộc trao đổi hôm nay .
Phan Thắng (thực hiện)
Nguồn: Văn hoá Nghệ An