Ai cũng có quyền tự do quan niệm và tự do phát biểu quan điểm; quyền này bao gồm quyền không bị ai can thiệp vì những quan niệm của mình, và quyền tìm kiếm, tiếp nhận cùng phổ biến tin tức và ý kiến bằng mọi phương tiện truyền thông không kể biên giới quốc gia. - Điều 19, Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền

7/11/14

ÁN LỆ MIRANDA VÀ "QUYỀN ĐƯỢC BIẾT QUYỀN CỦA MÌNH"

Ủy ban Luật gia Quốc tế (ICJ), trong một cẩm nang về giám sát việc xét xử trong tố tụng hình sự, định nghĩa về quyền được biết quyền của mình như sau: “Ai bị bắt giữ cũng đều có quyền được thông tin, bằng thứ ngôn ngữ họ hiểu được, về quyền của họ (a) được có đại diện pháp lý; (b) được bác sĩ khám và trị bệnh; (c) thông báo cho người thân hoặc bạn bè về việc mình bị bắt; (d) liên lạc hoặc thông báo cho cơ quan lãnh sự (trong trường hợp họ là công dân nước ngoài) hoặc một tổ chức quốc tế có thẩm quyền (trong trường hợp họ là người tị nạn, người vô tổ quốc hoặc đang được sự bảo vệ của một tổ chức liên chính phủ nào đó); và (e) được hướng dẫn thông tin về cách làm thế nào để tận dụng những quyền đó”.
______________
Đoan Trang
Nguồn: LUẬT KHOA TẠP CHÍ

