Ai cũng có quyền tự do quan niệm và tự do phát biểu quan điểm; quyền này bao gồm quyền không bị ai can thiệp vì những quan niệm của mình, và quyền tìm kiếm, tiếp nhận cùng phổ biến tin tức và ý kiến bằng mọi phương tiện truyền thông không kể biên giới quốc gia. - Điều 19, Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền

6/11/14

GHI CHÉP VỀ NHỮNG CÁI TÊN

Ngạc nhiên về một hệ thống hành chánh cho phép thay đổi danh tính quá nhanh gọn như vậy, tôi tò mò hỏi thêm thì bị anh bạn cười chọc. “Đó là quyền của mỗi cá nhân. Ở đâu cũng cũng vậy. Nếu anh được gọi là công dân mà không có đủ quyền cho riêng đời mình thì còn gì là văn minh?”, anh bạn này nói.
Nhạc sĩ Tuấn Khanh
_______________
Nhạc sĩ Tuấn Khanh
Nguồn: Tuấn Khanh's blog


IMG_1198.JPG

Trên đường rong ruỗi, ngẫu nhiên quen biết một anh bạn người Việt từng là triệu phú ở Pháp. Anh kể cho tôi nghe chuyện anh làm ăn cực nhọc trong hơn chục năm, may mắn trúng nhiều thương vụ, và trở thành triệu phú ở độ tuổi 30. Thế nhưng chẳng may khi đến Mỹ, lao vào Las Vegas chơi đỏ đen, anh trắng tay và phải làm lại từ đầu. 

Anh bạn kể chuyện đời, rồi nói chuẩn bị đi đổi tên “xả xui”, bắt đầu một cuộc đời mới. Chuyện đổi tên ở nhiều nước trên thế giới rất dễ dàng, có nơi chỉ cần 15 phút, có nơi khó khăn thì khoảng 1 giờ. Ai thích đổi tên gì thì tuỳ. Thậm chí đặt một cái tên nghe như Châu Phi hay Trung Đông cũng chẳng sao.
Ngạc nhiên về một hệ thống hành chánh cho phép thay đổi danh tính quá nhanh gọn như vậy, tôi tò mò hỏi thêm thì bị anh bạn cười chọc. “Đó là quyền của mỗi cá nhân. Ở đâu cũng cũng vậy. Nếu anh được gọi là công dân mà không có đủ quyền cho riêng đời mình thì còn gì là văn minh?”, anh bạn này nói.

Câu chuyện gợi nhớ về nghĩa trang đồng nhi ở Gia Lai. Nghĩa trang của một người bạn tự bỏ tiền ra xây từ nhiều năm trước, nay thì hai bên đồi đã có hàng chục ngàn ngôi mộ nhỏ. Những dãy mộ được phân biệt giới tính bằng cách nếu là nam thì sơn xanh, nếu là nữ thì sơn màu hồng. Anh bạn không đủ sức đặt tên riêng cho vô số những sinh linh bị lìa bỏ trước khi nhận biết thế gian như vậy, nên trên các bia chỉ ghi chung Nguyễn Vô Danh và Nguyễn Thị Vô Danh. Một chiều mưa rất lạnh và âm u, đứng giữa nghĩa trang đó, tôi tự hỏi nếu như từ lớp lớp mộ phần đó, những đứa trẻ hồi sinh, chúng sẽ rũ bùn đất, đứng dậy, ùa chạy vào cuộc đời hay nhẫn nại xếp hàng để chờ được đặt một cái tên đúng cho mình?


Nghĩa trang đó cũng không có tên, người bạn lập nên nghĩa trang cũng từ chối giới thiệu tên mình ra ngoài. Hàng ngàn sinh linh nằm trên những ngọn đồi và hoa dại cũng không có tên. Những cái tên không làm nên cuộc sống. Tên chỉ thật sự là việc xác lập ước lệ quyền nhân thân, xác lập sự khác biệt tương đối của cuộc sống giữa người với người. Nhưng ở ngọn đồi đó, ngay cả những cái chết cũng không cần có tên để giới thiệu sự tồn tại.

Dự luật đòi phải pháp lý hoá, quy chuẩn những cái tên phải thuần Việt của đại biểu Nguyễn Thị Nhung trước quốc hội, cuối tháng 10 mới đây, đã khiến nhiều người phải ngẫm nghĩ và mỉm cười. Chỉ mới là cái tên thôi, giờ đây đã là gánh nặng mỏi mệt và nhiêu khê thủ tục của một kiếp sống. Tên không còn là tên, mà tên đã trở thành một mã số chuẩn được chấp nhận. Rồi biết đâu, nay mai, thành công của dự luật này sẽ thúc đẩy sự việc phát sinh dự luật thuần Việt cho súc vật, không được đặt tên người cho chó mèo?

Cũng ở Gia Lai, câu chuyện về những đứa trẻ mồ côi may mắn có được tên trên giấy tờ có thể sẽ gợi mở được nhiều điều để suy ngẫm. Vài năm trước, một Dì phước (soeur) trẻ chăm sóc trẻ mồ côi ở Cô nhi viện trên thành phố Pleiku kể rằng mỗi năm, nơi này cứu không biết bao nhiêu trẻ bị bỏ rơi. Có những đứa trẻ người dân tộc thiểu số bị chôn sống theo mẹ, khi cứu được thì phải mất gần cả 2 tuần lễ những vết kiến lửa ăn quanh mắt mới gần lành.

Những đứa trẻ này khi 15 tuổi, được cô nhi viện dẫn đi làm giấy tờ cũng gặp không phải là dễ. Rất nhiều em bị từ chối không cấp chứng minh nhân dân với lý do không khai sinh, không rõ nhân thân. Các dì phước phải nhờ những người dân tộc đứng ra nhận chúng làm con, lấy họ người dân tộc để có mảnh giấy ra đời. Rất nhiều đứa trẻ người Kinh đã mang những cái họ không thuần Việt vì nhiều người dân tộc thiểu số của họ có họ theo tên thánh, hay những cái họ bằng tiếng Pháp, tiếng Anh… truyền đời từ những ngày đầu bước vào thế giới văn minh đến nay. Cũng may là chúng đã bước vào đời, dù cái tên không thuần Việt.

Tôi lại nhớ cuốn sách mình vừa đọc của tác giả Trà Vigar, nhớ những bức ảnh của Ina Jara, nhớ giọng ca Ksor Đức, Danh Nay, David Boo… Những người bạn dân tộc thiểu số trên đất nước này, với suy nghĩ rằng những cái tên của họ đa dạng và đẹp đẽ, chứ không phải là những cái tên để đón nhận sự phán xét.

Khi viết đến những dòng cuối của bài viết này, tôi nhìn thấy một người Mỹ già cầm tấm bảng xin tiền, ghi trên đó là một người không nhà cần giúp đỡ. Bỏ vào tay ông mấy đồng, hỏi thăm tên ông. Người ăn xin đó lịch sự hỏi lại tên, và tò mò “anh là Trung Quốc hay Nhật”. Sau khi biết là người Việt, ông ta cẩn thận hỏi lại cái tên, vì khó đọc “Kane?”. Tôi gật đầu cười và bước đi. Cái tên có quan trọng gì đâu, chỉ cần biết tôi là một người Việt, đã tốt rồi.

VIỆT NAM YÊU DẤU