Những suy nghĩ trong bài viết này tập trung xung quanh một vấn đề: thế nào là tinh thần đại học. Những gì được nói ra ở đây cũng không phải là mới mẻ, tuy thế dường như đã bị lãng quên hay chưa được ý thức đầy đủ. Những suy nghĩ này cũng không có tham vọng bao quát hết mọi phương diện, mà chỉ dừng lại ở những phương diện đã không còn gây tranh cãi khi các nhà giáo dục thế giới đề cập đến giáo dục đại học.
Tinh thần đại học là tinh thần tư duy, không phải là tinh thần học thuộc lòng. Điều này hiển nhiên đúng với đối tượng những sinh viên có khuynh hướng trở thành người nghiên cứu. Điều này cũng đúng đối với đối tượng đại trà, đại đa số những sinh viên học để chuẩn bị một nghề cho tương lai. Nếu như họ phải học và nắm bắt các kiến thức là để chuẩn bị cho cuộc sống của họ sau khi ra trường, để chuẩn bị đối diện và giải quyết các vấn đề mà thực tế sẽ đặt ra cho họ. Hơn thế để suy nghĩ và tìm cách xây dựng một cuộc sống thực sự xứng đáng với mong muốn của họ. Do vậy mà (điều này đã được nhắc lại đến phát nhàm nhưng vẫn chưa bao giờ cũ) giáo dục đại học không phải là cung cấp kiến thức mà là cung cấp phương pháp và dạy cách tư duy. Dạy tư duy khác với dạy kiến thức như thế nào? Điều này sẽ được đề cập tới ở một dịp khác.
Ở đây, vấn đề đặt ra là: làm sao dạy cho sinh viên cách tư duy thực sự nếu như không cho phép họ đi tới tận cùng các giới hạn có thể của tư duy, nếu như không cho phép họ suy nghĩ về các vấn đề của chính họ, về hiện tại của họ, và về tương lai của họ? Và sinh viên làm sao có thể suy nghĩ về các vấn đề của họ, các vấn đề liên quan đến đời sống hiện tại của họ và tương lai của họ, nếu như không cung cấp thông tin cho họ? Tất cả các sự việc đang diễn ra trong đời sống cộng đồng ở tất cả mọi phương diện (kinh tế, chính trị, xã hội, giáo dục, quân sự…) đều liên quan trực tiếp hay gián tiếp đến mỗi cá nhân, nếu họ không được cung cấp thông tin làm sao họ có thể suy nghĩ? Và làm sao họ có thể suy nghĩ thực sự về các vấn đề ấy nếu như họ không được quyền thảo luận, không được quyền bàn bạc, không được quyền đề cập đến chúng, nếu như họ không được dạy cách thảo luận, không được dạy cách bàn bạc và tư duy về các vấn đề ấy?
John Stuart Mill |
Tinh thần đại học là tinh thần khái quát hóa. Đây là một ý tưởng được Whitehead trình bày trong cuốn Những mục tiêu của giáo dục. Ông cho rằng ở đại học, người sinh viên không nên cắm cúi nhìn xuống bàn để thu lượm các kiến thức cụ thể như hồi học sinh nữa. Họ cần phải đứng lên để nhìn rộng ra xung quanh, để có một tầm nhìn bao quát. Cách dạy ở đại học cần đi từ những ý tưởng phổ biến, phải xem xét các khía cạnh, các sự kiện cụ thể trong tầm vóc của các ý tưởng phổ quát. Vì thế, “một giáo trình đại học được tổ chức tốt là một sự nghiên cứu về tầm rộng của tính phổ quát”2.