Sau hai tiếng đồng hồ thẩm vấn, gã đàn ông gục đầu chịu thua. Cảnh sát rời phòng hỏi cung với bản lời khai và nhận tội có chữ ký tay của hắn. Nhưng chẳng một ai trong phòng thẩm vấn khi ấy – cả điều tra viên lẫn nghi can – biết rằng, hai tiếng đồng hồ đó sẽ mở ra một cuộc chiến pháp lý kéo dài về một vấn đề rất nhạy cảm và gây tranh cãi, đó là các quyền của bị cáo, trong đó có “quyền được biết quyền của mình”.
Nghe còn có vẻ “vô lý” và gây “phiền nhiễu” hơn cả quyền im lặng, đó là quyền được biết quyền của mình. Nó là một trong những quyền của người bị bắt, bị tạm giữ, chưa xét xử. Trong lịch sử tư pháp nước Mỹ, có một vụ án rất nổi tiếng liên quan đến quyền này, trong đó một kẻ phạm tội hiếp dâm từng suýt thoát được mức án 30 năm tù chỉ vì lý do “không được cho biết quyền của mình”.
Bị bắt sau khi gây án 10 ngày
Rạng sáng ngày chủ nhật, 3/3/1963, trên đường đi bộ từ trạm xe buýt về nhà, một thiếu nữ 17-18 tuổi (sau này được gọi bằng cái tên giả là Lois Ann Jameson”) ở Phoenix, bang Arizona, bị một gã đàn ông bịt miệng, lôi tuột vào xe hơi, trói vào ghế sau của xe, rồi chở đi một nơi khác cưỡng hiếp. Sau đó y lái xe quay lại chỗ cũ và quẳng cô gái xuống đó.
Được biết chuyện, gia đình nạn nhân lập tức báo cảnh sát và cảnh sát cũng đến làm việc ngay lúc 2h sáng. Dựa theo những mô tả của nạn nhân về chiếc xe (màu xanh lá cây, đầy mùi nhựa thông, phía sau ghế trước có quấn một sợi dây thừng) và thủ phạm (người gốc châu Mỹ Latin, khoảng 27-28 tuổi, nước da sậm màu, tóc xoăn, cao khoảng 1m8), một tuần sau, điều tra viên Carroll Cooley thuộc Sở Cảnh sát Phoenix đã dần dần có được manh mối về nghi phạm: Một người đàn ông tên là Ernesto Miranda, sinh năm 1941, có tiền án trộm cắp, cố ý hành hung và cưỡng hiếp, từng bị bắt 6 lần, đi tù 4 lần.
Thứ tư, ngày 13/3/1963, Ernesto Miranda bị hai điều tra viên Carroll Cooley và Wilfred Young mời về đồn thẩm vấn. Tại đây, sau một cuộc thẩm vấn, họ đưa Miranda vào đứng bên cạnh ba người đàn ông gốc châu Mỹ Latin khác xấp xỉ nhau về chiều cao và cân nặng, để nạn nhân bí mật nhận diện. Do vụ cưỡng hiếp xảy ra trong đêm tối nên cô gái Lois Ann Jameson không thật nhớ mặt thủ phạm, chỉ nói rằng kẻ mang số 1 trông giống cái gã đêm đó.
Miranda lineup 1963
Ernesto Miranda (bìa trái) đang xếp hàng cùng ba người đàn ông khác cho nạn nhân nhận diện. Ảnh: AZCentral.
Sau đấy, Cooley và Young đưa Miranda vào một căn phòng có lẽ rất đáng sợ đối với bất kỳ ai đang bị cáo buộc phạm tội. Theo nhà lịch sử hiến pháp Liva Baker ghi lại, đây là “một khu vực biệt lập, không có luật sư, không nhân chứng, không thiết bị ghi âm”. Hai điều tra viên nói với Miranda rằng anh ta đã bị nhận diện (thật ra thì không hẳn như vậy, Lois Ann Jameson chỉ nói là Miranda “trông giống” thủ phạm thôi). Rồi họ đưa cô gái vào phòng. Nhìn thấy cô, Miranda có vẻ choáng váng. Cô gái nghe Miranda trả lời thẩm vấn, về sau cô xác nhận với cảnh sát rằng giọng anh ta giống giọng kẻ đã cưỡng hiếp cô đêm 2/3, rạng sáng 3/3.
Sau khi cảnh sát đưa cô gái ra, một trong hai điều tra viên hỏi Miranda:
- Có đúng cô ấy không?
- Đúng – Miranda đáp.
Ngay lúc đó, hai điều tra viên hỏi tiếp rằng Miranda có chịu nhận tội không. Vừa sợ, vừa hoang mang, mệt mỏi, Miranda chấp thuận.
Vậy là chỉ sau hai tiếng đồng hồ “làm việc”, Miranda đã phải ký vào một văn bản nhận tội hiếp dâm, trong đó anh ta ghi rõ: “Dưới đây tôi xin thề rằng các lời khai của tôi là tự nguyện, do tôi tự quyết, không bị đe dọa, không bị bức cung, không được hứa hẹn miễn trách, và tôi hoàn toàn ý thức được về các quyền của mình, cũng như hiểu rằng mọi lời khai của tôi có thể được sử dụng để chống lại tôi”.
Nhưng chẳng một ai trong phòng thẩm vấn khi ấy – cả điều tra viên lẫn nghi can – biết rằng, hai tiếng đồng hồ đó sẽ mở ra một cuộc chiến pháp lý kéo dài về một vấn đề rất nhạy cảm và gây tranh cãi, đó là các quyền của bị cáo, trong đó có “quyền được biết quyền của mình”.
Cuộc chiến dai dẳng
Mấu chốt của vấn đề là, Miranda chưa từng được thông báo đầy đủ về các quyền mà anh ta có. Cụ thể là, trước khi cảnh sát đưa cho anh ta tờ khai để anh ta tự viết những lời nhận tội của mình (như đã khai nhận), anh ta đã không hề được thông báo về quyền im lặng, cũng không được cho biết là mọi lời khai của anh ta trong quá trình thẩm vấn có thể được sử dụng làm bằng chứng chống lại anh ta. Bản thân là người nghèo, Miranda không có tiền thuê luật sư, nên vào ngày 15/3/1963, tại phiên điều trần (hearing) đầu tiên trong đó bị cáo nhận thông báo về cáo buộc đối với mình, tòa đã chỉ định cho anh ta một vị luật sư già, Alvin Moore, 73 tuổi.
Tại phiên tòa, khi công tố viên đưa tờ khai nhận tội của Miranda ra làm bằng chứng, luật sư Alvin Moore lập luận: Vì Miranda không được cho biết về quyền của anh ta, cho nên, bản nhận tội kia không hoàn toàn là tự nguyện. Bởi vậy, nó mất hiệu lực.
