Mặc dù khói lửa chiến tranh giữa hai miền Nam, Bắc vẫn còn rất khốc liệt, nhưng suốt bài diễn văn Lincoln không có một lời đả kích dành cho phía miền Nam theo giọng điệu chiến tranh tâm lý mà chúng ta thường thấy trong các cuộc xung đột vũ trang xưa nay.
Trần Ngọc Cư______________
Trần Ngọc Cư
Nguồn: Văn hóa NGHỆ AN
Trong những năm qua, chúng ta thường nghe cụm từ “chính phủ của dân, do
dân và vì dân” được lặp đi lặp lại bởi cả hai phía trong cuộc tranh
luận về dân chủ tại Việt Nam. Người viết bài này xin mạo muội trình
bày bối cảnh lịch sử của bài diễn văn mà vị tổng thống thứ mười sáu của
Hoa Kỳ đã đọc nhân lễ khánh thành nghĩa trang quốc gia Gettysburg, trong
đó đã xuất xứ một châm ngôn chính trị được nhiều người trích dẫn...
Gettysburg là tên một thành phố nhỏ của bang Pennsylvania, thuộc về
lãnh thổ miền Bắc trong cuộc nội chiến Nam-Bắc cuả Hoa Kỳ. Từ mùa xuân
1863, quân miền Bắc và quân miền Nam quần thảo nhau trên một điạ bàn
rộng lớn hai bên bờ sông Potomac. Mặc dầu với một quân số 75 ngàn, đối
đầu với 125 ngàn Bắc quân, tướng Robert Lee của miền Nam quyết giữ thế
tiến công, đưa quân vượt sông Potomac, dàn trải trên một vòng cung dài
80 km ở miền nam Pennsylvania. Lee bất chấp sức ép lớn lao của quân
miền Bắc luôn đè nặng lên cánh phải của quân mình. Vào ngày 1-7-1863,
một sư đoàn Nam quân tiến vào thành phố Gettysburg lùng sục tìm giày,
rồi đụng độ với hai lữ đoàn kỵ binh của Bắc quân ở phía đông bắc của
thành phố. Cả hai địch thủ đều xin quân tiếp viện. Thế là như những
mảnh sắt vụn bị thu hút vào một viên nam châm, hai đại quân hội tụ vào
chiến địa này. Đánh nhau ba ngày liên tiếp, quân miền Nam thiệt hại rất
năng nề sau những đợt tiến công táo bạo nhưng bị đẩy lui, trong khi quân
miền Bắc vẫn giữ được phòng tuyến. Sáng ngày 4 tháng 7 là ngày Quốc
khánh Hoa kỳ, cả hai đội quân đều mệt mõi, binh lính chỉ còn chống lên
vũ khí để lấy sức. Nếu quân miền Bắc phản công lúc đó, có thể họ đã gây
thiệt hại to lớn cho quân miền Nam, một sự thiệt hại vượt ngoài tầm mức
có thể gượng dậy được. Nhưng tướng tư lệnh George G. Meade của Bắc
quân đã do dự và để mất cơ hội. Ngày 5-7 Lee rút quân về vùng an toàn.
Lần đầu tiên tướng Lee rõ ràng bị đánh bại trên chiến trường.
Gettysburg đánh dấu một bước ngoặc quan trọng trong nội chiến Hoa Kỳ, vì
sau đó quân miền Nam không còn dám xâm nhập miền Bắc.
Hơn bốn tháng sau, ngày 19-11-1863, Tổng thống Abraham Lincoln đến làm
lễ khánh thành cho một nghĩa trang quốc gia trên phần đất của chiến địa
Gettysburg. Tại đây ông đọc một bài diễn văn chỉ dài trên 2 phút đồng
hồ, trong đó có cụm từ bất hủ, “chính phủ của dân, do dân và vì dân.”
Giá trị văn chương của bài diễn văn nội tại ở một bút pháp vừa giản dị,
trong sáng, vừa súc tích. Nhưng cái sâu sắc mà người đời có thể phát
hiện ở nhân cách của Lincoln là đức tính khiêm cung của một nhà lãnh
đạo. Mặc dù khói lửa chiến tranh giữa hai miền Nam, Bắc vẫn còn rất khốc
liệt, nhưng suốt bài diễn văn Lincoln không có một lời đả kích dành cho
phía miền Nam theo giọng điệu chiến tranh tâm lý mà chúng ta thường
thấy trong các cuộc xung đột vũ trang xưa nay.
Diễn văn Gettysburg
Tổng thống Abraham Lincoln đọc tại lễ khánh thành Nghĩa trang Quốc gia tại Gettysburg, ngày 19-11-1863
Tám mươi bảy năm về trước cha ông chúng ta đã khai sinh trên lục địa
này một quốc gia mới, một quốc gia được thai nghén trong tinh thần tự do
và được cống hiến cho triển vọng là mọi người sinh ra đều bình đẳng.
Bây giờ chúng ta đang lâm vào một cuộc nội chiến lớn, thử nghiệm xem thử
quốc gia này, hay bất cứ quốc gia nào được thai nghén như thế hay được
cống hiến như thế, có thể trường tồn hay không. Chúng ta đang tề tựu
trên một chiến trường lớn của cuộc chiến này. Chúng ta đến đây để hiến
dâng một phần của chiến địa làm nơi an nghỉ cuối cùng cho những người đã
hi sinh tính mạng nơi đây để cho quốc gia này sống còn. Đây cũng là
một việc phù hợp và chính đáng mà chúng ta phải làm. Nhưng trong một ý
nghĩa rộng lớn hơn chúng ta không đủ tư cách để hiến dâng, chúng ta
không thể thánh hóa, chúng ta không thể tôn vinh vùng đất này. Những
chiến sĩ can trường, hiện còn sống hay đã chết, những người chiến đấu
nơi đây, đã thánh hóa nó vượt quá tầm mức mà khả năng thấp hèn của chúng
ta có thể thêm hay bớt. Thế giới sẽ ít lưu ý, thậm chí không nhớ lâu,
những điều chúng ta tuyên bố nơi đây; nhưng họ sẽ không bao giờ quên
được những gì mà các chiến sĩ anh dũng đã làm nơi đây. Nói đúng hơn, là
chính chúng ta, những người sống, phải quyết tâm theo đuổi công tác hãy
còn dang dở, một công tác mà các vị tham chiến nơi đây đã cao cả tiến
hành cho đến ngày hôm nay. Nói đúng hơn, chúng ta đến đây nguyện nêu
cao quyết tâm dành cho nhiệm vụ to lớn còn lại trước mắt, và nhằm tiếp
nối sự nghiệp của các anh linh hiển hách, chúng ta nguyện sẽ tận tụy hơn
nữa cho chính nghĩa mà các vị ấy đã tận tụy phục vụ đến hơi thở cuối
cùng; chúng ta cương quyết rằng các liệt sĩ đã không hi sinh vô ích;
rằng quốc gia này, dưới sự quan phòng cuả Thượng Đế, nhất định sẽ khai
sinh nền tự do, và rằng chính phủ của dân, do dân và vì dân nhất định sẽ không biến mất khỏi mặt địa cầu.