Tinh thần đại học còn là tinh thần tự do. Đại học tạo điều kiện cho sự hình thành và phát triển các tài năng. “Tạo điều kiện” thôi, bởi vì đương nhiên ai cũng biết tài năng là rất hiếm và đại học không đẻ ra được các tài năng. Đấy là điều kiện gì? Và đây là câu trả lời của John Stuart Mill: “Những cá nhân thiên tài là một thiểu số nhỏ bé và chuyện này có lẽ bao giờ cũng vậy; nhưng để có được họ thì phải chăm lo đất trồng để các thiên tài từ đất ấy lớn lên tươi tốt. Thiên tài chỉ có thể hít thở trong một bầu không khí của tự do. […] Tôi đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của thiên tài và sự cần thiết phải cho phép họ được tự do bộc lộ bản thân mình, cả về phương diện tư tưởng lẫn thực hành”3. Không có gì rõ ràng hơn thế: đại học muốn góp phần đào tạo các thiên tài, thì nhất thiết phải để cho họ tự do thể hiện bản thân họ, tự do thể hiện tài năng của họ. Nếu thiếu đi điều kiện này thì rất có thể đại học sẽ trở thành nơi bóp nghẹt các thiên tài ngay từ khi họ chưa kịp bộc lộ, ngay từ trong trứng nước. Vậy nên thực tế có thể xảy ra trường hợp: tài năng mà một trường đại học thiếu tự do tưởng là đào tạo được đôi khi chỉ là hình ảnh lộn ngược của tài năng.
Tuy nhiên tự do không chỉ là điều kiện cho các thiên tài phát triển mà còn là điều kiện cho tất cả các sinh viên bồi đắp các năng lực của họ, có thể đó là những năng lực không thuộc dạng đặc biệt, nhưng cần thiết cho cuộc sống và cần thiết để họ tự khẳng định mình như những cá nhân độc lập và độc đáo. Thực ra cần phải hiểu rằng mong muốn có nhiều Ngô Bảo Châu sẽ chỉ là một mong muốn mang tính chất ảo tưởng4, nếu không tạo được điều kiện và môi trường cần thiết cho sự xuất hiện và sự khẳng định của những người hiếm hoi như Ngô Bảo Châu. Các nhà giáo dục trên thế giới đều thống nhất rằng điều kiện và môi trường cần thiết ấy chính là tự do. Tự do để khai phóng mọi năng lượng, khai phóng mọi khả thể, khai mở mọi khả năng sáng tạo, để cho tất cả mọi người đều có thể phát triển trí tuệ tới một mức độ nhất định, chính trên nền tảng trí tuệ cao đó mới có thể hình thành nên các cá nhân xuất sắc.
-------------------------------------
1 Bên cạnh những câu hỏi này là hàng loạt những vấn đề khác. Đơn cử một chuyện: các loại hình thức luyện thi trong đó có luyện thi vào đại học là cách thức lý tưởng và hữu hiệu để giết chết khả năng tư duy của học sinh, và không chỉ khả năng tư duy mà còn cả sự hứng thú và ham thích hiểu biết của họ. Đương nhiên, không vì thế mà ta đánh giá thấp học sinh, vì kể cả khi họ chấp nhận học luyện thi vì mục đích trước mắt là vào đại học, thì có thể một phần mạnh mẽ trong con người họ vẫn chống lại phương pháp của cơ chế luyện thi.
2 Alfred North Whitehead, Những mục tiêu của giáo dục, Hoàng Phú Phương dịch, NXB Thời đại & Đại học Hoa Sen, 2010, tr.102.
3 John Stuart Mill, Bàn về tự do, Nguyễn Văn Trọng dịch, NXB Tri Thức, 2005, tr.148-149.
4 Điều này cũng tương tự như cái mong ước về một nhà văn lớn của chúng ta, đó là một mong ước mang tính ảo tưởng dù rất chính đáng. Điều kiện về mặt văn hóa xã hội và tư tưởng hiện tại chưa cho phép, ít ra là trong tương lai gần, sự xuất hiện một nhà văn như mơ ước của một vài tầng lớp độc giả Việt Nam hiện nay, những người đã tiếp xúc với những tác giả tầm cỡ của thế giới. Tuy nhiên, điều đó không ngăn cản các nhà văn làm công việc của họ để tạo điều kiện cho sự ra đời của những tài năng tương lai. Và các nhà văn của chúng ta cũng cần tìm hiểu xem các nhà văn lớn được đào luyện và tự đào luyện như thế nào, tài năng của họ được nuôi bằng nguồn dinh dưỡng nào.
Nguồn: Tia sáng