Lập luận của luật sư bị bác và Miranda bị kết án 20 năm tù vì tội bắt cóc, 30 năm tội tù vì tội hiếp dâm. Luật sư chống án lên Tòa Tối cao bang Arizona, vẫn với lập luận rằng Miranda không tự nguyện nhận tội, sử dụng lời khai của anh ta là sai. Tòa tuyên y án.
Vụ việc tiếp tục được đưa lên Tòa án Tối cao Hoa Kỳ (còn gọi là Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ) vào tháng 6/1965. Do luật sư Alvin Moore không đủ sức khỏe tham gia tiếp, một luật sư hình sự khác là John F. Lynn và đồng sự John P. Frank tình nguyện bào chữa cho Miranda theo đề nghị của tổ chức Liên đoàn Tự do Dân sự Hoa Kỳ (ACLU).
phoenix-attorney-john-flynn-with-miranda1
Luật sư John Flynn (trái) đang trao đổi với Ernesto Miranda tại tòa án. Ảnh: Arizone Republic.
Quan điểm của “phe đa số” trong Tòa án Tối cao Hoa Kỳ được Chánh án Earl Warren tuyên đọc, cho rằng cuộc thẩm vấn của cảnh sát đối với Miranda trong lúc đang tạm giữ anh ta, có tính chất cưỡng ép, bức cung. Trong khi đó, căn cứ vào Tu Chính Án Số 5 (về việc tự khai báo có hại cho mình) và Tu Chính Án Số 6 (về quyền có luật sư) của Hiến pháp Mỹ, thì mọi lời khai của nghi phạm khi không có ý thức về quyền của mình đều không được chấp nhận.
Chánh án Earl Warren phát biểu:
“Trước khi bị thẩm vấn, người bị tạm giam phải được thông báo rõ ràng rằng anh ta có quyền im lặng và bất kỳ điều gì anh ta nói đều sẽ được sử dụng làm bằng chứng chống lại anh ta trước tòa. Anh ta phải được thông báo rõ ràng rằng anh ta có quyền tham vấn luật sư và quyền được có luật sư ở bên cạnh trong suốt quá trình thẩm vấn, và nếu anh ta là người nghèo thì sẽ có một luật sư được chỉ định để đại diện cho anh ta”.
Do Miranda không được cho biết về những quyền đó (quyền im lặng, quyền có luật sư), cho nên biên bản nhận tội của anh ta trở thành vô giá trị.
5 trên 9 thẩm phán của Tòa án Tối cao Hoa Kỳ nhất trí với quan điểm này. Vậy là phán quyết của các tòa án cấp bang bị hủy. Thậm chí phe đa số còn nêu rõ, nếu nghi phạm được biết các quyền của mình và thực thi các quyền đó thì:
  • Nếu nghi phạm tuyên bố anh ta muốn im lặng, cảnh sát phải ngừng thẩm vấn;
  • Nếu nghi phạm đòi quyền có luật sư, cảnh sát phải ngừng thẩm vấn, chờ đến khi luật sư có mặt. Lúc đó, nghi phạm phải có quyền làm việc riêng với luật sư, tham vấn luật sư, và sau đó nếu cảnh sát tiếp tục thẩm vấn thì nghi phạm phải có luật sư hiện diện bên cạnh.
Phe thiểu số cho rằng phe đa số cường điệu hóa chuyện bức cung, và họ cũng dự báo: Nếu được cho biết quyền của mình thì nghi phạm nào cũng sẽ đòi có luật sư và cảnh sát sẽ rất khó buộc được nghi phạm khai nhận điều gì.
Mặc dù vậy, phán quyết trước đó của Tòa Tối cao bang Arizona vẫn bị lật ngược.
Nói chung cách trình bày câu từ có thể khác đi nhưng nội dung của “Thông báo Miranda” thường đi theo công thức chung sau: “Anh có quyền im lặng; mọi điều anh nói đều có thể bị sử dụng làm bằng chứng chống lại anh trước tòa án do luật định. Anh có quyền tham vấn luật sư, và có quyền được có luật sư hiện diện trong quá trình thẩm vấn; nếu anh không đủ tiền chi trả cho luật sư thì sẽ có một luật sư được chỉ định bào chữa cho anh, nếu anh muốn”.
Đoạn kết
Sau phán quyết của Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ, Tòa án bang Arizona phải xử lại Miranda. Bản nhận tội của Miranda không được đưa ra làm bằng chứng nữa. Tuy thế cuối cùng anh ta vẫn bị kết tội như cũ và lĩnh án 20-30 năm tù cho hai tội bắt cóc và hiếp dâm, tổng hợp hình phạt là 30 năm tù.
Năm 1972, Miranda được tha sớm. Sau đó, anh ta còn nhiều lần phạm tội này tội khác. Cuối cùng, vào ngày 31/1/1976, anh ta bị đâm chết trong một cuộc ẩu đả trong quán bar ở Phoenix, Arizona.
Dù sao đi nữa, cái tên Miranda cũng đi vào lịch sử tư pháp, khi mà từ câu chuyện của anh ta, Tòa án Tối cao Hoa Kỳ ra phán quyết rằng mọi bị can, bị cáo trong các vụ án hình sự đều phải được thông báo về các quyền của mình, trong đó có quyền im lặng và quyền được có luật sư. Thông báo đó được gọi bằng cái tên “thông báo Miranda”.
Ủy ban Luật gia Quốc tế (ICJ), trong một cẩm nang về giám sát việc xét xử trong tố tụng hình sự, định nghĩa về quyền được biết quyền của mình như sau: “Ai bị bắt giữ cũng đều có quyền được thông tin, bằng thứ ngôn ngữ họ hiểu được, về quyền của họ (a) được có đại diện pháp lý; (b) được bác sĩ khám và trị bệnh; (c) thông báo cho người thân hoặc bạn bè về việc mình bị bắt; (d) liên lạc hoặc thông báo cho cơ quan lãnh sự (trong trường hợp họ là công dân nước ngoài) hoặc một tổ chức quốc tế có thẩm quyền (trong trường hợp họ là người tị nạn, người vô tổ quốc hoặc đang được sự bảo vệ của một tổ chức liên chính phủ nào đó); và (e) được hướng dẫn thông tin về cách làm thế nào để tận dụng những quyền đó”.
Lược dịch từ  “Chương I, vụ án Miranda và bang Arizona, Các phán quyết của Tòa án Tối cao. New York: Chelsea House Publishers, 2007″ và Wikipedia (mục từ “Earnesto Miranda”).

VIỆT NAM YÊU DẤU