Ai cũng có quyền tự do quan niệm và tự do phát biểu quan điểm; quyền này bao gồm quyền không bị ai can thiệp vì những quan niệm của mình, và quyền tìm kiếm, tiếp nhận cùng phổ biến tin tức và ý kiến bằng mọi phương tiện truyền thông không kể biên giới quốc gia. - Điều 19, Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền

15/11/14

DẠY TRẺ SỰ THẬT

Hãy dạy cho chúng rằng từ chức không nhất thiết phải là việc xấu xa mà là hành động của một người quân tử. Khi mình không đủ năng lực hoàn thành công việc được giao thì việc ra đi, chuyển lại trách nhiệm ấy cho người khác là một hành động tử tế. Danh vọng đâu có xuất phát từ dấu triện nhỏ nhoi trong khi lầm lũi sống nhục níu kéo chiếc ghế thêm một vài năm trong sự dè bỉu của nhân thế. Đó là cách người Nhật hay Hàn Quốc dạy cho con mình sự liêm chính trong suốt cả cuộc đời. -  Nguyễn Công Thảo
______________
Nguồn: Diễn ngôn
Nguyễn Công Thảo
Suốt thập kỉ qua, thôi là cơ man bao nhiêu vấn đề lớn nhỏ được đưa ra để mổ xẻ liên quan đến việc cần phải làm thế nào để nâng cao chất lượng giáo dục tiểu học. Từ việc dạy chữ O hay chữ A trước, rồi giảm tải cho chiếc cặp sách, thay đổi sách giáo khoa, máy tính bảng rồi đến gần đây nhất là chủ trương không chấm điểm. Chúng ta vẫn quẩn quanh với những “cải cách” nằm trong giới hạn mà chưa dám động đến nhiều giá trị căn bản cần phải bổ sung, đó là dạy con trẻ nhìn vào sự thật. 


Ai cũng biết con trẻ là tương lai của một dân tộc. Chính vì thế, hãy cho chúng biết thực trạng nợ công của đất nước, rằng khi chúng lớn lên, món nợ ấy sẽ được đặt lên vai chúng như người Mĩ đang dậy con em họ. Hãy dạy chúng tài nguyên thiên nhiên của chúng ta chẳng còn bao nhiêu, rằng khi chúng lớn lên thì sẽ chẳng còn gì để mà đào, khoan, hút, xúc đặng bán cho người ta để mà thu về ngoại tệ. Chúng sẽ chỉ còn chất xám để bán như thông điệp mà người Nhật luôn nhắc nhở con cháu mình.

Hãy dạy cho chúng biết rằng dẫu người Việt Nam cần cù, chăm chỉ, khéo léo nhưng người dân trên thế giới còn hơn cả thế nữa bởi họ còn làm việc với tinh thần trách niệm không chỉ với bản thân mà còn với người xung quanh và cả thế hệ mai sau. Đừng dấu giếm chúng rằng một lao động từ các quốc gia phát triển hiện đang làm việc hiệu quả bằng hàng chục người như cha, anh của chúng.

Hãy cho chúng biết vị thế kém cỏi, thậm chí nguy cơ tụt hậu của đất nước mình so với nhiều quốc gia khác trên bản đồ nhân loại. Hãy dũng cảm chỉ cho chúng hiểu rằng chẳng có nguyên nhân nào quan trọng hơn chính năng lực con người khi lí giải cho sự nghèo đói, chậm phát triển. Hãy để chúng hiểu rằng việc ngủ vùi trong hào quang của tiền nhân chỉ khiến chúng càng tụt xa so với bạn bè năm châu bốn bể.

Hãy dạy cho chúng rằng từ chức không nhất thiết phải là việc xấu xa mà là hành động của một người quân tử. Khi mình không đủ năng lực hoàn thành công việc được giao thì việc ra đi, chuyển lại trách nhiệm ấy cho người khác là một hành động tử tế. Danh vọng đâu có xuất phát từ dấu triện nhỏ nhoi trong khi lầm lũi sống nhục níu kéo chiếc ghế thêm một vài năm trong sự dè bỉu của nhân thế. Đó là cách người Nhật hay Hàn Quốc dạy cho con mình sự liêm chính trong suốt cả cuộc đời.

Hãy cho chúng biết rằng sự giàu mạnh của một quôc gia không có được từ bảng điểm đẹp, phiếu bé ngoan, hay thành tích lớp chọn, trường điểm. Bạn bè của chúng ở xứ hoa Anh Đào không cần những thứ đó mà vẫn biết chia sẻ từng miếng bánh mì với người xung quanh, kiên trì xếp hàng như người lớn, tình nguyện từ chối những đặc ân để giữ lại giá trị công bằng. Bạn bè chúng đang hàng ngày tiết kiệm tiền ăn sáng để giúp đỡ các cảnh đời khốn khó ở những nước nghèo một cách lặng thầm mà không chờ đợi nhận được sự tung hô. Hãy dạy cho chúng sự chia sẻ, tính tự chủ, và thái độ tự vươn lên chứ không phải sự dựa dẫm vào quyền lực của cha mẹ để thăng tiến.

Cách tốt nhất để thực hiện thông điệp “trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai” chính là dạy cho chúng sự thật, giá trị thật để chúng sẵn sàng mang sứ mệnh đưa dân tộc tiến lên trong ngày mai. 

VIỆT NAM YÊU DẤU