Ai cũng có quyền tự do quan niệm và tự do phát biểu quan điểm; quyền này bao gồm quyền không bị ai can thiệp vì những quan niệm của mình, và quyền tìm kiếm, tiếp nhận cùng phổ biến tin tức và ý kiến bằng mọi phương tiện truyền thông không kể biên giới quốc gia. - Điều 19, Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền

25/2/11

Tản mạn về văn minh và văn hoá

PGS.TS Phạm Duy Nghĩa
Ngày xưa các cụ thường bảo người Tây chỉ hơn ta vì họ giỏi cái văn minh cơ khí, chứ còn phương Đông nghìn năm thâm trầm và huyền bí, nền văn trị, dùng văn để giáo hoá con người, tức là văn hoá của ta chẳng dày gấp mấy lần xứ họ.
Và cứ thế, lo ta có đặc thù, sắc thái riêng, mọi chính sách quốc gia cũng vì thế mà phải cắt xén gọt giũa cho phù hợp với người ta. Tựa như lá, cành, thân, rễ, từ ngàn đời nay thói quen sống, tư tưởng, cách người Việt Nam chúng ta nhìn và đối xử ở đời, tất cả những nguồn hành vi ứng xử âý đã tạo nên văn hoá như một cái cây dẻo dai và rắn chắc gắn với số phận dân tộc chúng ta. Chúng ta nghèo và lạc hậu, cũng một phần vì cái nền văn hoá cổ kính của chính dân tộc chúng ta.

Ngày nay, chỉ còn mười năm nữa nước ta đến hạn phải thực hiện giấc mơ lớn “công nghiệp hoá, hiện đại hoá”, tức là đuổi theo cái văn minh cơ khí từ phương Tây. Từ tàu cao tốc đến điện hạt nhân, nhiều đời dành dụm hoặc nhờ vào tiền vay không chóng thì chầy nước ta sẽ có đủ những thứ tối tân ấy. Xưa cái ô tô về quê là cả làng ra xem, nay hàng triệu chiếc đang chen lấn trên đường, chủ xe giữa phố đông đôi khi tủi thân mãi bị xua đuổi mà chẳng kiếm được một chỗ khả dĩ để đậu xe. Xe hơi là sản phẩm văn minh cơ khí, nhập vào nước ta không quá khó, song liệu khuôn mặt lấp ló sau chiếc vô lăng tối tân ấy có đủ văn hoá để hành xử trong hỗn độn giao thông ngày nay, đó mới là điều đáng bàn.
Công nghiệp hoá không chỉ là tàu cao tốc với điện hạt nhân, ứng xử của con người Việt Nam cũng cần phải phù hợp với văn minh công nghiệp. Liệu văn hoá người dân nước ta, tự hào nghìn năm, trong vòng mười năm nữa, đã sẵn sàng cho những điều kiện sống mới mà người ta mong là hiện đại. Liệu tới khi ấy dân tộc chúng ta đã quen xếp hàng, quen xả rác đúng nơi quy định, biết dừng trước đèn đỏ và nhường nhịn khi tham gia giao thông? Liệu cho tới khi ấy học sinh có bớt hung hãn khi tới trường, tội phạm có giảm, trong nô nức lấn đường chào đón ngày Giáng sinh của Đức Chúa từ phương Tây có còn ai chạnh lòng lo khói hương ngày Tết.
Dùng văn hoá để giáo hoá, nếu theo cách hiểu ấy hành vi ứng xử có giáo dục không chỉ thuộc phạm vi quản lý và trách nhiệm của riêng ngành văn hoá. Thêm nữa, giữ lấy ứng xử có văn hoá không thể chỉ bằng những lễ hội và sự kiện, bằng những bằng khen và danh hiệu khu phố văn hoá, làng văn hoá, gia đình văn hoá. Lễ hội, tín ngưỡng là việc của dân gian, hình như Nhà nước nếu muốn góp phần vào giáo hoá dân chúng cần phải lo làm những công việc đúng chức năng hơn.
Khó có thể ngồi chờ cái cây văn hoá ngàn đời với âm dương ngũ hành, tục lệ và vô tận những thói quen tự diễn biến, tự đổi thay cho hợp với văn minh cơ khí ước mong sẽ đạt được vào mười năm tới. Từ truyền thống văn trị, trọng tình, Nhà nước phải tác động và những hành vi ứng xử của con người qua những chuẩn mực đơn giản, rõ ràng, dễ hiểu, dễ thực hiện và ép buộc thực hiện. Những chuẩn mực ấy không có gì tốt hơn là luật pháp.
Hai mươi năm yêu lấy thị trường, chợ đã đông vui với nửa triệu công ty và doanh nghiệp, tư nhân đã góp tới 48% GDP trên đất nước này. Hai mươi năm từng bước hợp thức hoá sở hữu tư nhân, nay những ông chủ mới đã dần hiện rõ mặt. Chỉ có điều văn minh công nghiệp không chỉ có được bởi kinh tế thị trường và sở hữu tư nhân. Chủ thay khuôn mặt mới song luật chơi cua rmuôn đời chưa thật mới. Nếu pháp luật chỉ là thành luỹ bảo vệ người giàu và có thế lực, chúng ta sẽ mau chóng có tàu cao tốc và điện hạt nhân, song một nền công lý đảm bảo công bằng về cơ hội cho bất kỳ ai vẫn chưa thể đến với dân tộc chúng ta.
Vì lẽ ấy, trên hành trang vươn tới văn minh công nghiệp hoá, tự hào với ngàn năm văn trị, song xin đừng quên những thành tố khác đảm bảo cho quốc gia bền vững. Đó chính là xã hội công dân với hàng triệu công dân tích cực tham gia xây dựng và giám sát chính quyền. Đó cũng chính là một chế độ thượng tôn pháp luật, như cách đây hàng thế kỷ những người ái quốc Việt Nam đã từng mong “bảy xin hiến pháp ban hành, trăm điều phải có thần linh pháp quyền ”.

VIỆT NAM YÊU DẤU